Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (5)

Cuốn “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng” của cụ Hoàng Văn Đào là một tài liệu lịch sử sống về công cuộc đấu tranh cận đại của Việt Nam Quốc Dân Đảng, website https://www.vietquoc.org sẽ lần lượt phổ biến rộng rãi đến người Việt trong và ngoài nước để thấy sự thật của lịch sử. Dưới đây là Thiên Thứ Nhất (1927-1932) / Chương V: “THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG

THIÊN THỨ NHẤT (1927-1932) 

CHƯƠNG V: THI HÀNH KỶ LUẬT ĐẢNG 

THI HÀNH BẢN ÁN BÙI TIÊN MAI 

 Tổng Bộ kỳ thứ nhứt mãn nhiệm kỳ, Bùi Tiên Mai (1) được Tỉnh Đảng bộ Tỉnh Thái Bình cử lên thay thế cụ Đặng Đình Điển, vì tuổi già sức yếu.

 Ngày 17 tháng 2 năm 1929, Bùi Tiên Mai bị sở mật thám bắt từ tỉnh Thái Bình giải lên Hà Nội, bị mật thám lung lạc, Bùi Tiên Mai đã quên lời thề trước bàn thờ Tổ Quốc, trước mặt các đồng chí, đã cung cấp đầy đủ những tài liệu quan trọng cùng những danh tánh các Trung Ủy tham dự Tổng Bộ suốt mấy kỳ liền. Hơn nữa, Bùi Tiên Mai đã dám công khai ra nhận diện và đối chứng với những đồng chí, mà Bùi Tiên Mai đã khai ra trước Hội Đồng Đề Hình.

 Trong khi tất cả các đồng chí bị nhốt trong sà-lim, hoặc trại giam thì Bùi Tiên Mai được ưu đãi nằm một phòng riêng trên lầu, nằm giường lò-xo có đệm êm ấm và màn tuyn, ăn cơm Pháp.

 Để đền đáp công lao một kẻ phản Đảng, sẵn sàng làm tôi tớ cho thực, phong. Sau ngày Hội Đồng Đề Hình xử xong vụ án VNQDĐ, Bùi Tiên Mai được chính quyền thực dân cho phục chức thừa phái phục vụ tại văn phòng Tổng Đốc Vi Văn Định tỉnh Thái Bình với một số tiền thưởng.

 Sau khi điều tra, thu thập đầy đủ bằng chứng. Tòa án cách mạng tối cao VNQDĐ họp phiên đặc biệt do Nguyễn Khắc Nhu chủ tọa, kết án tử hình tên phản đảng Bùi Tiên Mai. Bản án được giao cho Ban ám sát thi hành.

 Đoàn viên trong ban ám sát là Trịnh Tam Tỉnh, một học sinh 21 tuổi, nhà ở gần ga Cống Vọng ngoại thành Hà Nội, được trao phó công tác đi giết Bùi Tiến Mai. Sau khi trao bản án cùng bức địa đồ có đánh dấu nơi nhà của Mai và khẩu súng lục với 12 viên đạn cho Trịnh Tam Tỉnh, Lương Ngọc Tốn (trưởng ban ám sát) còn ân cần dặn dò thêm:

 – “Nên thi hành vào khoảng 17 hoặc 18 giờ, nghĩa là sau khi nó làm việc ở dinh Tổng Đốc về nhà, thì giờ ấy ít người qua lại”.

 Nhận được mệnh lệnh, Tỉnh liền thu xếp việc nhà để kịp sớm ngày hôm sau đáp tầu thủy đi Nam Định, ghé bến Tân Đệ đi Thái Bình để thi hành nhiệm vụ.

 Bước chân xuống tầu thủy cặp bến Hà Nội, tình cờ Tỉnh gặp Phạm Huấn, một bạn đồng học và cũng là một đoàn viên trong Đảng cùng xuôi chuyến tầu thủy ấy. Đôi bạn trẻ tay bắt mặt mừng. Sau một hồi tâm sự, Huấn tỏ ý muốn xin cùng được đi theo để phụ lực, được Tỉnh đồng ý.

Xế chiều ngày 15 tháng 3 năm 1929, tầu thủy cặp bến Tân Đệ, mà đường đến tỉnh lỵ Thái Bình còn cách xa, ngủ đêm trong thành phố e xảy ra nhiều điều bất lợi, Tỉnh rủ Huấn vào chơi nhà một đồng chí ở làng Bùng gần bến đò Tân Đệ để qua một đêm. Hôm ấy là ngày 3-8-1929.

 Đến nhà đồng chí trời còn hơi sớm, trong giờ phút đợi bạn sửa soạn bữa cơm, Tỉnh và Huấn sánh vai đi dạo chơi trên con đê Bùng. Khi đi đến lối rẽ gần làng Thanh Ban, Tỉnh mót đi đại tiện, bèn rút khẩu súng lục giấu kín trong người đưa Huấn giữ hộ, rồi xuống chân đê làm việc cần. Vừa bước chân xuống khỏi mặt đê, nghe thấy tiếng súng nổ, Tỉnh hốt hoảng chạy lên, đã thấy Huấn ngã gục, hai tay ôm bụng, máu chảy đầm đìa. Tỉnh ôm lấy bạn và nói:

 – “Thôi tôi đã giết chết anh rồi! Mà đại sự cũng hỏng nốt! Trường hợp này thế tất người ta sẽ cho tôi là kẻ sát nhân.”

 Huấn hai tay đỡ ngực bảo Tỉnh:

 – “Thôi, đại sự đã lỡ! Chúng ta đều là kẻ có tội với Đảng, dầu có hối cũng không kịp nữa! Nhưng anh hãy bình tĩnh, đi gọi ngay xe kéo tới đây, kíp đưa tôi đến huyện lỵ sở tại này, để tôi kịp cung khai gỡ tội cho anh, đừng lo sợ vô ích.”

 Trời mỗi phút một tối dần, kiếm đâu ra được xe kéo ở quãng đường hẻo lánh ấy? Chỉ gặp có một bác nông phu vác cuốc đi qua, Tỉnh móc túi lấy ra hai hào (2 cắc) nhờ bác nông phu đi kêu xe giùm. Trời đổ tối sẫm, xe chẳng thấy, chỉ thấy chức dịch cùng tuần tráng từ trong làng xóm đốt đuốc vác gậy, thổi tù và inh ỏi kéo tới. Thấy quần áo Tỉnh dính đầy máu, cho ngay là kẻ sát nhân không cần hỏi han gì, hô to trói Tỉnh lại, đánh đập một hồi, rồi lập biên bản, Phạm Huấn khai:

 – “Tôi vì buồn phiền về hoàn cảnh gia đình, nên quyết chí quyên sinh. Anh này (trỏ Tỉnh) đối với tôi chỉ là người khách qua đường, không liên hệ gì đến tôi cả! Khi đi qua quãng đường này, thấy tôi tự tử, vội chạy lại dằng súng để ngăn tôi, vì vậy nên quần áo anh ta vấy máu. Sự thực là tôi tự bắn tôi, vậy yêu cầu các ông thả ngay anh ta ra.”

 Biên bản lập xong, chức dịch sai tuần tráng cáng Huấn và áp giải Tỉnh lên Huyện nha Thư Trì. Bởi vết thương quá nặng đi được một quãng đường thì Phạm Huấn tắt thở, yên giấc ngủ ngàn năm.

 Từ huyện nha Thư Trì, Tỉnh cùng thi hài Phạm Huấn được chuyển đến Tỉnh đường tỉnh Thái Bình. Theo sự khám xét của nhà hữu trách, giữa Huấn với Tỉnh tất có sự liên quan, vì tự tử mà bắn súng vào cạnh sườn, là cả một chuyện tối ư vô lý. Tình nghi là một vụ án chính trị quan trọng. Từ Thái Bình, Trịnh Tam Tỉnh bị giải về mật thám Hà Nội. Bị tra tấn một cách vô cùng tàn nhẫn dã man, Tĩnh vẫn giữ lời khai quanh co như ở Thái Bình, nhất định không chịu cung khai sự thực. Bỗng một bức thư nặc danh gửi đến sở mật thám, tố cáo Trịnh Tam Tịnh là đoàn viên trong Ban ám sát của VNQDĐ thừa lệnh đảng này đến Tân Đệ để mưu sát Toàn quyền Pasquier, thời gian ấy quả thực Pasquier có đi kinh lý Nam Định, Thái Bình. Vì vậy Trịnh Tam Tịnh lại càng bị tra tấn dã man thêm.

 Đồng chí của Trịnh Tam Tịnh ở làng Bùng cũng bị bắt giam ở sở mật thám Hà Nội, cũng bị tra tấn đến cực hình nên phải cung khai hết tất cả sự thực. Xét thấy đủ tang chứng, Tỉnh đành phải thú nhận:

 – “Thừa mệnh lệnh của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học và trưởng ban ám sát là Nguyễn Văn Xuyến phái Tỉnh đi Thái Bình để hạ sát tên phản đảng là Bùi Tiên Mai…”

 Nhưng sự thật, Nguyễn Văn Xuyến chỉ là cái tên tưởng tượng mà Trịnh Tam Tỉnh bịa ra mà thôi.

 Hồ sơ lập xong, Trịnh Tam Tỉnh bị giải về tỉnh Thái Bình để thuộc quyền Tòa Án Đệ Nhị cấp tỉnh ấy xét xử.

 Ngày 22 tháng 10 năm 1929, Tòa Án Đệ Nhị cấp tỉnh Thái Bình đã kết án: 

 Trịnh Tam Tỉnh 10 năm cấm cố. 

 Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Xuyến (khuyết tịch) khổ sai chung thân. 

 CƠ QUAN THANH GIÁM BỊ KHÁM PHÁ 

 Nguyên từ hồi tháng 6 năm 1929, sở mật thám bắt được một thanh niên đảng viên VNQDĐ là Nguyễn Văn Kinh. Sau khi tra tấn, Brides được biết rõ Nguyễn Văn Kinh là liên lạc viên của Nguyễn Thái Học. Tương kế tựu kế, Brides lợi dụng ngay Kinh. Từ đe dọa đến dỗ dành, đem danh lợi ra hứa hẹn, khiến cho Nguyễn Văn Kinh, một thanh niên mới 20 tuổi đầu, việc đời chưa từng trải, bị Brides, một cáo già lão luyện mua chuộc, Nguyễn Văn Kinh đã tố cáo những nơi mà Nguyễn Thái Học hay lui tới. Bởi vậy ngày 13 tháng 7, sở mật thám phái thám tử đến khám xét nhà Phó lý Dương Quang ở Bắc Ninh, ngày 18, nhà Quản Khê cũng ở Bắc Ninh, trên đường trở về Hà Nội, mật thám xét nhà chị Lê Thị Thăng (vợ đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn) ở Gia Lâm, nhưng cũng đều không tìm thấy tung tích của Nguyễn Thái Học!

 Mặc dầu chưa bắt được Nguyễn Thái Học, Brides thấy Nguyễn Văn Kinh là người vẫn có thể dùng được, nên ra lệnh thả Kinh ra, để làm tròn sứ mạng phản đảng.

 Được thả ra, Kinh trở về nhà ở Phủ Lạng Thương nằm nghỉ ít ngày. Thấy không hoạt động gì, Brides ra lệnh bắt Nguyễn Văn Kinh để khủng bố tinh thần, rồi huấn luyện thêm cho Kinh nghề làm gián điệp thực thụ, sau ít ngày tạm gọi lành nghề lại thả ra.

 Hồi ấy sự bắt bớ vào tù ra khám là một chuyện rất thường, đôi khi còn được ca tụng là đồng chí ấy đã khôn ngoan trong việc cung khai, ngay như Phó Đức Chính, Phan Xuân Đài… bị Hội Đồng Đề Hình bắt vào rồi lại thả ra đến mấy lần!

 Nguyễn Thái Học khi ấy mới từ làng Võng La trở về nhà một lão đồng chí là Nguyễn Tiến Nguyên ở làng Liễu Ngạn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Văn Kinh hỏi thăm các đồng chí được biết Nguyễn Thái Học hiện có mặt tại Liễu Ngạn, liền tìm đến thuật lại, chuyện mình bị bắt giam đến hai lần. Nguyễn Thái Học chẳng những không nghi ngờ, lại còn khen là một đồng chí gan dạ và từ đấy Nguyễn Văn Kinh lại được theo bên cạnh Nguyễn Thái Học.

 Ngày 27 tháng 8, mật thám đến vây khám xét nhà cụ Nguyễn Tiến Nguyên, nhưng Nguyễn Thái Học vừa đi ra khỏi, Nguyễn Tiến Nguyên bị mật thám bắt giam (2). Kế đến cơ quan trọng yếu của Đảng ở số 9 phố Thanh Giám, Hà Nội, cũng bị sở mật thám Bắc Việt huy động một số đông đảo thám tử đến bổ vây khám xét. Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thị Giang và mấy cán bộ vì công tác khẩn cấp đã đi Na Sầm từ buổi chiều hôm trước. Nhưng mật thám đã bắt được mấy cán bộ quan trọng: Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Văn Viễn, Phó Đức Chính và Giáo Lai, cùng một số tài liệu quan trọng với số bạc là 650 đồng. Chị Nguyễn Thị Thuyết (3) một nữ cán bộ không rõ cơ quan Đảng bị lộ, nên ngay buổi chiều hôm ấy chị Thuyết còn tìm đến, bị mật thám còn đứng rình ở phía ngoài bắt được, khám thấy trong chiếc cặp da của chị, có ba khẩu súng lục, một số đạn và số tiền hơn 100 đồng.

NGUYỄN VĂN VIÊN HY SINH 

 Theo báo cáo của NguyễnVăn Kinh thì thủ phạm ám sát Bazin chính là Nguyễn Văn Viên. Nên khi bắt được anh Nguyễn Văn Viên, tin tức được thực dân loan ra, giới thực dân Pháp hết sức hoan hỉ. Trước phòng Dự thẩm, Nguyễn Văn Viên nhìn nhận rằng: “Chính anh là Đảng viên VNQDĐ và chính anh đã cầm súng bắn chết Bazin”. Nhưng còn tòng phạm là ai? Anh nhất định không chịu cung khai.

 Để tránh sự liên lạc thông tin giữa sà-lim này với sà-lim khác và được chắc chắn hơn, viên Dự Thẩm Tòa Án ra lệnh giam Nguyễn Văn Viên vào khu sà-lim dành cho phạm nhân Pháp. Tương đối khu sà-lim này không có lính gác đi rỏn (ronde) lại không có cùm, nên Nguyễn Văn Viên thừa cơ hội xé chiếc áo sơ mi xoắn lại thành dây thắt cổ tự tử ngay đêm hôm ấy, đễ giữ hoàn toàn bí mật cho Đảng.

 Sáng hôm sau, viên Dự Thẩm cho đưa Léon Sanh đến trước một tử thi treo lủng lẳng nơi cửa sổ ở sà-lim giam riêng phạm nhân Pháp, chỉ tay vào cái xác cởi trần, ốm nhom và khắp mình mẩy tím bầm vì máu bị ứ đọng, hỏi Léon Sanh:

 – Anh có nhận ra người này là ai không?

 – Tôi không hề biết người này, Léon Sanh đáp.

 – Anh có quen ai là Nguyễn Văn Viên không?

 – Tôi không quen ai có cái tên ấy.

 Cuối tháng 8 năm 1930, Léon Sanh được đưa ra xét xử trước phiên Tòa Án Đại Hình, Trạng sư Bordaz bênh vực cho bị can đã cãi rằng: Léon Sanh là một thanh niên cuồng vọng đã đọc nhiều sách của Niètzche, nên trong lúc bồng bột đã nhận bừa toan gỡ tội cho hai người khác mà bị can có lẽ mến phục cử chỉ… Léon Sanh được Tòa tha bổng. Kết thúc vụ án ám sát Bazin.

 Cái chết của tráng sĩ Nguyễn Văn Viên đã cứu chết hai đồng chí Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Đức Lung tức Ký Ca. Nhưng kết cục Lân và Lung bị Pháp bắt đày ra Côn đảo, bị cáo là đảng viên VNQDĐ. 

 Đến chiều ngày 16 tháng 9, sở mật thám lại phái thám tử đến vây khám nhà Nguyễn Tấn Lộc ở làng Cổ Pháp, nhưng Nguyễn Thái Học cùng Nguyễn Tấn Lộc đã vì công tác khẩn cấp phải ra đi từ chiều bữa trước rồi!     

 XỬ TỬ NGUYỄN VĂN KINH 

Sau những vụ khám xét và bắt bớ trên đây, ban mật vụ của Đảng tức thời mở cuộc điều tra, được biết chắc chắn không phải kẻ nào xa lạ mà chính là Nguyễn Văn Kinh. Tòa án cách mạng tối cao của Đảng được thành lập ngay, tuyên án xử tử Nguyễn Văn Kinh, bản án giao cho Ký Con chịu trách nhiệm thi hành.

Để rèn luyện cho một đồng chí mới, có tinh thần mạo hiểm và hy sinh, Ký Con bảo ngay Nguyễn Văn Kinh về phủ Lạng Thương tìm Trần Đức Trinh tức Trinh Con, một học sinh mới 18 tuổi.

Được Ký Con gọi, Trinh tức tốc theo Kinh về Hà Nội, để Kinh đi khỏi, Ký Con vỗ vai Trinh bảo:

 – Thằng Kinh nó phản Đảng rồi! Anh cầm con dao này đợi đến chiều tối, anh hãy đến nơi nó ở và bảo nó rằng: “Tôi mời nó đi xem hát tối nay.” Rồi anh cùng nó lên vườn Bách Thảo, tìm tới ghế đá trước “chuồng voi” đợi tôi. Anh nhớ là khi thấy tôi bắn nó ngã gục xuống rồi, thì anh cầm con dao này đâm thật mạnh vào cổ nó, nhưng phải nhớ lấy giấy mà lót vào chuôi dao.

Đợi đúng giờ, Trịnh đến tìm Kinh, nghe thấy Ký Con mời đi xem hát, Kinh mừng quýnh, vội thay quần áo rồi cùng Trịnh phóng xe đạp sánh vai nhau tiến lên vườn Bách Thảo tìm đúng chỗ Ký Con dặn ngồi chờ.

Thình lình từ phía Digue Parreau, sau phía “chuồng voi”, Ký Con tiến đến, rút súng lục chĩa bắn vào đầu Nguyễn Văn Kinh, Kinh ngã gục chết liền. Trịnh hoảng hốt cầm con dao đâm, nhưng không đâm vào cổ mà lại đâm vào cạnh sườn Kinh, rồi vội bỏ chạy, không kịp nhặt mảnh giấy lót chuôi dao. Trái lại, Ký Con lạnh lùng thản nhiên rút cái ví ở túi áo trong của Kinh ra, đặt vào đấy một mảnh giấy, một bản án vỏn vẹn có bốn chữ: “KHÔNG GIỮ LỜI THỀ”, rồi lại bỏ chiếc ví vào túi áo trong của Kinh, rồi ung dung nhảy lên con ngựa sắt đi thẳng. Hôm ấy là ngày mồng 6 tháng 10 năm 1929.

 Sở mật thám hay tin, Arnoux ra lệnh bắt Nguyễn Đức Lung tức Ký Cao. Cho mãi đến khi bắt được Ký Con, Nguyễn Đức Lung mới giải được hàm oan. 

 THI HÀNH BẢN ÁN NGUYỄN VĂN NGỌC 

Thi hành kỷ luật Đảng, vụ thứ ba Nguyễn Văn Ngọc. Ngọc nguyên là nhân viên trong Ủy ban quân sự thành Đảng bộ VNQDĐ Hải Phòng, đã mật báo cho sở mật thám Pháp biết được cuộc hội nghị quân chính của Đảng họp vào ngày 7-9-1929 tại căn nhà gác số 96 phố Cầu Đất thành phố Hải Phòng, khiến đa số Ủy viên bị bắt, trong số có Nguyễn Chí Chữ (4), Nguyễn Xuân Tùng,… chỉ có mấy đồng chí chạy thoát là Phạm Văn Tình (5), Nguyễn Văn Chấn và Nguyễn Huy Thọ.

Nguyễn Văn Ngọc cũng bị bắt, nhưng được thả liền sau đó, khiến cho các đồng chí nghi ngờ! Thành Đảng bộ Hải Phòng ra lệnh theo dõi điều tra hành vi của Ngọc trước và sau vụ ấy. Thu thập đầy đủ tài liệu, được biết đích xác là Nguyễn Văn Ngọc phản đảng, Tòa án cách mạng tối cao được triệu tập do Phạm Văn Tình chủ tọa, tuyên bố tử hình Nguyễn Văn Ngọc, kẻ đã quên lời thề, bán đồng chí và làm chậm trễ công cuộc TỔNG KHỞI NGHĨA của Đảng tại khu này… Bản án trao cho Trần Chí Hải là trưởng ban Đặc vụ thi hành. Hải trao trách nhiệm cho một đồng chí kết thân với Ngọc, dụ Ngọc đến nhà một đồng chí ở An Dương (khu ngoại ô Hải Phòng) để hạ sát.

Trong khi dụ dỗ đó, cơ quan chế bom của Đảng tại Lạc Viên bị vỡ, Phạm Văn Tình, Nguyễn Huy Thọ bị bắt và một số yếu nhân khác cũng bị truy nã gắt gao, xét ra đều do tên Ngọc tố giác, rồi y trốn vào ở luôn trong nhà tên mật thám Pháp là Bréard.

Cách ít ngày sau, Bréard vờ bắt Nguyễn Văn Ngọc đưa vào giam chung với các đồng chí trong ngục thất Hải Phòng, với mục đích để dò xét sự liên lạc giữa anh em cách mạng ở ngoài và trong tù, vì họ vẫn thường thông tin tức cho nhau qua một viên giám thị là Nguyễn Đình Ái. 

 Xét thấy cơ hội tốt để hạ Ngọc, anh em mật tin cho nhau phải thi hành bản án gấp. Hôm ấy là ngày 12 tháng 5 năm 1930, vào hồi 3 giờ đêm, Nguyễn Chí Chữ, Phạm Văn Tình, Nguyễn Huy Thọ và Phạm Văn Mễ chờ cho Nguyễn Văn Ngọc ngủ say, liền lấy giây rút quần thòng qua cổ Ngọc còn Chữ và Tình đè lên người Ngọc, đấm vào đầu Ngọc, còn Thọ và Mễ mỗi người một đầu dây kéo siết thật chặt. Nguyễn Văn Ngọc chết mà trong trại giam không một người nào hay! Vì mọi người ai nấy cũng đều ngủ say cả.

 Ra trước Tòa Án Đại Hình, Phạm Văn Tình và Nguyễn Chí Chữ đã ung dung nhận chính hai anh đã giết tên “PHẢN ĐẢNG NGUYỄN VĂN NGỌC!” Tòa án đại hình đã kết án tử hình hai anh Phạm Văn Tình, Nguyễn Chí Chữ và đã lên máy chém thực dân tại trước cổng ngục thất Hải Phòng vào đầu mùa xuân năm 1931. 

===========================

Chú Thích:

(1) Bùi Tiên Mai nguyên quán tại làng Đức Hiệp, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình. Thông Hán văn, được bổ chức thừa phái hạng 5 huyện Thanh Thủy thuộc Tỉnh Phú Thọ.

Vì tính ham mê cờ bạc, nên thường khiếm khuyết công vụ, bị bãi chức. Trở về nguyên quán, tuy nhà ngèo nhưng rất khéo giao thiệp, được cụ Đặng Đình Điển tín dụng kết nạp vào VNQDĐ thuộc Chi bộ Tỉnh Thái Bình

(2) Nguyễn Tiến Nguyên tục gọi Khóa Nguyên, sinh ngày mồng 10 tháng 5 năm Mậu Tý tại làng Liễu Ngạn thuộc tỉnh Bắc Ninh, thuộc dòng dõi Ôn Như Hầu. Gia nhập VNQDĐ từ đầu năm 1928. Bị HĐĐH kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo.

 Tháng 10 năm 1945 từ Côn Đảo trở về Sài Gòn, tiếng súng xâm lăng bắt đầu nổ, cụ Nguyên lưu lại miền Nam, tham gia kháng chiến.

 Cuối năm 1957, bị đau nặng phải điều trị tại bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn, được đồng chí săn sóc rất chu đáo. Nhưng tuồi cao bịnh trọng, cụ đã trút bỏ linh hồn vào ngày 13 tháng 7 năm 1958. Tang lễ được các đồng chí lo liệu một cách trọng thể.

(3) Nguyễn Thị Thuyết con gái cụ Đốc Học Kiều, quê quán tại làng Mai Xá (tục gọi làng Bườn), tổng Hữu Bị, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, lấy ông Chánh Tổng Toại, một điền chủ ở làng Dục Tú, huyện Đông Ánh, tỉnh Phúc Yên. Nguyễn Thị Thuyết tính tình cực kỳ ngay thẳng, hào hiệp, can trường và thao lược. Ngoài việc quán xuyến ruộng, vườn, chị Thuyết còn là người kinh doanh về thương mãi rất lớn và có tài chuyên buôn nha phiến và súng đạn.

 Là một nữ cán bộ VNQDĐ từ cuối năm 1928, chị Thuyết đã phụng sự Đảng một cách trung thành và tận tụy. Bị Hội Đồng Đề Hình kết án 5 năm tù ở về tội tiếp tế vũ khí và tiền bạc cho loạn đảng. Trong khám đường Hỏa Lò, Hà Nội, Nguyễn Thị Thuyết đối đãi với đồng bạn rất tử tế, nên các phạm nhân phụ nữ đều kêu chị là “Mẹ”.

(4) Nguyễn Chí Chữ là Chủ Tịch Thành Đảng bộ Hải Phòng.

(5) Phạm Văn Tình là Ủy Viên Tổng Bộ.

[Bấm vào đọc bài trước]

[Bấm vào đọc chương tiếp]

 

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt