Báo Pháp nói về bể ống dẫn khí Nord Stream 1 & 2…

Vụ nổ gây rò rỉ hai đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 và những cáo buộc nhắm vào Nga. Đây là những chủ đề của tạp chí thế giới.

Nhiều quốc gia ngay lập tức tố cáo đây là hành động phá hoại, chứ không phải do lý do kỹ thuật. Phương Tây và Nga đang tố nhau chịu trách nhiệm. Hiện tại, lượng khí còn sót lại trong đường ống Nord Stream thoát ra, khiến mặt nước biển bị sủi bọt từ nhiều ngày qua và chưa cho phép người tiếp cận điều tra vì lý do an toàn. Nhiều giả thuyết được đưa ra để tìm “thủ phạm giấu mặt. Đầu tiên, nếu Nga là thủ phạm đứng sau vụ nổ Nord Stream 1 và 2, thì đây sẽ là một vấn đề “quá nghiêm trọng”, theo giáo sư phụ trách chương trình về Nga tại Chatham House, được Reuters trích dẫn:  

Có vẻ như thật khó tin rằng Nga muốn phá hủy chính đường ống của mình theo cách này. Đặc biệt là Putin đã đề cập đến việc đường ống Nord Stream 2 đã sẵn sàng hoạt động và việc tại sao Đức không bỏ lệnh cấm Nord Stream 2 và chấp nhận khí đốt của Nga, vì Đức đang cạn kiệt nguồn năng lượng. Lý giải ban đầu của tôi đó là có khả năng hành động này nhằm cảnh báo cho các nước NATO và đồng minh của Ukraine rằng Nga có khả năng làm được điều đó.

Sự việc xảy ra trùng hợp với việc Na Uy khánh thành đường ống khí đốt dẫn tới Ba Lan. Đây là một sự trùng hợp đáng lưu ý. Nếu Nga có khả năng làm điều như vậy thì hậu quả là sẽ động chạm đến Điều 5 của Hiệp Ước khối NATO. Ngay cả khi chỉ đe dọa rằng Nga “có thể làm được như vậy”, thì căng thẳng có thể leo thang một cách nghiêm trọng. Còn có một lý giải khác. Tôi phải nói là khá thuyết phục và đó cũng là lý giải của Giám Đốc Điều Hành Công Ty Dầu Khí Quốc Gia Naftogaz của Ukraine, cho rằng Nga đã thực hiện hành động này để tránh phải đáp ứng bất kỳ yêu sách nào của các nước mua khí đốt. Như là các khiếu nại về pháp lý của các công ty nước Đức đã ký hợp đồng với công ty Gazprom và các bên khác”.  

Vị trí trên biển Baltic hai đường dẫn khí Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ

Các giả thuyết khác cũng được giới chuyên gia đưa ra với đài RFI Pháp ngữ, trong trường hợp nếu như không phải là Nga thì có thể là ai khác? Một hành động phá hoại mang tính chất cá nhân thì khó tin. Bởi vì để tạo ra vụ nổ phá hủy đường ống, thì cần ít nhất 700 kg chất nổ và phải lặn xuống độ sâu 70m. Về giả thuyết ống dẫn khí bị hư vì lý do kỹ thuật đã nhanh chóng bị gạt bỏ ngay, vì cấu trúc và thiết kế xây dựng của đường ống rất kiên cố và bảo đảm. Hơn thế nữa, biển Baltic trong thời gian này không xẩy ra bất kỳ hiện tượng bất thường thiên nhiên nào. Một giả thuyết khác cho Mỹ là thủ phạm, vì Washington là bên phản đối gay gắt nhất dự án Nord Stream 1 và 2. Nếu xét lại thì đường ống dẫn khí của công ty Gazprom bị nổ không có lợi gì cho Nga, châu Âu lại không được gì mà còn có hại vì là bên rất cần nguồn cung cấp năng lượng khí đốt. Bên có lợi nhất có lẽ là các nhà cung cấp dầu khí lớn như Hoa Kỳ, Qatar hay Úc. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Ukraine có liên can hoặc một cơ quan bí mật nào đó của Nga hay Mỹ hành động độc lập.

Vụ nổ đường ống khí đốt khiến Na Uy, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đặc biệt lo ngại. Hôm 28/09, Na Uy thông báo tăng cường an ninh, điều động quân đội đến bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi. Trước khi vụ nổ đường ống Nord Stream xảy ra vào thứ Hai, giới chức nước này đã phát hiện một máy bay không người lái, không xác định được danh tính. Na Uy đã đề nghị đồng minh NATO trợ giúp tuần tra cơ sở hạ tầng dầu khí của nước này, với 9000 km đường ống dẫn khí đốt. Nếu hoạt động bị gián đoạn vì xảy ra sự nổ tương tự như ống Nord Stream 1 và 2 thì hậu quả sẽ khó lường, không chỉ đối với môi trường mà còn khiến cuộc khủng năng lượng ở châu Âu trầm trọng hơn.

Theo RFI

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt