Yingluck Shinawatra – từ doanh gia trở thành nữ thủ tướng Thái Lan đầu tiên
Đỗ Hiếu, RFA
Trung tâm chú ý của cuộc bầu cử tại Thái Lan vừa qua có thể nói là bà chủ tịch Yingluck Shinawatra của Đảng Puea Thái, tức đảng Vì Dân Thái. Vậy nhân vật nữ này có gì đáng chú ý? Thái Lan sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử vương quốc Thái. Đó là bà Yingluck Shinawatra.
Bà Yingluck Shinawatra sinh ngày 21 tháng 6 năm 1967 tại tỉnh Chieng Mai, miền Bắc Thái Lan, bà là con út trong gia đình của cựu thủ tướng Thaksin, có tất cả 9 anh chị em. Bà tốt nghiệp bậc cử nhân từ đại học Chieng Mai, ngành khoa học chính trị, sau đó du học Hoa Kỳ và đậu bằng thạc sĩ về hành chánh công quyền tại đại học Kentucky.
Bà là người quản lý và điều hành tập đoàn kinh tế gia đình Shinawatra với chức vụ chủ tịch đại công ty Advanced Info Service, chuyên cung cấp dich vụ điện thoại và viễn thông lớn nhất Thái Lan, đến năm 2006, gia đình Shinawatra bán công ty này cho tập đoàn đầu tư Singapore. Sau đó, bà chuyển sang làm chủ tịch một công ty khác trong lãnh vực bất động sản.
Bà Yingluck kết hôn với ông Anusorn Amornchat, giám đốc công ty M Link Asia, chuyên phân phối điện thoại di động. Hai người có với nhau một con trai.
Thắng cử vẻ vang
Bà Marie Sawai, công dân Nhật, viên chức Liên Hiệp Quốc tại Bangkok nói lên suy nghĩ của mình về doanh gia nổi tiếng, có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan:
“Người có thể trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử của Thái Lan là một phụ nữ có khả năng phi thường, có sức thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ, có lẽ nhờ vào những điều đó mà bà đã thắng cử vẻ vang”.
Chúng tôi tin rằng người dân Thái đang phấn khởi và trông đợi vào một sự thay đổi nào đó sẽ đến với họ. Dù chưa biết rõ chính sách, đường lối chính trị của bà sẽ ra sao, tuy nhiên tôi tin rằng bà sẽ thu thập kinh nghiệm quản lý đất nước từ người anh của bà là cựu thủ tướng Thaksin, đồng thời hợp lực chặt chẽ với các đảng phái khác trong tân nội các liên hiệp để phục vụ xứ Thái.
Với cái nhìn của một phụ nữ, chúng tôi xem đây là một sự kiện lịch sử đối với đất nước và người dân Thái Lan, riêng đối với bà Yinluck thì đây là trọng trách vô cùng lớn lao và phức tạp mà bà sắp phải gánh vác, mong bà sẽ thành công.”
Bà Kajariya, tổng giám đốc một công ty cung cấp và chế biến thực phẩm tại Thái Lan bày tỏ sự ủng hộ và tin cậy đối với bà Yingluck:
“Chúng tôi hy vọng rằng tương lai của đất nước Thái Lan sẽ tốt đẹp hơn, vì lần này cuộc bầu cử được công bằng, đa số cử tri dồn phiếu cho bà, chứ không bị chi phối bởi quân đội hay những thế lực khác, như đã từng diễn ra trong những kỳ bầu chọn khác trước đây.
Theo tôi thì Thái Lan sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, lâu nay, xứ sở chúng tôi vẫn do nam giới cầm quyền, phải nói thật là xã hội này, đàn ông thường xem mình là quan trọng, phụ nữ là thấp kém. Tôi bầu phiếu cho bà và dành cho bà sự ủng hộ bà đến 80% lòng tin cậy của mình. Bà có tầm vóc, kiến thức, kinh nghiệm quản lý và khả năng sẽ lãnh đạo đất nước Thái đến thịnh vượng.”
Sự kiện lịch sử của Thái
Bà Susanne Robinson, công dân Mỹ đã nghỉ hưu hiện thường trú tại Thái Lan, mong rằng bà Yingluck được mọi sự may mắn trong trọng trách mới:
“Tôi cầu chúc vị tân nữ thủ tướng Thái Lan nhiều may mắn trong trọng trách mới mà bà sẽ đảm nhiệm. Là một phụ nữ tôi mong bà sẽ thành công và biết chắc rằng gia đình bà rất hãnh diện về bà. Đây thật sự là dữ kiện lịch sử đối với Thái Lan, lần đầu tiên quốc gia này có một vị nữ thủ tướng.”
Lên tiếng trước giới truyền thông và những người ủng hộ mình, ngay sau khi kết quả bầu cử sơ khởi được công bố, bà Yingluck hứa sẽ cố gắng hết sức mình hầu thực hiện những điều đã cam kết với người dân Thái và sẽ không để cho họ thất vọng, ưu tiên hàng đầu của bà là cải thiện cuộc sống của người dân. Bà cho rằng nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều để đưa Thái Lan vào con đường hòa giải dân tộc, phục hồi và phát triển.
Theo bà Yingluck thì tổng số ghế của đảng Vì Nước Thái và 4 đảng có chân trong chánh phủ liên hiệp tương lai với 299 ghế đại biểu quốc hội là đủ mạnh và vững chắc để điều hành đất nước.
Sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố, quốc hội mới của Thái Lan sẽ họp phiên đầu tiên trong vòng 30 ngày để bầu Chủ tịch Hạ viện, cũng là Chủ tịch quốc hội và bầu chọn vị thủ tướng chánh phủ trong những tuần tiếp theo.
Theo giới truyền thông thì tình hình chính trị tại Thái Lan còn nhiều diễn biến phức tạp, sau bầu cử sóng gió đã lặng yên chưa, mâu thuẫn xã hội, căng thẳng giữa các phe phái được khắc phục hay không, chưa ai có thể biết trước lời giải đáp chính xác.
Các nhiệm sở ngoại giao của một số quốc gia tại Bangkok như: Australia, Anh, Canada, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan… đã ra khuyến cáo yêu cầu công dân của họ nên thận trọng trước mọi sự kiện chính trị tại Thái Lan.
Tất cả những khó khăn được nêu ra đó liệu một phụ nữ chưa có nhiều kinh nghiệm chính truờng như bà Yingluck Shinawatra có thể vượt qua hay không?