Nga trưng cầu dân ý sáp nhập 4 vùng Ukraine có thể đưa đến chiến tranh nguyên tử?

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Putin “vui mừng” sau khi trưng cầu dân ý ở Ukraine ngày 30/09/2022

Ngày 30/09/2022, Vladimir Putin làm lễ ăn mừng tại thủ đô Moscow khi hoàn thành việc trưng cầu dân ý (TCDY) “giả tạo” để sáp nhập 4 vùng đất xâm chiếm được tại Ukraine vào lãnh thổ nước Nga, chiếm 15% diện tích Ukraine (gần 90,500km2), xấp xỉ bằng Bồ Đào Nha (Portugal). Sự việc này Nga phải trả một “giá rất đắt” chưa từng có trong lịch sử nước Nga, đến nỗi báo chí thế giới cho rằng ngày nay “Sa Hoàng cởi truồng” – ý nói là thời huy hoàng nước Nga của Sa Hoàng giờ đã mất sạch “áo mũ cân đai”… trở thành “mình trần, thân trụi!”.

Điều này đã chứng thực với kết quả cuộc bỏ phiếu của 193 nước của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp Quốc chiều 30/09 qua một Nghị Quyết với hai điểm:
   – Trưng Cầu Dân Ý (TCDY) của Nga để sáp nhập 4 vùng đất Ukraine là bất hợp pháp.
  – Nga phải rút quân ngay ra khỏi Ukraine, chấm dứt cuộc xâm lăng Ukraine của Nga từ 24/02/2022.
Ghi nhận trên nhật báo Aljazeera của Qatar (1) thuật lại tại hiện trường:
– Bốn nước bỏ phiếu trắng: Trung Cộng, Ấn Độ, Brazile, Gabon;
– Không có nước nào theo Nga bỏ phiếu chống lại Nghị Quyết trên;
– Còn lại ủng hộ Nghị Quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Bà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Linda Thomas-Greenfield,  tuyên bố chỉ có 2% (4/193) bỏ phiếu trắng chưa hẳn ủng hộ Nga… có thể vì họ không ưa Mỹ.

Tại sao Putin quá liều lĩnh như vậy?

4 vùng Putin sáp nhập đất xâm chiếm của Ukraine vào lãnh thổ nước Nga sau khi TCDY.

Sau một thời gian dài hù dọa dùng vũ khí nguyên tử với mục đích để đẩy lùi sự hỗ trợ của Mỹ và các nước châu Âu viện trợ vũ khí cho Ukraine không có kết quả. Gần đây, các giới chức cầm đầu điện Kremlin hạ giọng ca bài ca con cá “chính quyền Nga sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử có trách nhiệm”“luật pháp Nga có các điều khoản cho phép Nga sử dụng vũ khí nguyên tử” – còn lên tiếng đề nghị “Mỹ ngồi vào bàn đàm phán vũ khí nguyên tử”… Nói vậy mà không phải vậy, tất cả những lời nói trên đều là “đầu môi chót lưỡi” của bọn cộng sản chuyên dối trá để ru ngủ thế giới, chúng đang dùng chiến thuật lùi một bước, tiến hai bước…

Một trong những điều mà Putin vội vàng TCDY chỉ vì Nga muốn sử dụng vũ khí nguyên tử nếu Ukraine và NATO lấn tới. Putin trưng cầu dân ý để sáp nhập 4 vùng Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia, mà trên bản đồ là một giải đất nằm dọc biên giới Nga chạy dài từ Đông-Bắc xuống vùng Biển Đen.

Theo bài diễn văn “ăn mừng” của Vladimir Putin đọc dài 40 phút nói rằng kể từ ngày 30/09/2022, Nga xem 4 vùng đất trên là thuộc về lãnh thổ của nước Nga, dân 4 vùng trên là dân Nga và “Theo học thuyết quân sự của Nga thì Nga có quyền sử dụng vũ khí nguyên tử để bảo vệ lãnh thổ và dân Nga”… Như vậy, những ai xâm phạm vào 4 vùng đất trên là Nga có quyền dùng vũ khí nguyên tử mà Nga đang thủ đắc nhiều nhất trên thế giới. 

Bên cạnh đó, Putin còn dùng TCDY là một viên đạn bắn hai con chim, con chim thứ nhất là Kremlin có quyền dùng vũ khí nguyên tử để như là tự vệ để bảo vệ an ninh lãnh thổ Nga và người dân Nga, và con chim thứ hai là 4 vùng này từ đây là của nước Nga bất chấp sự chống đối của Ukraine và hầu hết các nước trên thế giới. Ukraine muốn tiến vào để chiếm lại vùng đất thì phải đối đầu với vũ khí nguyên tử.

Phản ứng của Ukraine

Trước đây, một trong những lý do Nga xâm lăng Ukraine là sợ Ukraine gia nhập khối NATO. Nga cho rằng nếu Ukraine làm như vậy thì biên giới NATO tiến sát cạnh Nga. Sớm muộn gì làn sóng “cách mạng màu” sẽ xâm nhập vào dân Nga làm hao mòn quyền lực độc tài của Điện Kremlin.

Tổng Thống Ukraine chỉ rõ đơn xin gia nhập khẩn cấp khối NATO ngày 30/09/2022

Nhưng sau khi Nga TCDY thì Ukraine tức khắc đệ đơn xin gia nhập vào khối NATO. Trước sự việc này, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan ủng hộ việc Ukraine gia nhập nhưng thòng một câu “đó là quyết định của 30 thành viên khối NATO” – một số thành viên NATO ở châu Âu (Đức, Ý) e ngại, nếu chấp nhận Ukraine là thành viên NATO sẽ đẩy toàn khối NATO trực tiếp tham chiến với Nga trên chiến trường Ukraine và Thế Chiến III bùng nổ. Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ bà Nancy Pelosi cam kết “dân chủ ở Ukraine” nhưng không đồng ý Ukraine trở thành thành viên của NATO trong lúc này. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 1/10 cũng tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO là quyết định của các thành viên NATO.
Như vậy cho thấy Hoa Kỳ và các nước châu Âu cam kết sẽ ủng hộ Ukraine chiến đấu đánh Nga giành lại phần đất đã mất để bảo vệ nền độc lập và dân chủ Ukraine nhưng cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO thì đây không phải là thời điểm.
Còn TT Zelensky đệ đơn xin Ukraine gia nhập NATO là một thách thức trực diện với Nga rằng Ukraine không còn kiên dè gì với Nga nữa.

Chiến tranh Ukraine đang leo đến ngưỡng cửa nguyên tử

Không ai có thể phủ nhận là Putin càng ngày càng đi vào đường cùng, quân Ukraine dưới sự viện trợ vũ khí tối tân của Mỹ và châu Âu đã chuyển từ thế thủ sang thế công, từ thế bị động ban đầu nay thành chủ động trên nhiều chiến trường. Ukraine mở các đợt tấn công như vũ bão vào các vị trí chiến lược Đông Bắc và miền Nam và lấy lại những phần đất bị Nga chiếm đóng. Và tin mới nhất quân Ukraine đã chiếm lại thành phố quan trọng Lyman thuộc “Cộng Hòa Độc Lập” tự xưng Donetsk mà Putin mới TCDY sáp nhập hôm 30/09.

Về nhân lực, Nga đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nên phải ra lệnh động viên. Về tài lực, Nga cạn kho vũ khí phải hỏi mua của Bắc Hàn và máy bay không người lái của Iran. Cho thấy, cả nhân lực và tài lực Nga đang thiếu hụt.
Khi Putin ra lệnh động viên thì thanh niên Nga từ chối ra chiến trường, bỏ chạy trốn qua biên giới của các nước lân bang. Đến nay con số chính thức là 261,000 thanh niên, nhưng ước lượng trốn chui qua biên giới có tin có thể lên đến nửa triệu.
Những thanh niên không chạy trốn được thì bị bắt lính, được huấn luyện thô sơ rồi ném vào chiến trường Ukraine. Như vậy, có đưa bao nhiêu lính vào chiến trường chỉ làm bia cho bom đạn. Chiến tranh ngày nay, chiến thắng ngoài chiến trường không nhất thiết thuộc vào quân số đông mà phần lớn phụ thuộc vào vũ khí tối tân, kỹ thuật tình báo nhạy bén và khoa học kỹ thuật quyết định phần lớn.
Vũ khí tối tân thì Nga đang thiếu vì lệnh trừng phạt phương tây không bán những linh kiện điện tử để sản xuất vũ khí mới cho kịp với sự nhu cầu chiến trường…

Những điều trên đủ để có thể trả lời rằng Nga không thể thắng trên chiến trường Ukraine bằng chiến tranh quy ước. Nga chỉ còn trong tay một “bửu bối” đó là vũ khí nguyên tử. Và đó là cách duy nhất để Nga đạt chiến thắng ở Ukraine.

Washington cũng đoán ra tình trạng chiến tranh ở Ukraine Nga đang bị dồn đến đường cùng, có thể làm bậy sử dụng nguyên tử, nên đã có những lời tuyên bố chận đầu rằng: “nếu Nga dùng vũ khí nguyên tử thì sẽ nhận hậu quả tàn khốc” – hai chữ “tàn khốc” ở đây là nhận những sự đánh trả ngay tức khắc từ các nước NATO ở châu Âu, và những tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ, mỗi tàu ngầm có thể mang 200 hỏa tiễn nguyên tử, chắc chắn hiện đang có nhiều tàu ngầm nguyên tử của Mỹ nằm ở dưới lòng biển gần nước Nga.

Nhắc đến vũ khí nguyên tử được phân loại theo sức nổ mà chia thành hai nhóm: nguyên tử chiến thuật (Tactical Nuclear Weapon) và nguyên tử chiến lược (Strategic Nuclear Weapon).

hai hỏa tiễn nguyên tử chiến thuật của Nga gắn trên xe (ảnh AP)

Nguyên tử chiến thuật được sản xuất để xử dụng trên chiến trường trong các tình huống quân sự bế tắc. Là loại vũ khí nguyên tử cỡ nhỏ như hỏa tiễn tầm ngắn, đầu đạn nguyên tử pháo binh, ngư lôi mang đầu đạn nguyên tử… Cho đến nay vẫn không có định nghĩa chính xác về loại “nguyên tử chiến thuật”, chỉ biết sức tàn phá của nguyên tử chiến thuật thường thấp hơn so với nguyên tử chiến lược, nó thường giới hạn dưới sức nổ của 100 kiloton (hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima and Nagasaki tại Nhật trong Đệ II thế chiến có sức nổ từ 10 đến 20 kiloton). Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến đến nay chưa có quốc gia nào sử dụng vũ khí “nguyên tử chiến thuật”.

Vũ khí nguyên tử chiến lược có sức mạnh tàn phá khủng khiếp gấp bội lần vũ khí nguyên tử chiến thuật. Thường bắt đầu từ 100 kiloton cho đến megaton (1000 kiloton). Mục tiêu của của nguyên tử chiến lược phải cách xa các lực lượng đồng minh một độ xa an toàn để tránh sự sát thương. Vũ khí nguyên tử chiến lược được chế tạo để bắn vào các mục tiêu của đối phương có tính cách chiền lược chẳng hạn như căn cứ quân sự lớn, trung tâm chỉ huy quân sự, cơ sở sản xuất vũ khí, hệ thống giao thông vận tải, vùng kinh tế và năng lượng cơ sở hạ tầng và các khu vực đông dân cư thành phố… Nó thường gắn đầu đạn nguyên tử trên các hỏa tiễn liên lục địa gọi là ICBM (intercontinental ballistic missile) hoặc mang trên máy bay ném bom chiến lược. Hoa Kỳ hiện có 230 đầu đạn vũ khí nguyên tử chiến lược, 100 đặt ở châu Âu, số còn lại tại Mỹ… Nếu thế giới sử dụng nguyên tử chiến lược thì đi đến ngày tận thế.

Hỏa tiễn nguyên tử chiến lược của Nga (ảnh AP)

Nếu Putin có dùng vũ khí nguyên tử ở Ukraine thì loại “nguyên tử chiến thuật” và Cố vấn An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ Jake Sullivan hôm Chủ Nhật (25/09) đã tuyên bố: “sẽ hành động dứt khoát nếu Nga sử dụng vũ khí nguyên tử chiến thuật ở Ukraine”.
Trong những ngày gần đây, Putin và người thứ hai tại Điện Kremlin Dmitry Medvedev thường nhắc đến vũ khí nguyên tử, Putin còn nhấn mạnh rằng đó không phải là lời nói đùa. Còn giới lãnh đạo Mỹ cũng tuyên bố căng không kém!

Chiến tranh Ukraine đang ở thế hai bên tiến thối lưỡng nan: Nếu Nga ngừng chiến thì chiến tranh chấm dứt, nếu Ukraine ngừng chiến thì nước Ukraine chấm dứt. Nga vẫn tuyên bố sẽ chiến thắng và Ukraine cũng cương quyết chiếm lại từng tất đất của đất nước. Chưa một ánh sáng hòa bình lóe dưới đường hầm!  

“Trưng cầu dân ý” vội vàng tại Ukraine là mưu toan cướp đất bằng chính trị vì không thể chiến thắng bằng quân sự. Putin đã nhận ra sự thất bại nhục nhã, nhưng không chịu dừng cuộc chiến, buộc phải lật con ách chủ bài nguyên tử để cứu vãn tình hình và giữ thể diện cho nước Nga vốn mang danh hiệu cường quốc.

Nước Nga từ huy hoàng đại đế Sa Hoàng trước đây, nay đến “Sa Hoàng ở truồng”, nếu Putin dùng vũ khí nguyên tử thì thành Sa Hoàng phóng xạ.

Texas ngày 3 tháng 10 năm 2022
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)


(1)https://www.aljazeera.com/news/2022/10/1/russia-vetoes-un-resolution-on-ukraine-annexation-china-abstains

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt