Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (Hết)

Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Đầu năm 1975 đến 30-04-1975 (Bài cuối cùng)

Đầu năm 1975 đến ngày 30-04-1975,  chấm dứt một cuộc đời chiến đấu cho tự do dân chủ (Hết)

Ðến đầu năm 1975, vào tháng 2/1975 thì xẩy ra cuộc tấn công của CSBV vào tỉnh lỵ Ban Mê Thuột và kết cục đã rơi vào tay CS. Ta có điều động Sư Ðoàn Dù từ Vùng I trở vào để phản kích, nhưng rồi cũng đành bó tay, vì địch đang ở thế thượng phong về quân số, phương tiện chiến tranh cũng như về địa thế thuận lợi.

Quân cộng sản tấn công VNCH (tháng 4-1975)

Mất Ban Mê Thuột, thì sức ép của địch đè nặng lên các tỉnh lộ 21 hướng về Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa và tỉnh lộ 14 hướng về Sài Gòn qua tỉnh Quảng Ðức-Chân Thành-Biên Hòa, đồng thời cô lập và sẵn sàng tấn công vào tỉnh lỵ Pleiku, nơi đặt BTL/QÐ II. Trước tình hình nguy ngập đó, Tướng Phạm văn Phú Tư Lệnh QĐ II quyết định rút khỏi vùng cao nguyên và xử dụng tỉnh lộ 7 làm con đường rút lui về Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, mặc dù con lộ này đã bỏ hoang không xử dụng từ lâu.

Mục đích để đánh lạc hướng địch, thay vì xử dụng tỉnh lộ 19 hướng về Quy Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh đã quyết định xử dụng Tỉnh Lộ 7, nhưng vì con đường đã hư hỏng nhiều nên tốc độ di chuyển bị hạn chế, hơn nữa đông dân chúng chạy theo lại càng tăng thêm tắc nghẽn, khiến địch có đủ thời gian để chuyển quân truy kích và kết cuộc tỉnh lộ đã biến thành con lộ kinh hoàng không kém gì tại vùng Quảng Trị trong mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Dĩ nhiên là mất Cao nguyên, thì miền đồng bằng từ Bình Ðịnh tới Khánh Hòa khó mà đứng vững được.

 

Đường màu xanh  số 7 (mũ tên đỏ) là tỉnh lộ số 7, Quân Đoàn II VNCH do Thiếu Tướng Phạm Văn Phú – Tư Lệnh Quân Đoàn II dùng triệt thoái toàn bộ Quân Đàn II  về Tuy Hòa vào tháng 3/1975 – [Một bi thảm]

Cảnh hỗn loạn ngoài tầm kiểm soát trên Tỉnh Lộ 7 khi Quân và Dân Quân Đoàn II di tản như một đàn kiến xe và người

Trước tình hình bi đát đó, đã gây một phần ảnh hưởng không tốt cho tinh thần chiến đấu của Quân Ðội VNCH. Trong dân chúng cũng vậy, hoang mang và giao động, những nhà có máu mặt đều thu vén chạy về Sài Gòn.

Tại Vùng I, đến tháng 3/1975, thì địch áp lực tấn công từ tuyến Thạch Hãn theo trục Quốc Lộ 1 và từ phía tây tới. Trước sức tấn công mạnh mẽ của địch, có chiến xa và pháo binh yểm trợ, Sư Đoàn 1 và Sư Đoàn TQLC đã có lệnh phải rút về cửa bể Thuận An ở Huế để xuống tàu trở vào Ðà Nẵng. Nhưng mọi sự đã không như ý muốn, gặp nhiều khó khăn về phương tiện vận chuyển nên chỉ có một số lên tàu được, còn lại phải di chuyển bằng đường bộ, nhưng nửa đường cũng bị đánh tan tại cửa biển Tư Hiền, ở phía bắc chân đèo Hải Vân.

Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân  NCH đang chiến đấu bảo vệ sườn phía Tây thành phố Đà Nẵng trong những ngày vào tháng 3/1975

Tại khu vực Sư Ðoàn 2, Quận Nghĩa Hành phía tây Thị Xã Quảng Ngãi bị pháo và bao vây. Những cao điểm chiến thuật bảo vệ quận lỵ bị VC đánh chiếm. Trong lúc Sư Ðoàn 2/BB ra sức phản công lấy lại, thì tỉnh lỵ Quảng Tín đang lâm vào tình huống khẩn cấp, các cao điểm ở phía tây tỉnh lỵ bị VC chiếm. Các đơn vị địa phương của Tiểu Khu bị đánh tan. Do đó, Sư Ðoàn 2/BB phải điều động gấp Trung Đoàn 5 tăng cường thêm đơn vị của Trung Đoàn 4 ở Quảng Tín.

Binh sĩ Sư Đoàn II VNCH vần còn chiến đấu đẩy lùi quân Cộng Sản Bắc Việt  vào những ngày tháng 3/1975

Ngoài ra QĐ I cũng tăng phái thêm LĐ1/BĐQ. Với lực lượng trên, dưới sự yểm trợ của thiết giáp và pháo binh, đã mở ngay cuộc phản công, nhưng địch phòng ngự trên núi cao, nhiều lần tiến tới mục tiêu thì lại bị đánh bật xuống. Trận chiến xẩy ra ác liệt trong mấy ngày trời, nhưng Sư Ðoàn 2/BB cũng không sao làm chủ được trận địa. Ðịch ngoài lực lượng bộ binh, chúng còn có chiến xa yểm trợ. Nhiều binh sĩ đã bị thương và tử thương.

Trong khi cuộc đụng độ giữa Trung Đoàn 5/SĐ2/BB, LĐ1/BĐQ với địch diễn ra ở phía tây, thì một lực lượng địch ở phía tây nam, có chiến xa yểm trợ, tiến dọc theo con sông Quảng Tín để đánh bọc vào phía nam của tỉnh lỵ. Tại cây cầu nằm trên Quốc Lộ 1, do đơn vị của Trung Đoàn 4/SĐ2/BB bảo vệ đã bị địch đẩy lui và rút về phía đông gần bờ biển. Cây cầu không bị phá hủy nên đã giúp cho chiến xa và bộ binh địch đột nhập vào tỉnh lỵ và băng qua trước mặt BCH Tiền Phương SĐ2/BB, đóng trong một trường học của người Trung Hoa, nằm tụt sâu vào phía trong, nên địch không trông thấy.

Các đơn vị SĐ2/BB ở phía tây cũng đang bị địch tiến đánh nặng nề, không giữ được phải rút về phía bắc tỉnh lỵ. Ðược tin BCH Tiền Phương SĐ2/BB đóng ở trường học người Trung Hoa phải rời gấp khỏi địa điểm đóng quân, nếu không sẽ bị bao vây. Nhưng vừa ra khỏi trường được một hai trăm thước thì chiếc xe của tôi bị ngay một phát đạn 75 ly của chiến xa bắn trúng, nhưng tôi đã thoát chết vì đã nhảy kịp ra khỏi xe và thấy VC từ xa tiến tới. Sau đó, chúng tôi phải len lỏi phía sau các tòa nhà trong phố để thoát về phía Bắc.

Ván cờ thế cuộc quốc tế đã định cho số phận Việt Nam Cộng Hòa, người lính Sư đoàn 2 Bộ Binh VNCH đành phải xuôi theo số mệnh – buông súng

Khi tới Tiểu Khu Quảng Tín, thì ở đây hầu như bỏ trống và các đơn vị đang trên đường rút về phía Bắc chạy về hướng Đà Nẵng, trong khi địch bắn pháo theo. Trung Đoàn 5/SĐ2/BB di chuyển về hướng Ðà Nẵng, còn tôi được trực thăng của Tư Lệnh Sư Ðoàn bốc về Chu Lai. Nơi đây, vẫn  còn trong tình trạng an toàn. Như vậy là căn cứ Chu Lai đã bị cô lập, Quảng Tín mất, còn Trung Đoàn 6/SD2/BB và Tiểu Khu Quảng Ngãi cũng trên đường rút về Chu Lai, nhưng rồi cũng bị đánh ở giữa đường, gây tổn hại khá nhiều. Trung Đoàn 6/SĐ2 của Thiếu Tá Hồ chỉ huy phải mở đường máu với sự hỗ trợ của thiết giáp mới thoát được về tới Chu Lai. Sau đó thì Sư Ðoàn 2 được lệnh của QĐ I xuống tàu rút ra đảo Cù Lao Ré. Việc rút khỏi căn cứ cũng có nhiều trở ngại vì quân lính và gia đình đã chen chúc nhau xuống tàu nên đã gây ra nhiều cảnh thảm thương.

Tình trạng vô kỷ luật đã đến lúc không sao duy trì được nữa, dù cấp chỉ huy bắt loa kêu gọi liên tục. Bởi vậy, khi mà đoàn quân ở trong tình trạng rút lui dưới áp lực địch thì quả thật là vô cùng khó khăn cho cấp chỉ huy điều động, và rồi với tinh thần đó, đã tồn tại cho tới ngày Chính quyền miền Nam sụp đổ. Tại căn cứ Chu Lai, với nhiệm vụ điều khiển cuộc rút quân, và mặc dù đã có kế hoạch được phổ biến cặn kẻ cho từng đơn vị trong căn cứ, nhưng rồi tới khi tàu Hải Quân ập vào bờ biển, thì tất cả các đơn vị không còn tuân theo thứ tự quy định trong kế hoạch, mà tự động tràn ra bãi biển để được xuống tàu trước, nên đã diễn ra cảnh chen lấn dưới biển, khiến nhiều người bị chết đuối, vì tàu đậu ở xa bờ vì có đá ngầm không vào sát được.

Kết cuộc, một số lên được tàu, còn đa số phải di chuyển về cầu tàu ở phía bắc, gần căn cứ Hải Quân. Tại đây, sự chen lấn vẫn  diễn ra và tàu phải rút ra khơi. Số còn lại rời bỏ căn cứ, tìm về Ðà Nẵng theo đường bộ. Tôi và vài sĩ quan tham mưu được trực thăng đáp xuống đưa về Ðà Nẵng. Tại Ðà Nẵng tôi thu xếp cho gia đình,  đang tạm trú tại nhà một sĩ quan trong Sư Ðoàn ở xã Thanh Bình tìm phương tiện về Sài Gòn.

Trong thời gian này, thì tình hình tại Ðà Nẵng thật vô cùng hỗn độn. Trên các ngã đường phố, mọi người nhốn nháo chạy đông chạy tây để tìm cách rời khỏi thị xã Ðà Nẵng, đang bị uy hiếp bởi Cộng quân từ ba mặt, không biết lúc nào sẽ pháo kích hoặc tấn công vào. Tại gia đình tôi ở tạm, gia chủ cũng cho biết vì có người làm trong tòa Lãnh sự Hoa Kỳ đã báo cho biết VC sắp tới và đốt hết giấy tờ để chuẩn bị lên đường.

Một cảnh bi thảm của góc bãi biển Đà Nẵng – người lớn và trẻ em đều chết, người lính đi tìm thân nhân của mình trên xác người.

Tôi có vào BTL/QĐ I để xem tình hình ra sao. Tới nơi, các văn phòng đều vắng vẻ chỉ còn một vài sĩ quan trách nhiệm làm việc, còn tất cả đã bỏ về nhà thu xếp cho gia đình di tản. Tôi cũng tới trại Huấn Luyện Hòa Cầm phía tây nam Ðà Nẵng để gặp Trung Đoàn 5/SĐ2/BB lấy một số vũ khí nặng mang ra Cù Lao Ré và cho họ biết là phải sẵn sàng ở bờ biển Sơn Trà để được tàu Hải Quân bốc đi. Tại đây tôi đã chứng kiến cái cảnh tân binh bỏ trại, lũ lượt di chuyển về Thị Xã, tôi cũng thấy một đơn vị pháo binh TQLC ở phía tây Hòa Cầm cũng đang trên đường rút về Ðà Nẵng, chứng tỏ phía tây TQLC đang chuẩn bị rút lui.

Tôi cảm thấy Ðà Nẵng như ở trong tình trạng trứng treo đầu dàng, chỉ một vài ngày là Ðà Nẵng sẽ lọt vào tay CS. Trở về BTL/QĐ I để tham dự một buổi họp vào chiều ngày 29/3/1975, buổi họp chót của QĐ I, tôi thấy không có một kết luận nào dứt khoát cả. Thủ cũng không, công cũng không mà rút cũng không, có nghĩa như là để tự ý các đơn vị tự quyết định. Trong khi đang họp thì Tướng Lê Nguyên Khang từ Sài Gòn ra và hai ông Tướng Khang và Trưởng đã họp riêng tại phòng làm việc, và không hiểu Tướng Khang đã mang những quyết định gì của Phủ Tổng Thống. Quyết định gì thì cũng đã muộn rồi, không thể nào cứu vãn được nữa.

Một số các đơn vị trưởng đã lên đường rời khỏi Ðà Nẵng, và Tướng Ngô Quang Trưởng trở thành người cô đơn cho tới chiều tối cùng ngày, ông Trưởng phải tới BCH SÐ/TQLC đóng ở Sơn Trà, do Ðại Tá Trí chỉ huy, Tướng Bùi Thế Lân đã sang BCH Hải quân của Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại lúc chiều để cùng đơn vị còn lại ra tàu hải quân vào sáng ngày hôm sau, trong khi Ðà Nẵng dưới đạn pháo tầm xa của địch.

Sau khi họp, tôi cũng đưa gia đình sang BCH Hải quân để nhờ quá giang tàu, trong khi chờ đợi thì bị pháo của địch từ đèo Hải Vân bắn tới, một đơn vị TQLC đóng tại đây đã xuống tàu ra khơi, kết cuộc là các tàu bỏ chạy ra biển.

Quân Dân và trẻ thơ Vùng I chiến thuật cố tìm một chỗ nào đó lên tàu xuôi Nam đến thủ đô Sài Gòn, hy vọng nơi đó không có cộng sản…

Tướng Hồ Văn Kỳ Thoại phải chạy ra mõm Tiên Sa mới có tàu vào đón. Còn gia đình tôi, hôm sau trở về Ðà Nẵng, nhưng nửa đường được sĩ quan của Sư Ðoàn 2/BB hướng dẫn dùng thuyền di chuyển ra tàu đậu ở ngoài khơi, khi đi tàu đến Cam Ranh, đoàn tàu của Sư Ðoàn 2 rời khỏi Cù Lao Ré gặp lại trong Vịnh Cam Ranh, và tôi đưa gia đình lên tàu của tôi để về Bình Tuy, địa điểm đổ quân của Sư Ðoàn 2 BB. Sau đó, gia đình tôi tiếp tục ở lại trên tàu để được đưa về Sài Gòn.

Tại tỉnh Bình Tuy, tỉnh trưởng là Ðại Tá Trần bá Thành, Sư Ðoàn 2/BB ở lại được một tuần lễ để tổ chức, củng cố lại đơn vị. Tuy nhiên, quân số các đơn vị cũng chẳng còn bao nhiêu, vì phần lớn binh sĩ kể cả sĩ quan của Sư Ðoàn đều gốc miền Trung, nên họ trốn ở lại để lo cho gia đình.  BTM Sư Ðoàn 2 cũng vậy, một số sĩ quan trách nhiệm cũng bỏ nhiệm sở trốn về Sài Gòn. Ðược một tuần lễ, thì Trung Đoàn 4 và 5/SĐ2 cùng một số thiết vận xa của QÐ III tăng cường, được đưa ra phi trường Phan Rang để tăng cường phòng thủ sân bay Phan Rang. Tại đó có BTL Tiền Phương QÐ III đóng Bản Doanh do Trung Tướng Nguyễn vĩnh Nghi và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang (Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân) chỉ huy. Còn lại Trung Đoàn 6/SÐ2 BB bố trí tại Phan Thiết. Sở dĩ Sư Ðoàn 2 được đưa ra Phan Rang là để thay thế Lữ Ðoàn Dù  của Ðại Tá Nguyễn Thu Lương trở về Sài Gòn, nhưng đến phút chót thì chỉ có một Tiểu Ðoàn về được, sau đó thì Lữ Đoàn Dù phải ở lại vì địch tấn công vào phi trường. Ngoài Sư Ðoàn 2 BB còn có một Liên Ðoàn BĐQ của QĐ III của Ðại Tá Biết vừa từ mặt trận Chơn Thành ra, nhưng quân số chẳng còn là bao.

Với một lực lượng như vậy, tinh thần binh sĩ dao động, hoang mang, hết còn muốn chiến đấu, nên trước cuộc tấn công của địch có chiến xa yểm trợ từ hai mặt: Cam Ranh vào và  Ðà Lạt xuống nên phòng tuyến đã vỡ, các đơn vị rút bỏ về phía Nam, và sau cùng cũng bị bắt làm tù binh vì không còn lối thoát.

Trung Đoàn 4 và 5/ SĐ2 BB cùng trong tình trạng tương tự, tôi đã cùng các đơn vị này lội qua sông di chuyển về phía Nam, nhưng cũng không kịp vì thiết giáp của địch sau khi vào được phi trường đã tiếp tục di chuyển theo Quốc Lộ 1 chạy về hướng Phan Thiết. Do đó, các đơn vị của Sư Ðoàn 2 BB bị khóa chặt tại đèo Cà Ná, trong khi tàu Hải Quân ở ngoài khơi đợi để vào bốc đi. Sau một hồi bắn qua bắn lại, tàu rút về phía Nam, còn CS  tiếp tục tiến vào Phan Rí, Phan Thiết. Tại đây binh sĩ Trung Đoàn 6/SĐ2/BB, một số đã kịp xuống tàu trở về Long Hải Vũng Tàu. Các đơn vị của Sư Ðoàn 2/BB còn lại phân tán mỏng để thoát thân. Riêng tôi và một vài sĩ quan nhờ dân chúng giúp quần áo đã cải trang dân sự lần theo Quốc Lộ 1 trở về tới Phan Rí Chàm. Trên đường, chúng tôi đã hai lần bị VC địa phương nghi ngờ cầm giữ nhưng rồi cũng thoát được, và tìm cách thuê thuyền đánh cá trở về được tới Long Hải, Vũng Tàu vào ngày 22/04/1975.

Tại Sài Gòn, sau khi thu xếp chỗ ở cho gia đình, vợ lại đang có bầu sắp sinh. Ngày 25/04/1975, tôi cùng mấy sĩ quan tham mưu chuẩn bị lên đường ra lại Vũng Tàu, vì Hậu cứ Sư Ðoàn 2/BB bây giờ đóng ở đó và có sự hiện diện của Tướng Trần Văn Nhựt, Ðại Tá Nguyễn Khoa Bảo TMT và Ðại Tá Lai Phụ Tá hành quân. Nhưng không may mà cũng có thể đó là may mắn, chiếc xe đã bị xẹp bánh ở trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Do đó, chúng tôi hoãn lại đến ngày hôm sau. Rồi tin tức cho biết trên con đường ra Vũng Tàu đã bị cắt đứt tại quận Long Thành. Trường hợp nếu chiếc xe của chúng tôi không bị hư, thì có thể sẽ  bị phục kích bắn hạ ở dọc đường vì khi đó chúng tôi vẫn  ăn mặc quân phục tác chiến.

Những ngày kế tiếp ở lại Sài Gòn trong tình hình thật bi đát, mọi phía quân CS đang sẵn  sàng chờ lệnh tiến đánh vào Sài Gòn, Tướng Dương Văn Minh mới lên thay thế Tổng Thống Trần Văn Hương được vài ngày. Còn TT Nguyễn Văn Thiệu thì đã bỏ ra nước ngoài từ mấy ngày trước. Trong tình hình đó, dân chúng Thủ Ðô, ùn ùn khăn gói bỏ lại hết mọi thứ đằng sau để tìm phương tiện ra khơi vì có tàu Hải quân Mỹ ở ngoài khơi chờ đón.

Sài gòn bi đát, những người lính Nhảy Dù cuối cùng bảo vệ Sài Gòn sau khi các sư đoàn của VNCH  từ các Quân Đoàn I và II di tản về chỉ còn quân số rất ít, không khả năng chiến đầu đang bổ sung quân số.

Riêng tôi vì tình hình gia đình cũng như cảm nghĩ về một sự ra đi tủi nhục, Mỹ đã bỏ rơi mà cứ bám víu lấy, hơn nữa vì tôn trọng kỷ luật, quân đội vẫn còn trong vòng cầm cự chưa buông súng, nên tôi quyết định ở lại cho tới 10 giờ sáng ngày 30/4/1975, khi Tướng Minh ra lệnh buông súng đầu hàng.

Sài Gòn thất thủ 30 tháng 4 năm 1975. Đoàn người leo lên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn để chen chân chạy trốn Cộng Sản

VNCH sụp đổ sau hơn hai mươi năm chiến đấu cho một miền Nam Tự Do Dân Chủ. Trong suốt thời gian hơn 20 năm, cá nhân tôi liên tục có mặt ngoài chiến trường trên 4 vùng chiến thuật, từ địa đầu Quảng Trị cho đến tận mũi Cà Mâu, qua Campuchia đến Hạ Lào để chiến đấu chống Cộng Sản bảo vệ tự do dân chủ cho miền Nam Việt Nam và cũng là lý tưởng tôi đeo đuổi từ thời còn thanh niên Việt Nam Quốc Dân Đảng: Dân Tộc Độc Lập-Dân Quyền Tự Do-Dân Sinh Hạnh Phúc.

Viết xong tại Orange County ngày 15-03-1995 (bổ sung năm 2013)
Hoàng Tích Thông

Cám ơn các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng

[Bấm vào đọc bài trước]

[Hết]

[Mở lại đọc từ bài đầu]

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt