Một trong những vũ khí mạnh nhất của Hải quân Mỹ hiếm hoi xuất hiện ở Guam
Đài truyền hình CNN vừa loan tin một trong những tàu chiến mạnh nhất trong lực lượng Hải Quân Hoa Kỳ đã đến đảo Guam vào cuối tuần qua, đây là một hành động hiếm hoi mà Hoa Kỳ gửi thông điệp tới các đồng minh và đối thủ Trung Cộng trong tình hình căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tàu ngầm USS Nevada, chạy bằng năng lượng nguyên tử lớp Ohio mang theo 20 hỏa tiễn đạn đạo Trident và hàng chục hỏa tiễn nguyên tử, đã tiến vào căn cứ Hải Quân Guam, trên vùng Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm thứ Bảy. Đây là sự xuất hiện đầu tiên của một tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo còn gọi là “tàu bùng nổ” đến căn cứ quân sự Guam kể từ năm 2016, và là chuyến thăm thứ hai được công bố kể từ những năm 1980.
Căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Guam là một căn cứ quân sự chiến lược của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nằm ở phía đông-nam biển Philippines, sát cạnh Tây Thái Bình Dương. Đây là một hành động bất ngờ hiếm có, vì hoạt động và hành trình của các tàu ngầm mang hỏa tiễn nguyên tử tấn công này được liệt vào loại vũ khí mạnh nhất của Hoa Kỳ, thường được giữ kín hành tung của nó.
Giới quan sát quốc tế nhận định, khi phô trương tàu ngầm USS Nevada tại Guam, rõ ràng là Hoa Kỳ muốn gửi đi một tín hiệu với mục đích “một viên đá ném hai con chim”: răn đe Trung Cộng và Bắc Hàn, và trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Uy lực của chiếc USS Nevada như thế nào mà lại được coi là vũ khí mạnh nhất của Mỹ?
Theo truyền hình Mỹ CNN, đây là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử thuộc lớp Ohio, trang bị hơn 20 hỏa tiễn đạn đạo Trident, với tầm bắn hơn 11,000 cây số (6835 miles). Mỗi hỏa tiễn lại có thể mang theo tối đa 12 đầu đạn nguyên tử với sức công phá tương đương với 5,700,000 tấn thuốc nổ TNT (mạnh bằng 285 lần hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật năm 1945 chỉ có sức công phá 20,000 tấn TNT).
Tàu ngầm này có khả năng hoạt động sâu dưới mặt nước trong nhiều tháng trời, cần nổi lên khi nhận tiếp tế thực phẩm cho thủy thủ đoàn chừng 150 người.
Chính hỏa lực áp đảo, kèm theo khả năng giấu mình trong một thời gian dài dưới đáy biển sâu mà không bị phát hiện đã khiến cho loại tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ trở thành một trong ba yếu tố răn đe nguyên tử mạnh nhất của quân đội Hoa Kỳ. Đây là uy lực hùng mạnh dưới mặt biển tác chiến song song bên cạnh các hỏa tiễn đạn đạo phóng đi từ lãnh thổ Hoa Kỳ và trên không các oanh tạc cơ tầm xa mang bom nguyên tử như B-2 và B-52.
Theo ông Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm trong Hải Quân Hoa Kỳ và hiện là nhà phân tích tại Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ, tính chất răn đe của 14 chiếc tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio đang hoạt động được thể hiện qua thông điệp gởi đến đối thủ: “Chúng tôi có thể đặt 100 đầu đạn nguyên tử trước cửa nhà của quý vị, mà quý vị thậm chí không hề hay biết hoặc không thể làm gì nhiều để đối phó”.
CNN ghi nhận, đây là sự xuất hiện đầu tiên của một tàu ngầm nguyên tử đến Guam trong 7 năm nay, kể ừ năm 2016. Cũng là chuyến thăm thứ hai được loan báo công khai kể từ những năm 1980.
Thế nhưng lần này, quân đội Hoa Kỳ không ngần ngại phô trương sự có mặt của tàu ngầm USS Nevada tại Guam. Một thông cáo của bộ Hải Quân Hoa Kỳ nói rõ: “Chuyến thăm hải cảng Guam tăng cường hợp tác giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, thể hiện năng lực, sự linh hoạt, tính chất sẵn sàng của Hoa Kỳ dấn thân bảo vệ an ninh và ổn định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.
Ý nghĩa trấn an các đồng minh đã được thể hiện rõ trong bản thông cáo trên, trong tình hình các hành động hù dọa của Trung Cộng nhắm vào Nhật Bản tại vùng biển Hoa Đông, các hành động thị uy của Bắc Kinh nhắm vào Đài Loan hay vào các nước Đông Nam Á ở Biển Đông không ngừng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trong những ngày qua, đặc biệt là từ đầu năm đến nay, việc Bắc Hàn liên tiếp thử nghiệm hỏa tiễn cũng gây lo ngại, đặc biệt cho Nam Hàn, một đồng minh thân cận của Mỹ.
Theo CNN, khi đưa tàu ngầm có trang bị hỏa tiễn nguyên tử đến Guam, Washington như muốn cho thấy rõ là họ có thể ứng phó hữu hiệu với các mối đe dọa, điều mà cho đến nay, cả Trung Cộng lẫn Bắc Hàn đều không có khả năng hỏa lực so sánh. Chương trình tàu ngầm hỏa tiễn đạn đạo của Bắc Hàn đang trong giai đoạn sơ khai, trong lúc hạm đội tàu ngầm mang hỏa tiễn đạn đạo ước tính của Trung Cộng chỉ gồm vỏn vẹn 6 chiếc, lại cồng kềnh, hỏa lực kém và dễ bị phi cơ săn tàu ngầm phát hiện.
Source: https://www.cnn.com/2022/01/16/asia/us-navy-ballistic-missile-submarine-guam-intl-hnk-mi/index.html