Chuyến Âu du đầy sóng gió của TT Donald Trump…

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

TT Trump chụp hình với lãnh đạo khối NATO tại Brussels 7/2018

Chuyến Âu du của TT Trump nhằm vào mùa tranh giải túc cầu thế giới năm 2018 tổ chức tại Nga. Mùa thi đấu đang vào thời bán kết và chung kết,  mọi người dán mắt vào chiếc TV trong nhà để xem những trận đá bóng hấp dẫn của những đội banh lừng danh trên thế giới. TT Trump đến phi trường Brussels nước Bỉ – nơi đặt trụ sở Tổng Hành Dinh của khối NATO – trong bầu không khí im lặng, ít nhân vật ngoại giao ra đón ở phi trường. Tưởng chừng như chuyến Âu du của TT siêu cường buồn tẻ và lạnh nhạt…. nhưng mà sóng gió lại nổi lên sau khi ông đến Helsinki thủ đô Phần Lan.

Ông chủ Tòa Bạch Ốc Âu du lần này với ba mục đích: Họp thượng đỉnh khối NATO (Khối Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương) ở Brussels nước Bỉ, đi thăm nước Anh,  và dự Hội Nghị Thượng Đỉnh với  TT Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki Phần Lan.

1) Họp thượng đỉnh NATO tại Brussels nước Bỉ

Tại Brussels, Tổng thống Mỹ kêu gọi các lãnh đạo NATO thực hiện cam kết năm 2011 là tăng chi tiêu quốc phòng của mỗi nước lên mức 2% GDP vào năm 2024.  Đây không phải là việc mới lạ gì? Chừng 18 năm về trước, TT George W. Bush đã đề cập đến vấn đề này với thành viên khối NATO phải tăng ngân sách quốc phòng không thể để Mỹ gánh chịu quá lớn. Đến  năm 2011,  các thành viên khối NATO đã chính thức đồng ý với TT Obama là mỗi thành viên tăng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng khối NATO.

Nhưng cả hai TT Bush và Obama đều không mạnh dạn thúc đẩy việc này, vì tế nhị về vấn đề ngoại giao nên Mỹ đã cắn răng chịu đựng trước cảnh các nước NATO không tăng ngân sách quốc phòng đúng mức ấn định, thậm chí có nước không cần ngân sách quốc phòng quân đội mà chỉ có cảnh sát để giữ an ninh trật tự như Iceland.

Ông Trump thì ngược lại, ông cương quyết đòi cho bằng được số nợ trên. Tại trụ sở khối NATO ở Brussels, trước khi bước vào cuộc họp chính thức, TT Trump nói rằng đã đến lúc các quốc gia thành viên “đóng góp một cách sòng phẳng” và thực hiện nghĩa vụ của họ.

Theo ông Trump, 23 trong số 28 quốc gia thành viên NATO hiện không đóng góp tương xứng với mức mà họ nên đóng góp, và điều đó là “thiếu công bằng” cho nước Mỹ. Ông cũng cho rằng rất nhiều quốc gia đang “nợ NATO rất nhiều tiền” trong những năm qua.  

Vào ngày 15/07, ông Trump nói với truyền hình CBS News trong chương trình “Face the Nation” rằng: “Tôi nghĩ Liên Minh Âu Châu là kẻ thù, những gì họ làm cho chúng ta trong thương mại. Bây giờ sẽ không nghĩ đến Liên Minh Âu Châu, nhưng là một đối thủ”. Cũng trên đài truyền hình này, đối với Nga và Trung Cộng thì ông Trump cho rằng: “Tôi nghĩ chúng ta có rất nhiều kẻ thù”, “Nga là kẻ thù ở một số khía cạnh nhất định. Trung Cộng là kẻ thù kinh tế, chắc chắn họ là kẻ thù. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ xấu. Trên thương trường và chính trị, nó không có ý nghĩa gì cả, chỉ có nghĩa là họ cạnh tranh. Họ muốn làm tốt và chúng ta cũng muốn làm tốt”.

TT Donald Trump phát biểu trong thượng đỉnh NATO năm 2018 tại Brussels

Các thành viên NATO không nhẹ nhàng lướt qua món nợ phải đóng 2% GDP cho khối NATO như hai đời TT Mỹ trước đây, lần này ông  Trump đến gặp NATO với lời tuyên bố cứng rắn: Nếu có thể, thì các nước châu Âu phải tăng cường ngân sách quốc phòng lên tới 4% GDP như Mỹ đã làm. Không những tuyên bố mạnh mẽ mà còn cảnh giác nếu Âu Châu không đáp ứng, đóng góp cho việc tự bảo vệ mình nhiều hơn, nước Mỹ sẽ đơn phương giải quyết vấn đề [đơn phương giải quyết như thế nào ông Trump không nói rõ]. Khi hội nghị NATO kết thúc, ông Trump nói là ông đã đạt được cam kết mới về việc tăng cường chi tiêu. Còn các thành viên khác của khối NATO thì nói cách khác.

Với sự kiện này, nhận thấy các thành viên trong khối NATO ở sát gần biên giới với Nga, mà nước Nga đang thời kỳ độc tài mang tính tự ái của thời “vương triều” Cộng Sản bao gồm cả Liên Bang Sô Viết rộng bao la đến vùng Trung Á. Khi khối Liên Sô sụp đổ, phải trả lại độc lập cho các nước Đông Âu và Trung Á, nên Nga có ý định xâm lăng các nước láng giềng như chiếm Crimea và xâm lăng Ukraine là thí dụ cụ thể.  Vì thế nên các nước ở gần nước Nga hãy đề phòng… Trong đó rất nhiều nước thuộc thành viên khối NATO.

Việc gia tăng ngân sách quốc phòng để phòng thủ quốc gia là điều quan trọng đối với nước họ, mà từ lâu Mỹ phải trang trải kinh phí gần 70% cho ngân sách quốc phòng của khối NATO. Thật là không công bằng cho người dân Mỹ…

Mỹ đã gồng mình chịu gánh nặng tài chánh từ thời khối NATO mới thành lập trong tình trạng sau Đệ II Thế Chiến các nước châu Âu bị chiến tranh phá nát tan tành như một đống tro tàn. Không có một nước nào có khả năng đóng góp, do đó Mỹ phải chịu trang trải ngân sách phần lớn. Nay đã 70 năm rồi, các nước châu Âu có nền kinh tế phát triển vững mạnh, một số các nước giàu mạnh thuộc hàng đầu thế giới mà vẫn không đóng đủ “hội phí” đầy đủ là một điều phi lý.

Ông Trump đến hội đàm NATO lần này với những lời phát biểu có tính cách “cứng rắn mang tính răn đe”, phát ngôn theo bản tính “thiếu dè dặt” nên bị các quốc gia trong khối NATO than phiền, và các cơ quan truyền thông quốc tế phê bình không tích cực.

2) Đi thăm nước Anh

Từ trái sang phải: Đệ I phu nhân Melania, TT Trump, TT Theresa May và … tại Luân Đôn

Nữ thủ tướng Anh Theresa May  đã trải thảm đỏ đón tổng thống Mỹ và phu nhân đến tòa lâu đài Blenheim, nơi cố thủ tướng Churchill chào đời. Churchill từng có mối quan hệ mật thiết với cố tổng thống Hoa Kỳ Roosevelt và là một biểu tượng mạnh trong quan hệ đồng minh giữa hai nước Anh-Mỹ. Trong bữa tiệc tối, Bà Theresa May đã nhấn mạnh Hoa Kỳ là một người bạn “vừa gần gũi, vừa thân thiết” của nước Anh.

Tuy nhiên, với thói quen  “ăn nói bạt mạng” ông đã làm cho thủ tướng Theresa May hụt hẫng. Số là trong tháng 11/2016 khi mới đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Trump tuyên bố: Luân Đôn tách nước Anh ra khỏi khối châu Âu (Brexit), thì Anh và Mỹ sẽ “rất nhanh chóng” đạt được “một thỏa thuận tuyệt vời” … Nghĩa là khi Anh có Brexit (Anh và Bắc Ireland rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gọi tắt là Brexit – ghép từ Britain và exit) thì Luân Đôn đơn phương hợp tác kinh tế với Washington.

Nhưng trong chuyến Anh du của ông Trump lần này thì kết quả ngược lại, ông chỉ trích và tuyên bố không ủng hộ đương kim nữ thủ tướng Theresa May trong vấn đề Brexit. Cho rằng bà May nhượng bộ quá nhiều đối với Liên Hiệp Âu Châu.  Điểm này ông Trump giải thích với báo The Sun rằng:  “Nếu như bà May muốn giữ quan hệ mật thiết với Liên Hiệp Châu Âu (EU) sau Brexit, thì điều đó có nghĩa là Mỹ đàm phán với Brussels hơn là với Luân Đôn”.  Vậy là “một thỏa thuận thương mại tuyệt vời” giữa Mỹ và Anh xem như bị khai tử.  Thêm nữa, ông lại còn khen đối thủ chính trị của bà Theresa May là cựu ngoại trưởng Boris Johnson sẽ là một thủ tướng tuyệt vời. Những phát biểu của ông đã làm tổn hại thêm cho nữ Thủ Tướng Theresa May vào thời điểm chính phủ của bà đang rối loạn.

Một người “thích” đàn bà đẹp như tỉ phú Trump, nhưng chuyến Âu du lần này ông đã làm tổn thương hai  nữ tướng quyền lực nhất nhì trên thế giới là thủ tướng  Đức, bà Angela Markel và Anh, bà Theresa May. Liệu hai nữ tướng này xúm lại đánh ông Trump thì “hai đánh một, không chột cũng què”.

3) TT Trump gặp Putin tại thủ đô Helsinki, Phần Lan

Trong thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này, Vladimir Putin chơi kẻ cả “cho mình là người đến sau mới quan trọng” nên đã cho TT Trump leo cây 45 phút ngồi chờ tại thủ phủ Helsinki thủ đô Phần Lan vào ngày 16 tháng 7.  Khi Putin đến, vào trong phòng họp gồm 4 người: TT Trump, Putin và hai người thông dịch viên, không một cố vấn và bộ trưởng nào khác được lai vãng. Không biết trong gần 2 giờ họp kín hai bên đã nói gì?  Nhưng khi ra mắt họp báo, thì sóng gió nổi lên như vũ bão:

Trump-Putin trong phòng hội tại Helsinki, Phần Lan ngày 16/07/2018

Nhiều tin tức choáng ngợp các mặt báo và truyền hình, đài VOA tiếng nói Hoa Kỳ đăng tin nhiều nhất.  Theo các cơ quan truyền thông, ông Trump đã Twitte trước khi vào hội nghị với Putin rằng: “Quan hệ của chúng ta [Mỹ] với nước Nga xấu chưa từng thấy do sự ngu ngốc nhiều năm qua của Mỹ và giờ đây là cuộc truy sát chính trị bị thao túng”.  Sau đó Bộ Ngoại Giao Nga đã “thích (like)” lời Twitte trên và đã Twitte lại rằng “chúng tôi đồng ý”.

Làn sóng phản ứng mạnh nhất khi ông Trump tuyên bố trước cuộc họp báo rằng: ông không thấy bất cứ lý do gì” để quy trách nhiệm cho Nga về việc [thao túng cuộc bầu cử].

Trong cuộc họp báo, Putin tuyên bố: “Nga chưa bao giờ can thiệp và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ, kể cả các cuộc bầu cử,”  và “Nếu có tài liệu nào cụ thể, nếu chúng được trưng ra thì chúng tôi sẽ cùng nhau xem xét”.

Điều này đã được ông Trump tiếp lời: Tôi có niềm tin mãnh liệt vào đội ngũ tình báo của nước tôi, nhưng tôi có thể nói với quý vị rằng Tổng thống Putin ngày hôm nay đã phản bác hết sức mạnh mẽ”

Đặc biệt hơn nữa, Putin đề nghị cho phép Nga có quyền giám sát và ảnh hưởng lên các cuộc điều tra của Mỹ về các hoạt động của Nga. Ông Trump ca ngợi đề xuất này của Putin.  Điều này phản ảnh không tin tưởng vào năng lực của cơ quan tình báo quốc gia, nhưng lại tin vào lời của lãnh đạo một nước vốn lâu nay được xem là đe dọa an ninh của nước Mỹ. Chuyện này trước giờ chưa từng xảy ra đối với một Tổng thống Mỹ.

Những lời tuyên bố trên đã tạo nên một luồng chống đối khắp mọi phía, vì sao? Vì trước đó ba ngày cơ quan tư pháp Hoa Kỳ đã khởi tố 12 điệp viên Nga với những bằng chứng cụ thể, mà do CIA, FBI, NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã có hồ sơ  chứa đựng trong một bản báo cáo đã điều trần trước Thượng Viện, và Ủy Ban Tình Báo của Thượng viện do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo đã ủng hộ và khẳng định với “sự tin tưởng cao” rằng Nga đã can thiệp vào bầu cử của Mỹ năm 2016.

Một vài chứng cớ trong bản cáo trạng truy tố các sĩ quan Nga can thiệp bầu cử khẳng định rằng: Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng Tham mưu Lực lượng Quân Đội Liên bang – gọi là GRU – đã chỉ đạo nhiều đơn vị tiến hành các hoạt động trên mạng với quy mô lớn, để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Một trong những đơn vị này nằm trên một con đường không có gì đáng chú ý ở khu ngoại ô Khimki của Moscow, trong một tòa nhà mà nhân viên của GRU gọi là “Tháp”, theo bản cáo trạng. Một đơn vị khác nằm gần trung tâm Moscow, không xa trụ sở Bộ Quốc Phòng Nga là bao.

Điệp viên Nga che giấu sự can dự của họ thông qua các địa chỉ email với danh tính giả tạo và một mạng lưới các máy tính đặt khắp thế giới, kể cả ở Mỹ. Họ trả tiền cho cơ sở hạ tầng của mình bằng cách xử dụng tiền ảo bitcoin.

Bên cạnh Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử của Mỹ, quan hệ của Nga và phương Tây đã xấu đi rất nhiều sau những hành vi tội phạm và tội ác quốc tế như dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, đưa quân chiến đấu vào miền đông Ukraine, hỗ trợ quân sự cho nhà độc tài Syria Bashar al-Assad đàn áp cuộc nổi dậy của lực lượng dân chủ, dùng vũ khí hóa học giết người dân thường và trẻ em của họ, bắn rơi máy bay chở hành khách MH-17 của Malaysia trên không phận miền đông Ukraine, và mới đây nhất là vụ đầu độc các điệp viên ở Anh…

Trong “Chiến Lược An Ninh Quốc Gia” của Hoa Kỳ, TT Trump gọi Nga và Trung Cộng là hai kẻ thù làm mất “quyền lợi và giá trị của Mỹ”.  Nay đứng trước một kẻ độc tài máu lạnh, từng giết bao nhiêu mạng người, một con cáo già độc ác Cộng Sản còn sót lại của thời Stalin mà thái độ của ông Trump “nhún nhường” không tỏ ra khí phách ngang tàng của một Tổng Thống siêu cường Hoa Kỳ.

Những người trong đảng Cộng Hòa từng ủng hộ ông Trump như Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện và là một đồng minh thân cận của ông Trump, cho rằng phát biểu đó là “sai lầm nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông ấy” và “cần được sửa chữa ngay lập tức”.  Dân biểu Cộng hòa Adam Kinzinger của tiểu bang Illinois cũng đồng ý với ông Newt Gingrich và yêu cầu ông Trump nên xuất hiện trước công chúng để cải chính chứ không dùng trang Twitter.  Thượng nghị sĩ John McCain gọi hội nghị thượng đỉnh là “sai lầm bi đát”.  Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan thuộc đảng Cộng Hòa đã phản đối những lời tuyên bố được Trump đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ và ông tin Nga nhúng tay vào việc bầu cử TT năm 2016.  Lãnh đạo phe đa số tại thượng viện, TNS Mitch McConnell thuộc đảng Cộng Hòa khẳng định “Nga không phải bạn của Mỹ”.  TNS Trưởng Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Bob Corker thuộc đảng Cộng Hòa cho rằng “Tôi rất thất vọng với tuyên bố của Tổng Thống về cộng đồng tình báo và những gì Putin nói”.

Còn các cơ quan truyền thông, báo chí từ trước đến nay vốn đả kích TT Trump thì đây là cơ hội bùng nổ.  Kể cả Fox News,  vốn thường ủng hộ Tổng thống Mỹ đương nhiệm, cũng đưa bài chỉ trích ông Trump. Với  Đảng Dân Chủ thì đây là cơ hội để hạ một đối thủ chính trị mà từ lâu đang ấm ức vì cuộc thất cử năm 2016. Bà Hillary Clinton “thọc lét” ông Trump qua trang Twitter rằng “Giải World Cup tuyệt vời. Câu hỏi cho Tổng thống Trump khi ông gặp ông Putin: Ông có biết ông chơi cho đội nào hay không?”

4) Ông Trump chữa cháy

Như chúng ta đã biết, ông Trump, một con người có cá tính mạnh, ngang tàng từ lúc còn bé.  Câu hỏi đặt ra là tại sao trước cuộc họp báo với ông Putin mà ông Trump có vẻ “nhũn nhặn” khác thường.  Ngày 19/07 vừa qua đài CNN có dòng chữ chạy trên TV  “President Trump makes a deal” (TT Trump mặc cả) [với Putin].

Dù là mặc cả hay gì đi nữa, trước làn sóng phản kháng dữ dội từ trong đảng Cộng Hòa và các cơ quan truyền thông báo chí, các nhân sĩ trí thức Mỹ và quốc tế, cùng hàng triệu lượt “commend”  đưa lên Twitter và Facebook rất bất lợi cho uy tín của TT Trump trong cuộc họp báo với Putin. Nên ông phải lên tiếng chữa cháy.

Đúng 24 giờ sau họp báo, trước một phiên họp nội các tại Tòa Bạch Ốc, ông truyên bố rằng “Chúng tôi đã làm rất tốt, có lẽ là tốt như bất kỳ ai đã từng làm việc với người Nga. Và không có Tổng thống nào cứng rắn với Nga như tôi cả,” ông Trump cũng nói rằng ông Putin “hiểu điều đó và ông ấy không vui vì điều đó”.

TT Trump đã cải chính với các phóng viên báo chí ở Tòa Bạch Ốc rằng: ông đã công nhận mình “lỡ lời” (misspoke) “Tôi đã nói nhầm từ “đã” thay vì “đã không”, và có ý nói là “không có lý do gì mà Nga đã không can thiệp” chứ không phải là “không có lý do gì mà Nga đã can thiệp”.

Hôm 19/07/2018, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc đã thông báo rằng tổng thống Trump đã bác bỏ đề nghị của TT Putin về việc an ninh Mỹ có thể tham gia thẩm vấn 12 nhân viên tình báo ở Nga, bị nghi can thiệp vào bầu cử Mỹ, đổi lại phía Nga cũng phải được quyền thẩm vấn người Mỹ.

Sự việc này không biết có hạ nhiệt được không, mà nay nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đã gây áp lực đòi thẩm vấn bà Marina Gross, phiên dịch viên của tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp với Vladimir Putin tại Helsinki ngày 16/07 vừa qua. Trong lúc đó, đảng Cộng Hòa gợi ý nên thẩm vấn ngoại trưởng Mike Pompeo.

5) Tại sao ông Trump có thái độ như vậy đối với Putin trong cuộc họp báo?

Chương trình Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Putin lần này được dự trù bàn về việc tìm cách cải thiện bang giao, chống khủng bố tại Trung Đông, giải quyết vấn đề Syria, và cuối cùng bàn về những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga được TT Obama ban hành sau khi Nga chiếm Crimea. Nhưng rồi tất cả những đề mục đó đã bị khỏa lấp bởi việc công tố Mueller truy tố 12 nhân viên tình báo thuộc GRU của Nga thâm nhập bầu cử trước đó ba hôm. Đưa đến toàn cuộc họp báo, các phóng viên chỉ xoay quanh vụ Mỹ truy tố 12 điệp viên Nga phá hoại cuộc bầu cử năm 2016, vì đây là vấn đề bị đồn đãi từ lâu tại chính trường Hoa Kỳ.

Trước những vấn đề như vậy chúng ta thử tìm ra một số giả thuyết về  “điều bí ẩn Helsinki”… Vấn đề đặt ra là tại sao TT Trump lại có thái độ nhún nhường, hòa hoãn khác thường trước một đối thủ mà ông đã từng cho là kẻ thù và hầu hết dân Mỹ đều xem Putin không phải là bạn?

Giả thuyết thứ nhất: Cho rằng ông Trump bị nắm thóp?

Đây là điều mà một số chính khách dân cử Hoa Kỳ từng “nghi ngờ”, nên đã đưa Công Tố Mueller vào cuộc điều tra. Sự “nghi ngờ” này cho rằng TT Trump đã bị cơ quan tình báo Nga nắm đằng chuôi, đã đứng đằng sau chiến dịch vận động đưa Trump lên đỉnh cao quyền lực trong cuộc tranh cử 2016. Nên bây giờ ông Trump khó ăn khó nói với Putin.

Giả thuyết này mới nghe qua thấy có lý với thái độ của TT Trump trước ống kính họp báo với Putin hôm 16/7, nhưng suy nghĩ kỹ thì không logic chút nào khi ông Trump bị nắm thóp vì chuyện gì? nếu vì tiền khi ra tranh cử ông Trump không cần, vì đàn bà cũng không thể, còn những tình báo mạng chui vào hộp thư vận động tranh cử của đảng Dân Chủ thì không những Nga mà Trung Cộng, Iran  .v.v. vẫn làm đối với Mỹ.  Ngược lại  tình báo mạng của các nước Tây Phương, đặc biệt Mỹ cũng tìm cách xâm nhập máy tính các nước đối thủ để lấy tin tức hoặc hạn chế sức mạnh của hệ thống điện toán đối phương, tất cả gọi Cyber Warfare (cuộc chiến điện tử).

Giả thuyết thứ 2: Thỏa thuận ngầm với Putin để giải quyết một số vấn đề chiến lược trên thế giới

Có thể TT Trump có kế hoạch kéo nước Nga vào một liên minh để giải quyết những vấn đề nóng bỏng quốc tế hiện nay. Nhiều nhà quan sát Nga đã nêu ra giả thuyết này, là khả năng Mỹ-Nga hợp tác hỗ trợ Do Thái trên mặt trận Syria, chống lại kẻ thù Iran, giúp giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử Bắc Hàn.  Trong cuộc họp báo hôm 16/07, ông  Trump đã trả lời: “Tôi sẵn sàng có một mạo hiểm về chính trị để cổ vũ cho hòa bình, hơn là hy sinh hòa bình cho chính trị”,  tuy nhiên câu nói trên của tổng thống Mỹ đã không được chú trọng khi các vấn đề “Nga can thiệp bầu cử” đang bao trùm.

Giả thuyết này đưa ra có vẻ thuyết phục, nhưng liệu ông Trump có cần có thái độ nhũn nhặn với ông Putin như vậy trước cuộc họp báo ở Helsinki hay không?

Giả thuyết thứ ba: Liên kết với Nga để chống Trung Cộng

Có thể hiện nay Mỹ thấy Trung Cộng là mối họa tiềm tàng cho vị trí siêu cường của Mỹ. Trung Cộng đất rộng, dân đông, kinh tế phát triển, ngân sách quốc phòng tăng vọt, hành động xâm lược tung ra năm châu bốn bể, hành vi kinh tế phi pháp bất chấp thủ đoạn thương mại… Muốn đánh bại Trung Cộng thì dùng chiến lược Mỹ bắt tay với trùm Cộng Sản Stalin để đánh Hitler trong thời kỳ Đệ II thế chiến. Nay sự trỗi dậy của Trung Cộng nguy hiểm hơn Hitler trước đây, muốn đo ván Trung Cộng thì phải tách Trung Cộng ra khỏi liên minh với Nga. Muốn thế thì ông Trump phải tỏ ra là một người bạn thân với Putin.  Dù là bạn ngắn hạn.

Dù sóng gió đang bủa vây ông Trump sau khi có hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki thủ đô Phần Lan, TT Trump vẫn mời TT Nga đến Washington vào mùa Thu này. Trong khi Hạ viện Hoa Kỳ hăm he không đón tiếp ông Putin.

“Bí ẩn Trump-Putin ở Helsinki” sẽ được giải mã khi nào thấy Bắc Hàn phải giải thể vũ khí nguyên tử, Trung Cộng bị đánh tan tành vì chiến tranh thương mại và quân sự rút lui hành động làm chủ Biển Đông, hòa bình ở Syrie tạm giải quyết và Iran phải chịu nhượng bộ phi hạt nhân qua những biện pháp cấm vận, thì chiếc ghế TT nhiệm kỳ 2020 -2024 ông Trump không cần vận động cũng thắng.

Ngược lại, phải chờ những pháp lý của chính phủ Hoa Kỳ điều tra tận gốc rễ về việc Nga xâm nhập nội bộ Mỹ để phá cuộc bầu cử năm 2016 trắng đen ra sao.

Hoa Kỳ ngày 21 tháng 7 năm 2018

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt