62 năm: Tiến trình Trung Cộng xâm lăng Biển Đông!

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org): Sự xâm lăng của Trung Cộng (TC) trên Biển Đông kéo dài 62 năm, qua nhiều thời kỳ được Bắc Kinh tính toán rất kỹ lưỡng. Đến tháng 4/2020, họ đã đi đến giai đoạn cuối của cuộc xâm lăng, dứt điểm Biển Đông! Người  Việt Nam chúng ta từ trong ra ngoài nước, từ thôn quê đến thành thị, từ già đến trẻ, ai cũng biết Trung Cộng xâm lăng Biển Đông. Nhưng ít ai biết những âm mưu xâm lăng của TC như thế nào? Bài này kèm theo những tấm hình giúp chúng ta nhìn rõ âm mưu xâm lược trường kỳ của Trung Cộng. Sự xâm lăng của Bắc Kinh mang tầm nguy hại như thế nào đối với Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung? 

Biển Đông

1) Chủ quyền: Rộng 3,500,000 cây số vuông, dựa vào yếu tố lịch sử và địa lý phần lớn lãnh hải Biển Đông gồm quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Khi có luật Biển Liên Hiệp Quốc 1982 (United Nations Convention for the Law of the Sea 1982 – UNCLOS) – Vùng đặc quyền khai thác kinh tế của Việt Nam từ bờ ra Biển Đông rộng đến 200 hải lý tức 370.4 km, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2) Tài nguyên cung cấp nguồn sống vô tận cho dân tộc Việt Nam:
– Thực phẩm: Có 2,038 loài cá biển, 225 loài tôm biển, 300 loài san hô, 653 loài rong biển….khai thác từ đời này sang đời khác không bao giờ hết…
– Khoáng sản: Là một trong 5 bồn chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Trữ lượng khai thác dầu khoảng 2 tỉ tấn và 1000 tỉ tấn  khí đốt. Cùng với những loại nham thạch quý khác.
– Giao thông: Tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới: 50% hàng hóa của thế giới trị giá gần 5,000 tỉ USD hằng năm di chuyển qua tuyến hàng hải Biển Đông.
3) Bị Trung Cộng chiếm: 62 năm qua, Trung Cộng có âm mưu lâu dài xâm chiếm Biển Đông. Đi từ số không thành vùng tranh chấp, từ tranh chấp thành chủ quyền với bản đồ “chín đoạn – hình lưỡi bò” chiếm gần 90% diện tích Biển Đông.

Theo Luật Biển 1982 (UNCLOSS 1982), hình viền màu xanh lá cây,  là vùng EEZ gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền khai thác kinh tế của Việt Nam. Theo yếu tố lịch sử, thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Nay, Trung Cộng tự vẽ bản đồ “9 đoạn – hình lưởi bò” (màu đỏ) xâm chiếm hết Hoàng Sa và Trường Sa cho là chủ quyền của họ.

I) Trung Cộng thôn tính Biển Đông: đã 62 năm làm ba giai đoạn 

1) Giai đoạn 1: 30 năm TC chỉ đặt đầu cầu xâm lược (1958 – 1988)

Từ khi đảng Cộng Sản của Mao Trạch Đông cướp chính quyền ở nước Tàu vào ngày 01/10/1949, thì Trung Cộng (TC) đã có một chiến lược lâu dài và liên tục để chiếm Biển Đông: 

– Năm 9/1958, Thủ Tướng TC Chu Ân Lai đã gửi một công văn yêu cầu chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) tức Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) chấp nhận lãnh hải 12 hải lý. Với sự chấp nhận này, tức thừa nhận lãnh hải VN chỉ có 12 hải lý từ thềm lục địa ra Biển Đông,  phần còn lại thuộc Trung Cộng. Phạm Văn Đồng được Bộ Chính Trị đảng CSVN (lúc đó dưới tên Đảng Lao Động Việt Nam) ra lệnh ông ta với tư cách là thủ tướng VNDCCH, ngày 14/09/1958 ký Công Hàm chấp nhận yêu cầu của Chu Ân Lai. Nay thường gọi là “công hàm bán nước”. Đây là văn kiện ngoại giao rất quan trọng, mà TC dựa vào đó như một cơ sở pháp lý để cướp Biển Đông trước LHQ.

Công Hàm Bán Nước của Phạm Văn Đồng ngày 14/09/1958

– Từ 1958 – 1973: Dù công hàm Phạm Văn Đồng đã ký, nhưng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc hải phận Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), được Mỹ và đồng minh yểm trợ, nên TC không dám khiêu khích. Mãi đến tháng 1/1974, khi biết Mỹ không còn yểm trợ VNCH nữa, nên TC xua hải quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/01/1974. Hải quân VNCH đưa quân bảo vệ tổ quốc, đã hy sinh 75 chiến sĩ,  và một chiến hạm HQ-10 bị bắn chìm.

Trận Hải chiến ngày 19/01/1974: Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà chiến đấu với Hải Quân Trung Cộng ở Hoàng Sa (mũi tên màu xanh VNCH – màu đỏ Trung Cộng)

– Năm 1988, Trung Cộng lợi dụng Liên Xô rút về lo chuyện “khó khăn nội bộ”, không còn khả năng giúp các nước Cộng Sản đàn em, trong đó có Cộng Sản Việt Nam (CSVN) nên TC xua quân xâm chiếm đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Giết chết 64 bộ đội hải quân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thời đó dưới sự cai trị của đảng CSVN.

Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đeo vào năm 1988

Qua 3 cuộc xâm lăng trên, nhận thấy lúc nào Việt Nam mất sự hỗ trợ của đồng minh  thì Trung Cộng xua quân chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam. Từ năm 1958-1988, TC đã mất 30 năm để đặt đầu cầu xâm lược lâu dài sau này!

2) Gia đoạn 2 (1988-2012): 24 năm Trung Cộng xâm lăng Biển Đông bằng “ngoại giao” và “câu giờ” 

Sau năm 1988, khi TC đặt những đầu cầu trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN,  họ dùng chiến thuật ngoại giao “câu giờ” với kế hoạch “tằm ăn dâu” – Đặc biệt, trong giai đoạn này,  TC có những bước xâm lăng rất cẩn thận, họ tính toán rất kỹ lưỡng làm sao những hành động xâm lăng của họ đạt được mục tiêu, nhưng không đủ lớn để nổ ra chiến tranh. Khi thấy đối phương căng thẳng thì TC lùi một bước, nhưng không bao giờ từ bỏ mục tiêu xâm lược của họ.
– Năm 2005-2007: Tuyên bố thành lập Thành Phố Tam Sa ở đảo Hải Nam để điều hành hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN. Xây dựng hậu trạm quân sự ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa làm bàn đạp thực hiện những mưu toan xâm lăng tại quần đảo Trường Sa.

Trung Cộng xây hậu cần gồm có phi đạo dài 3000m chuẩn bị xâm lăng quần đảo Trường Sa vào năm 2005

– Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia đệ trình công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc về “ranh giới thềm lục địa mở rộng” trong khu vực phía Nam Biển Đông (công hàm CLCS – Commission on the Limits of the Continental Shelf). Ngay ngày hôm sau (7/5/2009), TC gửi công hàm lên Tổng Thư Ký LHQ phản đối, đặc biệt, trong đó đính kèm bản đồ 9 đoạn (hình lưỡi bò) chiếm gần 90% diện tích biển Đông.  Đây là lần đầu tiên TC chính thức đưa ra LHQ bản đồ “9 đoạn”. Và gián tiếp tuyên bố với quốc tế rằng diện tích của Biển Đông trong bản dờ “9 đoạn” thuộc về Trung Cộng!

Bản đồ “lưỡi bò chín gạch” lần đầu tiên Trung Cộng trình lên Liên Hiệp Quốc vào ngày 7/05/2009

–  Tháng 3/2010:  TC tuyên bố Biển Đông là “quyền lợi cốt lõi”,  xem vùng lãnh hải trong bản đồ hình “9 đoạn”  là thuộc chủ quyền của mình. Danh từ “cốt lõi” mà TC dùng ở đây là sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá!
–  Ngày 26/5/2011: Tàu Hải Giám của TC phi pháp tiến sâu vào hải phận Việt Nam để khiêu khích, cắt đứt giây cáp thu dữ kiện địa chấn tàu Binh Minh 02 của VN đang hoạt động ngoài khơi mũi Đại Lãnh cách tỉnh Phú Yên 35 cây số.

Tàu Trung Cộng tiến sâu vào thềm lục địa Việt Nam cách bờ biển Tuy Hoà 35 km cắt dây cáp của tàu Bình Minh 2 của Việt Nam

3) Giai đoạn 3 (2012-nay): TC xâm lăng trắng trợn tuyên bố sẽ nổ súng

Năm 2012 Tập Cận Bình lên nắm quyền tối thượng, họ Tập không còn dấu mình chờ thời như lời khuyên của Đặng Tiểu Bình trước đây. Họ Tập thổ lộ tham vọng Đại Hán với “Giấc Mộng Trung Hoa”. Đưa hai dự án chiến lược “Vành Đai, Con Đường (One Belt, One Road)” và “Made In China 2025” – để biến Trung Cộng thành siêu cường số 1 thế giới. Biển Đông là bàn đạp xuất phát của “One Belt, One Road”.  Do đó, Biển Đông rất quan trọng trong tham vọng của Bắc Kinh. TC ra mặt xâm lăng Biển Đông không còn úp mở như trước. 

Hình trên thấy (One Belt, One Road = Maritime Silk Road + Silk Road Economic Belt) Maritime Silk Road xuất phát từ Phúc Châu (Fuzhou) xuống cảng Hải Phòng VN, dùng Biển Đông làm điểm xuất phát ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương qua Kenya châu Phi, qua kênh Suez Trung Đông, đến Hy Lạp và Ý rồi bắt tay với đường bộ Silk Road Economic Belt tạo thành một vòng đai bao trùm thế giới.

– Năm 2012 -2013:  TC cho tập trận bắn đạn thật chung quanh quần đảo Hoàng Sa. Công ty dầu khí CNOOC của TC ngang nhiên mở đấu thầu 19 lô dầu ở khu vực phía bắc Biển Đông cách quần đảo Hoàng Sa chừng 1 cây số. Hàng Không mẫu Hạm Liêu Ninh cũng có mặt trên Biển Đông vào tháng 5/2012.
– Tháng 5/2014: TC đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào xâm lăng vùng biển EEZ của Việt Nam. Gây điểm nóng cho thế giới vào lúc đó.

Tàu Hải Dương 981 của Trung Cộng dò tìm dầu khí ở thềm lục địa (EEZ) của Việt Nam

– Tháng 5/2015, tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Phó Tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) tuyên bố: “Bản Đồ 9 đoạn” (hình Lưỡi Bò) phản ánh 2,000 năm lịch sử Trung Quốc. Vương lập luận rằng bản đồ 9 đoạn có trước Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển UNCLOS 1982” – Từ đó, Trung Cộng bác bỏ luật Biển UNCLOS năm 1982 của LHQ tại khu vực Biển Đông.
– Năm 2015-2018: Sau khi Vương Quán Trung đơn phương tuyên bố bác bỏ UNCLOS 1982 tại Biển Đông, TC tăng cường du kích biển dưới dạng ngư phủ đánh cá dày đặc trên Biển Đông, ngày đêm nhanh chóng bồi đắp phi pháp 6 rạn san hô ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam thành đảo nhân tạo, đó là Đá Vành Khăn, Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma và Tư Nghĩa (xem hình I3.1)

Bồi đảo nhân tạo xong là TC xây phi đạo dài 3km có thể dùng cho máy bay quân sự, đặt nhiều trạm Radar và hệ thống truyền tin liên lạc tối tân, nhà chứa chiến đấu cơ J-11, và đặt các giàn hỏa tiễn “đất đối không”, “đối hạm” có khả năng bắn đến các tiểu bang ven vùng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.  Đô Đốc Harry Harris, cựu Tư Lệnh Thái Bình Dương lúc bấy giờ phải thốt lên  “TC đang xây Vạn Lý Trường Thành dưới Biển Đông!” (xem hình I3.2)

Trung Cộng bồi đắp các rạn san hô ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

(I3.2) Khi bồi đảo nhân tạo xong, TC bắt đầu xây dựng những căn cứ quân sự và đặt những loại radar, trạm liên lạc và hỏa tiễn tối tân. Dù TC tuyên bố không quân sự hóa các đảo bồi này.

TC đang điều nhiều tàu nạo vét đến bồi Đá Chữ Thập (2/2015)

TC đã hoàn thành bồi đắp Bãi Đá Chữ Thập (cuối năm 2017)

– Tháng 7/2019: TC trắng trợn điều động tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) với sự hộ vệ của nhiều tàu hải cảnh quân sự, thâm nhập phi pháp Bãi Tư Chính thuộc vùng EEZ của Việt Nam. Ra lệnh công ty dầu khí Rosneft của Nga đã ký hợp đồng với công ty dầu khí Petrovietnam, phải ngưng khai thác và rời khỏi các lô dầu tại Bãi Tư Chính. Việc tương tự, Trung Cộng đã làm với công ty dầu khí Respol của Tây Ban Nha năm 2018 và VN phải bồi thường cho Respol hàng trăm triêu USD, vì đơn phương tự hủy hợp đồng!

Tàu hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) với nhiều tàu cảnh sát biển trang bị vũ khí tối tân hộ vệ phi pháp đi vào Bãi Tư Chính của Việt Nam để dò tím dầu khí từ tháng 7 – 10/2019

– Năm 2020: Lợi dụng thế giới đang lâm vào đại dịch Coronavirus Vũ Hán thì TC hoàn tất việc xâm lược Biển Đông bằng cách đệ trình Công Hàm CML/42/2020 vào tháng 4/2020: Trong nội dung lấy Công Hàm của Phạm Văn Đồng ký năm 1958 làm cơ sở pháp lý,  TC cho rằng các quần đảo Đông Sa (Bắc Biển Đông),  Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (Đông Nam Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và các đảo khác chung quanh nằm trong “bản đồ 9 đoạn” đều thuộc chủ quyền của Trung Cộng”, và TC yêu cầu các nước có thực thể trên vùng biển đó phải rút đi.
Sự việc này đại diện nhiều đoàn thể tại Hải Ngoại trong đó có Việt Nam Quốc Dân Đảng và Liên Minh Việt Nam Độc Lập Dân Chủ đã thực hiện cuộc “trưng cầu dân ý” với 95% người dân trong nước đòi kiện TC ra tòa án trọng tài LHQ, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội không dám thực hiện.

Tháng 4/2020 Bắc Kinh trình Công Hàm CML/42/2020 lên Liên Hiệp Quốc– đánh dấu giai đoạn cuối cùng xâm lăng Biển Đông. Bản dịch tiếng Việt: https://vietquoc.org/trung-cong-gui-cong-ham-so-cml-42-2020-ve-bien-dong-len-lien-hiep-quoc-phan-doi-viet-nam-ngay-17-4-2020

– Năm 2021: Tháng 1/2021, TC tuyên bố “thuyền bè nước nào xâm phạm chủ quyền của họ trên Biển Đông thì lực lượng quân sự của TC có quyền nổ súng” – Đầu tháng 3/2021, Nhật cũng tuyên bố tương tự “nếu TC xâm lăng Biển Hoa Đông thì lực lượng tuần duyên của Nhật có quyền nổ súng”.

Cuộc xâm lăng đang bước qua một giai đoạn mới, càng ngày càng leo thang nguy hiểm. Từ cuộc đấu khẩu nay sang đấu súng. Hiện cả hai bên đều chuyển vũ khí tối tân nhất bố trí trên vùng biển này.

II) Mục đích TC xâm lăng Biển Đông

1) TC muốn cạnh tranh thế lực với Hoa Kỳ trên biển bắt đầu từ Tây Thái Bình Dương,
2)  Phá vỡ vòng phòng thủ số 1 và đe dọa vòng phòng thủ thứ 2 của Mỹ ở Thái Bình Dương (xem hình II.1)
3)  Làm bàn đạp cho chiến lược “Vành Đai, Con Đường” do Tập Cận Bình chủ xướng.

4)  Độc quyền khai thác tài nguyên vô tận dưới lòng Biển Đông rất phong phú và đa dạng thuộc vào bậc nhất thế giới.
5) Kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch quốc tế qua Biển Đông mà hằng năm thế giới chuyên chở 50% số lượng hàng hóa trị giá gần 5000 tỉ USD.

6) Sau khi chiếm Biển Đông, Trung Cộng tuyên bố đặt vùng Nhận Diện Phòng Không (Air Defense Identification Zone – ADIZ). Như thế, TC  hoàn toàn kiểm soát trên không và trên biển của cửa chính ra vào Đông Nam Á. Tạo điều kiện dễ dàng cô lập Hoa Kỳ và các quốc gia trên thế giới muốn giao thương với các nước ĐNA.

(II.1)TC chiếm Hoàng & Trường Sa cắt đứt vòng phòng tủ số 1 (màu đen) và đe dọa vòng phòng thủ số 2 (màu xanh nhạt) của Mỹ trên Thái Bình Dương

III) Các quốc gia nạn nhân trực tiếp của sự xâm lăng Trung Cộng:

1) Việt Nam là nạn nhân trực tiếp về an ninh quốc gia và kinh tế dưới Biển Đông
– 
  Về an ninh: TC chiếm Biển Đông, xây dựng các căn cứ quân sự ở cửa trước Việt Nam, Hiện TC đã xem Campuchia như một tỉnh chư hầu giáp biên giới Tây Nam, Lào đang trên đường thành Campuchia của TC nằm phía Tây.  Nếu TC tấn công Việt Nam bằng quân sự,  thì họ sẽ tấn công từ 5 hướng:  từ Biển Đông, Campuchia, Lào và biên giới Việt-Trung. Như vậy Việt Nam không thể nào chống đỡ (Hình III.1)

(III.1)Việt Nam là nạn nhân trực tiếp về an ninh quốc gia và tài sản dưới Biển Đông. TC có uy thế tuyệt đối về quân sự nếu tấn công Việt Nam bằng 5 hướng.

–  Về kinh tế: TC chiếm Biển Đông là cướp nguồn tài nguyên vô tận dưới đáy biển của Việt Nam gồm dầu khí, nham thạch quý, tôm cá và sinh vật dưới biển lên đến hàng vạn tỉ đô-la, gia tài này có thể nuôi sống nhiều đời con cháu người Việt Nam sau này.

2) Các nước khác liên hệ như Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia:

– TC chiếm Biển Đông theo bản đồ “hình chín đoạn” thì các nước này bị mất chủ quyền  khai thác kinh tế (EEZ) được quy định bởi luật biển UNCLOS năm 1982.  Họ cũng bị mất mát về kinh tế dù rằng ít hơn so với Việt Nam.

Các nước chung quanh Biển Đông có vùng Đặc quyền kinh tế EEZ (đường gạch màu xanh nhạt) bị hình Lưỡi Bò Chín Đoạn (gạch màu đỏ) của TC chiếm gần hết.

3) Đối với Hoa Kỳ:
Dù không có chủ quyền lãnh hải trong vùng Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ là một cường quốc biển, là cảnh sát quốc tế bảo vệ an ninh khắp các Đại Dương. Đặc biệt tại vùng Biển Đông,  Mỹ xem các nước ASEAN là quả trứng vàng trong thế kỷ thứ 21. Cho nên Mỹ phải bảo vệ quyền lợi của mình trong vùng đất này.

Theo số liệu của tướng Neal Sealock, cựu Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, trong bài thuyết trình  “What happened to China Sea” ông đưa ra 5 quyền lợi “cốt lõi” của Mỹ trong vùng Châu Á Thái Bình Dương như sau:
– Năm 2017, Mỹ có hơn 1800 tỷ đô-la giao dịch hàng hóa song phương với các nước ASEAN. Và 3 tháng đầu năm 2018 đã tăng vọt lên tới 1300 tỷ đô-la.
– Chỉ số đầu tư của Mỹ vào khu vực ASEAN tăng nhanh gấp đôi cứ mỗi một 3-5 năm.
– Ấn Độ-Thái Bình Dương là nơi có phân nửa nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
– Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện có trên 1/3 tổng sản lượng GDP toàn cầu. Và mức tằng trưởng đến 60% GDP toàn cầu.
– Đến năm 2030, 65% tầng lớp trung lưu trên thế giới sẽ cư ngụ ở vùng Ấn Độ-Châu Á Thái Bình Dương, đại diện cho một mãi lực vô cùng to lớn trong giao thương thế giới.

Theo các số liệu trên, thì  Mỹ xem khu vực ASEAN rất năng động, có nền kinh tế bùng phát mạnh, vùng đầu tư của tư bản Mỹ với nhân công rẻ và nhiều khả năng lao động trẻ. Và vùng sẽ đóng một vai trò quan trọng cho kinh tế của Mỹ trong suốt thế kỷ 21.
Nếu Mỹ để  TC chiếm Biển Đông rồi đặt vùng nhận dạng phòng không, thì TC sẽ chặn tuyến tuyến lưu thông đi vào cửa trước các nước Đông Nam Á. TC dễ dàng cô lập Mỹ với khu vực này, và đưa các nước trong khối ASEAN vào qũy đạo khống chế của TC hoặc chư hầu của TC. Lúc đó Mỹ mất vị thế siêu cường vào tay TC. Điều này chắc chắn Mỹ không bao giờ muốn. Do đó, Mỹ quyết tâm đối đầu với Trung Cộng trên Biển Đông.

Nếu thực sự làm chủ Biển Đông, thì vùng địa chính trị vòng tròn đỏ trên TC khống chế cả hàng không lẫn hàng hải. Làm cảnh sát gác cửa ngõ vào Biển Đông

 4) Đối với quốc tế

–  TC chiếm Biển Đông sẽ tác hại cho quốc tế lưu thông trên tuyến hàng hải Biển Đông, việc phân phối hàng hóa ngưng đọng, năng lượng sẽ thiếu hụt cho các quốc gia Nhật, Nam Hàn và Đài Loan… (Hằng năm, khoảng 5,300 tỷ USD hàng thương mại toàn cầu đi qua Biển Đông.  Tại eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương vào Biển Đông có 25% lượng dầu, và 50% lượng khí đi qua hằng ngày).
– Gây bất ổn khắp thế giới, đe dọa hàng triệu cư dân của nước châu Âu đang sống rải rác trên vùng biển Ấn Độ – Thái Bình dương.
– Cô lập các nước ASEAN
– TC xé bỏ phán xét của tòa Trọng Tài Quốc La Haye năm 2016 đã phủ quyết bản đồ “hình lưỡi bò chín đoạn” của TC trước sự thắng kiện của chính phủ Philippines. 
– TC chà đạp luật biển Liên Hiệp Quốc UNCLOS 1982.

Vừa xé bỏ phán xét trọng tài quốc tế, vừa chà đạp luật biển quốc tế, TC sẽ đưa thế giờ đến thời kỳ hỗn mang nguy hiểm. TC là thủ phạm gây chiến tranh trước thế kỷ thứ 21.

 IV) Thế giới phản đối TC xâm lăng Biển Đông:

– Hoa Kỳ, cường quốc châu Âu, Á, Úc, Canada, Việt Nam, Mã Lai, Indonesia, Philippines chính thức lên tiếng phủ nhận bản đồ “chín đoạn” hình lưỡi bò của Trung Cộng.
– Hoa Kỳ thực hiện chiến lược  “Tự do hàng hải” (FONOC – Freedom of Navigation Program), tuần tra sát các đảo Hoàng sa Trường Sa 12 hải lý để phủ nhận chủ quyền của TC trên các đảo nhân tạo đã cưỡng chiếm ở Biển Đông.

– Hoa Kỳ đưa chiến lược “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự Do và Rộng Mở” để ngăn chặn Trung Cộng, và đã thành lập “Bộ Tứ Kim Cương – Mỹ-Nhật Úc-Ấn” để đối phó hành động hung hăng của TC trên vùng Biển Đông và Hoa Đông. – Hoa Kỳ điều động 2 Hàng Không Mẫu Hạm (HKMH) nguyên tử Theodore Roosevelt và Nimitz hoạt động thường trực ở vùng biển này.
– Anh, Pháp, Đức của khối Liên Âu đã gửi tàu chiến và HKMH đến tham gia với Mỹ.   
– Các vũ khí hiện đại nhất của Mỹ và Trung Cộng hiện đang tập trung tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trung Cộng dồn mọi nổ lực chế vũ khí, tàu chiến và HKMH để đối đầu với Mỹ và đồng minh ở Biển Đông.

V) Nguy hiểm cho an ninh thế giới trước sự xâm lăng Biển Đông của TC 

Sự xâm lăng của Trung Cộng trên Biển Đông sẽ tạo ra một tiền đề nguy hiểm cho an ninh thế giới:

– Thế giới sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn: Luật quốc tế không được tôn trọng, phán quyết quốc tế cũng xem như không. Những điều đó sẽ đưa thế giới đi vào tình trạng vô pháp, “mạnh được yếu thua” theo luật rừng.
– Đe dọa các tàu buôn dân sự cung cấp nguồn sống cho mọi người qua lại Biển Đông.
– Cướp đoạt tài nguyên to lớn của các quốc gia có chủ quyền và quyền kinh tế ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
– Mở ra tiền đề xâm lược dựa vào sức mạnh bắt nạt nước yếu như thời kỳ Trung Cổ.
– Kích hoạt chiến tranh vùng,  có thể đại chiến thế giới, nếu không kiềm chế sẽ là chiến tranh nguyên tử.

Tóm lại:

Hành động của TC gây sự mất ổn định thế giới trước thế kỷ thứ 21. Là một nước Cộng Sản biến cải vừa Cộng Sản độc tài tàn bạo cộng thêm bản chất bá quyền Hán tộc sẽ gậy bất ổn cho nhân loại. Nếu không giải quyết tận gốc rễ vấn đề, thế giới sẽ không được hòa bình trong tương lai!

Lê Thành Nhân
20/03/2021

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt