Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (50)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1966 rời TD2/TQLC học Sỹ Quan Trung Cấp ở Hoa Kỳ (50)

TĐ2/TQLC hành quân Cao Nguyên (Vùng II) giải tỏa quận Đắc Tô, Đức Cơ, Phú Bổn và các trục lộ giao thông…
Sau 18 tháng giữ chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2/TQLC, rời tiểu đoàn du học Sỹ Quan Trung Cấp Hoa Kỳ năm 1966 (50)

Ðược một thời gian thì Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 2 xử dụng TĐ2/TQLC vào cuộc hành quân giải tỏa Tỉnh lộ Pleiku-Quy Nhơn đã bị gián đoạn do VC chiếm giữ một vài cái đèo ở khoảng giữa đường.

Cuộc hành quân được diễn ra bằng hai mũi tiến quân từ Pleiku kéo xuống và từ Quy Nhơn tiến lên. Cánh quân từ Pleiku do một Tiểu Ðoàn Nhẩy Dù đảm trách, còn từ Quy Nhơn tiến lên do TĐ2/TQLC trách nhiệm. Ngoài hai lực lượng trên còn có các đơn vị yểm trợ khác như Pháo Binh và Công Binh vì suốt dọc con lộ có nhiều cầu và đường bị phá hoại cần phải có Công binh để sửa chữa.

Ðịa thế suốt khu vực hành quân nhất là nằm ở phía nam, một dãy đồi núi cao chạy dài, có chỗ đã bị chận đánh trước 1954 (khu vực đèo An Khê). TĐ2/TQLC đã tiến quân rất cẩn thận theo hai bên đường lộ. Cuộc tiến quân hơi chậm nhưng chắc chắn để tránh rơi vào bẫy phục kích của địch. Trên đường tiến quân, chỉ gặp một vài đụng độ với du kích địa phương không đáng kể. Vào khoảng vài ngày thì hai cánh quân bắt tay nhau. Sau đó thì các đơn vị tiếp tục lục soát chiếm giữ những yếu điểm để an ninh cho các đơn vị công binh sửa cầu đường. Khoảng một tuần lễ thì con đường số 19 nối liền Pleiku-Quy Nhơn thông suốt. Việc đi lại bằng xe cộ trở lại bình thường. Các lực lượng địa phương của Tỉnh và Quận trách nhiệm đóng quân bảo vệ an ninh tỉnh lộ. Cuộc hành quân vừa chấm dứt được một thời gian, thì TĐ2/TQLC (Trâu Điên) lại tiếp tục làm nhiệm vụ giải tỏa tỉnh lộ 21 từ Nha Trang lên Ban Mê Thuột. Sự thể cũng không khác gì tỉnh lộ 19. 

Quốc Lộ 19 (Pleiku – Tuy Hòa)

Mục tiêu của địch là muốn cô lập Cao nguyên Pleiku-Kontum với đồng bằng miền Trung. Công tác này cũng do hai binh chủng Nhẩy Dù và TQLC làm nhiệm vụ chủ lực. Rút kinh nghiệm của cuộc hành quân  trước, vì địa thế cũng gần tương tự như tỉnh lộ 19, nhưng tương đối dễ tiến quân hơn. Việc giải tỏa cũng được diễn ra trong một thời gian ngắn, không có sự hiện diện của quân chính quy CSBV.

Trong thời gian này thì Quân Ðội Hoa Kỳ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở miền Nam VN bằng một cuộc đổ bộ của Binh chủng TQLC Hoa Kỳ lên bái biển Nam Ô ở phía bắc Thị Xã Ðà nẵng. Phải chăng do tình hình chiến trận diễn biến bất lợi cho Quân Ðội VNCH, và chủ chương, chính sách của Hoa Kỳ chưa đạt được.

Tiếp sau cuộc hành quân giải tỏa tỉnh lộ 21 giữa Nha trang-Ban Mê Thuột thì TĐ2/TQLC được điều động lên Tân Cảnh tỉnh Kontum Tân Cảnh vì trước đó một đơn vị của Trung Ðoàn thuộc Sư Ðoàn 22 BB đã bị phục kích trên đường vào tiếp viện Quận Dakto đang bị đánh chiếm và đã khiến cho vị Trung Ðoàn Trưởng bị tử thương. Do đó mà TĐ2/TQLC đã có mắt tại Tân Cảnh (bắc Kontum) và được giao trách nhiệm giải tỏa Quận lỵ Đắc Tô (Dakto).

Rút kinh nghiệm, theo địa thế hai bên đường lộ, một bên là suối sâu, một bên là các đồi núi cao, nên tiển đoàn không tiến quân theo đường cũ của Trung Ðoàn BB mà đi sâu vào phía trong và băng qua đồi núi để tiến gần đến quận lỵ. Muốn vào mục tiêu, tiểu đoàn đã phải băng qua một con suối chắn ngang nằm sâu dưới chân núi. Các ĐĐ phải tuần tự đổ dốc thật nguy hiểm dưới sự yểm trợ của hỏa lực cơ hữu và pháo binh. Ðịa thế khó khăn nhưng có cây cối che khuất, nên địch ở phía bên kia suối cũng khó mà quan sát thấy. TĐ2/TQLC phải mất đến hai tiếng mới vượt qua con suối mà không có phản ứng nào của địch.

Từ bờ suối đến quận lỵ không xa lắm, khoảng 700 thước, và từ phía đông quận lỵ, tiểu đoàn dàn quân tiến vào. Còn cách một, hai trăm thước thì từng loạt đạn bắn ra, tôi ra lệnh cho hai ĐĐ tiền phong xung phong vào quận lỵ. Khi đột nhập được vào mục tiêu thì một số địch quân, có lẽ thuộc lực lượng địa phương du kích vội vã rút chạy về phía bắc. Quang cảnh quận lỵ thật vắng lặng, không một bóng người, vì tất cả đã bỏ chạy về Tân Cảnh. Thời gian đã về chiều, tiểu đoàn phân chia lục soát và tổ chức phòng thủ đêm.

Ngày hôm sau, tiểu đoàn tiếp tục hành quân về phía bắc theo một thung lũng khá rộng hướng về phía bắc, giáp ranh với Lào và Campuchia (gọi là ngã ba biên giới) có một đồn biên phòng do lực lượng Ðặc Biệt trấn giữ (tôi không hiểu còn hay mất). Tại một địa điểm không xa quận lỵ, ở một khu trống trải, chúng tôi phát giác ra những đường giây điện thoại chạy ngang dọc ngoài khu vực mà trực thăng có thể đổ quân xuống.

Ðịch đã ước tính sai, vì chúng tôi đã hành quân bộ. Thực ra thì cũng chỉ vì không có phương tiện trực thăng. Lúc đó Bộ binh Hoa Kỳ chưa tới VN đủ để bung ra 4 Quân Khu. Trường hợp thực hiện bằng trực thăng vận, chắc chắn là sẽ có một cuộc đụng độ dữ dội không biết thắng bại ra sao. Do đó địch đã bỏ ý định lúc ban đầu và rút quân khỏi Dakto, tránh đụng độ với TQLC mà chúng không ăn chắc. Khoảng mười hôm trấn đóng tại Dakto, khi các cơ quan hành chánh Quận trở lại làm việc, cũng như lực lượng địa phương đảm trách bảo vệ an ninh bố trí xong, thì tiểu đoàn rút khỏi quận lỵ trở về Kontum. Nghỉ dưỡng quân ít ngày, tiểu đoàn lại lên đường trở lại BTL Quân Ðoàn 2 để nhận nhiệm vụ mới hoạt động tại Tiểu Khu Phú Bổn (một tỉnh mới thành lập trong thời kỳ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lấy Quận Cheo Reo làm Tịnh lỵ). Tỉnh này phần lớn thuộc người Thượng Bana sinh sống trong các buôn làng bao quanh bởi hàng cây rậm rạp hoặc một vài đồn điền cao su mới khai thác.

Tình hình địa thế thật khó khăn tạo ra bởi các đồi núi, thung lũng và suối sâu. Trong đó có con đường tỉnh lộ số 7 nối liền từ Pleiku qua Phú Bổn tới tỉnh Tuy Hòa ở gần biển. Con lộ này, khi tình hình hoạt động của VC  ngày càng lớn mạnh, đã không xử dụng đến nữa. Tới đầu tháng 3/1975 khi các lực lượng của Quân Ðoàn 2 rút khỏi cao nguyên Pleiku-Kontum, thì đã xử dụng con đường này để di chuyển về Tuy Hòa, nhưng vì lâu ngày bỏ hoang nên cầu đường hư hỏng khá nhiều, xen lẫn với sự truy kích của quân CS  Bắc Việt đã gây ra biết bao thảm cảnh chết chóc cho các đơn vị rút lui cũng như dân chúng di tản.

Theo ước tính của BTL Quân Ðoàn 2 thì CS  sẽ không ngờ Quân Đoàn lại rút lui bằng con đường đó, nhưng tính cách bất ngờ đã không còn nữa khi lực lượng rút lui quá đông, đường sá, cầu cống bị hư hỏng nên yếu tố nhanh chóng cũng mất. Ngoài ra còn những yếu tố khác như: chỉ huy, kỷ luật v.v.. nên địch đã nhận ra và cho quân truy kích, đánh phá suốt đoạn đường biến Tỉnh Lộ 7 thành tử lộ…Với một địa thế như vậy, bao quanh một tỉnh lỵ nghèo nàn, trong một tình hình chiến trận sôi động, tỉnh lỵ đã thành mục tiêu cho đối phương, nên đã rơi vào tình trạng bao vây. Tỉnh lộ 7 bị cắt đứt tương tự như các tỉnh lộ 19 và 21. Hơn nữa Phú Bổn cũng nằm trên một vị trí chiến lược chi phối cao nguyên xuống vùng đồng bằng. Do đó TQLC đã được gửi tới để tăng cường cho các lực lượng địa phương hành quân giải tỏa áp lực của địch cũng như khai thông con đường số 7.

Cũng như cuộc hành quân giải tỏa tỉnh lộ 19 và 21, chủ lực CSBV cũng né tránh và chỉ để lại các thành phần địa phương, du kích hoạt động quấy rối gay khó khăn đôi chút mà thôi, và rồi cũng chỉ một thời gian mươi, mười lăm hôm thì tình hình trở lại bình thường, hết bắn phá quấy rối và pháo vào Tỉnh lỵ. Sau đó thì TĐ2/TQLC được lệnh trở về hậu cứ nghỉ dưỡng quân. Ðược hơn một tháng thì TĐ2 cùng với TĐ5/TQLC (mới thành lập) và BCH Chiến Ðoàn do Trung Tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy lên đường trở lại vùng cao nguyên rừng núi, sương mù, đất đỏ.

Tình hình tại đó vấn chưa được sáng sủa, địch đang dồn áp lực đánh phá, bao vây đồn lực lượng Ðặc Biệt tại Ðức Cơ, ở phía tây nam tỉnh lỵ Pleiku, sát biên giới Việt-Miên. Chiến Ðoàn được không vận xuống phi trường Cù Hanh (Pleiku). Tại BTL Quân Ðoàn 2 (lúc này do Thiếu Tướng Vĩnh Lộc làm Tư lệnh). Chiến Ðoàn TQLC được giao nhiệm vụ tăng cường hành quân cho các lực lượng hoạt động trong khu vực bao quanh đồn Ðức Cơ, trong đó có một đơn vị Nhẩy Dù. Cuộc hành quân giải tỏa Ðức Cơ được giao cho Chuẩn Tướng Cao hảo Hớn (Tư lệnh phó) chỉ huy. TQLC được tăng cường một Chi Ðoàn hỗn hợp chiến xa và thiết quân vận. Ðoàn quân được quân xa chuyển tới một con sông thì xuống xe đi bộ qua cầu.

Tại bờ tây con sông (cũng là tuyến xuất phát) Chiến Đoàn hợp cùng với đơn vị thiết giáp tiến quân theo hai bên đường, đều bị hạn chế bởi các thung lũng chạy dọc theo. Trên lộ trình, lâu lâu có đi qua một vài ấp nằm sát con lộ. Dân chúng đều thuộc thành phần di cư từ ngoài Bắc vào nên cũng yên trí một phần nào về tin tức hoạt động của địch. Ðến gần chiều tối, khi tiến tới một địa điểm chỉ còn cách đồn Ðức Cơ khoảng 4, 5 cây số, thì đột nhiên địch đột kích vào phía sau một ĐĐ của TĐ2/TQLC khi vượt qua một đoạn đường dốc, nhưng may không thiệt hại gì cả.

Lập tức TĐ2 được lệnh của Chiến Đoàn phối hợp với Thiết giáp mở cuộc phản công, nhưng địch bố trí trên địa thế cao hơn nên khó tiến quân, địa thế lại hẹp không thể mở rộng đội hình được. Giằng dai một hồi lâu, lúc tiến rồi lại lùi mỗi khi địch mở hỏa lực. Sau tôi phải thảo luận với vị chỉ huy thiết giáp, bằng cách xả hết tốc lực, có TQLC tháp tùng, đồng thời mở hết hỏa lực, thì quả nhiên dưới sức tấn công mạnh mẽ, địch tháo lui xuống thung lũng ở phía nam và con dốc được chiếm đóng.

Sau đó thì Chiến Ðoàn TQLC và Thiết giáp bố trí đóng quân theo hai bên lộ. Nhưng vào khoảng nửa đêm, VC lại lợi dụng đêm tối từ hai thung lũng tới bắn quay rối và dùng súng cối bắn vào đoàn quân ta. Dưới hỏa lực của thiết giáp và bộ binh, một giờ sau trở lại yên tĩnh cho tới sáng.

Ngày hôm sau trước khi di chuyển, TĐ2/TQLC được lệnh lục soát phía bắc, nhưng cũng không thấy dấu vết gì của địch. Về sau, khi hành quân trở về, thì được tin là sở dĩ địch bố trí tại đỉnh dốc con lộ và đột kích phía sau TĐ2/TQLC là bảo vệ cho đơn vị của chúng rút lui từ hướng bắc về phía nam, nhưng chưa đi thoát được bao nhiêu thì ta quay lại phản công, nên số còn lại phải nằm trú ẩn dưới thung lũng ở phía bắc đường lộ cho tới chiều ngày hôm sau khi TQLC và Thiết Giáp tiến quân về đồn Ðức Cơ.

Trường hợp nếu TĐ2 phát giác ra được thì địch hết đường chạy và chỉ còn có đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Khi đoàn quân tiến tới sát trại Lực Lượng Đặc Biệt thì nơi đây đã được Nhẩy Dù và bộ binh giải tỏa, trong ngoài đã bắt tay được với nhau. Sau đó, Chiến Đoàn mở cuộc hành quân lục soát khắp khu vực kế cận tới biên giới Campuchia nhưng không kết quả. Ðịch đã rút vào trong nội địa Campuchia. Trong thời gian này, một chiếc máy bay khu trục F-100 của Không quân Hoa Kỳ bị hỏa lực phòng không VC  bắn rơi cách TĐ2/TQLC chừng 15 cây số, trong rừng sâu. Phi công nhẩy dù thoát nạn, không hiểu về sau có được trực thăng tới cứu thoát hay không. Hành quân được hơn mười ngày thì Chiến Đoàn di chuyển về lại Pleiku và nhận lệnh tiếp tục di chuyển lên Kontum. Được biết tình hình tại đó cũng không tốt đẹp gì cho lắm, có một đơn vị lớn của VC  đang hoạt động chung quanh Tỉnh lỵ để chờ cơ hội tấn công. Bởi vậy Chiến Đoàn có nhiệm vụ mở cuộc hành quân lùng diệt địch. Vùng hành quân nằm về phía đông tỉnh lỵ Kontum chừng 30 cây số đường chim bay.

Tình hình địa thế cũng không khác mấy với những nơi khác của vùng cao nguyên, nghĩa là vẫn rừng núi, cây cối rậm rạp, thung lung sâu, rất mệt nhọc cho quân sĩ phải hành quân lâu ngày. Không quân và Pháo binh yểm trợ khó khăn. Một khi muốn xác định vị trí chính xác, phải trèo lên cây cao, dùng một cây sào dài, đầu buộc một trái lựu đạn khói màu để cho máy bay dễ quan sát thấy, tuy vậy cũng phải dùng đến vài trái khói mới đạt kết quả, còn nếu ở dưới đất, khói bay lên đến ngọn cây thì đã tản hết nên vô dụng. Xử dụng pháo binh thì lại càng khó hơn vì trong rừng sâu quan sát và nghe bị hạn chế rất nhiều, chỉ có tiếng dư âm tiếng vang mà thôi.

Theo tôi nhận xét, thì địch không tội gì mà đóng quân trong rừng sâu, mà luôn luôn bám vào các bản, buôn, xử dụng dân để làm tai mắt. Bởi vậy nhiều lần, mới khi hành quân mà gặp một buôn, làng là y như chạm địch, không lớn thì nhỏ, nên tiểu đoàn rất cẩn thận khi tiến vào bản, làng.

Kết cuộc hành quân dài người, địch chẳng thấy đâu mà chỉ bị vắt cắn đầy người, nhất là trong mùa mưa lạnh giá. Bởi vậy tin tức tình báo không nắm vững thì chỉ khổ cho các đơn vị tác chiến cứ chạy đuổi theo, luôn ở thế hạ phong, bị động. Kết quả hành quân thì nhiều mà kết quả thâu lượm chẳng được là bao. Ngoài ra các lực lượng địa phương của ta lại quá yếu về cả hai mặt tinh thần chiến đấu và trang bị vũ khí, nên một khi không có đơn vị chính quy yểm trợ là không bảo vệ được khu vực giao phó cũng như đồn trại và cơ sở, một khi bị đánh phá bởi lực lượng địa phương chứ đừng nói tới chính quy của địch.

Trong khi đó thì chủ lực của ta chỉ có hạn không thể bao vùng hết được, còn phải đương đầu với chính quy địch, không lẽ dùng con dao to để mổ xẻ những con cá nhỏ, hoặc như một võ sĩ đấm vào chỗ không. Sau những ngày dài hành quân trong rừng sâu, Chiến Đoàn TQLC rút về tỉnh lỵ Kontum và dưỡng quân tại một doanh trại của một Trung Ðoàn thuộc Sư Ðoàn 22 BB. Khi đó thời gian đã thuộc vào những ngày cuối năm 1965.

Nghỉ được ít ngày thì tôi nhận được lệnh chuẩn bị bàn giao đơn vị và trở về Sài Gòn thiết lập hồ sơ theo học khóa Trung Cấp tại Hoa Kỳ. Lễ bàn giao đơn vị có sự hiện diện của Tướng Khang Tư Lệnh Binh Chủng. Thiếu Tá Lê hằng Minh vừa đi học ở Hoa Kỳ về thay thế tôi giữ chức vụ tiểu đoàn Trưởng TĐ2/TQLC.

Như vậy là tôi làm Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 (Trâu Điên) TQLC hơn 18 tháng.

 [Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc tiếp] 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt