Hồi Ký cựu Đại Tá Quân lực Việt Nam Cộng Hòa Phạm Bá Hoa (33)

Trang nhà https://vietquoc.org sẽ tiếp tục đang nhiều kỳ về tập: “Hồi Ký của Phạm Bá Hoa”. Sau đây là “Di Tản ! “

Di tản!

Tối 23 tháng 4 năm 1975, Đại Tá Phạm Kỳ Loan, Tổng Cục Phó Tổng Cục Tiếp Vận,  điện thoại đến nhà tôi, ông nói:

“Đại Tá Pelosky, yêu cầu các sĩ quan Tổng Cục đưa tên gia đình sang bên đó (tức Văn Phòng Tùy Viên Quốc Phòng Hoa Kỳ-DAO) để ghi vào danh sách chuyến bay, và gia đình có thể rời Việt Nam vào tối mai hoặc đêm sau đó. Sĩ quan sẽ đi sau. Vậy anh liên lạc đưa danh sách gia đình ngay trong đêm nay cho tôi hoặc đưa thẳng cho Đại Tá Pelosky cũng được”.

Tuy đã biết về lời của Tướng Smith, cùng theo dõi chặt chẻ tình hình chiến sự và tình hình chính trị quốc nội quốc ngoại, nhưng tôi vẫn cảm thấy tin này quá đột ngột, tôi đáp:

“Đây là vấn đề rất quan trọng đối với cuộc sống gia đình tôi và ảnh hưởng đến thân quyến tôi nữa, nên tôi cần thảo luận với gia đình mới quyết định được anh à. Nghĩa là tôi chưa thể  trả lời trong đêm nay, và dù sao thì tôi cũng cám ơn anh”.

Di tản ngày 30 tháng 04 năm 1975

Thế là từ đêm hôm sau, những gia đình của các sĩ quan trong ngành lần lượt lên phi cơ Hoa Kỳ rời Sài Gòn để đến đảo Guam tạm trú, chờ làm thủ tục và cũng là chờ người thân đến trước khi vào lục địa Hoa Kỳ định cư. Tôi xin nói thêm rằng, không phải gia đình của tất cả sĩ quan trong ngành Tiếp Vận đều ra đi, vì lệnh này không được phổ biến cho nên sĩ quan nào biết thì liên lạc với các sĩ quan trách nhiệm của Tổng Cục Tiếp Vận, các vị này giới thiệu với Đại Tá Pelosky và được ghi vào danh sách lên phi cơ rời Việt Nam  vào đêm sau đó.

Sáng 24 tháng 4 năm 1975, tôi lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, ông nói:

“Gia đình tôi không đi mặc dù danh sách đã đưa cho Đại Tá Pelosky rồi”.

“Sao vậy Trung Tướng?

“Anh nghĩ coi, gia đình tôi đâu có tiền, sang bên đó làm sao mà sống. Với lại tình hình quốc gia như thế này mà lại tính chuyện ra đi thì còn mặt mũi gì nữa!

Ngưng một lúc, ông tiếp:

“Mất nước đến nơi mà các ông cứ tranh nhau chức vụ quyền hành (ý nói đến chức vụ Tổng Thống!) buồn quá!

“Tôi thì chưa tính gì, nhưng nếu Trung Tướng có tính đi thì nên cho gia đình đi ngay kẻo muộn, vì gia đình các anh  đơn vị trưởng và các anh Chánh Sở tại Tổng Cục Tiếp Vận mình đã đi rồi”.

“Tôi cũng chưa dứt khoát”. Lời của Trung Tướng Khuyên.

Nói thì nói vậy, nhưng đêm sau đó, 25 tháng 4 năm 1975,  gia đình của Trung Tướng Đồng Văn Khuyên cũng lên đường đi Guam. Theo lời Trung Tướng Khuyên thì Thiếu Tướng Smith thúc giục ông đưa gia đình đi càng sớm càng tốt.   

Thật ra thì hành khách trên các phi cơ C130 và C141 rời phi trường Tân Sơn Nhất vào mỗi tối kể từ 24 tháng 4 năm 1975, không phải chỉ có gia đình sĩ quan mà còn có mặt của nhiều người nhiều giới trong xã hội nữa, vì bất cứ ai có bạn bè quen biết với Đại Tá Pelosky, thì họ giới thiệu hay gởi gắm không có gì khó khăn cả.

Từ ngày bắt đầu di tản với những chuyến bay đêm, thì mỗi sáng tôi đều lên văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, thảo luận về chiến sự và thời sự trong tính cách tâm tình hơn là ra lệnh và nhận lệnh giữa Tổng Cục Trưởng với Tham Mưu Trưởng Tổng Cục. Tấm bản đồ trên vách trái bàn giấy của ông, những ước hiệu hình dáng như cái phong bì màu đỏ tượng trưng đơn vị cộng sản bao quanh Sài Gòn, và tương tự như vậy nhưng màu xanh lá cây tượng trưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phòng thủ thủ đô, thì màu đỏ nhiều hơn màu xanh. Thật ra đó chưa chắc là thực lực của quân cộng sản đến như thế, bởi chúng thường ngụy tạo bằng các sóng truyền tin loại trang bị cho đại đơn vị đặt ở đâu đó, để các sóng tình báo kỹ thuật của mình ghi nhận và ghi lên bản đồ vị trí các đại đơn vị của chúng. Trong số lực lượng cộng sản do Phòng 2/Bộ Tổng Tham Mưu ghi nhận trên bản đồ, có thể một số là có thật, số khác rất có thể là chúng ngụy tạo thêm. Tôi nhận định như vậy, vì phi đoàn tình báo kỹ thuật của Phòng 7/Bộ Tổng Tham Mưu đã từng ghi nhận và phát giác sự kiện này.             

Lệnh di tản không cho phổ biến đã gây nhiều phẫn nộ ngay trong hàng sĩ quan cao cấp đang phục vụ trong Quân Trấn Sài Gòn, và nhiều vị trong số này đều cho là Bộ Tổng Tham Mưu tắc trách, hoặc có ý gì khác. Tắc trách thì chắc chắn là không, nhưng có ý gì khác hay không thì tôi không rõ, nhưng hiển nhiên là có lời nặng tiếng nhẹ đối với Tổng Cục Tiếp Vận. Chẳng hạn như Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân, Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y là trường hợp điển hình khi ông đẩy cửa thật mạnh và sừng sững trước mặt tôi:

Di tản bằng tàu thủy

“Tại sao Đại Tá không thông báo cho chúng tôi biết kế hoạch di tản? Như vậy là ý gì?

“Anh đừng nóng, tôi trả lời anh đây. Chúng tôi không thông báo cho bất cứ ai, vì đó là lệnh mà chúng tôi cũng chỉ là cấp thừa hành thôi. Ngoài ra, không có ý gì hết. Bây giờ xin anh cho biết là anh cần gì?

“Tôi cần đưa gia đình di tản”.

“Có gì khó đâu mà anh phải to tiếng. Mời anh sang gặp Đại Tá Tổng Cục Phó để cung cấp danh sách, và tối mai là gia đình anh đi thôi”.

Trong tuần lễ cuối cùng của tháng 4 năm 1975, trên đường về nhà dùng cơm chiều để rồi vào ngủ đêm trong Tổng Cục Tiếp Vận, tôi sử dụng đường Cách Mạng 1/11, chuyển sang đường Hiền Vương và thẳng đường Trần Quốc Toản về cư xá Bắc Hải (cũng gọi là cư xá sĩ quan Chí Hòa). Nhìn đường phố thủ đô chưa đến nỗi gọi là hỗn loạn nhưng cũng không xa ý nghĩa đó bao nhiêu. Tiếng động cơ và tiếng còi inh ỏi của các loại xe, chen lẫn trong âm thanh của những đoàn người ngược xuôi giữa khói mù thải ra từ các xe lớn nhỏ,  hòa vào bụi bậm phố phường, đã tạo nên một hình ảnh bi thảm của chiến tranh! Trong những đoàn người từ các tỉnh chạy về đây, người thì tìm nơi cư trú, kẻ tìm phương tiện chạy xa thêm nữa. Các đơn vị quân đội cũng tán loạn, dân không hẳn là dân mà lính cũng không hoàn toàn là lính. Quân phục không nghiêm chỉnh, súng đạn thì kẻ còn người mất, không biết cấp chỉ huy ở đâu mà tìm. Mặt khác, còn phải tìm thân nhân thất lạc sau cuộc di tản đầy hiểm nguy gian khổ! Trông nét thảm thương của các đồng đội, tôi mới thấy tôi còn nhiều may mắn hơn các bạn ấy. Nhưng tôi không làm được gì cả!      

Vào phi trường Tân Sơn Nhất để tìm giúp gia đình người bạn và trao bức thư vì anh ấy không vào được, tôi lại chứng kiến cảnh tượng chia tay chưa biết ngày gặp lại thật là xót xa thương cảm! Đó là những người chờ lên phi cơ mà hầu hết là phụ nữ và trẻ con. Tiếng trẻ con khóc đòi ăn, la đòi bú, những đứa khác thì chạy nhảy rất ngây thơ đến tội nghiệp! Người lớn thì kẻ ngồi người đứng, ưu tư, lo lắng, thậm chí đôi mắt đỏ hoe, và chốc chốc nhìn ra hướng cổng phi trường như mong ngóng người thân trong những giờ còn lại trên phần đất quê hương trước khi “di tản” sang Hoa Kỳ, một đất nước xa xôi đến nửa vòng trái đất!

Bên cạnh hình ảnh đau thương đó, nhiều xe du lịch đậu sát lề đường hay trên sân cỏ, và trong số đó có những chiếc xe có sẵn chìa khoá cùng với thẻ chủ quyền có kèm theo mảnh giấy của chủ nhân: “Tặng xe này cho bạn nào ngồi vào tay lái. Xin chào”. Tôi đã nhìn vào một chiếc xe như vậy. Trong khi bên ngoài cổng, một dòng xe xếp hàng từ cổng phi trường dài gần đến cổng Bộ Tổng Tham Mưu. Từng gia đình tụm năm tụm bảy trên chiếc chiếu nhỏ hoặc tấm vải trắng dưới cái nắng gay gắt của Sài Gòn tháng tư, và bên cạnh là những thức ăn nước uống ngổn ngang, đó là cảnh chạy trốn thảm họa cộng sản!

Xuống bến Bạch Đằng, nơi có những thương thuyền ngoại quốc lẫn thương thuyền Việt Nam sắp sửa kéo neo, cũng cái cảnh nhốn nháo, vội vã, tiếng gọi ơi ới với tiếng la tiếng khóc của trẻ con, và cả tiếng gào thét giữa người đi kẻ ở, ai ai cũng vội vã, cũng hấp tấp, sao mà bi thảm đến như vậy!

Trong thế kỷ 20 này, người dân sinh sống miền Bắc đã một lần chạy trốn thảm họa cộng sản hồi năm 1954-1955. Giờ đây -20 năm sau- lại một lần nữa, hằng chục ngàn người trong số đó cùng với nhiều chục ngàn người sinh sống miền Nam, đã và đang tìm cách chạy khỏi vòng tay cai trị của cộng sản. Nhưng lần này, họ phải chạy đến một nơi ngôn ngữ bất đồng, văn hoá khác biệt, phong tục tập quán hoàn toàn xa lạ. Nói chung là rất nhiều nỗi lo chồng chất phía trước, nhưng vấn đề cấp bách là phải chạy khỏi nơi đây rồi mọi việc sẽ bắt đầu . . .

Tổ quốc tôi, đất nước tôi, dân tộc tôi, đến thời mạt vận rồi sao! 

Sau  ngày cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm lên phi cơ sang Đài Bắc (Đài Loan), đến Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng một quân đội hơn 1.000.000 người, cũng lên phi cơ rời bỏ Việt Nam! Ông ra đi trong khi Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh, đang quần thảo với khoảng 2 Sư Đoàn cộng sản tại Xuân Lộc và chung quanh. Với những tổn thất nặng nề nhưng quân cộng sản không hạ nỗi Sư Đoàn 18, nên chúng rời chiến trường Xuân Lộc để chuyển quân xuống tấn công căn cứ Sư Đoàn 3 Không Quân tại Biên Hòa. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 Không Quân từ Đà Nẵng, Sư Đoàn 2 Không Quân từ Plei Ku, Sư Đoàn 6 Không Quân từ Qui Nhơn và Nha Trang, tập trung về căn cứ Không Quân Biên Hòa, lại chuyển xuống Sư Đoàn 4 Không Quân ở Cần Thơ, sau khi tham gia đánh chận  lực lượng bộ binh và phòng không của địch.

Chiều 28 tháng 4 năm 1975. Từ cửa sổ văn phòng Trung Tướng Đồng Văn Khuyên, tôi đứng nhìn toàn cảnh khuôn viên Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, theo con đường chánh về phía phải là ra cổng số 1 tại giao lộ Võ Tánh nối dài với đường Cách Mạng 1/11, về phía trái là cổng số 3 ra đường Võ Di Nguy. Ngay trước tòa nhà chánh là võ đình trường rộng lớn, uy nghi, chính giữa là cột cờ cao vời vợi với lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ đang tung bay trong gió. Vẫn những tòa nhà 2 tầng khang trang với dáng vấp kiến trúc Châu Âu, dùng làm văn phòng cho các Tổng Cục và Phòng Sở của Bộ Tổng Tham Mưu. Vẫn những hàng cây trang điểm màu xanh, cũng là buồng phổi của căn cứ quân sự đầu não mà tôi nhìn thấy gần như liên tục hơn 12 năm qua. Vẫn những chiếc quân xa trên những con đường ngang dọc đầy bóng mát. Và vẫn thấp thoáng những quân nhân qua lại giữa các tòa nhà, nhưng tôi tưởng như mình đang trơ trọi giữa khoảng trống mênh mông của một nghĩa trang chiến tranh nào đó! Vì rằng những vị Tướng Lãnh cùng nhiều sĩ quan cao cấp của cơ quan đầu não này đã ra đi, số còn lại cũng đang nói chuyện ra đi, chẳng còn ai nói đến chuyện chiến đấu nữa! Cho đến lúc này thì hầu hết những vị đầy quyền lực của chúng tôi nơi đây, đã cao bay (trực thăng) xa chạy (ra Hạm Đội 7 Hoa Kỳ) hết rồi!

Phải chăng, đây là giờ hấp hối của Bộ Tổng Tham Mưu, cơ quan đầu não của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa?

Ôi! Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân lực vì lý tưởng tự do mà chiến đấu, nhưng lại bất hạnh bởi những vị lãnh đạo quyền lực đã không thi hành trách nhiệm khi tổ quốc thật sự lâm nguy!

[Bấm Vào Đọc Bài Trước]

[Bấm Vào Đọc Chương Kế]

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt