Chiến tranh Ukraine: Pháp so găng với Nga
Nhìn bản đồ châu Âu thì Ukraine là nước có diện tích lớn thứ nhì, có vị trí địa lý làm trái độn với khoảng cách giữa các cường quốc châu Âu-Nga xa hơn một tầm đại bác thường. Từ khi Nga xâm lăng Ukraine, các nước châu Âu đứng ngồi không yên vì quân Nga đã áp sát vào sân sau nhà mình.
Về khối NATO chống lại Nga: Bao nhiêu đời Tổng Thống Mỹ từ George H. W. Bush (cha) liên tiếp đến các đời Tổng Thống Mỹ sau này, lúc nào họp an ninh quốc phòng của khối NATO, Tổng Thống Mỹ đều nhắc nhở các nước châu Âu cần tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP của nước mình để bỏ vào NATO, nếu không để Mỹ chi trả cho NATO quá nhiều, về lâu về dài Mỹ sẽ hụt hơi! Nhưng các cường quốc châu Âu không chịu tăng ngân sách quốc phòng, bằng chứng đến năm 2021 ((1) và Data ở dưới) hầu hết cường quốc châu Âu đều có chỉ số phần trăm GDP quốc phòng cho NATO dưới 2% rất xa. Chỉ có Mỹ và một vài quốc gia châu Âu trên 2% GDP mà thôi.
Chiến tranh Ukraine, đã làm cho hầu hết các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng, trong đó, gần một nửa các nước châu Âu tự động tăng quốc phòng đến hoặc hơn 2% GDP ((2) và Data ở dưới). Số tiền đó họ dùng để mua vũ khí tối tân từ các công ty của Mỹ. Chiến đấu cơ F16, F35, trọng pháo Himars, hoả tiễn phòng không Patriot… Hiện nay các công ty quốc phòng của Mỹ phải làm ba ca suốt 24 giờ trong một ngày nhưng không đủ để giao hàng, có nước châu Âu đặt mua F16 và F35 phải chờ 5-7 năm mới có.
Khi giặc đã vào sát nách, tăng ngân sách quốc phòng là chuyện bắt buộc phải làm đối với bất cứ quốc gia nào. “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh” chứ đừng nói tăng ngân sách quốc phòng. Các nước châu Âu tăng quốc phòng lên 2% là Mỹ đạt được ý muốn từ lâu nay. Mỹ khỏi phải nhắc nhở trong các kỳ họp NATO, nhất là Tổng Thống Trump thì nhắc nhỡ mạnh bạo làm cho các lãnh đạo đồng minh châu Âu khó chịu! Hiện các nước châu Âu tăng quốc phòng đều đổ tiền mua vũ khí của Mỹ, có lẽ đó là điều Mỹ mong muốn.
Người ta nói rằng: chiến tranh Ukraine xảy ra có hai nước có lợi, đó là Trung Cộng mua dầu thô ép giá đối với “đồng chí” của mình; Và Mỹ lại bán vũ khí cho “đồng minh” của mình. Quả không sai!
Mỹ “lừng khừng” ở Ukraine thì Pháp đứng lên đăng đàn?
Cách đây không lâu Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố tại một hội nghị ở Paris rằng “không nên loại trừ việc điều động quân đội phương Tây để chống lại Nga trên chiến trưởng ở Ukraine” (3), một đề xuất khiến Putin tức giận và một số nguyên thủ đồng minh không đồng ý, trong đó có Tổng Thống Joe Biden của Mỹ.
Mọi người tưởng rằng lời nói đó là sự bốc đồng của “con gà trống” (biểu tượng nước Pháp). Nhưng không phải vậy, về sau ông Macron còn khẳng định một lần nữa lời tuyên bố của ông về Ukraine không phải tùy hứng mà đã được cân nhắc kỹ lưỡng: “Đây là những vấn đề nghiêm trọng; mỗi lời tôi nói về vấn đề này đều được cân nhắc và đo lường”.
Đến ngày 26/03 ông đưa ra 5 kịch bản (scenario) mà Pháp sẽ thực hiện giúp Ukraine để đối đầu với Nga. Với 5 kịch bản này không những ông Macron đưa ra mà cả Bộ Quốc Phòng và toàn bộ nội các nước Pháp đồng thuận. Năm kịch bản này hiện được báo chí, truyền hình, truyền thanh của Pháp và thế giới đưa ra bình luận như một cơn sốt thời sự, chúng ta xem các kịch bản về việc Pháp có thể đưa quân tới Ukraine để tiến hành chiến tranh trực tiếp trong chiến hào cạnh binh sĩ Ukraine hay không. Dư luận cho rằng: xét cho cùng các kịch bản là “có điều kiện nhưng hợp lý”. Năm kịch bản đó như sau:
1) Pháp xây dựng những nhà máy quân sự sản xuất súng đạn ở Ukraine, có sự tham gia của các kỹ sư người Pháp làm việc. Việc này nếu Nga có pháo kích chết kỹ sư người Pháp làm trong các công xưởng vũ khí thì cũng đủ làm lớn chuyện.
2) Quân Pháp rà phá bom mìn trên lãnh thổ Ukraine và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine được thuần thục chiến đấu. Điều này Pháp đã từng huấn luyện hàng ngàn binh sĩ cho Ukraine rồi, nhưng chưa thấy có mặt binh lính rà soát bom mìn trên đất Ukraine. Nếu binh sĩ Pháp ra soát bom mìn bị chết vì đạn pháo kích của Nga thì cũng đủ châm ngòi chiến tranh.
3) Pháp đưa quân bảo vệ thành phố hải cảng Odesa và giữ cơ sở hạ tầng khỏi bị pháo kích. Điều này Pháp làm khá hợp với đạo lý vì giữ an toàn cho cửa biển Odesa tức là “cứu đói” cho thế giới; Odesa là thành phố cảng mà Ukraine cung cấp nông phẩm cho thế giới. Thành phố Odesa nằm ở phía Nam Ukraine có hải cảng dùng chở hàng nông nghiệp mà Nga rất muốn kiểm soát thành phố này. Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga hôm 22/2/2024 đã tuyên bố: “Chúng tôi đã khao khát thành phố Odesa thuộc về Nga vì lịch sử của thành phố này, những người sống ở đó và ngôn ngữ họ nói tiếng Nga. Đây là thành phố Nga của chúng tôi. Quân đội Pháp ở Odesa sẽ không phục vụ mục đích quân sự nào khác ngoài việc khuyến khích quân Nga trực tiếp đánh với quân Pháp”. Với giọng điệu đó, nếu Pháp bảo đảm an ninh cho thành phố Odesa thì phải đánh với quân Nga trong tương lai. Chiến tranh Pháp-Nga khó tránh. Điều này dẫn đến “kịch bản” 5.
4) Pháp điều động quân đội giữ những tuyến phòng thủ để giúp Ukraine rãnh tay điều động quân ra các chiến trường trực tiếp chiến đấu với quân Nga. Ví dụ, Pháp điều động quân đội đến biên giới Belarus-Ukraine để thay thế quân đội phòng thủ của Ukraine. Ukraine điều động binh lính phòng thủ của họ ra chiến trận.
Vậy Nga đang có những hoả tiễn tầm xa bắn đến các nơi phòng thủ đó làm nhiều binh sĩ Pháp chết không lẽ chính phủ Pháp làm ngơ? Điều này dẫn đến “kịch bản 5”.
5) Binh sĩ Pháp sát cánh cùng lính Ukraine trên các chiến trường đánh với với quân đội Nga, điều nay đồng nghĩa với việc bắt đầu Thế Chiến thứ Ba.
Pháp tuyên bố: Năm kịch bản trên do một mình nước Pháp chịu trách nhiệm, không liên quan đến khối NATO hoặc bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Nói là nói vậy, nhưng thực tế lại là việc khác?
Năm “kịch bản” này, không biết có nước châu Âu nào đứng chống lưng cho Pháp không? Đây là một điều khá tế nhị, dù không có bằng chứng nào để chứng minh, nhưng thiết nghĩ sau lưng Pháp có Đức và Anh hậu thuẫn mà họ chưa tiện lộ diện vì đi ngược lại đường lối của Mỹ. Tại sao?
Tại vì thấy Mỹ như đang có thái độ “lừng khừng” về cuộc chiến Ukraine, đặc biệt “không muốn đưa binh lính Mỹ vào chiến đấu ở Ukraine”. Mỹ ở xa Ukraine cách nửa quả địa cầu, không bị trực tiếp đe doạ an ninh. Trái lại, gần đây lại có những hành động thân thiện với Nga như Mỹ báo cho Nga biết trước về khủng bố tại Moscow hôm 22/03/2024. Cách đây vài ba hôm Nga bắn tiếng muốn đàm phán với Mỹ (4) về Ukraine…
Chiến tranh (không nguyên tử), nếu Nga chiến thắng ở Ukraine sẽ đe doạ trực tiếp nền an ninh của châu Âu, lãnh thổ Ukraine bị Nga chiếm nhiều bao nhiêu thì các nước châu Âu bị đe doạ nền an ninh nhiều bấy nhiêu… Cho nên các cường quốc châu Âu phải “cư an tư nguy” nghĩa là “đương lúc bình yên phải nghĩ đến lúc nguy hiểm để đề phòng” – chứ không phải “muốn sống hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh” đó là cách giải thích dựa vào câu nói của vị tướng La Mã vào năm 43 trước Tây Lịch “Si Vis Pacem Para Bellum”.
Do vậy, Pháp, Đức, Anh là những cường quốc châu Âu muốn Pháp lên tiếng để điều quân vào chiến đấu trên đất Ukraine dưới hình thức này hay cách khác, trong khi Mỹ thì hoàn toàn không muốn có quân ở Ukraine (5), điều này TT Biden đã lập đi, lập lại nhiều lần.
Có lẽ Pháp đặt Mỹ trước sự việc đã rồi?
Trong 5 kịch bản mà Pháp đặt ra chúng ta thấy từ “kịch bản 1, 2, 3, 4 đến kịch bản 5 chỉ cách nhau một bước”. Nếu các nước châu Âu như Pháp, Anh, Đức cùng một số nước châu Âu khác chính thức lâm chiến với Nga, không lẽ Mỹ đứng ngoài để nhìn hay sao? Đó là vấn đề.
Ukraine đang gặp khó khăn, châu Âu lên cơn sốt
Tin chiến sự trên các cơ quan truyền thông cho thấy tình hình Ukraine ngày càng xấu đi, Nga hết chiếm nơi này đến nơi khác; Nga phóng những hoả tiễn tối tân rất lợi hại vào thủ đô Kiev và các thành phố quan trọng của Ukraine; Nga đủ nhân lực điều ra chiến trường trong khi Ukraine gặp khó khăn tuyển mộ chiến binh để bù đắp thương vong ngoài chiến tuyến. Ngũ Giác Đài của Mỹ lại có một báo cáo mật bị lộ (hay để lộ?) là Ukraine mất bảy binh sĩ Nga chỉ mất có một!
Châu Âu đang lo lắng Ukraine thất bại, cho nên họ đang tính toán phương sách mới như tăng khả năng trừng phạt kinh tế Nga, viện trợ thêm hoả tiễn và đạn đại bác 155mm và đưa quân vào đất Ukraine tham chiến với Nga…
Nhận thấy nền an ninh của tổ quốc là quan trọng, các cường quốc châu Âu lại cho rằng Putin không dừng lại ở Ukraine mà muốn lấy lại lãnh thổ các nước trong đế chế Cộng Sản Liên Xô cũ. Như vậy sẽ đe doạ an ninh cho lục địa châu Âu mà cách đây một thế kỷ các cường quốc trên lục địa này từng đem quân cai trị thế giới, không lẽ nay phải cúi đầu trước sự đe doạ của Putin hay sao?!
Hoa Kỳ ngày 28/03/2024
Lê Thành Nhân
(1)https://www.nato.int/nato_static_fl2014/assets/pdf/2022/6/pdf/220627-def-exp-2022-en.pdf
(2)https://www.nato.int/
(3)https://www.youtube.com/watch?v=-nK2oeafFx4
(4)https://thehill.com/policy/defense/4457159-putin-says-open-negotiating-us-ukraine-war-carlson-interview/
(5)https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2023/10/20/remarks-by-president-biden-on-the-unites-states-response-to-hamass-terrorist-attacks-against-israel-and-russias-ongoing-brutal-war-against-ukraine/