Nga-Trung liên kết chống phương Tây: Sự đối đầu giữa độc tài và dân chủ?
Hoa Kỳ và phương Tây đồng loạt ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Trung Cộng trong hồ sơ Duy Ngô Nhĩ, Tổng Thống Nga Putin bị TT Mỹ Joe Biden cho là “kẻ giết người”. Nga và Trung Cộng lập tức tuyên bố hợp tác với nhau để đẩy lùi những áp lực do phương Tây áp đặt. Một thế lưỡng cực mới đã hình thành? Một cuộc chiến lạnh mới lại bắt đầu?
Đáp trả, Bắc Kinh phê phán cách hành xử “hạ cố” của Washington. Các đại diện ngoại giao cao cấp của Trung Cộng đánh giá Hoa Kỳ khó có thể “lên tiếng dạy đời” các nước khác trong vấn đề vi phạm nhân quyền. Tại Anchorage, Dương Khiết Trì, lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất của Trung Cộng tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng đại đa số các nước sẵn sàng đi theo các giá trị phổ quát do Hoa Kỳ đề xướng […] Những nước đó cũng không sẵn sàng chấp nhận rằng các nguyên tắc do một số ít người đặt ra được dùng như là nền tảng cơ bản cho trật tự quốc tế.”
Chủ nghĩa dân tộc: Chiếc cầu nối Nga – Trung
Nói một cách rõ ràng Trung Cộng kể từ giờ có ý muốn khẳng định vị thế của mình trong những định chế quốc tế có vai trò ấn định các luật lệ, bất kể đó là Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO) hay là những cơ quan ít được biết đến, vốn dĩ có trách nhiệm xác lập các chuẩn mực kỹ thuật công nghệ.
Trong cuộc đọ sức này, Bắc Kinh có thể trông cậy vào Matxcơva, một đồng minh mới. Hai nước có sự xích lại gần chưa từng thấy ngay từ đầu những năm 2000 sau một thời gian dài đoạn tuyệt bang giao kể từ năm 1960 và nhất là từ sau cuộc xung đột biên giới năm 1969. Trong khi đó, quan hệ Nga – Mỹ cũng như là với Liên Hiệp Châu Âu mỗi lúc một xuống thấp, giờ đang mức thấp nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ đầu những năm 1990 và nhất là kể từ khi có vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga năm 2014.
Điều gì có thể kết nối hai cường quốc hạt nhân, hai thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An này với nhau? Nếu việc cùng chống Mỹ và phổ biến mô hình “chế độ chuyên chế” là hai điểm chung chính, ngoài ra, theo ông Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, còn có cùng một yếu tố khác, không kém phần quan trọng, đó là: tinh thần “chủ nghĩa dân tộc”.
“Đó là một thứ chủ nghĩa dân tộc được định nghĩa như là chống phương Tây. Tại Matxcơva cũng như là ở Bắc Kinh, người ta chỉ trích phương Tây thống trị thế giới, họ có cái nhìn như là bị phương Tây đe dọa, là phải trả thù những nỗi sỉ nhục Trung Cộng phải gánh chịu hồi thế kỷ XIX, và Nga phải hứng lấy trong những năm 1990. Chính điều đó đã nối hai nước này lại với nhau, họ hình thành một thế liên kết chống phương Tây.”
Tin tặc: Công cụ đe dọa hiệu quả?
Cả hai nước này ngày càng thích dùng một loại vũ khí mà Hoa Kỳ đặc biệt dễ bị tổn thương: Tấn công tin học có điều khiển nhắm những mạng lưới phức hợp mà không có chúng các công sở và các ngành kỹ thuật công nghiệp Mỹ không thể nào vận hành.
Hẳn người ta chưa quên hai vụ tấn công tin tặc quan trọng trong những tháng gần đây. Vụ thứ nhất nhắm vào tập đoàn SolarWinds được cho là từ Nga, và vụ thứ hai đánh vào Microsoft mà Trung Cộng bị quy trách nhiệm. Theo nhà báo David Sanger, trên tờ New York Times, hai ví dụ điển hình này cho thấy rõ Trung Cộng và Nga đã sử dụng hoàn hảo đến chừng nào các công cụ kỹ thuật số cho mục đích chính trị từ 10 năm gần đây.
Một hành động đánh cắp bí mật? Một lời nhắc nhở cho các nhà lãnh đạo Mỹ rằng họ có khả năng ngăn chận các hệ thống này và làm tê liệt đất nước? Hay là một đòn chiến tranh tâm lý? Chỉ có điều sự việc gợi nhắc lại những gì diễn ra thời chiến tranh lạnh: Thế giới lại một lần nữa bị phân thành hai cực.
Nếu như cuộc đọ sức năm xưa là giữa hai khối Đông – Tây, mang nặng ý thức hệ nghĩa là giữa tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản, thì thế lưỡng cực ngày nay mang dáng dấp của cuộc đọ sức giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ, giữa độc tài chuyên chế và các nền dân chủ, giữa liên kết Nga – Trung và phương Tây, bao gồm Mỹ cùng các nền dân chủ châu Á và châu Âu.
Cũng theo David Sanger, cuộc đối đầu giữa các siêu cường hiện nay không giống với những gì trong quá khứ. Nước Nga của ông Putin đầu thế kỷ XXI chỉ là chiếc bóng của Liên Xô không hơn không kém. Tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ tương đương với GDP của nước Ý.
Sức mạnh lớn nhất của Nga hiện nay là khả năng gieo rắc bất ổn và gieo mầm sợ hãi bằng cách sử dụng các chất độc thần kinh nhằm “bóp nghẹt” các tiếng nói đối lập mà vụ Navalny là một ví dụ điển hình. Điều đáng nể duy nhất ở tổng thống Nga hiện nay là sự bền bỉ chống cự với các biện pháp trừng phạt ngày càng đè nặng nền kinh tế đất nước.
5G: Công cụ xuất khẩu mô hình chuyên chế của Trung Cộng
Còn với Trung Cộng, để phát huy sức mạnh, Bắc Kinh thiết lập những mạng lưới bang giao mới thay vì phá hỏng những gì đã có. Liệu rằng một ngày nào đó Bắc Kinh có thể trở thành siêu cường kinh tế hàng đầu thế giới? Liệu rằng Trung Cộng có sẽ đạt được hai mục tiêu lớn của quốc gia: có được một quân đội hùng mạnh nhất thế giới và đi đầu trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ tối tân nhất thế giới từ đây đến năm 2049, mừng 100 năm ngày lập quốc?
Khác với Nga, để thể hiện sức mạnh, Trung Cộng không dùng đến kho vũ khí hạt nhân của mình cũng như là gia tăng kho vũ khí quy ước, Bắc Kinh khai thác triệt để nguồn lực sức mạnh kinh tế và thế mạnh kỹ thuật công nghệ được nhà nước tài trợ để trang bị cho nhiều nước, từ châu Mỹ Latinh, cho đến Trung Đông, châu Phi và qua cả Đông Âu. Mạng 5G đẩy những nước đó ngày càng xích lại gần hơn với Bắc Kinh, và đến một lúc nào đó trở nên bị lệ thuộc vào kỹ thuật công nghệ của Trung Cộng.
Một khi bước đi này được hoàn thành, Trung Cộng như vậy có thể xuất khẩu một phần mô hình chuyên chế, chẳng hạn như bán cho các nước khác phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Chính vì điều này mà Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Joe Biden, người tháp tùng cùng ngoại trưởng Antony Blinken trong cuộc gặp các lãnh đạo ngoại giao Trung Cộng, trong những năm gần đây từng cảnh báo rằng có lẽ sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng Trung Cộng dự định khẳng sự thống trị bằng cách tấn công trực tiếp vào các lực lượng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Ông từng viết như sau: “Nguyên tắc, vốn là cốt lõi của một cách tiếp cận khác, muốn rằng cường quốc kinh tế và kỹ thuật công nghệ về mặt cơ bản có tầm quan trọng cao hơn cả cường quốc quân sự truyền thống trong việc thể hiện quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới và rằng một vùng ảnh hưởng thật sự tại châu Á và châu Âu có lẽ sẽ không là một điều kiện cần thiết cho việc thiết lập thế ưu việt kiểu này”.
Nhân quyền: Phương cách đối phó hữu hiệu của Mỹ?
Do vậy, trong cuộc đọ sức này, vấn đề nhân quyền đối với chính quyền Joe Biden có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông. Điều này đã được tổng thống Mỹ thể hiện rõ trong suốt cuộc vận động tranh cử khi luôn tuyên bố “sự trở về của Nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ”. Ý tưởng này được thực hiện thông qua chính sách thành lập một liên minh các nền dân chủ ở châu Á và châu Âu.
Chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương, bà Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc cơ quan cố vấn The German Marshall Fund of the United States (GMF) tại Paris, trên đài phát thanh France Culture nhắc lại, chủ trương này, tuy đã có từ thời Clinton và Obama nhưng cũng đã được Joe Biden một lần nữa nhắc lại trong buổi họp báo đầu tiên, sau 60 ngày đầu cầm quyền.
“Trong buổi họp báo hôm 25/3, điều gây ấn tượng chính là cái cách ông Biden mô tả cuộc cạnh tranh với Trung Cộng như là một cuộc chiến đấu mà ông ấy gọi là “lợi ích của các nền dân chủ thế kỷ XXI và các chế độ chuyên chế”. Liệu rằng các nền dân chủ của chúng ta đã được trang bị đầy đủ, có sức bền để đối mặt với những thách thức của thế kỷ XXI, trên bình diện kỹ thuật công nghệ, môi trường, vào một thời điểm mà quả thật các mô hình của Trung Cộng đang tìm cách dung hòa giữa sự chuyên chế với một hình thức phát triển kinh tế có hiệu quả, đang ngày càng trở nên có sức hấp dẫn cho một số nước trên khắp châu lục và tầm ảnh hưởng thì mỗi lúc một lớn đáng lo ngại ngay giữa lòng các định chế quốc tế.”
Vẫn theo nhà nghiên cứu này, trước thế mạnh ngày càng lớn của Trung Cộng, vốn dĩ dựa trên cơ sở những giá trị hoàn toàn đối lập với những gì do Mỹ đề xuất, tân chính quyền Biden ý thức được rằng chính sách đối nội của Mỹ có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại. Alexandra de Hoop Scheffer giải thích tiếp:
“Ở đây có những điểm mới so với chính sách đối ngoại của Donald Trump chính là việc ông Biden cho rằng để mà Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với Trung Cộng, thì bản thân nước Mỹ cũng phải vững mạnh. Như vậy phải đầu tư trong nghiên cứu và phát triển, tái đầu tư trong công nghệ và công nghiệp Mỹ. Nỗi ám ảnh về ưu thế này, về cuộc đua giành thế ưu việt công nghệ hiện hữu khắp nơi tại Washington, bởi vì ý tưởng thật sự là gì? Chính cường quốc nào nắm giữ được thế ưu việt trong cách tân công nghệ thì cường quốc đó hiển nhiên sẽ là siêu cường lớn nhất của thế kỷ XXI”.
Chỉ có điều trong cuộc đọ sức dài hơi này, Hoa Kỳ không thể ép buộc các nước đồng minh, châu Á hay là châu Âu phải chọn phe. Washington cũng ý thức được rằng mỗi nước có những quyền lợi riêng phải bảo vệ.
Nhưng khi tuyên bố trước các đồng cấp Liên Hiệp Châu Âu nhân cuộc họp NATO mới đây rằng “Washington không thể ép buộc các nước phải chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng”, ngoại trưởng Antony Blinken đã khôn khéo nhấn mạnh đến sự đối chọi giữa dân chủ và chuyên chế.
Thực tế cho thấy là Liên Hiệp Châu Âu ít nhiều đã đi theo đường lối chính sách của Mỹ, chí ít là trong vấn đề nhân quyền như vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông , Đài Loan….
Theo Minh Anh