Hoa Vi, bài toán trắc nghiệm về mức độ độc lập của châu Âu đối với Hoa Kỳ

Trụ sở tập đoàn Hoa Vi (Huawei) ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Cộng. Ảnh chụp ngày 25/03/2019 (Ảnh: REUTERS/Tyrone Siu)

Thêm một dấu hiệu rạn nứt giữa Hoa Kỳ và châu Âu: vào lúc tại Washington Donald Trump ký sắc lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của Hoa Vi, thì lãnh đạo tập đoàn Trung Cộng này là khách mời của phủ tổng thống Pháp cùng với nhiều “đại gia” khác trong ngành công nghệ cao của thế giới.

Tổng thống Macron phát biểu bằng tiếng Anh tại hội chợ công nghệ cao VivaTech Paris sáng 16/05/2019 bồi thêm với tuyên bố “mục tiêu của Pháp không nhằm ngăn chận Hoa Vi hay bất kỳ một công ty ngoại quốc nào vì đấy không là phương tiện tốt nhất để bảo vệ an ninh quốc gia hay chủ quyền của châu Âu”.

Hoa Vi đang trở thành cái gai trong bang giao giữa Washington và các đồng minh truyền thống trên Lục Địa Già, đồng thời phản ánh thực trạng trong quan hệ giữa các nước phương Tây với người khổng lồ Trung Cộng.

Từ nhiều tháng qua, chính phủ Mỹ, Quốc Hội Hoa Kỳ và cả cơ quan tình báo CIA cũng như các viện nghiên cứu chiến lược tại Washington đồng thanh báo động Hoa Vi là tai mắt của Bắc Kinh để dọ thám các nước phương Tây, là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của châu Âu và Mỹ. Nhà Trắng thậm chí cho rằng Hoa Vi là một mối nguy hiểm đối với an ninh Hoa Kỳ.

Viện lý do này, tổng thống Donald Trump “cấm cửa” con chim đầu đàn của ngành viễn thông Trung Cộng trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đọ sức về thương mại. Không chỉ có vậy, Hoa Kỳ còn liên tục thúc hối các đồng minh châu Âu noi gương Mỹ phạt Hoa Vi. Ở bên này bờ Đại Tây Dương, các đồng minh thân thiết nhất của Washington là Luân Đôn, Paris hay Berlin đều dửng dưng trước những báo động của Hoa Kỳ. Chưa kể là một số các nước Đông Âu hứa cho Hoa Vi trang bị mạng 5G.

Chính quyền Trump đặc biệt bực mình vì Luân Đôn vẫn cho phép các tập đoàn viễn thông của Anh dùng trang thiết bị Hoa Vi trong lúc Anh Quốc là một trong 5 thành viên của nhóm Five Eyes (gồm Canada, Mỹ, Úc, New Zealand và Anh), tức là một trong những đối tác đặc biệt của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tình báo.

Việc chính quyền của thủ tướng Theresa May không “về hùa” với Nhà Trắng có thể xem như là một bằng chứng cho thấy những cáo buộc Hoa Vi là tai mắt của Bắc Kinh không có cơ sở.

Pháp và Đức không thuộc diện ưu tiên như Anh, nhưng cũng là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ. Ấy vậy mà tới nay, cả Berlin lẫn Paris cùng thận trọng, tránh lao vào một cuộc “chiến tranh công nghệ với Trung Cộng”.

Tương tự như trên, hồ sơ hạt nhân Iran, châu Âu giữ khoảng cách với Hoa Kỳ. Không những thế, Paris, Berlin và ngay cả Luân Đôn, đang vướng bận vì hồ sơ Brexit, đều đang tìm cho mình một hướng đi riêng. Chỉ riêng với Trung Cộng, tương tự như Mỹ, châu Âu đồng lòng cứng giọng đòi Trung Cộng mở cửa thị trường và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp ngoại quốc, phải tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ… và cũng dè chừng các đối tác Trung Cộng không kém gì Mỹ. Nhưng Bruxelles tránh giải pháp đối đầu.

Nếu như chính quyền Trump áp dụng trở lại chính sách “kềm tỏa” để hạ gục đối thủ như đã từng áp dụng trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô xưa kia, thì phía châu Âu có vẻ nghiêng về giải pháp đối thoại để tái cân bằng tương quan lực lượng với đối phương.

Có lẽ việc lãnh đạo tập đoàn viễn thông Trung Cộng Hoa Vi được tiếp đón trọng thể tại điện Elysée, hay như sự kiện các lãnh đạo châu Âu đến tận Paris gặp chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3/2019 là những dấu hiệu đầu tiên của chiến lược đó. Châu Âu đã ý thức được rằng, để tồn tại và có trọng lượng trên bàn cờ quốc tế, bất luận là về mặt ngoại giao, địa chính trị, hay thương mại, châu lục này bắt buộc phải có chung một tiếng nói. Đó là bài học lớn nhất mà Liên Âu rút tỉa được từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng.

RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt