Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (34)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Trước giờ thứ 25”

Trước giờ thứ 25

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, ngay trước khi tuyên bố từ chức Tổng Thống vào đêm 21 tháng 4 năm 1975, đã “cáo buộc” Hoa Kỳ phản bội đồng minh Việt Nam, bỏ rơi Việt Nam, … và ông hy vọng sự từ chức của ông, Việt Nam Cộng Hòa sẽ được Hoa Kỳ tái viện trợ quân sự … Qua hệ thống truyền thông công cộng trong nước cũng như trên thế giới trong những tháng đầu năm 1975, và đặc biệt là trong 2 tháng cuối cùng của cuộc chiến, họ cung cấp cho khán thính giả trên toàn thế giới -trong đó có chúng ta- hiểu rằng, Hoa Kỳ đang lật trang cuối cùng về sự can dự của họ vào cuộc chiến tranh giữa tự do với độc tài trên lãnh thổ Việt Nam, trong ý nghĩa bại trận về phía Việt Nam Cộng Hòa chúng ta. Thế mà Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lại “hy vọng” Mỹ sẽ vẫn tiếp tục viện trợ quân sự sau khi ông từ chức! Chắc chắn là Tổng Thống Thiệu thừa hiểu điều đó hơn ai hết, vì ông là Tổng Thống cho dù Tổng Thống cũng chỉ là một con người, nhưng nhất thiết con người Tổng Thống phải hơn hẳn những người khác chớ, nếu không như vậy thì hóa ra “đồng hạng” sao!

Vậy, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã vì lý do gì đó như bị một áp lực từ hậu trường chính trị chẳng hạn, nên ông đưa ra lời cáo buộc để sang tay cho vị kế nhiệm khi thấy con đường chiến đấu phía trước đầy chông gai nguy hiểm, rồi ung dung bỏ chạy và lại là chạy sớm ra ngoại quốc nữa chớ! Chẳng lẽ Tổng Thống Thiệu nói là bị Mỹ áp lực mà ông phải từ chức thì nghe không ổn, vì ông là Tổng Thống, là vị lãnh đạo quyền lực và quyền uy nhất nước! Nhưng nếu thật sự ông nghĩ hay ông tuyên bố như vậy, thì liệu trong 10 năm trên ngôi vị lãnh đạo quốc gia, có phải thật sự ông người lãnh đạo đất nước Việt Nam hay Hoa Kỳ là người lãnh đạo? Hay là ông chạy trốn trách nhiệm? Vì 10 năm trị vì với đầy đủ quyền lực và quyền uy của một Tổng Thống, chính Tổng Thống chớ không phải Hoa Kỳ đã bao lần ra lệnh cho đơn vị này, chỉ thị đơn vị kia, cổ vũ tại các quân trường, hô hào tại các diễn đàn quan trọng, đều trong nỗ lực khuyến khích thúc đẩy mọi người -nhất là quân nhân- hãy hi sinh thân mình bảo vệ tổ quốc. Vậy mà, khi tổ quốc thật sự lâm nguy thì ông quên hết các mệnh lệnh của ông, của vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao Quân Đội mà ông đã từng dõng dạc tuyên bố, để rồi ông lặng lẽ để lại đằng sau tất cả những gì không phải của ông và gia đình ông!

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng từng tuyên bố rằng: “Đất nước còn thì còn tất cả, đất nước mất thì mất tất cả”. Lời của Tổng Thống rất đúng, và đúng với tất cả công dân Việt Nam Cộng Hòa, ngoại trừ ông và những vị lãnh đạo đầy quyền lực cùng những vị có quân có quyền đã bỏ chạy là không đúng.

Vì các vị có mất gì đâu dù rằng đất nước mất! Nhà ở của quí vị là các dinh thự thuộc tài sản quốc gia, xe đi của quí vị hằng ngày cũng là tài sản quốc gia, cơ sở kinh doanh của quí vị cầm chắc là không do đồng lương thật sự của quí vị tạo nên, vườn tược đất đai đồn điền cũng thế, gia đình và thân nhân cùng chạy theo quí vị, thậm chí có thân nhân của ít nhất là một trong số quí vị chạy ra ngoại quốc bằng Hàng Không Việt Nam do ngân sách quốc gia đài thọ nữa chớ!

Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, trong phiên lưỡng viện Quốc Hội ngay trong cuộc tổng công kích của quân cộng sản vào dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, đã tuyên bố: “Đồng bào đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản làm”. Lời của Tổng Thống hoàn toàn đúng. Vì một trong những bản chất của cộng sản là dối trá, họ chỉ có tuyên truyền chớ không có thông tin, thành ra những gì cộng sản nói đều là tuyên truyền cả, mà đã là tuyên truyền thì có gì là thật đâu. Nhưng tối 21 tháng 4 năm 1975, ngay sau khi tuyên bố từ chức Tổng Thống, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu có nói với đồng bào với quân đội rằng “ Mất một Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, quân đội còn Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, đồng bào còn một chiến sĩ Nguyễn Văn Thiệu. Tôi nguyện sẽ chiến đấu kế bên anh em chiến sĩ”. Được hiểu là Trung Tướng sẽ trở về hàng ngũ quân đội chiến đấu. Nhưng mấy ngày sau đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã bỏ chạy! Vậy, riêng trường hợp này thôi, liệu đồng bào và quân đội có nên nhìn kỷ hành động của Trung Tướng hơn là nghe Trung Tướng nói không?  

Đến vị lãnh đạo quốc gia hàng thứ hai là Đại Tướng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm. Vị Thủ Tướng 5 năm rưỡi, đó là thời gian chỉ đứng sau thời gian của Tổng Thống Ngô Đình Diệm kiêm nhiệm. Cả hai thời gian này cộng lại là 15 năm, và hơn 5 năm còn lại lần lượt chuyền tay nhau giữa 9 vị. Nếu chia đều thì mỗi vị chỉ có mấy tháng cầm quyền chơi! Tôi nói “cầm quyền chơi” là vì chỉ có mấy tháng thì mỗi vị Thủ Tướng chỉ kịp duyệt qua công tác của các Bộ trong chánh phủ là hết thời gian rồi, đâu còn thì giờ để soạn thảo những kế hoạch, những dự án, những mục tiêu quốc gia, nói chung là sách lược quốc gia để phục vụ dân tộc. 

Đầu năm 1970, bà Trần Thiện Khiêm, trong cuộc đàm thoại hơn nửa tiếng đồng hồ, bà thuật cho tôi nghe câu chuyện thật ngắn với nội dung như sau:

“.. Trên chuyến bay Sài Gòn-Đà Lạt mà trên phi cơ chỉ có gia đình Tổng Thống Thiệu và gia đình Đại Tướng Khiêm. Tổng Thống Thiệu mời Đại Tướng Khiêm giữ chức Thủ Tướng, bà Khiêm hơi to tiếng khi hỏi lại Tổng Thống Thiệu rằng: Tổng Thống biết anh Khiêm không thích làm chính trị mà còn kêu làm Thủ Tướng, có phải là Tổng Thống muốn anh Khiêm ngồi đó để Tổng Thống làm gì thì làm không? Tổng Thống Thiệu gạt ngang: Chuyện của đàn ông, bà biết gì mà nói”.

Riêng về chuyện kể ngắn ngủi này chỉ có thế, nhưng tôi muốn lặp lại ở đây để có thêm một chứng minh về con người của Đại Tướng Trần Thiện Khiêm như tôi đã nhận định hồi năm 1964 trước khi ông cùng gia đình lưu vong. Theo lời bà Khiêm trên đây thì Đại Tướng Khiêm vẫn là con người không thích dấn thân vào chính trị, mà Thủ Tướng là chức vụ chính trị cấp quốc gia. Điều này lại nhắc tôi liên tưởng đến vụ đảo chánh ngày 19 tháng 2 năm 1965 do Thiếu Tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo, và Trung Tá Lê Hoàng Thao chỉ huy một Trung Đoàn của Sư Đoàn 25 Bộ Binh vào chiếm Bộ Tổng Tham Mưu, ông nói với tôi là có Trung Tá Phạm Ngọc Thảo (cộng sản hồi chánh, nhưng không rõ là hồi chánh giả hay hồi chánh thiệt) từ tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ -lúc đó đại sứ là Đại Tướng Trần Thiện Khiêm- về tham gia, nếu thành công thì Đại Tướng Khiêm trở về cầm quyền. Tôi rất nghi ngờ lời nói của Trung Tá Lê Hoàng Thao. Cũng có thể là tôi chủ quan chăng, nhưng tôi vẫn giữ nguyên cách nhìn của tôi như vậy.    

Với nét nhìn của tôi, Đại Tướng Trần Thiện Khiêm không phải là con người chính trị, cũng không thích dấn thân vào chính trị, nhưng lại giữ chức vụ chính trị mà là chức vụ trên nguyên tắc chỉ dưới quyền Tổng Thống thôi, cho nên hơn 5 năm trong ngôi vị Thủ Tướng, ông không có gì xuất sắc về mặt lãnh đạo với chức vụ khá nhiều quyền lực trong tay, dù rằng về phong cách và cá tính thì ông vẫn là người chinh phục được cảm tình của nhiều giới trong xã hội. Nhưng chẳng lẽ con người chính trị trong chức Thủ Tướng chỉ cần trang bị ngần đó thôi sao! Và rồi ông cũng đi ngoại quốc cùng chuyến phi cơ với Trung Tướng Thiệu, cũng là chuyện bình thường, vì ông đã bàn giao chức Thủ Tướng 3 tuần trước đó.  

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm vào đây để đọc tiếp] 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt