Dân biểu Quốc hội EU: Nhân quyền phải đứng đầu lịch trình!
Lời người post: EVFTA là gì? Là hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – EU viết tắt là EVFTA (EU Việtnam Free Trade Agreement). Đây là hiệp định thương mại mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. EVFTA và Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là hai hiệp ước Thương mại Tự Do với phạm vi cam kết rộng và cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay. Trong cuộc đàm phán giữa Việt Nam và EU về EVFTA đang bị ngăn chận bởi vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Dưới đây là tình trạng đang diễn ra trong lúc đàm phán:
Nữ dân biểu Nghị viện châu Âu Jude Kirton-Darling (thuộc Đảng Lao động Anh Quốc), sau khi tham dự buổi điều trần công khai về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa EU và Việt Nam tại Brussels, đã trình bày những nhận định của bà trong bài viết
“Liên minh châu Âu (EU) không thể hài lòng với một thỏa hiệp tồi tệ với Việt Nam“
Tư thế là thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế Quốc hội châu Âu (INTA) của DB Kirton-Darling cho thấy đòi hỏi của bà “nhân quyền phải được tôn trọng phải luôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong lịch trình của chúng ta“, trước cả thương mại và địa chính trị, sẽ có ảnh hưởng lớn trong việc phê chuẩn EVFTA của Quốc hội.
Cho tới nay, hai đối tác phụ trách việc đàm phán, thảo văn bản, rà xét pháp lý và ký văn bản (chưa phải là ký kết thực sự của Hội đồng EU) là Ủy ban Châu Âu (cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu) và nhà cầm quyền Việt Nam, đã cố sức trình bày những khía cạnh tưởng như tốt đẹp về thương mại và cả địa chính trị, cũng như gây cảm tưởng là việc ký kết đang diễn ra tốt đẹp. Nhưng sự phê chuẩn cuối cùng của Quốc hội châu Âu còn tùy thuộc sự xét đoán của 751 dân biểu.
Trong đầu bài viết, DB Kirton-Darling đã đưa Nhân quyền vào đúng vị trí quyết định cho vận mạng EVFTA của nó. Điều này phù hợp với đòi hỏi của 10 vị dân biểu hiện diện trong buổi điều trần qua những câu hỏi và chỉ trích gay gắt của họ, về sự thành hình của văn bản EVFTA bất kể tình trạng nhân quyền VN sa sút trầm trọng trong những năm vừa qua (1).
Thất bại của “Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện VN-EU” (PCA/ký năm 2012) và 7 cuộc Đối thoại Nhân quyền hàng năm giữa EU và VN, là chứng cớ cho sự thiếu sót của văn bản EVFTA hiện tại.
DB Kirton-Darling đã tinh tế đưa ra hình ảnh người đại diện duy nhất của xã hội dân sự Việt Nam được phép lên tiếng trong buổi điều trần, TS Nguyễn Quang A, giữa một loạt đông đảo những đại diện doanh nghiệp, phái đoàn VN của Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh, phái đoàn của Đại sứ VN Vũ Anh Quang, và phái đoàn của ông Nicolas Audier, đại diện Phòng Thương Mại Âu châu tại Việt Nam Euro Cham (2).
DB Kirton-Darling cũng mô tả những khó khăn TS Quang A đã phải can đảm vượt qua hầu có mặt tại buổi điều trần, để lưu ý các đồng nghiệp của bà đừng đánh giá tình trạng nhân quyền tại VN dựa vào lý do TS Quang A đã rất chừng mực và tránh dùng những chỉ trích gay gắt (ông còn phải trở lại và sống tại VN), mà càng cần phải chú tâm đến điểm tối thiểu trong số những điểm mà TS Quang A kêu gọi:
Nếu EU muốn đảm bảo tiến bộ về quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam thì EU phải đòi hỏi Việt Nam phê chuẩn trước (3 Công ước ILO) như là một điều kiện tiên quyết (cho việc EU phê chuẩn Hiệp định Thương mại).
Để củng cố lời kêu gọi này, DB Kirton-Darling đưa ra chi tiết về số phận của hai người đã tranh đấu bảo vệ quyền biểu tình của công nhân và để bảo vệ môi trường: cô Đỗ thị Minh Hạnh và anh Hoàng Đức Bình.
Phản bác mạnh mẽ lập luận “chúng ta nên hành xử một cách dè dặt và kiềm chế để không đòi hỏi Việt Nam quá nhiều về nhân quyền, bởi vì nếu làm như thế thì cuối cùng chúng ta có thể đẩy Việt Nam vào quỹ đạo Trung Quốc”.
DB Kirton-Darling nhắc tới bằng chứng mà “VETO! Mạng lưới những Người Bảo vệ Nhân quyền” đã nêu ra trong bản lập trường chính thức (Position Paper, phần Addendum): năm 2016, để được gia nhập TPP, Việt Nam đã từng nhượng bộ Hoa Kỳ, chấp nhận một loạt các cam kết chi tiết về quyền lao động, bao gồm các cuộc cải cách luật cụ thể. Điều này khiến DB Kirton-Darling kết luận, không việc gì Liên minh châu Âu phải thua thiệt đàm phàn để chấp nhận cái văn bản EVFTA hiện tại, với những điều khoản về nhân quyền, quyền người lao động, yếu đến nỗi không một ai trong xã hội dân sự tại EU hay Việt Nam có thể xem trọng nó.
Quá hiển nhiên EVFTA là nỗ lực muốn được quốc tế tôn trọng của nhà cầm quyền Việt Nam, vậy Việt Nam hãy có những chỉ dấu tích cực chứ không thể chỉ hứa qua loa, không đứng đắn.
Sự quyết liệt của các dân biểu châu Âu hiện diện trong buổi điều trần 10/10/2018 (1) có vẻ đã đưa tới chiều hướng làm việc mới của Ủy ban châu Âu.
Theo Tuyên bố chung ngày 19/10/2018 của Ủy viên Thương mại Cecilia Malmström và Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, Trần Tuấn Anh, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (3)
“Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện đúng thời gian và có hiệu quả cả hai hiệp ước (FTA và IPA) và đang hợp tác chặt chẽ để xác định những phần thực hiện các cam kết có thể cần được chú ý đặc biệt.
Về mặt này, Chính phủ Việt Nam đang chuẩn bị kế hoạch thực hiện để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo FTA, và Ủy ban châu Âu sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật những cải cách và điều chỉnh cần thiết. Cả hai bên công nhận mức quan trọng của chương trình Thương mại và Phát triển bền vững trong FTA, và đồng ý cùng nhau thúc đẩy những nỗ lực trong lĩnh vực này, bao gồm việc phê chuẩn các Công ước cơ bản nổi bật của ILO“.
Mọi người hãy về và làm “bài tập ở nhà” của mình
là lời của ông Bernd Lange, chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Quốc hội châu Âu (INTA) kết thúc buổi điều trần về EVFTA ngày 10/10/2018.
Ảnh hưởng của cuộc điều trần cũng như bài viết của DB Kirton-Darling chứng minh sự cộng hưởng của các Xã hội dân sự tự do tại VN và các hội/mạng lưới bảo vệ Nhân quyền quốc tế, đương nhiên tìm được đồng minh nơi Quốc hội Liên minh châu Âu.
Điều này không có nghĩa, quyết định của đa số trong 751dân biểu đã rõ ràng.
Nhà cầm quyền VN và Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra một số đề nghị để nhằm gây ảnh hưởng tích cực lên các dân biểu. Phía người dân Việt Nam cần có những người, những nhóm Xã hội dân sự, theo dõi thật sát tình hình, phân tích những điểm lợi hại, thu thập bằng chứng và chuyển đến những dân biểu Quốc hội Liên minh châu Âu, hoặc, nếu cần, với sự cộng tác của những hội/nhóm hành động tại hải ngoại thực sự có khả năng. Hiện nay một bài phân tích và phản biện những “khẳng định” rất bỉ ổi trong bài diễn thuyết tại buổi điều trần của ông Thứ trưởng Khánh rất cần.
Một bài phân tích mạch lạc và một phản biện có cơ sở.
Thái độ của các dân biểu Quốc hội Liên minh châu Âu có lẽ được tóm gọn rõ nhất trong lời phát biểu của DB Werner Langen (Đức), Đảng EPP Nhân dân Châu Âu (đảng lớn nhất trong QH), Chủ tịch (DASE) Phái đoàn quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN:
… là dân biểu quốc hội EU, tôi không có quyền cũng chẳng có bổn phận phê bình đường lối chính trị cơ bản của VN, dù chính sách độc đảng của quí vị không thích hợp với mô hình dân chủ của chúng tôi. Nhưng, như DB Lochbihler đã trình bày rõ ràng, Quốc hội EU chúng tôi muốn EVFTA thành công, muốn ủng hộ EVFTA, chính vì vậy chúng tôi muốn đưa ra những điều kiện tiên quyết để có sự bảo đảm về Nhân quyền, về quyền của người lao động và an sinh xã hội… “
Thục Quyên
(1) https://boxitvn.blogspot.com/2018/10/gia-tri-nhan-quyen-trong-buoi-ieu-tran.html#more
2) Euro Cham đã có mặt tại Brussels với gần 20 đại diện các doanh nghiệp từ 8 tới 18/10/2018 để cổ võ cho việc ký kết và phê chuẩn EVFTA
https://www.eurochamvn.org/node/17695
(3) http://trade.ec.europa.eu/doclib/press/index.cfm?id=1928