Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược của Mỹ ở Biển Đông như thế nào?

Tờ ‘The Diplomat’ gần đây cho đăng một bài viết của ông Gary Sands, chuyên gia cao cấp về rủi ro chính trị tại Wikistrat – một công ty tư vấn địa chiến lược Mỹ, trong đó phân tích về cách Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược mới của Mỹ ở Biển Đông.

Theo ông Sands, khi Washington bắt đầu chống lại Bắc Kinh trên nhiều mặt trận: Kinh tế, chính trị và quân sự, Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng (FOIP) của chính quyền Tổng thống Trump nhanh chóng rõ nét hơn.

Kể từ khi ông Trump sử dụng khái niệm này vào tháng 11/2017 tại Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit 2017) được tổ chức ở Đà Nẵng, Mỹ đã cố gắng định rõ chiến lược FOIP này, trong đó có sự tham gia của Úc, Ấn Độ và Nhật Bản,

Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, đã bắt đầu bình luận công khai về các chi tiết của chiến lược này. Một quan chức Mỹ khác là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về các vấn đề an ninh châu Á Thái Bình Dương, ông Randall G. Schriver gần đây đã đến thăm Việt Nam, để phát biểu về chiến lược FOIP của Mỹ có ý nghĩa gì đối với Hà Nội. Đây là chuyến thăm lần thứ ba của ông đến Việt Nam, như là một phần của cuộc đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm giữa Mỹ và Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong bối cảnh mối quan hệ quân sự ngày càng tăng giữa 2 nước.

Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Randall G. Schriver gặp gỡ với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm 4/10. (Ảnh: USPCOM)

Phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Randall G. Schriver gặp gỡ với Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm 4/10. (Ảnh: USPCOM)

Trong bài diễn văn của mình tại Trung tâm Hoa Kỳ ở thành phố Sài Gòn ngày 5/10, ông Schriver bắt đầu phát biểu bằng cách đề cập đến khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương như là một “vũ đài ưu tiên”, trong khi nêu bật một số hành động hung hăng của Tàu Cộng trong khu vực, đặc biệt trên Biển Đông.

Ông Schriver nêu rõ Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ được dựa trên ba trụ cột: Thừa nhận sự cạnh tranh giữa các cường quốc, chủ yếu giữa Tàu Cộng, Nga và Mỹ; phát triển và tăng cường sức mạnh của các đồng minh và đối tác quân sự; cải cách cơ cấu của Bộ Quốc phòng Mỹ, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Ông Sands cho rằng một trong những cách Việt Nam có thể thu được lợi ích từ chiến lược FOIP là thông qua các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) do các nước lớn trong khu vực tiến hành. Các hoạt động tự do hàng hải này nhằm chỉ cho Bắc Kinh và các quốc gia duyên hải khác ở Biển Đông thấy rằng các tàu hải quân có thể tự do qua lại khu vực này không hạn chế, bất chấp Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90% vùng biển và quyết tâm kiểm soát quyền qua lại khu vực.

Ông Schriver đã phát biểu khá nhiều về một hoạt động tự do hàng hải gần đây như vậy của Mỹ, liên quan đến vụ suýt va chạm giữa tàu USS Decatur, một tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, và tàu Lan Châu, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường Lữ Dương II (Luyang-II) của Tàu Cộng, ở gần rạn san hô Châu Viên (Gaven Reef) của quần đảo Trường Sa tranh chấp (mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền).

Trong hoạt động tự do hàng hải này, tàu khu trục Tàu Cộng được cho là đã áp sát 40 mét, gần tàu USS Decatur, khiến cho chiếc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm. Được biết trong năm nay, Mỹ đã tiến hành 4 hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông cho đến nay, so với 4 hoạt động tự do hàng hải trong 2017, 3 hoạt động tự do hàng hải trong 2016 và 1 hoạt động tự do hàng hải trong 2015.

Tàu Lan Châu, chiêc tàu khu trục của Trung Quốc đã áp sát chiếc tàu chiến Mỹ USS Decatur hôm 2/10

Tàu Lan Châu, chiếc tàu khu trục của Tàu Cộng đã áp sát chiếc tàu chiến Mỹ USS Decatur hôm 30/9.  

Theo ông Schriver, các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ được thực hiện là nhằm đáp trả việc Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo xung quanh các rạn san hô và đá, để tạo ra “chuyện đã rồi” ở Biển Đông, trong một nỗ lực đẩy mạnh những yêu sách của Tàu Cộng. Một số rìa san hô và đá mà Tàu Cộng tuyên bố chủ quyền (như rạn san hô Châu Viên), đã từng bị chìm dưới mực nước biển khi thủy triều dâng cao.

Cũng trong bài phát biểu, ông Schriver ám chỉ chính quyền của Tổng thống Trump có thể tiến hành thêm các hành động chống lại các công ty Tàu Cộng tham gia vào việc xây dựng các đảo nhân tạo này, có lẽ thông qua việc thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Liên quan đến không phận trên vùng biển tranh chấp, ông Schriver cho biết chính sách FOIP cũng sẽ chống lại bất kỳ tuyên bố hiện tại hoặc mới nào của Bắc Kinh về Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ), một trong những cách mà Tàu Cộng mưu toan khẳng định chủ quyền của họ trong khu vực.

Ông Schriver nêu rõ theo chiến lược FOIP: “Mỹ sẽ bay, ra khơi và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, phù hợp với chính sách “xoay trục châu Á” trước đây của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter dưới chính quyền Obama, tiết lộ công khai sự ủng hộ hoàn toàn tuyệt đối của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia ven biển như Việt Nam.

Theo ông Sands, trong khi Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ kêu gọi phát triển và tăng cường sức mạnh của các đối tác quốc phòng như Việt Nam, Hà Nội sẽ không quá thân thiện với Mỹ do chính sách “3 không” của Việt Nam. Đó là không làm đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam; và không dựa vào nước nào để chống lại nước khác.

Ông Sands cho rằng mặc dù Hà Nội không chính thức dựa vào các bên thứ ba trong cuộc tranh chấp của mình ở Biển Đông, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc gia tăng các hoạt động tự do hàng hải và các thách thức khác đối với sự khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh, theo chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng của chính quyền Mỹ. Một số tàu hải quân tiến hành các hoạt động tự do hàng hải sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến ghé thăm cảng Cam Ranh, thúc đẩy sự phát triển và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng giữa Hà Nội, Mỹ và các đối tác hải quân lớn khác trong khu vực, trong khi các hoạt động tự do hàng hải của họ sẽ cho thấy sự ủng hộ hoàn toàn cho những tuyên bố của Việt Nam và các quốc gia ven biển khác.

Cuối cùng, với tiềm năng hợp tác lớn hơn giữa các cường quốc hải quân lớn trong khu vực, để thúc đẩy và quản lý một chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương Tự do và Mở rộng, trong thời đại cạnh tranh kinh tế, quân sự và chính trị lớn hơn giữa Tàu Cộng, Nga và Mỹ, Hà Nội có thể thấy dễ dàng hơn bao giờ hết, khéo léo lôi kéo tất cả 3 bên chống lại lẫn nhau, để có lợi thế tối đa, ông Sands nhận xét.

PD theo The Diplomat

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt