Hải Chiến Hoàng Sa

NHỮNG DIỄN BIẾN ĐƯA TỚI TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA.

Hình minh họa

– Sự tranh chấp về chủ quyền của các đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được các sử gia và các nhà nghiên cứu về thềm lục địa trình bày rất nhiều. Gần đây nhứt là trong cuốn Ðịa lý Biển Ðông của Hải Quân Trung Tá Việt Nam Cộng Hòa Vũ Hữu San, một công trình nghiên cứu tỉ mỉ, đã sưu tập những tài liệu để chứng minh chủ quyền Việt Nam không những về các hoạt động để xác nhận chủ quyền của quốc gia mà còn phân tích tỉ mỉ về các dữ liệu địa chất, thảo mộc và khí tượng để xác minh là những hải đảo trong vùng Hoàng – Trường Sa đã được tổ tiên chúng ta đặt chân tới đặt bia miếu và trong quá khứ gần đây Việt Nam Cộng Hòa đã tiếp tục tham dự các hoạt đông khí tượng trên bình diện quốc tế.

– Khi chính phủ bảo hộ Ðông Dương của người Pháp vào năm 1933 đã ra nghị định sát nhập hành chánh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào các tỉnh ven biển thì chỉ có duy nhứt Nhật Bản phản kháng mà thôi và cũng chỉ phản kháng lấy lệ và người Pháp vẫn tiếp tục thi hành nghị định đã ban bố trong công báo Pháp.

Ngay cả người Anh, những nhà hàng hải của họ đã khám phá thấy các đảo vùng Trường Sa, nhưng khi Việt Nam, Pháp và Tây Ban Nha ký hiệp ước bảo hộ vào năm 1862 thì họ đã không phản ứng gì.

– Sự chiếm đóng quân sự của Ðài Loan trên đảo Thái Bình, của Phi Luật Tân trên đảo Loại Ta, của Trung Hoa Dân Quốc trên đảo Phú Lâm cực bắc của quần đảo Hoàng Sa chỉ vì người Pháp, trong cuộc chiến tranh Ðông Dương đã phải đương đầu ngặt nghèo với các cuộc hành quân tảo thanh cũng như phòng thủ trong đất liền nên chỉ có thể đặt quân trú phòng trên đảo Hoàng Sa mà thôi bằng khoảng một trung đội lính Lê Dương và đã bỏ ngỏ các đảo quan trọng khác. Ðặc biệt là đảo Thái Bình của quần đảo Trường Sa đã bị quân đội Nhật cưỡng chiếm trong đệ nhị thế chiến. Khi quân Nhật đầu hàng thì Trung Hoa Dân Quốc chỉ có nhiệm vụ giải giới quân đội Nhật nhưng họ đã lợi dụng tình thế bối rối lúc bấy giờ của người Pháp để chiếm cứ luôn, cùng với đảo Phú Lâm của quần đảo Hoàng Sa. Riêng về đảo Phú Lâm thì khi đó chiến tranh quốc – cộng đến thời kỳ gần kết thúc tại lục địa, khiến Trung Hoa Dân Quốc đã buộc phải bỏ ngỏ một thời gian và Trung Cộng đã lấn chiếm vào giữa thập niên 50.

Trận Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974 (Hình minh họa)

– Vào khoảng thời gian này thì Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa còn đang ở trong thời kỳ phát triển, vả lại Hải Quân còn phải tham dự các cuộc hành quân bình định của chính phủ trong sông ngòi cũng như ngoài ven biển nên các hoạt động ngoài biển khơi chỉ được hạn chế trong công cuộc tiếp tục yểm trợ sự hiện diện quân sự trên đảo Hoàng Sa. Khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam có dựng bia để khẳng định chủ quyền quốc gia trên đảo, đại diện cho quần đảo Trường Sa là đảo Trường Sa (Spratly) mà thôi. Hơn nữa, đảo Phú Lâm lại nằm quá sát vĩ tuyến 17 nên còn nằm trong khu vực phi quân sự theo hiệp đinh Ba Lê năm 1954 mà chính phủ Cộng Sản Việt Nam tuy không công nhận nhưng vào lúc này vẫn không dám vi phạm.

– Cho đến khi kỹ thuật khai thác về dầu hỏa ngoài khơi được tiến triển thì vấn đề thềm lục địa được đặt ra, và chủ quyền của các quốc gia trên các hải đảo được chú trọng nhiều hơn. Trong kỳ hội thảo về bản đồ khu vực của Liên Hiệp Quốc cho Á Châu và Viễn Ðông lần thứ Sáu (Sixth United Nations Regional Cartographic Conference For Asia And The Far East) họp tại Teheran, thủ đô Iran vào tháng 10 năm 1970 và kéo dài một tháng, trong đó có các phái đoàn của các nước Ðông Nam Á như Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan), Nhật Bản, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân, Thái Lan, v…v… tham dự, Phái đoàn Việt Nam do Ðại Tá Ðoàn Văn Kiệt (Lục Quân) Giám đốc Nha Ðịa Dư quốc gia, trực thuộc Bộ Quốc Phòng, hướng dẫn trong đó có một vị kỹ sư địa dư và tôi tham dự. Trong mấy ngày đầu của cuộc hội thảo, phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan, do một vị tướng 3 sao lục quân cầm đầu) đột nhiên nêu vấn đề chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi phát triển trong hội trường.

Các chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh tại Hải Chiến Hoàng Sa 19/01/1974

– Vào thời gian này thì tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân đã có thành lập từ lâu Phòng Nghiên Cứu hay Phòng 5, và phòng này đã thu thập được nhiều tài liệu lịch sử cũng như pháp lý về chủ quyền của quốc gia Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng vì đây là một cuộc hội thảo có tính cách hợp tác kỹ thuật do Liên Hiệp Quốc tổ chức, nên tôi đề nghị ngay với Ðại Tá Trưởng phái đoàn là phái đoàn Việt Nam sẽ thảo luận với các phái đoàn Ðông Nam Á khác để được sự ủng hộ của họ hầu phát biểu ý kiến lên hội trường là không đặt vấn đề chủ quyền quốc gia trong cuộc hội thảo nặng về kỹ thuật đồ bản này. Sau đó thì phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc đã không phản đối hay nêu thêm gì khác.

– Cũng cần ghi thêm ở đây là sau kỳ hội thảo tại thủ đô Teheran của Iran, phái đoàn tham dự các cuộc hội thảo kế tiếp đều được Bộ Tư Lệnh Hải Quân đề cử sĩ quan bổ xung vào phái đoàn. Việc nêu chủ quyền trên các hải đảo Hoàng và Trường Sa của Trung Hoa Dân Quốc (Ðài Loan) trong một cuộc hội thảo kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc đã là một chỉ dấu của một khúc quanh về tranh chấp về chủ quyền các hải đảo, các sự đối đầu sẽ không chỉ còn nằm trong phạm vi tuyên cáo và phản đối lấy lệ về ngoại giao nữa như các quốc gia trong vùng đã từng làm trước đây.

– Lý do quan trọng nhứt là việc thăm dò các mỏ dầu hỏa từ năm 1969 đến năm 1971 của Việt Nam Cộng Hòa ngoài khơi Vũng Tàu và Côn Sơn đã làm cho các lân bang chú ý kể cả Trung Cộng và Cộng Sản miền Bắc. Chúng ta còn nhớ là trong khoảng thời gian này, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa đã ra tận một trong các dàn khoan để châm lửa đốt hơi dầu khánh thành sự thành công về công cuộc tìm kiếm với một trữ lượng dầu đáng kể do một công ty khảo sát địa chất Hoa Kỳ tại Houston đảm trách trong một vùng khoảng 4 ngàn hải lý vuông.

– Kể từ tháng chạp năm 1971 thì Việt Nam Cộng Hòa đã đặt ra vấn đề chia khu vực đặc nhượng đã hoàn tất, nhưng mãi đến tháng 7 năm 1973 việc nhượng quyền khai thác mới được công bố. Việc chậm trễ này là do nhu cầu chánh trị của thời điểm này mà chính phủ Hoa Kỳ đã khẩn khoản yêu cầu Việt Nam Cộng Hòa trì hoãn vì vào lúc đó phong trào phản chiến đang lên cao và họ đã chúi mũi dùi vào các hoạt động của các tổ hợp liên quốc dầu hỏa tại Việt Nam và Cam Bốt. Một phần quan trọng nữa là Quốc Hội Hoa Kỳ đã lưu ý đến thềm lục địa vùng Ðông Nam Á vì vấn đề này có liên hệ tới chánh quyền của Hoa Kỳ tại vùng này.

HQ10 Nhật Tảo Hộ Tống Hạm (Patrol Craft Escort) trên đường tham gia trân chiến Hoàng Sa 19/01/1974.

– Do đó vào các năm 1970-1971, việc thăm dò mỏ dầu ít được quảng bá để làm dịu bớt phong trào phản chiến tại nội địa Hoa Kỳ cũng như không làm phương hại tới hòa đàm Ba Lê. Cộng Sản Bắc Việt cũng biết được các dự định của Việt Nam Cộng Hòa về việc đặc nhượng thương mãi tới tháng 6 năm 1971 mới lên tiếng phản đối. Ðương nhiên là Trung Cộng cũng đã theo dõi các tiến triển về thăm dò trong lòng biển và chú tâm nhiều về các trữ lượng dầu hỏa đáng khích lệ trong vùng Biển Ðông.

– Song song với việc thăm dò dầu hỏa là công cuộc thực hiện đặt quân trú phòng trên các đảo còn bỏ trống thuộc quần đảo Trường Sa do chính Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa chủ trương và nắm phần chủ động về mọi công tác. Công cuộc thực hiện này là kết quả của một cuộc thao dượt hạm đội vào đầu mùa hè năm 1973 do Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội lúc bấy giờ là HQ Ðại Tá Nguyễn Xuân Sơn đề xướng với sự chấp thuận của Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Tôi với chức vụ là Chỉ huy trưởng Hải đội 3 (Hải đội tuần dương) đã được Tư Lệnh Hạm Ðội trao phó trách nhiệm tổ chức lực lượng và đặt kế hoạch thao dượt cũng như chương trình thám sát các hải đảo.

– Sau khi hòa đàm Ba Lê được ký kết, thì Hạm đội bấy giờ mới có được một số chiến hạm tạm rảnh tay với công tác tuần dương, cho nên thành phần của hải đội đặc nhiệm đã gồm các chiến hạm khiển dụng hoặc tạm hoãn biệt phái cho Bộ Tư Lệnh Hành Quân Biển, trong công tác tuần phòng cận và viễn duyên. Vào những năm chiến tranh sôi động thì các chiến hạm lớn hay nhỏ không thuộc loại chuyên chở đều phải thay phiên nhau tham dự công tác tuần dương hay tuần duyên hoặc đảm trách một vài nhiệm vụ yểm trợ hải pháo tùy theo nhu cầu trong vùng công tác. Bởi vậy sự hoạt động của các chiến hạm theo từng phân đoàn hay hải đoàn ít khi được thực hiện và có thể nói là gần như không có, và nếu có thì thời gian hoạt động rất hạn hẹp. Cũng cần lạm bàn thêm tại đây là cuộc chiến tranh tiễu trừ cộng sản trong nội địa đã phải cần sự tham dự của các đơn vị Hải Quân rất nhiều vì hệ thống sông ngòi và kinh rạch từ Cửa Việt vào Miền Nam qua mũi Cà Mau cho đến Kinh Vĩnh Tế chạy dọc theo biên giới Miên Việt từ Hà Tiên cho tới Châu Ðốc.

– Thành phần của Hải Ðội đặc nhiệm thao dượt gồm có: 1 Khu trục hạm, 3 Tuần dương hạm, 1 Trợ chiến hạm, 2 Cơ xưởng hạm. Cơ xưởng hạm HQ 802 (Hạm trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công) là soái hạm của cuộc thao dượt. HQ 801 có chở theo sinh viên Sĩ quan của Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang và một vị Hạm trưởng được tăng phái trên chiến hạm này để huấn luyện về tiếp tế ngoài khơi, vì vậy cuộc thao dượt còn là một môi trường huấn luyện trên đại dương cho các sĩ quan Hải Quân tương lai.

– Hải đội đặc nhiệm thao dượt rời quân cảng Sài Gòn trực chỉ đảo Trường Sa và tới đảo vào một buổi sáng. Thời tiết vào đầu mùa hè đã bắt đầu nóng nên cuộc đổ bộ lên đảo được thực hiện thật sớm vì đảo không có cây tương đối lớn khả dĩ có thể cho bóng mát để trú nắng. Công tác trên đảo gồm có dựng cờ quốc gia và xây cất một tấm bia vì tấm bia cũ đã không còn thấy, có thể là đã bị các ngư phủ của các quốc gia lân bang khi dừng chân trên đảo đã phá vỡ.

— Sau khi đổ bộ lên đảo Trường Sa, hải đội thao dượt trực chỉ đảo Thái Bình, Nam Yết (phía nam đảo Thái Bình) và đảo Sơn Ca (đông Thái Bình). Ði qua đảo Nam Yết và Sơn Ca Hải đội thao dượt chỉ quan sát đảo chứ không đổ bộ và sau đó tất cả các chiến hạm đã bỏ neo phía nam đảo Thái Bình. quân trú phòng của Ðài Loan trên đảo đã phải đặt trong tình trạng tác chiến, nhưng sau đó họ nhận thấy quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa nên có thể họ đã an tâm. Hải đội đã liên lạc bằng quang hiệu để xin thăm viếng xã giao trên đảo và được sự đồng ý. Phía đoàn do Tư Lệnh Hạm Ðội hướng dẫn đã lên đảo vào khoảng gần trưa và đã được Ðại Tá Thủy Quân Lục Chiến Chỉ huy trưởng quân trú phòng tiếp đón trong phòng khách của Bộ Chỉ Huy và không có cuộc đi thăm viếng trên hải đảo có thể vì lý do bảo mật của họ.

– Sau khi Thái Bình, Nam Yết và Sơn Ca, Hải đội trực chỉ phía bắc hướng về hai đảo Song Tử Ðông và Song Tử Tây và ghé qua quan sát đảo Loại Ta. Ðảo Loại Ta lúc đó đã do quân đội Phi Luật Tân trú đóng, và một chòi canh đơn sơ có thể được quan sát dễ dàng từ bên ngoài. Hai đảo Song Tử Ðông và Tây tuy nhỏ nhưng rất gần nhau và có một số cây lớn có thể cho bóng mát.

Cuộc thao dượt kéo dài khoảng 1 tuần lễ, trong suốt các hải trình từ đảo này tới đảo khác, các chiến hạm tham dự đã thực tập mọi phương tiện truyền tin từ hiệu kỳ cho đến vô tuyến âm thoại, thực tập tác chiến thế phòng không cho đến chống tiềm thủy đĩnh, hộ tống và tiếp tế ngoài khơi.

Sau cuộc thao dượt, vị Tư Lệnh Hạm Ðội và tôi liên lạc chặt chẽ với Chánh Võ phòng Phủ Thủ Tướng để xin cho hai chúng tôi được trình bầy về quần đảo Trường Sa. Sau khoảng một tuần lễ thì lời thỉnh cầu của chúng tôi được chấp thuận. Hai chúng tôi và một vị Hạ Sĩ quan (Thượng Sĩ VC Nguyễn Mạnh Hưởng) thuộc phòng hành quân Hải đội 3 đã đến Phủ Thủ Tướng với đầy đủ sơ đồ và kính chiếu để thuyết trình trong một buổi hội của Hội đồng nội các do chính Thủ Tướng chính phủ Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm chủ tọa và đông đảo các vị bộ trưởng. Phần thuyết trình là phần mở đầu của buổi hội vào khoảng 9 giờ sáng.

– Tư Lệnh Hạm Ðội, sau phần trình bầy chi tiết địa lý của các hải đảo cũng như sự chiếm đóng đã lâu ngày của Trung Hoa Dân Quốc và Phi Luật Tân, đã mạnh mẽ đề nghị Việt Nam Cộng Hòa phải có sự hiện diện quân sự trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa như: Nam Yết, Trường Sa (Spratly) Song Tử Ðông và Song Tử Tây, v.v… Ðề nghị của Hải Quân đã được toàn thể nội các tán đồng ngay mà không có thắc mắc nào được đưa ra thêm để bàn cãi. Sau phần trình bầy phái đoàn Hải Quân rút ra khỏi phòng hội để hội đồng nội các thảo luận tiếp sang các mục khác của buổi hội.

– Sau đó, lệnh từ Bộ Quốc Phòng đã đến Bộ Tổng Tham Mưu, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Cục Công Binh và Tiểu Khu Bình Tuy để thi hành việc đồn trú quân trên các đảo vùng Trường Sa. Ðảo được thực hiện trước nhất là đảo Nam Yết. Tôi được chỉ định là Chỉ Huy Trưởng đầu tiên của cuộc hành quân Trần Hưng Ðạo 22 (chỉ số không chắc chắn). Vào cuối tháng 5, khi gió mùa đông nam đã nhẹ nhẹ thổi, Dương Vận Hạm HQ 504 (Hạm trưởng HQ Trung Tá Vũ Hữu San) khởi hành từ cầu Tự Do, với khoảng một trung đội công binh, xuồng cao su và vật liệu xây cất doanh trại cho một trung đội bộ binh.

– Sau gần 36 giờ hải hành, việc đổ bộ công binh và vật liệu xây cất cũng như nước ngọt lên đảo rất mỹ mãn và công tác xây cất được khởi sự ngay. Sau vài ngày thì có thêm Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ 4 (Hạm Trưởng HQ Thiếu Tá Nguyễn Quang Ðộ) tới tăng cường. Trong thời gian xây cất, Thủy Quân Lục Chiến của Trung Hoa Dân Quốc ở đảo Thái Bình có gửi một xuồng 3 người xuống gần tới các chiến hạm và khi nhận dạng được thì họ quay đầu về sau đó không có hành động gì khác.

– Công cuộc xây cất doanh trại được hoàn tất trong vòng hơn 2 tuần lễ và một lễ thượng kỳ đã được tổ chức long trọng trên đảo với nhân viên hải quân, công binh và địa phương quân trú phòng. Một bảng khắc chữ bằng kim loại không rỉ sét (inox) ghi tên cuộc hành quân Trần Hưng Ðạo… và cấp bậc, danh tánh của tôi là Chỉ Huy Trưởng cuộc hành quân cùng ngày tháng đã được gắn trên nền của kỳ đài. Tin từ một cựu chiến hữu Hải quân còn ở lại quê hương cho biết là hình ảnh của bản khắc nói trên đã được Việt Cộng xử dụng ít nhứt là một lần trong một cuộc triển lãm tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân VNCH cũ để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng và Trường Sa.

– Theo nhiều phân tích gia thì trong thế kỷ 21, vùng Châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành một khu vực kinh tế rất quan trọng của thế giới, cho nên Trung Cộng không những chỉ muốn đạt tới và duy trì vai trò một siêu cường kinh tế mà còn muốn tái diễn một sức mạnh đế quốc của họ trong lịch sử đối với các nước lân bang như là thuộc quốc phải thần phục và triều cống. Trong quá khứ về trước người Trung Hoa không có khả năng để quan tâm tới biển cả nên chỉ phần lớn xâm lăng bằng đường bộ và lực lượng Hải quân của họ chỉ đủ để bảo vệ vùng ven biển và chống hải tặc hoành hành các vùng cận duyên và các cửa sông.

– Nhưng vai trò mới của Trung Cộng trong vùng Ðông Nam Á về kinh tế cũng như ảnh hưởng về chính trị, cộng thêm với khả năng tối tân của lực lượng hải quân nên Trung Cộng đã đặt nặng vấn đề bành trướng chủ quyền trên mặt biển như một trọng tâm trong tiến trình trở thành một siêu cường trong thế kỷ tới. Cho nên việc hoàn tất cưỡng chiếm toàn quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 bằng một lực lượng hùng hậu về hải lục không quân cũng như quân thủy bộ, và vào các năm sau 1975, các hành động lấn chiếm bằng cách đánh bật lực lượng hải quân Việt Cộng để giành giựt cùng cắm dùi các hải đảo cũng như các bãi đá ngầm trong vùng Trường Sa, đã chứng tỏ là các đường lối của họ đã theo đúng các chỉ đạo chiến lược bá chủ vùng Ðông Nam Á.

– Báo Tuổi Trẻ phát hành ngày 18 tháng Tư 1998 tại Sài Gòn có đăng tải cuộc phỏng vấn của Ðài phát thanh quốc tế Pháp (RFI), Bà Mônich Sơmili (nguyên văn), giáo sư Luật Ðại Học Ðường Paris đã khẳng định là việc Trung Cộng chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, vì những tài liệu lịch sử cho thấy quần đảo thuộc về Việt Nam.

– Bà cũng đề cập đến các dẫn chứng lịch sử từ thế kỷ 17 và thời vua Minh Mạng. Về phía Trung Cộng, tuy họ nói có những tài liệu xưa hơn cả tài liệu của Việt Nam, nhưng lại chưa đưa ra được văn bản nào đáng tin cậy để chứng minh. Ðài RFI cũng nêu tờ Minh Báo của Hồng Kông (ngày 4-4) tiết lộ Trung Cộng có kế hoạch biến một đảo thuộc Hoàng Sa thành một trung tâm du lịch như Hawaii với khách sạn và nhà hàng và một giới hữu trách ở đảo Hải Nam xác nhận là trong vài năm tới sẽ bắt đầu tổ chức du lịch trên quần đảo Hoàng Sa.

– Ðài RFI nhận xét kế hoạch này cho thấy Bắc Kinh vẫn không từ bỏ tham vọng lấn chiếm lãnh thổ dần từng bước không những tại biên giới trên bộ mà còn ở vùng biển. Bộ Ngoại giao cộng sản VN đã kịch liệt lên án kế hoạch này và khẳng định là mọi hành động trái phép của ngoại quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là sự vi phạm chủ quyền lãnh thổ của VN. Cũng nên ghi thêm ở đây là Trung Cộng và Việt cộng đã có tới 10 vòng hội đàm nhưng vẫn chưa giải quyết xong vấn đề Hoàng Trường Sa và cả biên giới trên bộ. Báo Tuổi Trẻ cũng tố cáo là bằng việc xây cất cơ sở hành chánh và với kế hoạch xây khu du lịch để đón du khách, Bắc Kinh đã sáng tạo ra ảo tưởng là quần đảo này vĩnh viễn thuộc về Trung Cộng.

– Không những thế, ngày 21 tháng 5 vừa qua Trung Cộng lại thêm một lần nữa xác nhận chủ quyền trên các đảo Trường Sa. Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Trung Cộng nói: Trung Cộng có chủ quyền không thể chối cãi ở Trường Sa và các vùng biển lân cận và còn nói thêm là các tàu Trung Cộng có những hoạt động khảo cứu khoa học bình thường ở vùng nói trên hồi gần đây là vấn đề hoàn toàn nằm trong lãnh hải của họ.

Trong khi đó thì Bộ Ngoại Giao của Việt Cộng nói chiếc tàu nghiên cứu khoa học của Trung Cộng đã hoạt động sâu trong thềm lục địa Việt Nam từ tháng 4 năm nay.

— Mặc dầu Việt Nam và Trung Cộng đã có hơn 10 cuộc thương thảo về chủ quyền các hải đảo và lẫn cả biên giới trên bộ, nhưng đến nay vẫn chưa có một kết quả cụ thể nào và đương nhiên chúng ta sẽ còn thấy nhiều phen gay go xẩy ra giữa Việt Nam và Trung Cộng trong tương lai là Việt Nam và Thái Lan đã chia phần biển để tìm kiếm dầu trong vịnh Thái Lan sau khi đã đạt tới một sự thỏa thuận về lằn ranh khai thác trên mặt biển.

Hà Văn Ngạc: Cựu Hải Quân Đại tá Việt Nam Cộng Hòa

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt