Trung Cộng đang soán ngôi Mỹ ở Thái Lan?!

Địa chính trị của Thái Lan (mũi tên đỏ) ở Đông Nam Á

Thái Lan là đồng minh thân cận của Mỹ sau Đệ II Thế Chiến vào năm 1945. Trong chiến tranh Việt Nam, Thái Lan là hậu phương vững chắc của Mỹ tại châu Á, có phi trường với khả năng hạ cánh pháo đài bay hạng nặng B52 ở U-Tapao nằm phía Nam thủ đô Bangkok chừng 87 miles. Thái Lan có nhiều hậu cứ đồn trú những đội máy bay cường kích của quân đội Hoa Kỳ để yểm trợ đúng lúc cho chiến trường Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Hơn thế nữa, Thái Lan còn là trung tâm tình báo của Mỹ ở châu Á, là con mắt thần ở ngã ba biên giới Việt-Campuchia-Lào.
Tất cả vấn đề trên đều được thực hiện đúng mức qua thỏa thuận Thanat–Rusk được ký vào tháng 3 năm 1962 giữa hai Ngoại trưởng Thái Lan và Hoa Kỳ Thanat Khoman và Dean Rusk (1). Trong thỏa thuận này, Mỹ còn khẳng định hỗ trợ Thái Lan nếu có sự xâm lược của nước láng giềng châu Á – ngầm ý muốn nói đến khối Cộng Sản xâm lược chủ trương nhuộm đỏ thế giới qua bàn tay nối dài của Trung Cộng và Cộng Sản Bắc Việt thời bấy giờ .

Vào thập niên 1960, để chứng minh sự gắn bó keo sơn với Washington, Thái Lan phá lệ, lần đầu tiên đưa gần 40,000 binh sĩ tham chiến tại Việt Nam (nước ngoài) trong đó có Sư Đoàn Mãng Xà Vương (Queen’s Cobra / mang huy hiệu con rắn hổ mang) đóng ở vùng Biên Hòa từ năm 1965 -1972.

Sau chiến tranh Việt Nam năm 1975, ngoại giao giữa Thái-Mỹ vẫn là đồng minh thân cận, hằng năm Mỹ-Thái đã tổ chức cuộc tập trận quân sự Cobra Gold lớn nhất ở Đông Nam Á (2). Vào năm 2003, Mỹ một lần nữa Mỹ từng xác định Thái Lan là một đồng minh lớn của Mỹ ngoài khối NATO ở châu Âu. 

Dù vậy, trong gần thập niên lại đây, thực tế đã chỉ ra những dấu hiệu Thái Lan đang đi gần với Trung Cộng về quốc phòng lẫn kinh tế làm cho uy thế của Mỹ giảm dần ở đất nước địa chính trị quan trọng này.

Số là bắt đầu từ cuộc đảo chánh ngày 22 tháng 5 năm 2014 của Tướng Prayut Chan-o-cha, rồi ông ngồi ghế thủ tướng Thái Lan gần 10 năm, từ 2014-2023. Tướng Prayut là Tư lệnh Quân đội Hoàng Gia Thái Lan (RTA), đảo chánh chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra làm thủ tướng. Ngay sau cuộc đảo chính này, Hoa Kỳ đã lên tiếng không ủng hộ một chính quyển lãnh đạo bởi quân đội bằng cách giảm những hỗ trợ quân sự, giảm quy mô các cuộc tập trận chung Thái-Mỹ gọi là Cobra Gold (Rắn Hổ Mang Vàng) JME (Joint Military Exercise) và đình chỉ viện trợ quân sự với ngân khoản 3.5 triệu USD cho Thái Lan.

Sự giảm bớt mọi thứ trên là cơ hội bằng vàng để Trung Cộng thọc tay vào một nước đồng minh của Mỹ. Đúng như vậy, giới lãnh đạo quân đội Thái Lan nhanh chóng xoay qua bắt tay với Trung Cộng để lấp vào khoảng trống mà Thái Lan đang cần về quốc phòng lẫn kinh tế. 

Trong một bình luận viết trên South China Morning Post ngày 5 tháng 8 năm 2023 (3) của 2 tác giả Brian Y. S. Wong and Tidarat Yingcharoen với chủ đề: “Làm thế nào Thái Lan có thể xích lại gần Trung Cộng bất chấp sự cạnh tranh của Mỹ trong tình hình căng thẳng của địa chính trị?” – Trong đó nhấn mạnh hai trọng điểm: Thứ nhất: Quân đội Thái Lan nay tập trung vào việc gìn giữ hòa bình trong khu vực với Trung Cộng, đặc biệt là ở Myanmar và thứ hai: Thái Lan tiếp tục là vùng đất an toàn cho đầu tư từ mọi hướng, đồng thời cho nơi kết nối giữa người với người trên thế giới qua kỹ nghệ du lịch. Những hàm ý lý luận có tính chiến lược như vậy thì Thái Lan đang giảm nhẹ vai trò đồng minh thân cận trước đây, thân thiện bang giao mọi hướng đông tây. Đều này đã thay đổi căn bản lập trường chống Cộng đứng về tự do dân chủ trước đây của Thái.
Bài báo còn cho biết vào năm 2022 giao thương giữa Thái Lan – Trung Cộng vượt lên cao ngất ngưỡng đến 135 tỉ USD, chiếm 27% GDP của nước này là $498 tỉ USD. Năm 2019 Thái Lan là nơi đón tiếp hơn 11 triệu du khách Trung Cộng, nâng số khách du lịch cao nhất trên thế giới đến đến nghỉ mát tại Thái Lan (4).
Về quân sự, Trung Cộng đã đảm nhận vị trí quan trọng kể từ năm 2016 đến năm 2022, Thái Lan đã nhận được nhiều vũ khí từ Trung Cộng với trị giá 394 triệu USD gần gấp đôi so với Hoa Kỳ 207 triệu USD.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ở Thụy Điển (SIPRI), những vũ khí mà Thái Lan mua của Trung Cộng từ năm 2014 đến nay gồm tàu ngầm để thay thế tàu khu trục nhỏ, hỏa tiễn chống hạm, hệ thống phòng không và xe thiết giáp. Thái Lan còn cho biết rằng Vũ khí Trung Cộng rẻ hơn so với vũ khí tương đương của Mỹ, do đó Thái Lan tiết kiệm được ngân sách quốc phòng. Trung Cộng và Thái Lan đã mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung JME (Joint Military Exercise) (5), càng ngày càng nhiều và càng có những chi tiết đi chiến thuật chiến đấu hơn là giao hảo.

Đáng kể là năm 2017 Thái-Trung chỉ có có một cuộc tập trận chung, đến năm 2023 con số tập trận đã tăng lên ba lần, gồm trên đất liền, trên biển và trên không tại Thái Lan.
Dù rằng đem so sánh thì những cuộc tập trận chung giữa Trung Cộng – Thái Lan không quy mô bằng Hoa Kỳ-Thái Lan nhưng Thái-Trung liên tục tập trận nhiều lần để quân đội Trung Cộng tập dượt quân sự mà phía Trung Cộng chưa có kinh nghiệm nhất là không quân và hải quân. Như năm 2015 cuộc tập trận giữa không quân Thái Lan dùng máy bay chiến đấu Falcon Strike của Mỹ và chiến đấu cơ tương tự J-11 của Trung Cộng trong bảy ngày liền để rút ra ưu và khuyết điểm giữa hai loại phi cơ chiến đấu này.
Về sau, Trung Cộng đã đầu tư nhiều phương tiện chiến tranh hơn vào các cuộc tập trận chung như thêm máy bay cảnh báo sớm (AEW), máy bay ném bom và các đơn vị phòng không, như vậy sẽ giúp cho Trung Cộng có kinh nghiệm tác chiến hỗn hợp giữa binh chủng không quân và phòng không nhằm gia tăng kinh nghiệm chiến đấu trên thực địa của quân đội Trung Cộng.

Hiện nay Mỹ vẫn tổ chức nhiều cuộc đối thoại song phương về huấn luyện và quốc phòng chung với Thái Lan, tuy nhiên căn cứ những con số mua bán vũ khí, giao thương, tập trận chung giữa Thái Lan-Trung Cộng càng ngày càng nhiều dần, đã cho chúng ta thấy ảnh hưởng của Trung Cộng từ số không bắt đầu nở lớn ra theo thời gian và nay đã qua mặt Mỹ tại đất nước Nam Châu Á có địa chính trị rất cần thiết cho chiến lược siêu cường của Mỹ.

Nước đi của Trung Cộng đối với Thái Lan cũng như họ đã sử dụng với Campuchia và Lào trước đây – chỉ có cách thực hiện đa dạng nên nhìn có vẻ khác nhau nhưng đều chung một mục đích mà họ đã biến Campuchia và Lào thành con nợ và chư hầu. Thái Lan dường là  “con cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vào” lộ trình của Trung Cộng!

Cho đến giờ này, Mỹ sẽ vẫn còn là đồng minh của Thái Lan có thể trong thời gian ngắn nữa nhưng không biết đến bao lâu?! Trong khi những nỗ lực của Trung Cộng rất tận tụy tiến nhanh, tiến nhanh cường độ hợp tác quốc phòng và kinh tế với Thái Lan bên cạnh những phiền phức quan hệ ngoại giao giữ Thái-Mỹ như  là những rào cản.

Washington hiện nay có thể để Trung Cộng thay thế Mỹ và trở thành đối tác an ninh chính của Thái Lan về lâu dài hay sao? Điều này, chắc chắn sẽ làm suy yếu đến tận cùng ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á.

Hoa Kỳ đang để các nước trong khối ASEAN lần lượt rơi vào quỹ đạo của Trung Cộng đó ư?! Nếu như vậy thì Hoa Kỳ đã tự mình từ chối vai trò siêu cường trên thế giới?!

Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 12, 2023
Lê Hoành Sơn


(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Thanat%E2%80%93Rusk_communiqu%C3%A9

(2) https://www.reuters.com/world/thailand-hosts-thousands-us-troops-annual-cobra-gold-drills-2023-02-28/

(3) nhttps://www.scmp.com/comment/opinion/article/3229780/how-thailand-can-draw-closer-china-despite-us-rivalry-and-geopolitical-tensions

(4) https://trail.bananabackpacks.com/thailand-tourism-stats/

(5) https://mershoncenter.osu.edu/sites/default/files/2022-11/Writing_Sample_KyuriPark_JME_Hedging_Asia%20%28221115%29.pdf

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt