“Yên Bái – đêm rực lửa”
Cuốn “Yên Bái – đêm rực lửa” (La nuit rouge de Yên Bay), do tác giả người Pháp, có bút danh Bốn Mắt, viết sau Khởi nghĩa Yên Bái ngày 10 tháng 2, 1930, đã cung cấp cho chúng ta một góc nhìn về lịch sử ngay trên đất Yên Bái, để có cái nhìn rộng hơn về thời cuộc trên cả Đông Dương thời bấy giờ. Là dân Yên Bái nên biết cuốn sách này, để hiểu và càng tự hào về tinh thần yêu nước bất khuất của dân tộc. Tác phẩm gồm hai phần:
Phần I: Những rối loạn ở Đông Dương
Tác phẩm bắt đầu bằng án mạng xảy đến với một lãnh đạo cấp cao của Pháp tại Đông Dương. Ngày mùng 9 tháng 2 năm 1929, Bazin – Giám đốc Cục tuyển dụng nhân lực tại Đông Dương bị ám sát khi từ nhà số 110 – Phố Huế (Hà Nội) đi ra ô tô của mình.
Ngay trong phần mở đầu tác giả Bốn Mắt liệt kê những lý do tại sao Pháp lại phải chịu nhiều thiệt thòi ở Đông Dươngmặc dù: “Sau cuộc Đại chiến, tình trạng vật chất quân sự, vốn luôn rất tầm thường, thì lại được cải thiện một cách đáng kể ở Đông Dương. Vả lại đất nước này được rất nhiều người tìm kiếm nhưng họ lại chẳng hiểu biết gì về nó cả, trước đó còn coi thường nó và có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ đến đó nếu không có sự thu hút đầy lợi nhuận của đồng tiền…”
Với đại đa số những người thiếu kinh nghiệm và sự mềm mỏng thì cách thức tiến hành nhường chỗ cho chủ nghĩa kinh nghiệm, ngành tâm lý học nhường chỗ cho sự cuồng tưởng hoặc sở thích cá nhân; tà thuyết thâm nhập bén rễ vào mọi nơi, hoa dại và quả độc nở hoa đơm quả trong những khu vườn thiêng…
Sau mười năm trong chế độ ấy thì một ngày có chuyện ở Yên Bái, một cuộc bạo động quân sự, một tiếng sét rền rĩ trên bầu trời đầy những mộng ước của người Pháp.
Tác giả phân tích “Coi thường ngành tâm lý học là một sai lầm. Mỗi khi ta mặc sức vi phạm sai lầm và để cho sai lầm đó diễn ra lâu, thì sẽ có những phản ứng hung tợn, có thảm sát, có trấn át và tất cả những chuyện đó sẽ được giải quyết trong cảnh máu chảy đầu rơi.”
Tác giả phân tích những thiếu sót của các nhà cầm quyền Pháp mà hầu như ca ngợi ý chí quật cường của nhân dân thành phố Yên Bái
Một tác phẩm được kể với những chi tiết hết sức cụ thể và sống động, những tên của các vị chỉ huy quân đội, những tên tiểu đoàn, đại đội cho đến tiểu đội, những con số tổn thất, những khí thế hừng hực khiến bạn đọc như đang được sống trong chính cảnh tượng ấy.
Qua từng trang truyện ta phát hiện đây thực chất không phải là một tác phẩm văn học, nên không hề có hư cấu. Tác giả Bốn Mắt vốn là một nhà quân sự, ông thấu hiểu lịch sử cũng như tính cách phong tục tập quán của người Yên Bái nói riêng và Đông Dương thời ấy nói chung. Tác giả qua cách phân tích, nếu như ông đã chỉ trích gắt gao những thiếu sót của các tướng lĩnh và sỹ quan Pháp thì lại dành cho phái mà ông vẫn gọi là “quân phiến loạn” những lời lẽ rất đáng mến và ngưỡng mộ.
Tác giả không quên dành ít nhiều tình cảm cho mối tình của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang: “…Trong tình yêu, không có người đàn ông mạnh mẽ, lẫn những người phụ nữ anh hùng, mà chỉ có những con người rách rưới khốn khó và những con số. Những cậu, những cô mãi mãi anh hùng, thì mang trong mình hành động của Thị Giang: phát súng ngắn nã thẳng vào thái dương vào một buổi đêm trên triền sông hoang vắng và lạnh lẽo, trong lúc lũ chó trong những ngôi làng gần đó đang sủa vang dưới ánh trăng và trước cái chết.
Dẫu cho hành động này được thực hiện bởi một nữ bá tước, bởi một nữ công nhân hay bởi một thiếu nữ bên di tích tường thành quanh Paris, khi mà hành động ấy chỉ có một mục đích duy nhất là tình yêu vô tư của một người đàn bà dành cho một người đàn ông, thì nó sẽ mãi mãi cao thượng và đẹp đẽ.
Mối tình của Thị Giang được xây lên từ những tình cảm tốt đẹp và chân thành mà nhiều người sử dụng chúng để xây dựng, làm đẹp thêm cho những trang sách được các nhà xuất bản trang trọng ấn hành.
Sau này, rất lâu sau này, khi mà những kỷ niệm về Yên Bay sẽ bị nhòa đi hoặc bị xóa sạch trong ký ức sôi sục của chúng ta, sân khấu Trung Hoa và huyền thoại, những đứa con của vạn niên, sẽ đảm nhận dựng lại, phải đối mặt với ô nhục trước cái chết Thị Giang.
Và trên nấm mộ của bà, họ sẽ đặt một bông hoa, một bông hoa không hề tồn tại ở bất kỳ nơi nào, và bông hoa ấy cũng không hề được ngắt đi từ bất kỳ một khu vườn nào hết…”.
Phần II: Tổng quan và kiểm tra
Phần này, tác giả nói nhiều về những hoạt động của vùng biên giới phía bắc, liên quan đến các tỉnh biên giới của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam và Quảng Đông.
Nhưng miền Bắc Việt Nam (le Tonkin) vẫn là chiếc chìa khóa của Đông Dương thuộc Pháp, là một nơi quan trọng, mọi tấn công và mọi phòng thủ, về mặt cơ bản đều bắt đầu và kết thúc tại đây.
Phần này, tác giả dành để miêu tả những đặc thù của người Trung Quốc trong mối quan hệ với Pháp và quân Việt Nam (mà tác giả gọi là hải tặc). Những vụ buôn bán thuốc phiện với số lượng lớn và những cuộc mặc cả của chính phủ Pháp với các nhà chức trách Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Đây là một tác phẩm ít nhiều tác giả bộc lộ những suy nghĩ của mình về những chiến thuật, chiến lược quân sự, những điều mà các nhà quân sự hàng đầu của Pháp ở Đông Dương thời đó nên làm và không nên làm để dấy lên cuộc khởi nghĩa Yên Bái nói riêng cũng như toàn thể Đông Dương nói chung, và sau này là cuộc thất bại thảm hại của Pháp tại Việt Nam và hàng ngàn binh sỹ Pháp đã vĩnh viễn nằm lại ở Đông Dương cùng những tổn thất nặng nề mà đất nước Việt Nam phải gánh chịu để đổi lấy một chiến thắng vinh quang, rạng danh lịch sử khắp bốn bể năm châu.
Một cuốn sách kỳ thú về một giai đoạn lịch sử Việt Nam được nhìn dưới con mắt khách quan của một sỹ quan Pháp đã yêu mến và thấu hiểu con người và lãnh thổ Đông Dương: “Cuộc khởi nghĩa Yên Bay là một kết quả bị đầu độc của phương pháp sai lầm đã chủ trì, trong vòng 10 năm liền, những chỉ định nhân sự cho lãnh thổ Đông Dương, tôi cho rằng một người chiến binh Đông Dương có thể tố cáo những sai lầm này, để cho ta có thể tận dụng được bài học và để cho máu khỏi chảy một cách oan uổng và vô tác dụng…”
Cuốn “Yên Bái- đêm rực lửa” chắc chắn sẽ có ích đối với những người ham đọc để hiểu biết về xã hội- lịch sử và con người Yên Bái, khi cuốn sách được dịch trọn vẹn.
NGỌC BÁI & HIỆUCONSTAN