Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá quân lực VNCH-Hoàng Tích Thông (63)
Hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu đại tá Thuỷ Quân Lục Chiến VNCH, Cuốn II nói về 22 năm phục vụ trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, từ cấp bậc Thiếu úy đến Đại Tá, xông pha trên tất cả các mặt trận từ Cà Mâu đến Bến Hải, qua Campuchia đến Hạ Lào…Tập II (1950-1975)/ Năm 1972 rời binh chủng Thủy Quân Lục Chiến về làm phó tư lệnh Sư Đoàn II Bộ Binh VNCH (63)
Rời binh chủng Thủy Quân Lục Chiến học Tham Mưu Cao Cấp Đà Lạt
Nhận chức Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 2 Bộ Binh (63)
Sau khi hành quân ở Hạ Lào về Quảng Trị, LĐ147/TQLC đóng quân tại khu vực gần nhà Thờ La Vang, phía tây Tỉnh Quảng Trị để dưỡng quân và củng cố lại đơn vị. Ðược ít ngày thì tôi được lệnh trở về Sài Gòn để chuẩn bị theo học khóa Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp tại Ðalạt. LĐ147/TQLC được giao cho Trung Tá Nguyễn năng Bảo. Vào tháng 5/1971, tôi rời Sài Gòn lên Ðalat trình diện nhập khóa. Khóa học này kéo dài 6 tháng. Khi đó Giám Ðốc Trường là Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị.
Từ Ban giảng huấn nhà trường đến khóa sinh đều là chỗ quen biết, đã từng phục vụ ở các đơn vị tác chiến, nên bầu không khí suốt thời gian học rất là thân mật và vui vẻ. Có một thời gian như vậy cũng rất tốt, trước hết để các sĩ quan trao đổi học thức về binh nghiệp cho được hoàn hảo hơn, để ngõ hầu đáp ứng với các chức vụ được giao phó, sau cùng là để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng về tinh thần cũng như về sức khoẻ sau nhiều năm tháng lăn lộn ngoài chiến trường, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng vì trách nhiệm giao phó, đồng thời cũng là dịp để thảnh thơi suy ngẫm về những gì đã làm, những kinh nghiệm cần phải rút tỉa cho các hoạt động tương lai.
Về chương trình của khóa học, nhà trường cũng dựa theo chương trình của khóa học cao cấp (senior) Hoa Kỳ, nặng về thiết kế tham mưu cấp Sư Ðoàn. Nói chung thì việc học hành được thoải mái, miễn là giờ giấc phải tuân thủ cho nghiêm chỉnh, vì là cấp bậc cao. Ăn uống nghỉ ngơi, nhà trường có đủ phương tiện phục vụ, nếu muốn ăn ở ngoài cũng được. Về kỷ luật, nhà trường áp dụng kỷ luật tự giác. Suốt thời gian theo học, mọi sự đều diễn ra tốt đẹp, và để kết thúc cho khóa học, nhà trường có tổ chức một cuộc hành quân trên bản đồ cấp Sư Ðoàn để các khóa sinh thực tập theo từng các nhiệm vụ của BTM Sư Ðoàn.
Những năm trước, các khóa học phần lớn các khóa sinh đều là sĩ quan trung cấp, không giữ những nhiệm vụ quan trọng thường bị các đơn vị trưởng đưa đi học, còn các sĩ quan đáng lẽ phải đi học thì lại bị giữ lại, hoặc không muốn đi vì sợ mất chỗ tốt. Trong Quân Ðội đã có nhiều sĩ quan giữ những chức vụ lớn, quan trọng có khi chưa theo học một khóa nào cả. Do đó để chấn chỉnh lại, Bộ TTM đã bắt buộc các cấp Ðại Tá tạm thời, phải đi học thì mới được điều chỉnh thực thụ. Ngoài ra, những khóa sinh, trong thời gian theo học thì tình trạng quân số trực thuộc Phòng Tổng Quản Trị của Bộ TTM và nhà Trường quản trị về hành chánh. Do đó khi mãn khóa có sĩ quan trở về đơn vị cũ, có sĩ quan thuyên chuyển đi đơn vị mới, tùy theo từng nhu cầu của các đơn vị đưa đi học.
Trường hợp của tôi, thì sau khi mãn khóa, được thuyên chuyển về Quân Đoàn 4. Tại Bộ Tư Lệnh QÐ4, tôi trình diện Trung Tướng Ngô Quang Trưởng Tư Lệnh QÐ4. Ông sắp xếp tôi về Sư Ðoàn 7 BB đóng tại căn cứ Ðồng Tâm,Tỉnh Mỹ Tho do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư Lệnh Sư Ðoàn. Ông giao cho tôi chức vụ Phụ Tá Tư Lệnh hành quân. Ở chức vụ này, không có chuyện gì khác là tháp tùng Tư Lệnh đi thăm các đơn vị và đồn trại trong khu vực trách nhiệm, nhiều khi bận rộn quên cả ăn cơm. Tướng Nam thì lại ít khi ở lại dùng cơm với các đơn vị, mà chỉ dùng bánh mì ăn ngay trên trực thăng. Vì lẽ này, mà bệnh đau bao tử của tôi lại tái phát, vì giờ giấc quá bất thường. Ðược một thời gian, tôi phải xin nghỉ đi bệnh viện chữa bệnh. Trong thời gian nghỉ ngơi dưỡng bệnh thì Ðại Tá Trần văn Nhựt, từ chức vụ Tỉnh Trưởng Bình Long (Bình Long anh dung trong Mùa Hè Đỏ Lửa) ra giữ chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 BB. Ra được một hai tháng thì ông gọi tôi ra giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 2 BB.
Vùng này đối với tôi thì không xa lạ lắm và cũng không ưa thích gì mấy. Nhưng vì tình huynh đệ cùng binh chủng TQLC trước kia, và cũng từng sát cánh chiến đấu bên nhau, tôi thấy ra làm việc với ông cũng thích hơn là với người khác, nên tôi liên hệ với Phòng Tổng Quản Trị Bộ TTM để nhận sự vụ lệnh lên đường.
Tôi trình diện SÐ2/BB vào tháng 10/1972. Chưa được ít ngày, Ðại Tá Nhựt đã gửi tôi tới phụ lực với Trung Ðoàn Trưởng Trung Đoàn 5, lúc đó là Trung Tá Võ Vàng (Khóa 17 Sỹ quan Đà Lạt) chỉ huy, đang điều động các đơn vị trực thuộc đánh chiếm lại Quận lỵ Ba Tơ Tỉnh Quảng Ngãi đã rơi vào tay địch trước đó ít ngày. BCH đóng trên một đỉnh đồi trong dãy núi nằm ở phía tây thung lũng Ba Tơ. Ở đó một thời gian, kết quả Trung Đoàn 5 không đánh chiếm lại được vì địch cố thủ kiên cố. Hơn nữa Quận lỵ nằm dưới thung lũng bao quanh bởi đồi núi nên càng khó khăn hơn.
Về sau, BCH Sư Ðoàn quyết định rút ra khỏi thung lũng về đóng tại một vị trí ở phía bắc Quận Lỵ chừng mười cây số. Tại đây vẫn bị địch pháo kích. Trú đóng với Trung Đoàn 5 vài ngày thì tôi trở về hậu cứ Sư Ðoàn 2 BB trong căn cứ Chu Lai, nằm ở giữa ranh giới Tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi. Căn cứ này trước kia của TQLC Hoa Kỳ, sau các đơn vị Ðại Hàn thay thế, và cuối cùng là Sư Ðoàn 2 BB.
Ðịa điểm này nằm sát bờ biển, rộng một cây số, dài khoảng ba bốn cây số, có một sân bay cho phi cơ phản lực xử dụng. Phía tây là Quốc Lộ 1, và dãy núi cao án ngữ từ Bắc xuống Nam. Ở phía tây Quốc Lộ 1, nằm trên một quả đồi thấp là doanh trại của Trung Đoàn 6/SÐ2. Trong căn cứ, ngoài BTL/SÐ2 còn có các đơn vị trú đóng như: Pháo Binh, Công Binh, Truyền Tin, Thiết Giáp, Tiếp Vận, Trung Tâm Huấn Luyện, Tiểu Ðoàn Quân Y và một trại gia binh. Ở phía bắc căn cứ, có căn cứ của Hải Thuyền thuộc Hải Quân VNCH, tại phía nam là kho đạn và xăng dầu, dùng để tiếp tế cho Sư Ðoàn 2 BB và hai Tiểu Khu Quảng Tín và Quảng Ngãi. Nói tóm lại thì căn cứ Chu Lai là một địa điểm rất đẹp, khí hậu thời tiết mát mẻ, nhưng về mặt quân sự thì khó phòng thủ vì quá rộng và cận núi.
Với Quân Ðội Hoa Kỳ, phương tiện đầy đủ nên không thành vấn đề, nhưng với khả năng của Sư Ðoàn 2 BB, thì khó có thể đứng vững trong trường hợp địch tấn công đột kích. Làm việc cho Sư Ðoàn chưa được ít lâu, thì xẩy ra Hiệp Ðịnh Ba Lê được ký kết vào ngày 27/1/1973. Ðang chuẩn bị ăn Tết, thì xẩy ra vụ địch tấn công đánh chiếm Sa Huỳnh. Tôi được lệnh cùng BCH tiền Phương Sư Ðoàn di chuyển tới BCH Trung Đoàn 4/SÐ 2 tại Quận lỵ Ðức Phổ để chỉ huy cuộc phản công đánh chiếm lại Sa Huỳnh.
Trận tấn công vào Sa Huỳnh, cắt đứt Quốc Lộ 1 vào đêm rạng ngày Hiệp Ðịnh Ba Lê có hiệu lực. Dĩ nhiên là Sư Ðoàn không thể để tình trạng đó không giải quyết, vì nếu Quốc Lộ 1 bị cắt đứt, sự thông thương giữa hai Vùng 1 và Vùng 2 bị tê liệt (quận Ðức phổ giáp ranh với quận Bồng Sơn Tam Quan của tỉnh Bình Ðịnh). Bởi thế, với bất cứ giá nào Sư Ðoàn 2 BB cũng phải thanh toán cho xong. Ngoài Trung Đoàn 4/SĐ2 BB còn tăng cường một đơn vị của Trung Đoàn 5/SĐ2 BB và Liên Ðoàn 1/BÐQ cùng Thiết giáp của SĐ2/BB đã mở cuộc hành quân bằng hai mũi tiến công. Một cánh dựa theo Quốc Lộ 1 tiến quân theo đường đỉnh của dãy núi nằm phía tây Quốc Lộ 1, cánh thứ hai gồm LĐ1/BĐQ và Thiết giáp di chuyển ở phía đông giáp biển. Mục tiêu cuối cùng là xã Sa Huỳnh nằm ở cạnh Quốc Lộ 1, kế cận bãi biển Sa Huỳnh. Ngoài sự yểm trợ của pháo binh, còn có hải pháo của Hải Quân Vùng 1 bắn yểm trợ. Lúc đầu có xử dụng đến trực thăng để đổ quân xuống một cao điểm nằm ở phía đông xã Sa Huỳnh, nhưng vì hỏa lực phòng không gây trở ngại nên cuộc đổ quân bằng trực thăng hủy bỏ.
Với một địa thế tương đối khó khăn, bị hạn chế bởi dãy núi cao nằm ở phía tây, lại sát với Quốc Lộ 1 nên việc điều quân rất chậm chạp, đôi lúc phải vượt qua các thung lung hẹp chắn ngang, mà địch lại bố trí trên các ngọn đồi núi bắn ngăn chặn.
Cuộc tiến quân phải kéo dài tới gần tuần lễ mới chiếm lại được, sau khi Sư Ðoàn phải xử dụng tối đa hỏa lực pháo binh yểm trợ, cùng sự quyết tâm của các chiến sĩ các đơn vị. Kết quả thu lượm rất khích lệ, tịch thu nhiều vũ khí đủ loại và hàng trăm địch quân bị loại khỏi vòng chiến. Sau được biết, thì một Trung Đoàn của Sư Ðoàn 2 VC đã bị loại khỏi vòng chiến và Sư Ðoàn này đã phải giải tán để thành lập một Lữ Ðoàn độc lập. Số còn lại sáp nhập vào Sư Ðoàn 711 hoạt động tại Khâm Ðức, quận Quế Sơn tỉnh Quảng Nam.
Sa Huỳnh được giải tỏa, Quốc Lộ 1 được khai thông, hai ngày sau, thì phái đoàn Tổng Thống Thiệu ra thăm và được Tướng Nhựt thuyết trình về diễn tiến trận đánh. Sau trận chiến đó thì địch kêu la trên đài phát thanh của chúng là VNCH vi phạm Hiệp Ðịnh ngừng bắn Paris, đúng là luận điệu của CS vừa ăn cướp vừa la làng.
Trên lý thuyết thì hai bên phải ngừng bắn, nhưng thực tế trong khu vực trách nhiệm của Sư Ðoàn 2 BB là hai tỉnh Quảng Tín và Quảng Ngãi hàng ngày vẫn xẩy ra các cuộc đụng độ giữa hai bên ở mức độ cao. Ðịch đánh chiếm các cao địa chung quanh quận Tiên Phước tỉnh Quảng Tín, uy hiếp Quận lỵ. Sư Ðoàn cũng phải mất hàng tuần mới lấy lại được.
Ðịch đánh chiếm quận Minh Long ở phía nam quận Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi, nằm trong thung lũng sát chân núi, sau khi Sư Ðoàn 2 ra lệnh cho lực lượng đặc biệt đóng trong trại ở phí tây quận Ba Tơ, trên hành lang đi lên cao nguyên Kontum, vì suốt ngày đêm bị địch uy hiếp bằng pháo kích vào trong trại, gây thiệt hại về sinh mạng, hơn nữa lại không tiếp tế bằng trực thăng được vì địch bố trí phòng không ở chung quanh trại, dù đã có một số đơn vị nhỏ đóng ở trên núi cao.
Từ đó cho đến ngày 30/4/1975, liên tiếp những trận đánh dằng co giữa hai bên tại những nơi gọi là “mật khu lớn”, chẳng hạn như ở Batangan (Ba làng An) phía đông quận Bình Sơn và Sơn Tịnh, giáp với biển, làng Mỹ Lai (Sơn Tịnh), thung lũng Cộng Hòa, phía tây quận Mộ Ðức, tỉnh Quảng Ngãi. Tại Quảng Tín, khu vực phía tây nam tỉnh lỵ. Các địa điểm này không có lực lượng nhiều nhưng VC phân chia nhiều tổ, đóng chốt ở các cao địa hiểm yếu nên rất khó thanh toán. Nếu xử dụng đơn vị lớn thì chỉ mang thiệt hại vô ích, nên ta cũng phải xử dụng những toán biệt kích, đánh nhỏ nhưng kết quả khả quan hơn.
Hơn nữa, trong thời gian gọi là ngừng bắn theo chỉ thị từ trên, thì vấn đề xử dụng hỏa lực, nhất là không quân và pháo binh rất hạn chế, cũng như xăng, dầu dùng cho các đơn vị thiết giáp cũng vậy. Ðược biết là do nguồn viện trợ đã bị cắt xén đi nhiều sau khi hiệp định ngừng bắn được thi hành. Nhưng đó chỉ là giới hạn với phía VNCH còn với VC thì đâu vẫn vào đó, và có khi còn được tiếp tế nhiều hơn nữa từ Nga Sô và Trung cộng mà không ai có thể kiểm soát được.
Trong khi đó thì Ủy Ban kiểm xoát Quốc Tế (4 thành phần gồm hai thuộc phía Tự Do, hai thuộc Cộng Sản) là Canada, Iran (sau Nam Dương thay thế Canada) Ba Lan và Hung Gia Lợi. Ủy Ban này chỉ kiểm soát tại những cửa khẩu của hai miền mà thôi, nên rút cuộc cũng chẳng đi tới đâu.
Còn những vụ vi phạm về quân sự thì cũng giải quyết cho lấy lệ, mọi sự thiệt thòi vẫn thuộc về phía VNCH. Các tin tức tình báo thâu thập được thì quân CSBV vẫn gia tăng xâm nhập vào Nam, trên đường mòn HCM, kể cả bằng quân xa. Hơn nữa chúng còn thiết lập cả hệ thống tiếp tế xăng, dầu từ miền Bắc vào, để chuẩn bị tiếp tế cho các đơn vị thiết giáp của chúng. Theo nhận định thì chúng đang chuẩn bị chiến trường ở Vùng I, và hướng tấn công chính vẫn là từ dáy núi Trường Sơn tới. Biết được thì vậy, nhưng ta cũng đành bó tay vì không được xử dụng đến không quân và pháo binh để đánh phá. Do đó mà khi cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975, ta không thể chống đỡ nổi và luôn ở thế bị động, chỉ còn chống đỡ, không còn khả năng phản kích lại nữa. Các lực lượng Tổng Trừ Bị và trừ bị cho Quân Ðoàn, tất cả đều bị chôn chân tại chỗ, không còn xử dụng để chi viện cho các mặt trận khác, và rồi qua các trận đụng độ, khả năng chiến đấu mỗi ngày mỗi sa sút cho tới lúc tan rã hoàn toàn.
Ngoài các cuộc hành quân bảo vệ lãnh thổ, dành dân trong tình trạng ngừng bắn kiểu “da beo” lại gặp nhiều khó khăn, khi địch nằm ngay trong vùng kiểm soát của ta, mà Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến Quốc Tế luôn can thiệp có lợi cho chúng. Sư Ðoàn còn gửi đơn vị tăng cường cho Sư Ðoàn 3/BB ở phía Bắc, hoạt động trong thung lung Quế Sơn, Ðèo Le. Ở đây, luôn có sự hiện diện của Sư Ðoàn 711 của Việt Cộng hoạt động giữa hai vùng Quế Sơn tỉnh Quảng Nam và Tiên Phước tỉnh Quảng Tín.