Yên Báy (y dài) hay Yên Bái (i ngắn) trong “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt”

La nuit rouge de Yên-bay
Đêm Rực Lửa Yên Báy – tựa đề của cuốn sách xuất bản bởi
một ký giả người Pháp thời 1930 

Ngày tưởng niệm anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên đoạn đầu đài đến nợ nước tại làng Yên Báy (La nuit rouge de Yên-bay – Đêm Rực Lửa Yên-bay – chữ Báy – y dài) vào ngày 17 tháng 06, 1930. Nói đến đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 liệt sĩ đã lên đoạn đầu đài đề nợ nước tại Yên Báy với tinh thần bất khuất nhìn thẳng vào mặt quân thù nhìn lên máy chém không một mảy may sợ hãi, được chết cho tổ quốc để người sau nhìn cái gương mà nối bước, hiên ngang với thái độ thách thức kẻ thù thực dân Pháp cướp nước và tin tưởng rằng quân thù nhất định sẽ thua và nước nhà sẽ được độc lập…. Tất cả tinh thần đó gọi là “TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT”. Ngày nay có người cho là TINH THẦN YÊN BÁI (i ngắn), vậy thì bài này sẽ làm sáng tỏ TINH THẦN YÊN BÁY (Y dài) hay TINH THẦN YÊN BÁI (I ngắn):

I. Mở đầu:

Vào tháng 6/2010 nhân dịp tưởng niệm các nhà ái quốc Việt Nam Quốc Dân Đảng đền nợ nước ngày 17-6-1930, tại Quận Cam (Orange County) miền Nam California, sau buổi lễ có người tham dự nêu câu hỏi “Yên Bái” hay “Yên Báy” trên Diễn Đàn Thơ Văn Yahoo Group, và rộng khắp trên hệ thống email, internet… Trong những email qua lại, có ý kiến của một vị nay đã bước vào tuổi cao niên, xin mạn phép được trích nguyên văn email của vị ấy:

Trích:
“ On Jul 10, 10:23 am, Khai Le <thuongvietn…@yahoo.com> wrote:

“TVN, tôi giờ đây đang dần dần biến thành người cao niên nên xin đóng góp chút ý kiến về chữ Yên Bái hay Yên Báy. 
Tôi sinh ra tại Đà lạt, nhưng chiến tranh Việt Pháp xảy ra, gia đình tôi tản cư về quê ông nội tại Quảng Nam, sau cùng là Biên Hòa; nhờ vậy tôi đã sống qua 3 thời kỳ khác nhau: Việt Minh, VNCH, VNCS cũng như học sử Việt Nam ở T.H. và Cỗ Luật ở ĐHLK tôi đều dùng địa danh Yên Bái để nhắc về người anh hùng Nguyễn Thái Học bị hành quyết tại Yên Bái (chữ Bái có nguồn gốc từ ý nghĩa bái lạy, còn chữ Báy không có nghĩa này và người Quảng Nam (QN) phát âm Bái khác với Báy (Bái= boái, Báy= boáy).
Rất mong các vị có tâm huyết với nhà ái quốc Nguyễn Thái Học nên tham khảo nhiều ý kiến đóng góp để điều chỉnh lại địa danh nầy và giúp cho những thế hệ sau không nhầm lẫn về địa danh lịch sử nầy.
Có một số nhà báo tự nhận là thức-giã hay nhà báo được tôn vinh là thức-giã viết theo chủ quan của họ rồi bao nhiêu người khác cứ cho họ viết là đúng nên đã xảy ra trường hợp tấm biểu ngữ viết sai như trong hình Lễ Kỷ Niệm nhà cách mạng chống Pháp trong hình nầy thật là đáng tiếc. 
Kính chào đoàn kết và hết lòng tôn vinh nhà ái quốc Nguyễn Thái Học của VNQDĐ (Dù tôi không phải là thành viên của VNQDĐ)” …
Hết trích.

Để làm sáng tỏ vấn đề địa danh Yên Bái (i ngắn) hay Yên Báy (y dài) trong ngày Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ vào ngày 10/02/1930, và để có những điều không đồng ý với vị cao niên học thức trong email nêu trên khi giải thích chữ Yên Bái, tôi xin đi vào những chứng liệu lịch sử để làm sáng tỏ vấn đề đối với đồng hương, và cũng để tôn trọng một cách nghiêm chỉnh đối với một địa danh mà các anh hùng dân tộc đã vì nước hy sinh mạng sống của mình. Trong suốt bài này tôi dùng “Yên Bái” (i ngắn) vì ngày nay chữ quốc ngữ ngày nay người ta dùng như vậy, trong tự điển và các quảng cáo trong nước người ta cũng dùng như vậy… Tuy nhiên, Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy (y dài) đó là điều minh chứng của lịch sử chứ không phải do ngữ âm của người quê Quảng Nam, và cũng không phải Bái là bái lạy như đã đề cập ở email trên.

Bài viết này mục đích làm rõ về địa danh Yên Bái từ đó tìm ra nguồn gốc và ý nghĩa của “tinh thần Yên Báy bất diệt” (y dài hay i ngắn). Vậy:
– Địa danh Yên Bái có từ lúc nào?
– Lịch sử hình thành Tỉnh Yên Bái ra sao?
– Tại sao cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng lại có tên là “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy (y dài)”?

Bài viết trong phạm vi chỉ nói về “Địa Danh Tỉnh Yên Bái”, không bàn về cách viết chữ I /Y trong tiếng Việt. Tuy vậy, nếu quý vị muốn có hiểu biết thêm về những nguyên tắc viết tiếng Việt chữ I / Y nên đọc bài: “Nói thêm về chữ I và Y trong chính tả tiếng Việt của Đoàn Xuân Kiên” (*)

II. Sự thành hình của Yên Bái về lịch sử, địa danh, truyền thuyết và tài liệu:

1. Yên Bái là địa danh lịch sử:

Địa danh Yên Bái được biết đến qua Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy… Mỗi khi nói đến địa danh Yên Bái, thì người Việt Nam không một ai không biết đến, đặc biệt những người sống và lớn lên dưới mái trường của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trước 1975, các sách sử từ bậc tiểu học, trung học, đại học đều dành những chương sử đưa vào chương trình Sử-Địa dạy về cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy của VNQDĐ. Đó là cuộc Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930 đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập dân tộc do đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Phải thành thật mà nói rằng nếu không có cuộc “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” 10/02/1930, thì địa danh Yên Bái không nổi danh đối với người Việt và thế giới sâu rộng như vậy. Ngày nay, Yên Bái là địa linh nhân kiệt tên tuổi gắn liền với lịch sử.

2. Yên Bái vị trí địa lý

Yên Bái là đơn vị hành chánh cấp Tỉnh dưới nhà nước Cộng Sản Việt Nam cai trị hiện nay, thủ phủ là thành phố Yên Bái. Yên Bái là 1 trong 13 tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam. Bắc giáp tỉnh Lào Cai, Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Tây giáp tỉnh Sơn La. Thành phố Yên Bái là trung tâm sinh hoạt văn hóa, chính trị, thương mại của tỉnh. Tỉnh Yên Bái gồm thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và 7 huyện (quận): Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, tổng số địa phương gồm 180 xã, phường và thị trấn; trong đó có 70 xã vùng đồi cao. Yên Bái là nơi tập trung của các trục giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai, một lợi thế tâm điểm về giao thông với các tỉnh phía Bắc, và cũng là lợi thế chiến lược quân sự của miền Bắc Việt Nam.

3. Lịch sử hình thành tỉnh Yên Bái ngày nay:

Trong lịch sử, vùng đất cơ bản của Yên Bái gồm thành phố Yên Bái ngày nay, một phần đất huyện Yên Bình và một phần đất huyện Trấn Yên đến Đao Thịnh (chữ Trấn ở đây viết đúng phải là Chấn). Còn các huyện khác là những phần đất được sát nhập vào Yên Bái qua các thời kỳ lịch sử.

Thời Hậu Lê, thì Yên Bái là một địa danh nằm trong tỉnh Hưng Hóa, đó một tỉnh lớn có diện tích trải rộng khắp vùng thượng du, trung du tây bắc của nước Việt Nam.

Địa danh Yên Bái là một vùng đất có từ lâu đời, từ xa xưa trong lịch sử, theo truyền thuyết thì từ đời các vua Hùng đã cử các công chúa xinh đẹp nết na nhất, đặc phái đi trông coi và cai quản các cửa sông, cửa rừng, giúp dân cách canh tác, trồng trỉa, định cư sinh sống. Công chúa Minh Đạt được cử lên Yên Bái phần đất giữa khúc uốn quanh của Sông Đà chảy vào Sông Hồng, Sông Chảy, trước khi chảy xuống đồng bằng Bắc phần, đời sống dân chúng trong vùng do công chúa Minh Đạt trông coi được thanh bình. Công chúa đã sống trọn cuộc đời trinh bạch, khi mất bà rất hiển linh, phù hộ mọi nhà bình yên, no đủ. Nên vùng đất Minh Phú, Minh Đạt, Yên Bình, những địa danh được gắn liền với chữ “Yên” (trong Hán Nôm: yên thuộc bộ An, bình an, yên lành), còn truyền đến ngày nay.

Bản đồ các “Đạo Quan Binh” quân Pháp đóng tại Bắc Kỳ năm 1891- Địa danh Yên-Báy (Y dài) của Đội Quân Binh số 3e. 

Thời kỳ Thực Dân Pháp đô hộ nước Việt Nam, sau hòa ước Thiên Tân ngày 9/6/1885 ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh tại đảo Hải Nam, vào đời vua Thành Thái triều Nguyễn. Thời kỳ này thực dân Pháp đặt ách đô hộ lên toàn cõi miền Bắc gọi là “Bắc Kỳ”, để chấn chỉnh, bình định “Bắc Kỳ”, ngăn chặn sự đánh chiếm của triều đình Mãn Thanh, thực dân Pháp thành lập các “Đạo Quan Binh” tại Bắc Kỳ, tách phần thượng du Tỉnh Hưng Hóa từ Lai Châu đến Hà Giang miền thượng du Bắc Kỳ làm Đạo Quan Binh Lào Cai, tỉnh lỵ đặt ở Lào Cai (Lão Nhai). Đạo Quan Binh gồm có 4 hạt: Lào Cai, Bảo Hà, Nghĩa Lộ, Yên Báy thêm hai châu là Chiêu Tấn và Thủy Vi. Hạt Bảo Hà chỉ có 1 châu là Văn Bàn, Hạt Nghĩa Lộ có 2 châu là Văn Chấn và Tú Lệ, Hạt Yên Bái có 1 huyện là Trấn Yên. Lúc này theo bản đồ dưới đây thì Yên Báy (Báy là y dài).

Ngày 9-9-1891, toàn quyền Đông Dương của Pháp lại ra Nghị Định quy định địa bàn của các tiểu quân khu, đồng thời thành lập thêm các tiểu quân khu: tiểu quân khu Lào Cai, tiểu quân khu Yên Báy, tiểu quân khu Tuyên Quang.

Sơ Đồ tỉnh Yên Báy 1930 dưới thời Pháp thuộc – Yên Báy (y dài). Trong sơ đồ này có hai chữ “A” đó là Đồn Thấp và Đồn Cao mà cuộc Tổng Khởi Nghĩa của VNQDĐ ngày 10-02-1930 đã chiếm Đồn Thấp.

 

Tiểu quân khu Yên Báy gồm Châu Lục An (tỉnh Lào Cai), huyện Hạ Hòa (tỉnh Sơn Tây) và các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Trấn Yên (của tỉnh Hưng Hóa). Thủ phủ tiểu quân khu đặt tại địa danh Yên Báy (y dài).

Cho đến cuối năm 1891, thấy công cuộc bình định kém hiệu quả, thực dân Pháp quyết định nâng cao hơn nữa quyền lực của các khu vực quân sự nên đã lập ra các đạo quân binh ở Bắc Kỳ thay thế cho các tiểu quân khu cũ. Mỗi đạo quan binh do một sĩ quan Pháp làm tư lệnh, có quyền về quân sự và dân sự, độc lập chỉ huy. Viên tư lệnh này có quyền ngang với Thống Sứ Bắc Kỳ về mặt quân sự, chỉ chịu sự chỉ đạo của viên toàn quyền Đông Dương. Thời kỳ này, Pháp đã thiết lập ở Bắc Kỳ gồm 4 đạo quan binh: Phả Lại, Lạng Sơn, Yên Báy (y dài), Sơn La. Thủ phủ đạo quân binh 3 đặt tại Đồn Binh Yên Báy (y dài).

Ngày 11- 4 – 1900, thực dân Pháp thành lập đơn vị hành chính tỉnh Yên Báy gồm có phủ Trấn Yên, hai châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại Yên Báy. Từ năm 1910-1930, Pháp chuyển châu Lục Yên (tỉnh Tuyên Quang) và châu Than Uyên (tỉnh Lai Châu) vào tỉnh Yên Báy, vậy năm 1930 trên giấy tờ bản đồ vẫn là dùng chữ Yên-Báy.

III. Tai sao “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” [Báy là y dài] ?

Báo của Pháp năm 1930 đăng cuộc cách mạng Yên-Bay (y dài) chứ không phải Yên Bái (i ngắn)

 

Trong lịch sử cận đại của Việt Nam, giai đoạn đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, có một đảng cách mạng ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, đời sống dân chúng bị bóc lột, cùng cực lầm than. Đứng trước thảm trạng đen tối của dân tộc, những chàng trai trí thức trẻ yêu nước, thấm nhuần tinh thần quốc gia dân tộc và ảnh hưởng tư tưởng tự do dân chủ tây phương như cuộc cách mạng nước Pháp 1789, đặc biệt là cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) do Tôn Dật Tiên lãnh đạo.

Đảng cách mạng đã được khai sinh từ trong lòng dân tộc, hy sinh vì dân tộc và dựa vào sức mạnh dân tộc mà chiến đấu, đảng cách mạng được khai sinh vào đêm 24 rạng ngày 25 tháng 12 năm 1927 tại làng Thể Giáo Hà Nội có tên là “Việt Nam Quốc Dân Đảng”.

Rồi đúng như phương châm của Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đề ra, “vì nước hy sinh, vì dân quên mình” như lời thuật lại trong tác phẩm: Nguyễn Thái Học của nhà cách mạng Nhượng Tống xuất bản năm 1945. Nhượng Tống là người đồng thành lập ĐẢNG là một nhà báo, soạn giả, nhà tư tưởng, nhà cách mạng, là một người bạn, một đồng chí của Nguyễn Thái Học đã viết về người lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa long trời lở đất với câu nói được khắc ghi vào lịch sử tại Hội Nghị Võng La khi đảng quyết định tổng khởi nghĩa:

“Chết đi để cả thế giới biết được cái dân tộc này còn sống, chết đi để lại cái gương hy sinh cho đời sau nối bước: Không thành công, thì thành nhân”

Tổng khởi nghĩa đã được nổ ra đầu tiên tại đồn binh Yên Báy (y dài, như đã trình bày trên dựa vào các bản đồ thời ấy) vào lúc 2 giờ khuya ngày 9, rạng ngày 10-2-1930, từ Yên Báy, Lâm Thao, Hưng Hoá, đánh bom cầu Long Biên, ném bom Hà Nội, đánh Đáp Cầu, Phả Lại, tấn công đồn binh Kiến An, đánh Phủ Dực, Vĩnh Hảo, Thái Bình… Tại khắp các tỉnh Bắc Kỳ, lực lượng cách mạng quân gồm: Học sinh, sinh viên, viên chức, giáo viên và binh lính người Việt trong quân đội Pháp. Vì quân cách mạng VNQDĐ phát khởi tiếng súng đầu tiên tấn công bằng vũ trang quy mô có sự tham gia của binh lính người Việt tại đồn binh Yên Báy (trên bản đồ “Yen-Bay”) thuộc Đội Quan Binh Thứ III của Pháp tại Bắc Kỳ, giao tranh kịch liệt đã xảy ra giữa quân cách mạng VNQDĐ với quân thực dân Pháp, khiến cho thực dân một phen khiếp vía tỉnh giấc mộng An Nam. Nên Thực Dân Pháp gọi cuộc Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930 của VNQDĐ là “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” (Báy y dài). Vì sao? Rất là logic, vì nó nổ ra đầu tiên đánh đồn binh Yên Báy thuộc đạo quan binh thứ 3 của Pháp…và Yên Báy vào lúc đó trên bản đồ ghi lại Báy là “y dài”. [Nếu nói Tổng Khởi Nghĩa Yên bái (i ngắn) thì không có vì lúc đó chưa có địa danh Yên Bái (i ngắn)]

Từ Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy (y dài) đưa đến Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt, Báy phải là “Y” dài?

Báo Phong Hóa năm 1936 cũng dùng Yên Báy (y dài)

 

Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy thất bại, chính quyền thực dân thẳng tay đàn áp, truy lùng bắt bớ khắp mọi nơi. Thêm vào trước đó, vào tháng 12,1929 xảy ra vụ án ám sát tên trùm mộ phu Ba-Danh, thực dân Pháp thành lập Hội Đồng Đề Hình tại Hà Nội để xét sử các chiến sĩ VNQDĐ, đã có rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị tù khổ sai chung thân bị đưa đi đày tại Côn Đảo.

Kế đến xảy ra cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thực Dân Pháp đưa Hội Đồng Đề Hình lên Yên Báy, xét xử các chiến sĩ cách mạng VNQDĐ.

Đáng kể nhất ngày 17-6-1930 đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 nhà ái quốc của VNQDĐ đền nợ nước tại pháp trường Yên Báy (y dài), không có giấy bút nào có thể kê khai rõ đầy đủ, những sự hy sinh xương máu của Quốc Dân đồng bào trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Máu chảy thành sông,
Xương chất thành núi!..
Với những con người bất tử đền nợ nước.

Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy đến nay đã trải qua bao thế hệ, với qua bao biến cố lịch sử thăng trầm của đất nước. Tinh thần Yên Báy bất diệt, sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam. Cho dù Việt Nam dưới bất cứ thể chế chính trị, tôn giáo tín ngưỡng, sắc tộc màu da, ngôn ngữ quốc tịch, biên giới lãnh thổ. Bó đuốc Yên Báy vẫn được thắp sáng ngời theo từng chặng đường lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa tại Yên Báy (y dài theo sử liệu trong bản đồ năm 1930), đảng trưởng VNQDĐ, Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt sĩ cũng lên đoạn đầu đài đền nợ nước tại pháp trường Yên Báy (y dài). Như vậy thì “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt” với chữ “y dài” là sự chọn lựa tôn trọng sự hy sinh to lớn của tiền nhân và đúng với vị trí của lịch sử của nó.

IV. Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt tại sao lại có chuyện viết i ngắn?

Chữ quốc ngữ Việt Nam được phổ biến cuối thế kỷ 19, sang đến đầu thế kỷ 20 chữ Quốc Ngữ được đưa vào giảng dạy trong trường học, thay thế dần học chữ Hán Nôm, và việc trước tác, dịch thuật, sách báo chữ Quốc Ngữ ngày càng được mở rộng trong tinh thần truyền bá văn hóa văn minh Tây Âu. Trong đó có Nhà Xuất Bản Nam Đồng Thư Xã của các trí thức trẻ vào đầu thế kỷ, hoạt động của Nam Đồng Thư Xã chủ yếu dịch thuật trước tác xuất bản sách báo bán với giá rẻ, nhằm khuyến khích đồng bào học, đọc chữ Quốc Ngữ. Việc làm của Nam Đồng Thư Xã được Quốc Dân đồng bào lúc bấy giờ ngợi khen và hưởng ứng. Nhà Xuất Bản Nam Đồng Thư Xã cũng là nơi quy tụ hầu hết những sinh viên, học sinh, giáo viên, viên chức có tinh thần yêu nước lúc bấy giờ tại Hà Nội, Nam Đồng Thư Xã cũng là cơ sở tiền thân của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Theo các tài liệu tìm kiếm được, tên địa danh Yên Bái ngày nay theo thời gian được ghi nhận:

-Tên địa danh Yên Bái, có Hán tự là : 安 沛 (An Phái), được phiên âm qua mẫu tự La-Tinh ghi tên trên bản đồ là “Yen-bay”. Mẫu tự Chữ Quốc Ngữ tiếng Việt ngày nay là “Yên Báy”, và theo thời gian với những sự chỉnh sửa, cải cách, viết đúng theo cách phát âm trong chữ Quốc Ngữ thì tên địa danh Yên Báy vẫn được viết với Y.

Trước đó khi Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản nắm chính quyền chính sách của Cộng sản là “xóa hết tàn tích cũ” trong đó họ cũng muốn thay đổi chữ viết mà một trong những chữ đó thay “y” bằng “i” ngắn do đó Yên Báy thành Yên Bái. Mãi đến vào những thập niên 1950 Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, đã có một cuộc vận động “cải cách” viết đúng chính tả của tiếng Việt ( Tr-Ch ; Gi- D;….I- Y), của cố Giáo Sư Nguyễn Đình Hòa. Song hành với những trào lưu “cải cách” Chữ Quốc Ngữ như vậy thì chữ Báy được viết thành i ngắn, có lẽ vì thế mà trong trong sách: “Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại 1927-1954 của Việt Nam Quốc Dân Đảng của Hoàng Văn Đào NXB – Tân Việt 1964” thì dùng Yên Bái lại thành i ngắn. Tuy nhiên riêng tiếng Việt viết đúng chính tả của chữ I và Y vẫn gặp rất nhiều khó khăn hiện nay nhiều tranh cải. Mặc dù đã có một số nguyên tắc cơ bản qui định khi nào dùng I và Y, nhưng vẫn gặp những trường hợp ngoại lệ lẫn lộn khi viết I và Y trong chính tả với chữ viết thì lại khác với âm đọc…Vấn đề I và Y này đã bị nhầm lẫn từ khởi đầu chữ Quốc Ngữ được hình thành cho đến ngày nay.

Tổng khởi Nghĩa Yên Báy đến nay (2011) đã được 81 năm với bao biến cố thăng trầm lịch sử, qua bao “cải cách” viết Chữ Quốc Ngữ, địa danh Tỉnh Yên Bái gắn liền với lịch sử đấu tranh, gắn liền văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tác trên văn đàn, thi ca của dân tộc. Đặc biệt riêng với “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” hay “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt” hay “ngày tang Yên Báy” là những từ riêng được chỉ về một địa danh gắn liền với biến cố lịch sử, vì vậy các thế hệ nối tiếp “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” như Tự Lực Văn Đoàn của Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, và sau này của Vũ Trọng Phụng, Toan Ánh .v.v., họ đều là những người gốc Bắc, chứ có phải dân miền xứ Quảng Nam (như nói trong email trên)….họ thường dùng chữ viết Yên Báy, thay gì viết Yên Bái. Các Tác Phẩm như: Nguyễn Thái Học của học giả Nhượng Tống viết “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy”, Ký Thân Nguyễn Hải Hàm viết “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt”, trong hồi ký: Từ Yên Báy đến Côn Lôn (1930-1945) xuất bản năm 1968, ghi lại cho thế hệ mai sau về tinh thần yêu nước trong suốt như hạt minh châu đầu thế kỷ 20 của một đảng cách mạng Việt Nam.

Vì vậy ghi “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt” trong buổi lễ “Ngày Tang Yên Báy” đúng với ý nghĩa sự kiện lịch sử với nền văn hoá văn phong của dân tộc đã được lưu truyền đến nay là rất chính xác và tôn trọng.

Đó là lý do chính đáng cho rằng “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy (y dài)” và “tinh thần Yên Báy (y dài) bất diệt” trao cho đúng nghĩa địa danh và giá trị lịch sử được tôn trọng và đúng cung cách hành xử.

Có một điều nữa đáng để ý là qua việc tìm kiếm tài liệu để viết bài này, thì những báo chí phục vụ cho cho chế độ Cộng Sản Việt Nam từ thời Hồ Chí Minh năm 1945, 1946 đều dùng chữ Yên Bái (i ngắn), chắc với một dụng ý không lương thiện vì VNQDĐ vốn xem đảng CSVN là đối nghịch mà cả địa danh lịch sử Yên Báy chúng cũng đổi ra i ngắn để làm mất giá trị của đối phương chăng (?!)

V. Một đề nghị:

Đến đây chắc cũng đủ chứng liệu và sự kiện về “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt” là nên dùng Y dài, vì nó đúng nguyên thủy địa danh khi các anh hùng dân tộc đã hy sinh thân mệnh của mình chứ dùng chữ Yên Bái (i ngắn) không chuẩn xác. Vậy xin có đề nghị:

1-Nếu khi đưa những tin tức tình hình thời sự hiện nay thì nên dùng nguyên tắc viết chính tả là i ngắn “Tỉnh Yên Bái” mà mọi người đã quen từ bao năm nay, nó trở thành địa danh của sản phẩm thương mại hiện nay, vì ngày này người ta đã đổi chữ Báy ra Bái rồi….

2- Khi viết có liên quan đế sự kiện lịch sử của cuộc “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy” hay “Tinh Thần Yên Báy Bất Diệt thì nên dùng chữ “Y dài” đúng với sự kiện lịch sử.

Bởi vì, “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy là một danh từ riêng, được khắc ghi vào lịch sử Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh cho nền dân tộc, và sự kiện lịch sử này được cả thế giới biết đến của một cuộc cách mạng có tên “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy“.

Nét son được ghi nhận đây là một cuộc cách mạng của một đảng chính trị đầu tiên của một đất nước đang còn chế độ phong kiến và đô hộ thực dân Pháp. Cuộc cách mạng mang tư tưởng tự do, dân chủ của những người yêu nước trong tinh thần giành độc lập và xây dựng một đất nước dân chủ hầu mang lại ấm no hạnh phúc cho toàn dân, cuộc khởi nghĩa của một dân tộc nhược tiểu đã dám đứng lên chống lại một nước thực dân đang hùng mạnh. Indochine : La grande révolte de 1930http://www.histoire.presse.fr/content/recherche/article?id=5531

Bản đồ Việt Nam năm 1931 Yên Báy là y dài (mũi tên xanh)

Tưởng Niệm 81 năm “Tổng Khởi Nghĩa Yên Báy”

Hoàng Châu

———————————-

Tài Liệu tham khảo:

– Bản đồ tỉnh Yên Bái, báo, sách, hình ảnh, dữ kiện có liên quan đến Yên Bái, từ 1920 đến 1930, đến nay.
– Pacification of Tonkin http://en.wikipedia.org/wiki/Pacification_of_Tonkin
– l’ Indochine Coloniale -Plans et cartes http://belleindochine.free.fr/Carte.htm
– Historical background http://www.memorial-indochine.org/2_en_historique.php
– Báo Phong Hoá 1936

– Báo Đông Pháp 1929
– Báo chí Việt Nam từ thế kỷ – đầu thế kỷ 20.
– Sách Miền Bắc Khai Nguyên NXB-Cửu Long Giang – TOAN ÁNH-1962
– Indochine : La grande révolte de 1930
– http://www.histoire.presse.fr/content/recherche/article?id=5531
– Lịch Sử Đấu Tranh Cận Đại – Việt Nam Quốc Dân Đảng (Hoàng Văn Đào)

– Nguyễn Thái Học của Nhượng Tống
– Từ Yên Báy Đến Các Ngục Thất Hỏa Lò Côn-Nôn của Ký Thân Nguyễn Hải Hàm,

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt