Quốc hồn đã tỉnh hay chưa, nỗi đau tủi hổ năm xưa vẫn còn !!!

Nhà cách mạng Phan Chu Trinh

Sau hơn một thế kỷ cụ Phan Chu Trinh kêu gọi quốc hồn thức tỉnh, đọc lại những vần thơ ẩn chứa nụ cười chua xót, tủi hổ dân tộc đã từng khiến nhiều người choáng váng choàng tỉnh lại… bỗng giật mình, dường như đâu đó vẫn còn những điều chưa hề đổi thay.

Tỉnh quốc hồn ca I đã vẽ nên bức tranh u ám về những thói hư tật xấu của người Việt trong tình hình đất nước lâm nguy. Đứng trước biến chuyển dữ dội trong và ngoài nước, đứng trước đòi hỏi phải vươn mình “xốc vác cứu giang san”, đời đã mới mà người chưa đổi mới, cụ Phan Chu Trinh cũng như nhiều nhân sĩ khác cùng thời đã nhận thấy người Việt vẫn đang ở trong mê muội mộng du sống từng ngày trong: “mộng khoa cử, mộng quan trường, mộng xôi thịt,…”

Từ quan tới dân chỉ cốt thỏa cái lòng dục về danh lợi, tiền tài, hưởng thụ bản thân mà chà đạp lên người khác,  chà đạp lên lên lợi ích dân tộc. Quốc hồn đã ngủ say, nên cần phải đánh thức nó dậy để giang sơn thay màu áo mới tươi sáng hơn, nhân bản hơn mà từ đó hưng thịnh một cách bền vững hơn.

Sau khi nhắc lại về quá khứ vẻ vang oanh liệt của người Việt, phần sau của Tỉnh quốc hồn ca I chỉ ra cái “mộng” của người trên kẻ dưới đã góp phần làm cho nước nhà lụn bại.

Từ những bậc quyền cao chức trọng:

…Người khanh tướng kẻ tấn (*) thân
Trăm nghề, hỏi có trong thân nghề nào?
Chẳng qua là quơ quào ba chữ,
May ra rồi ăn xớ (**) của dân.
Khoe khoang rộng áo dài quần,
Tráp giày bệ vệ, rần rần ngựa xe.

(*)tấn: lụa đỏ, thân: ống tay áo thụng. Kẻ tấn thân chỉ người làm sang hay bậc thượng lưu.
(**) Ăn xớ hay ăn xới – tiếng địa phương, có nghĩa ăn bớt trước khi đưa đến tay dân.

Người xưa làm quan là để giúp nước giúp dân, làm quan là gánh một trách nhiệm vì người khác, vì đại nghĩa mà quên thân, nhưng cái thời của Phan Chu Trinh cho tới tận bây giờ, làm quan xem ra phần nhiều là vì danh vị quyền lực, tiền tài vật chất.

Thế nên mới lăn vùi cửa trước cửa sau chốn quan trường mà đánh rơi cả nhân phẩm lẫn trách nhiệm lớn lao:

Người mình không đức không tài,
Ham quan ham tước chen vai cúi đầu.
Cửa quyền môn mai chầu tối chực,
Đua chen nhau rạo rực như sôi.
Cửa tiền cửa hậu lăn vùi,
Cùng ra đến giậu chó chui cũng lòn.
Mình được rồi lo con lo cháu,
Lạ lùng thay cái máu tham quan.
…Dân nghèo nước khó mặc lòng,
Cốt mình giữ đặng trong vòng ấm no…

Sang tới Tỉnh quốc hồn ca II, thậm chí cái thói tham lam của những người đáng nhẽ phải liêm khiết lo lắng cho dân còn bị nói nặng nề hơn nữa:

Thói tham lam nhuộm sâu đến tủy,
Máu tham quan như đĩ ham tiền,
Đua tranh những việc nhãn tiền,
Biết đâu nghĩa vụ, công quyền là đâu!…

Những người được coi là “trên lỡ quan, dưới nửa lỡ dân” như các học sĩ văn nhân, hay những trí thức hiểu biết thì lại chỉ lo no thân, ấm cật cho mình, gia đình mình. Tâm lý “bảo thân” khiến họ bàng quan với thế sự, người thì luồn cúi để được lợi, kẻ lại mũ nỉ che tai mà đùn đẩy gánh nặng giang san lên vai thế hệ mai sau gánh chịu.

Người xưa cũng nói, “dân hư, kẻ sĩ có lỗi”, thế nên:

Người trên đã lam nham như thế,
Những dân ngu sá kể làm chi.
Rượu chè cờ bạc li bì,
Sinh ra trộm cướp, nghề gì mà mong?...

Một thế kỷ sau khi những vần thơ này vang lên lần đầu tiên, quốc hồn dân tộc vẫn khá chật vật ngóc đầu dậy sau những vụ tham ô nghìn tỷ, những đường dây chạy điểm sống sượng quy mô lớn, những con số ngày một khủng khiếp về nạn nhân ung thư, tai nạn giao thông… Giang san cũ nay đã mọc lên biết bao công trình du lịch tâm linh hoành tráng, như để học tập thời thịnh thế Lý Trần xưa kia. Nhưng hiểm một nỗi, cái gốc gác tín ngưỡng là vì để biết sợ mà thực hành đạo đức cho đủ đầy lại không được coi trọng, niềm tin hình thức nửa vời chỉ càng khiến con người xa rời đạo, bắt Thần Phật phải bảo hộ mình với cái lý dâng nhiều, cầu nhiều ắt sẽ được phúc báo.

Ngày nay, học trò đi học vẫn vì cái mộng công danh khoa cử như thuở xưa, nào có vì để thành người, để lập thân trong Trời Đất. Thế nên có thể bỏ qua nhân phẩm mà chạy điểm, chạy bằng, chạy chức, chạy quyền.

Người đi làm cũng vẫn vì cái mộng xôi thịt, có nhiều tiền của để ấm thân, nào có coi mỗi việc mình làm đều cần có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Thế nên mới có những công chức uể oải, gắt gỏng, những bác sĩ kê đơn phán bệnh cho bệnh nhân để họ còn quay trở lại, những thương gia bớt xén chiếm dụng lợi ích của khách hàng, những nhà nông với rau hai luống, lợn hai chuồng… Người ta đi làm vì để kiếm tiền nên phương châm là tối đa lợi nhuận, tối ít công sức bỏ ra. Chiếm giờ hành chính, chiếm lợi ích của người khác, trở thành cái khôn của kẻ thức thời.

Người làm việc công cũng vẫn vì cái mộng tiền tài danh vọng quan trường mà lợi dụng chức quyền làm lợi cho bản thân, cho gia đình, dòng tộc. Thế nên lương chính thức thì ít nhưng các vị vẫn có nhà cao cửa rộng, con cháu học ở nước ngoài, cả nhà làm quan của cả tỉnh…

Trẻ em đi học, đặt nặng thành tích. Thanh niên sức dài vai rộng đặt nặng việc hưởng thụ, tự tôn. Kẻ sĩ đặt nặng lợi ích và sự an toàn của bản thân mà chẳng dám dấn thân, gánh vác trách nhiệm sơn hà… Dân nghèo chẳng được hỗ trợ cho biết cách làm ăn nên cứ bỏ xứ mà đi “xuất khẩu”. Người trẻ chẳng mấy biết đọc sách, đam mê kiến thức, lại tập trung trí lực cho những thú vui giải trí làm mờ tâm, lụn trí, tổn thân.

Giờ hỏi quốc hồn nước Nam dáng hình ra sao, chắc khó có thể trả lời được. Gặng hỏi nguyên nhân sự tình này lại càng khó khăn hơn. Đổ lỗi, chỉ ra sai lầm của người khác thì dễ, thức tỉnh, dám sửa chữa và nhận trách nhiệm của mình thì khó khăn biết bao.

Người trẻ Hồng Kông đang dạy thế giới một bài học, rằng đừng để gánh nặng lại cho thế hệ mai sau. Họ sẵn sàng hy sinh để con em mình được sống trong tự do, văn minh, bác ái. Vậy người Việt liệu có thể xốc nhau vực dậy quốc hồn để những điều tủi hổ mà cụ Phan Chu Trinh đau đáu khi xưa sẽ không còn trên mảnh đất này hay không?

Than ôi! Bách Việt hà san,
Văn minh đã sẵn, khôn ngoan có thừa.
Hồn mê mẩn, tính chưa chưa tính
Anh em ta phải tính sao đây?
(Đề tỉnh quốc dân ca)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt