Chuyên gia: “7 phần tượng trưng, 3 phần thực chất khi USS Carl Vinson thăm”
Giữa trưa ngày 5/3, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và hai tàu hộ tống đến cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài cho đến ngày 9/3, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Chuyến thăm được coi là có tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm một cảng Việt Nam kể từ sau ngày 30/4/1975. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá với VOA rằng chuyến thăm “có 7 phần tượng trưng và 3 phần thực chất”.
Tin cho hay, lễ đón các tàu USS Carl Vinson, USS Lake Champlain và USS Wayne E. Meyer đã diễn ra tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiều 5/3, với đại diện phía chủ nhà là các quan chức của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Theo trích dẫn trên báo chí Việt Nam, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, Hải quân Mỹ, phát biểu tại lễ đón: “Hôm nay là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại đây. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam vì sự hỗ trợ hậu cần tuyệt vời giúp chuyến thăm này trở thành hiện thực. Mỹ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết”.
Báo chí cũng trích phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tại lễ đón, khi ông nhấn mạnh đến tính biểu tượng của chuyến thăm đối với tổng thể mối quan hệ song phương của hai nước. Đại sứ Mỹ nói: “Chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ, mong muốn Việt Nam trở thành một nước vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Với sự nỗ lực, tôn trọng lẫn nhau và bằng cách tiếp tục giải quyết các vấn đề trong quá khứ cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn; từ cựu thù, chúng ta đã trở thành đối tác chặt chẽ”.
Đại diện cho Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ của thành phố, nói với các phóng viên rằng chuyến thăm của đội tàu Hải quân Hoa Kỳ là “dịp quảng bá và thu hút đầu tư thương mại và du lịch” cho thành phố trong thời gian tới.
Ông Minh nói rằng chuyến thăm cũng “khẳng định năng lực bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đón tàu quân sự của Cảng Đà Nẵng, cũng như vai trò, vị trí của thành phố trong việc hợp tác quốc tế và bảo đảm quốc phòng”.
Hình ảnh trên báo chí cho thấy đại diện của hải quân và Bộ Quốc phòng Việt Nam tại lễ đón nhưng không có trích dẫn nào thể hiện quan điểm của họ về chuyến thăm.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam đăng tin trưa ngày 5/3 cho biết trước lễ đón đã có một đoàn cán bộ “liên ngành” của Việt Nam thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong các ngày 3 và 4/3, khi tàu đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam.
Nguồn thông tin chính thức của chính phủ nói chuyến thăm Đà Nẵng của đội tàu hải quân Mỹ “tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực”.
Bộ Quốc phòng Việt Nam nói trong một thông cáo rằng các sĩ quan và thủy thủ Mỹ sẽ có nhiều hoạt động ở Đà Nẵng, bao gồm biểu diễn ca nhạc, giao lưu thể thao, thăm và giao lưu tại 5 trung tâm trợ giúp trẻ em và người khuyết tật, trong đó có Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất da cam.
Vẫn theo Bộ Quốc phòng, đoàn hải quân Mỹ sẽ trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về cung cấp điện, nước; hỗ trợ ứng phó thảm họa; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; y tế, ẩm thực; huấn luyện thuỷ thủ với một số cán bộ, chuyên gia, sinh viên Việt Nam trên tàu sân bay và một số địa điểm ở Đà Nẵng.
Về ý nghĩa của chuyến thăm và những tác động của nó, VOA đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
VOA: Chuyến thăm của đội tàu sân bay USS Carl Vinson có tính chất đặc biệt đến mức nào, thưa tiến sĩ?
Ts. Lê Hồng Hiệp: Năm 2010, tàu USS George Washington cũng là tàu sân bay đã đậu ngoài khơi Đà Nẵng và đón các quan chức Việt Nam ra thăm bằng máy bay. Chúng ta thấy cách đây 8 năm khoảng cách giữa 2 bên còn tương đối lớn theo đúng nghĩa đen.
Còn ngày nay, sau 8 năm, khoảng cách đấy đã thu hẹp lại. Bằng chứng là tàu [sân bay] lần này không đậu ngoài khơi nữa mà vào trong cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, để tiến hành các giao lưu, tiếp xúc trực tiếp. Điều đấy cho thấy hai bên đã có sự tin cậy lẫn nhau cao hơn, và họ cũng có sự thoải mái lớn hơn trong việc tiến hành các hoạt động quân sự cấp cao giữa hai bên.
Điều đó cho thấy là chuyến thăm có ý nghĩa theo tôi là đặc biệt. Còn ý nghĩa thực chất thế nào, theo tôi có lẽ 7 phần mang ý nghĩa tượng trưng và 3 phần mang ý nghĩa thực chất. Tại vì dẫu sao cũng chỉ là một chuyến thăm và giữa hai bên chủ yếu là các hoạt động giao lưu, trao đổi, không có nhiều các hoạt động quân sự thực chất. Vì vậy, tôi cho rằng chuyến thăm này vẫn có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.
Tuy nhiên 3 phần còn lại tôi nghĩ có tính thực chất, vì nó cho thấy hai bên đã sẵn sàng để tiến hành các hoạt động hợp tác quân sự ở cấp cao và quy mô lớn. Đây có thể chỉ là sự kiện đầu tiên để mở màn cho xu hướng đó.
Tôi tạm gọi là xu hướng bình thường hóa các hoạt động quân sự cấp cao giữa hai bên, qua đó hai bên trở nên ít nhạy cảm hơn với các hoạt động này, cũng như ít dè chừng hơn với thái độ của bên thứ ba phản ứng lại các hoạt động như vậy.
Tôi nghĩ đây là bước tiến tích cực trong quan hệ song phương nói chung cũng như trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên nói riêng.
VOA: Việt Nam đón đội tàu sân bay Mỹ ở trong cảng gửi ra thông điệp gì cho Trung Quốc?
Ts. Lê Hồng Hiệp: Sự phát triển quan hệ song phương nói chung và phát triển quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ nói riêng thời gian qua có động lực rất lớn là sự chia sẻ nhận thức chung của hai bên về lợi ích chiến lược song trùng ở khu vực Biển Đông, cũng như nhận thức chung của hai bên về các mối đe dọa do các biến đổi về địa chính trị xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này [của đội tàu sân bay Mỹ] dù hai bên không thừa nhận rõ ràng nhưng có một thông điệp gửi ra bên ngoài, đặc biệt là tới Trung Quốc. Đấy là hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những hoạt động về tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với các nguy cơ và thách thức an ninh mới mà hai bên đều phải đối mặt. Rõ ràng rất nhiều người có thể hiểu được thách thức đấy chủ yếu xuất phát từ phía Trung Quốc.
VOA: Trung Quốc có lo ngại gì hay đánh giá như thế nào về chuyến thăm này?
Ts. Lê Hồng Hiệp: Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều là đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam là một bên tranh chấp trực tiếp của Trung Quốc trên Biển Đông, còn Hoa Kỳ là đối thủ cạnh tranh về chiến lược, không những ở khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
Chính vì vậy, khi hai đối thủ của Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là trên lĩnh vực chiến lược và quân sự, điều đó hẳn nhiên tạo ra tâm lý ít nhất là không thoải mái, hoặc nặng nề hơn là bất an từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, có thể thấy Trung Quốc không làm to chuyện trước chuyến thăm của tàu Carl Vinson tới Việt Nam. Có vẻ như họ cố tình làm ngơ. Điều này cũng dễ hiểu vì họ không muốn thể hiện sự bất an của mình trước mắt cộng đồng quốc tế nói chung, và Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng.
VOA: Liệu Trung Quốc có tìm cách “làm cân bằng lại” các động thái ở Biển Đông và khu vực bằng cách đề nghị Việt Nam đón tàu sân bay của Trung Quốc?
Ts. Lê Hồng Hiệp: Trên lý thuyết, không loại trừ việc Trung Quốc ngỏ ý, hay Việt Nam đưa ra lời mời các tàu Trung Quốc tới thăm, bao gồm cả các tàu sân bay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tôi nghĩ vẫn còn có nhiều sự nhạy cảm. Tôi cảm giác hai bên vẫn chưa sẵn sàng, chưa cảm thấy thoải mái nếu như có một tàu sân bay của Trung Quốc tới thăm Việt Nam.
Tại vì ít nhất từ phía Việt Nam, tàu sân bay là biểu tượng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng từ góc nhìn của Việt Nam, sức mạnh của Trung Quốc lại là một mối đe dọa, đặc biệt là trong bối cảnh hai bên đang có các tranh chấp, các căng thẳng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thời gian xa hơn nữa, có thể có những chuyển biến trong quan hệ song phương, và cảm nhận về mối đe dọa của Trung Quốc nó giảm bớt, có thể điều đấy tạo điều kiện thuận lợi và mang lại thời điểm chín mùi để tiến hành chuyến thăm như vậy.
Nhưng trong thời gian trước mắt hoặc ngắn hạn, tôi nghĩ điều đó khó có thể xảy ra.
VOA: Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp!