Ý nghĩa những ngày tết truyền thống Việt Nam
Đón xuân Quý Mão 2023 nhắc đến ý nghĩa ngày Tết Nguyên Đán và những ngày tết truyền thống Việt Nam trong năm. Tết Nguyên Đán là ngày hội lớn và quan trọng nhất trong năm đối với người Việt Nam, tất cả mọi người trong gia đình dù đi xa làm ăn ở đâu cũng đoàn tụ về gia đình để chung vui ba ngày tết. Tết có một ý nghĩa truyền thống của dân tộc Việt Nam đặc biệt.
Ý NGHĨA NHỮNG NGÀY TẾT TRUYỀN THỐNG
VỚI XUÂN DÂN TỘC
Nhân dịp mọi người dân Việt ở quê nhà cũng như tại hải ngoại đang nhộn nhịp chuẩn bị đón xuân Quý Mão 2023, tôi viết lại những kỷ niệm đã qua của những ngày Tết truyền thống trong năm với mùa xuân dân tộc, hầu góp phần lưu lại tập quán cổ truyền của quê nhà cho thế hệ trẻ Việt Nam đang sống nơi hải ngoại cũng như ở trong nước.
Đối với dân tộc Việt Nam, hương vị mùa Xuân được coi như là một truyền thống văn hóa của tổ tiên ta để lại từ thời lập quốc và cứ mỗi năm lại bồi đắp thêm những ý đẹp, lời thơ cho thật trang nghiêm long trọng với một niềm vui vô tận, để lưu lại cho hậu thế noi theo.
I) TẾT NGUYÊN ĐÁN VỚI XUÂN DÂN TỘC:
Hàng năm dân tộc Việt Nam có một cái Tết gọi là Tết Nguyên Đán, vào ngày cuối năm âm lịch, đây là những ngày lễ long trọng nhất của người dân Việt Nam, kéo dài từ ngày 30 tháng chạp âm lịch đến hết ngày 3 tháng giêng, có nơi ăn tết đến ngày 7 tháng giêng.
Tết Nguyên Đán là những ngày hội lớn, đánh dấu sự trở lại của một chu kỳ thời gian trọn một năm. Ngôn từ về mùa xuân và Tết hết sức phong phú, mùa xuân và Tết đồng nghĩa với thanh bình, hy vọng, sum họp, ước mơ, tin tưởng, thương yêu, tình tứ, vui vẻ, sức khỏe, trẻ trung: Sắc xuân, tình xuân, ý xuân, tuổi xuân….
Tết cũng có thể coi là ngày lễ sinh nhật chung. Sinh nhật của thiên nhiên, đất nước và dân tộc. Trước đây ta tính tuổi theo Tết chứ không theo ngày sinh chính thức. Đến Tết mỗi người thêm một tuổi… Chữ Tết là do chữ Tiết đọc chệch ra. Ví dụ như thời tiết, tiết nhật, tiết chế, tiết lệnh, tiết hạnh…
Tết Nguyên Đán (Nguyên là đầu, Đán là sớm mai. Nguyên Đán có nghĩa là buổi sớm mai đầu năm). Trước đây, Tết Nguyên Đán ở nước Viêt Nam có 7 ngày. Người xưa quan niệm rằng 7 ngày Tết, trời cho đất sinh ra mọi vật để nuôi sống con người, ngày thứ nhất, trời đất sinh ra gà, ngày thứ hai sinh ra chó, ngày thứ ba sinh ra dê, ngày thứ tư sinh ra lợn, ngày thứ năm sinh ra trâu, ngày thứ sáu sinh ra ngựa, và ngày thứ bảy sinh ra lúa. Sau này vì công việc bận rộn, dân ta chỉ ăn Tết có 3 ngày.
Ngày 30 mươi Tết là ngày bận rộn nhất. Mọi nhà đều dọn dẹp, sắm sửa cho chu tất trước khi đón gia tiên, ông bà về ăn Tết. Ngày trước, chiều 30 Tết, người ta dựng cây nêu trước cửa nhà.
Cú kêu ba tiếng cú kêu,
Kêu mau đến Tết, dựng nêu ăn chè.
Trưa 30 Tết, cúng mặn rất thịnh soạn, trên bàn thờ trang hoàng rất trang nghiêm, để đón Ông Bà, gia tiên, đây là sự tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với Ông Bà, Cha Mẹ đã khuất. Ngày 1 Tết tất cả mọi gia đình đều ăn chay, đi Chùa lễ phật, hái lộc đầu xuân cầu may, xin xăm cầu tài, Ngày 3 cúng mặn gia tiên ở nhà, để tiễn đưa Ông Bà, Gia Tiên nội ngoại.
Đặc biệt đêm 30 Tết, ngày cuối cùng của năm âm lịch, hầu hết tất cả các gia đình đều thức suốt đêm, để đón giao thừa vào đúng 12 giờ đêm, trong nhà cúng gia tiên, ngoài sân cúng giao thừa đón xuân, với những tiếng pháo nổ ran để mừng năm mới.
Để chuẩn bị đón xuân, từ thành thị đến thôn quê mọi gia đình đều sửa soạn nhà cửa, sơn phết quét vôi, ngoài sân được các chủ nhà vẽ các cung, tên bằng vôi bột trắng xoá, mũi tên đều hướng ra ngoài ngõ (cổng), được truyền tụng rằng đó là cung tên bắn các ma quỷ không cho xâm nhập vào nhà, để xua đuổi những cái rủi ro, xui xẻo của năm đã qua hầu đón nhận một mùa xuân mới với niềm hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn.
Để chuẩn bị cho những ngày Tết, đón xuân mới, trẻ, già, trai gái lo sắm sửa lễ vật, sửa soạn bàn thờ gia tiên, để rước ông bà về thờ cúng những ngày đầu xuân hầu tỏ lòng biết ơn đến các vị sinh thành và cầu xin gia tiên nội ngoại phù hộ độ trì cho năm mới được vạn sự an lành, hạnh phúc, làm ăn phát đạt, cho nên dân gian có truyền lại lời thơ, ý đẹp như sau:
Tết đến nhộn nhịp thành quê
Trẻ già, trai gái hướng về hân hoan
Cửa nhà đã được sửa sang
Bàn thờ bông trái trầm nhang thơm lừng
Mứt kẹo, bánh tét, bánh chưng
Cỗ bàn phẩm vật chúc mừng lẫn nhau
Mọi người khoẻ mạnh sống lâu
Bán buôn tài lộc sang giàu vẻ vang
Đầu năm ta đón xuân sang
Giao thừa cúng lễ rộn ràng niềm vui.
Ý nghĩa mùa xuân đến với người dân ta thật là vô tận, ngoài Bắc thì trồng nêu, cây đào, bánh chưng, bánh tét, mứt kẹo… Trong Nam cành mai, bánh tét, dưa hấu, kẹo mứt… Nhà nhà, người người đều nhộn nhịp đón Xuân với vẻ đẹp niềm vui, hương sắc mùa xuân tỏa ngát bốn phương trời.
Quê tôi một năm có 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông mỗi mùa có 3 tháng. Mùa Xuân tháng giêng, hai, ba. Tục ngữ quê tôi có truyền rằng:
Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất, khí hậu ôn hoà, mát mẻ. Không mưa, không nắng bầu trời trong sáng, cây trái xanh tươi, bông hoa nở rộ để cùng tô điểm thêm hương sắc của một mùa xuân cho nên Ông Nguyễn Công Trứ đã tận hưởng thú vui xuân thể hiện các câu thơ lục bát như sau:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi
Xuân tàn hoa rụng còn gì vui xuân..
Cùng một ý niệm vui xuân chị em Thuý Kiều đã đua nhau trưng diện son phấn, áo quần, xe ngựa vui xuân trẩy hội, đã được thi hào Nguyễn Du diễn tả như sau:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
Dân tộc Việt Nam vui Xuân, đón Xuân bằng ăn tết ở nhà, lên Chùa Lễ Phật và hái lộc cầu may đã thể hiện hai câu thơ sau:
Tháng giêng ăn tết ở nhà
Lên Chùa lễ Phật toàn gia an lành.
Mỗi độ Xuân về lúc còn thơ ấu, tôi lại có dịp đi xông nhà, chúc tết, lễ gia tiên ở nhà thờ họ và đi Chùa lễ Phật, cái vui của thời thơ ấu thật là hồn nhiên, không lo, không nghĩ, không phiền đến ai. Nay thì tuổi đã trên thất thập ngũ cổ lai hy, vương vấn trần ai nặng một lòng. Tôi cố gắng quên đi, để nhớ lại những kỷ niệm ngày xuân của tuổi ấu thơ, trong thời thanh bình nơi quê tôi, hầu tạo cho sự thanh thản cho tâm hồn trong những ngày xuân dân tộc.
Tôi còn nhớ, nhớ mãi không bao giờ quên những ngày “Trẩy Hội Mùa Xuân” có rất nhiều hội hè, đình đám. Các nơi đua nhau tổ chức vui xuân với những trò chơi có tính chất thể dục, thể thao và mở mang trí tuệ như: đánh đu, cầu thùm, leo dây, nhảy bao bố, đấu vật, múa lân, đá cầu, đá gà, đua ghe, thả diều, võ thuật, đấu cờ tướng (cờ người).
A) ĐÁNH CỜ NGƯỜI:
Cờ người đây là người thật, được tuyển chọn 16 nam và 16 nữ, tuổi từ 16 đến 20, được ăn mặc theo đúng các quân cờ, có nhiều màu sắc như Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã và Tốt. Mỗi người đều cầm một cây cờ bằng gỗ, sơn son, thiếp vàng trông rất trang nghiêm và lịch sự. 2 người đấu cờ là 2 ông giỏi nhất sau khi đã được tuyển chọn sơ kết, chung kết, mới được thi đấu.
Người trọng tài là một danh thủ đã từng đoạt giải quán quân ở các năm trước, sau khi dàn quân theo vị trí trên bàn cờ đã được vẽ (kẻ) trên sân rộng trước cửa đình làng. Trọng tài có nhiệm vụ khởi xướng, 3 hồi chiêng trống vang dội chấm dứt, lúc đó bên nào đã bốc thăm được đi trước bắt đầu xướng thí dụ:
Chốt 3 tấn 1, Pháo 2 bình 4, mã 1 tấn 2, xe 1 bình 1,.. Trong cờ tướng có muôn hình vạn trạng của các thế cờ, biến hoá như rồng bay phượng múa. Sau đây là một thế cờ tuyệt hảo “Đại Xa Mã” trong bách cuộc tượng kỳ gọi đây là thế cờ “Đả Mã Tháo Điền”. Nhưng trong Trúc Hương Trai và nhiều tài liệu khác đều cho là “Đại Xa Mã” như xa 2 tấn 4, mã 3 tấn 4, xa 3 tấn 1, mã 4 tấn 5… mỗi lần hô như vậy người cầm quân cờ có nhiệm vụ di chuyển cùng với quân cờ đến chỗ quy định theo tiếng hô của ông đấu cờ, cứ như thế tiếp tục cho đến khi một bên bị thua.
Không bên nào được nghỉ quá 1 phút tuỳ theo giao ước. Nếu chậm quá thời gian quy định thì trống bỏi (trống con) lại đánh bong bong bên tai thúc giục người đấu cờ, đây là môn chơi đấu trí, tổ chức rất công phu và thu hút nhiều người xem nhất.
B) TRẨY HỘI CHÙA HƯƠNG:
Mùa Xuân còn là mùa trẩy hội, đi hành hương ở các nơi xa xăm như đi “Trẩy hội Chùa Hương”. Chùa Hương là một “Đệ nhất danh lam thắng cảnh”, thơ mộng tuyệt vời, sơn thuỷ hữu tình. Từ làng tôi dến Chùa Hương Tích khoảng cách độ 80 dặm, (trên 100 cây số,) có thể đi bằng đường bộ hoặc đường thuỷ, các cụ làng tôi thường hay tổ chức đi đường thủy bằng những chiếc thuyền (ghe) nho nhỏ.
Mỗi chiếc chở được 15 đến 20 người. Một đoàn thuyền khoảng 10 đến 15 cái mang theo đủ các phẩm vật với những dàn trống, chiêng, nhạc cổ truyền và mọi người ăn mặc rất sang trọng, loè loẹt. Đoàn thuyền với những mái chèo hai bên đua nhau chạy dọc theo sông cái từ phủ Kinh Môn lên Chí Linh ngược lên sông Hồng Hà qua Hà Nội đến sông Hương tới Chùa – vừa đi vừa kèn trống, hò hát vang dội khắp con sông thật là nhộn nhịp và vui thú biết bao.
Đến Chùa Hương tất cả các du khách từ bốn phương đổ về gặp nhau trong một trái tim. Cảnh sơn núi hữu tình, nên thơ. Trai gái trẻ già dập dìu dắt nhau lên Chùa lễ Phật thật là “Bầu Trời Cảnh Bụt” bao la với từng đoàn thiện nam, tín nữ từ khắp nơi đổ về hành hương chiêm bái mà như thơ Tản Đà, đã diễn tả:
Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại Xuân đi bao dấu vết
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho.
Phong cảnh Chùa Hương thật hữu tình, thơ mộng nhớ đến Bến Đục, Suối Yên, với dòng nước chảy nhẹ nhàng trên sông, in bóng những dãy núi chập chờn tô điểm cảnh thiên nhiên. “Trẩy Hội Chùa Hương”, không những đến lễ Phật cầu may, xin xăm cầu tài, mà còn là nơi trai tài gái sắc có dịp gặp nhau trao đổi tâm tình, ôn lại cảnh cũ người xưa, chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu, hạnh phúc trăm năm đến với nhau.
Ai ai cũng hái lộc cầu may, xin xăm cầu tài, xem tướng, xem bói để biết thời vận hên xui, tương lai may rủi đến với mình. Mọi người đều hân hoan với niềm hy vọng tràn đầy:
Du Xuân lễ Phật đầu năm
Lên Chùa Lễ Phật xin xăm cầu tài
Nguyện cầu Phật Tổ Như Lai
Phù hộ thân quyến trong ngoài bình an.
Và tôi cũng luôn luôn nhớ đến quê tôi, mỗi độ xuân về:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có Chùa quanh năm
Chuông kêu, gió sớm, trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Lâu ngày tôi bỏ quê tôi
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi, bỏ Chùa
Đem thân đi với giang hồ
Trên đường phẳng lặng, bến đò lênh đênh.
C) MÚA LÂN – MÚA RỒNG:
Theo một số tư liệu có tính khảo cứu, người ta cho rằng múa lân ra đời rất sớm, có thể nói là từ lúc mà người nguyên thủy có tục lệ thờ cúng vật tổ. Căn cứ vào hình thù quái dị của chiếc đầu lân thì có thể là một hình tượng nghệ thuật được thêu dệt lên từ trí tưởng tượng của người xưa. Đầu lân được sơn vẽ đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng, đen,… cái sừng nhô lên như sừng con tê giác ở phía gáy nó. Cái mũi rất to nhô lên. Khắp trên trán, trên má, người ta đính những chiếc gương nhỏ…
Người mang đầu lân là một nhân vật chính, kèm theo là người cầm đuôi, để rồi cả hai tuỳ theo nhịp trống, thanh la mà uốn lượn, khi lồng lên, khi giương oai, khi thu mình để nghỉ,… Hàm dưới của lân có rất nhiều râu và râu dài. Cái miệng lúc nào cũng hớp hớp theo nhịp trống ….
Đặc biệt trong múa lân có một nhân vật rất kỳ lạ, gọi là ông Địa, mặt to, tai lớn, bụng phệ, cười rất vui, một tay dương cao cây gậy trên có quả cầu, một tay phe phẩy chiếc quạt giấy. Có người cho rằng ông Địa là một nhân vật biểu hiện của niềm lạc quan, yêu đời, vui vẻ. Có người lại cho rằng ông Địa phản ảnh ước mơ của người xưa muốn thông qua vật tổ của mình để chinh phục thiên nhiên.
Trong dịp Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu thường có tổ chức múa lân “Tùng xoèng, tùng xoèng…”đội múa lân đi đến đâu, phố phường, làng xóm nhộn nhịp đến đó, trẻ em, người lớn đổ ra xem, thật là nhộn nhịp trong những ngày vui xuân.
Bây giờ ở các thành phố vào những ngày Tết, hay Trung Thu, cả những ngày khai trương cửa hàng cũng mời các đội múa lân đến múa, các hiệu buôn tuỳ theo khả năng mà treo giải lớn, nhỏ, có chủ hiệu treo giải cực to để lấy tiếng và quảng cáo. Thường lân đến múa nơi nào thì nơi đó có đốt pháo, hoặc do chính đội lân mang pháo đến đốt.
Múa Rồng là điệu múa của một số nước phương Đông, nhưng ở Việt Nam điệu múa này có bản sắc riêng. Người Hoa ở nước ta rất thích múa Rồng. Hình con rồng Việt Nam thân dài, uyển chuyển uốn khúc như thân rắn, nhưng có nguồn gốc từ hình cá sấu. Việt Nam là xứ sở nông nghiệp, trồng lúa nước lâu đời, nên rất thích rồng vì nó là biểu tượng của vị thần làm ra nước, sấm chớp, để lúa má tốt tươi, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Vì vậy múa rồng rất phổ biến trong dân gian.
Hình con rồng ta thường thấy trong các đội múa ngày nay mang dáng dấp con rồng truyền thống, là con rồng của thời Lý, Trần (1009-1400). Thân của những con rồng này dài, mềm mại, có vây, vẩy, dọc lưng đến đuôi có hàng gai. Hình rồng được làm bằng vải màu vàng, vẩy, vẽ bằng màu đen, mắt cũng màu đen. Thường có 8 người đội hình rồng: Một người đội đầu, sáu người đội thân và một người đội đuôi. Những người này múa theo nhịp trống dân gian
D) THẢ DIỀU:
Chơi thả diều là một thú tao nhã, và có rất nhiều người rất thích thú, say mê và còn thi đua làm diều. Diều người ta chế ra nhiều loại: Diều sáo, diều cánh phản, diều chuồn chuồn… theo sử liệu diều có từ lâu đời. Nhưng có tài liệu nói nguồn gốc chơi diều ở Trung Quốc và một số nước Tây phương.
Ngoài Bắc có câu ca dao:
Cầm dây cho chắc,
Lúc lắc cho đều,
Để bố đâm diều,
Kiếm gạo con ăn,
Còn thi sĩ Tản Đà thì không quên được cánh diều:
Nước gợn sông Đà con cá nhảy,
Mây trùm non Tản cái diều bay,
Con diều thật là một giống chim thuộc bộ cắt, họ Ưng chuyên ăn thịt, Ở nước ta có khoảng 20 loài của họ Ưng. Từ diều trắng, diều lửa, diều hâu, đến kên kên,… Diều ta thường thấy màu hung, cánh đen, bụng đỏ nhạt, mắt rất tinh, chân đầy móng sắc, các con thú nhỏ như chim, chuột, gà con, vịt con, đều là mồi ngon của diều. Diều bay lượn rất đẹp và có tốc độ cao, từ 70 đến 80 cây số giờ.
Trong dịp Hội đình làng tháng ba năm 1998 tôi có về thăm quê và dự “Đại Hội Truyền Thống Đình Làng” trong dịp này tôi cũng vui chơi với một số các cụ và dân làng đi thả diều đây là một dịp tôi hồi tưởng lại cái thú vui xuân của thời kỳ thơ ấu, Nghề chơi diều có sức lôi cuốn ghê gớm và cũng lắm công phu. Ở Pháp có liên đoàn chơi diều gồm 6 hiệp hội với khoảng 600 thành viên.
Trên đây tôi chỉ tưởng nhớ lại một số trò chơi tao nhã và thú vị theo sở thích của tôi lúc còn thiếu thời sống trong cảnh thanh bình, thịnh vượng xưa kia ở tại quê nhà, ngoài các trò chơi trên còn nhiều môn chơi khác như: Đánh đu, leo cầu thùm, đấu vật, các cụ thì tổ tôm, tài bàn, xóc đĩa, chắn cạ, đấu võ. Võ nghệ cũng rất quan trọng đối với người dân ta. Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống thượng võ. Võ được xếp ngang hàng với văn chương.
Theo truyền thống từ ngàn xưa của thời thanh bình nơi quê tôi, quả thực vô cùng thích thú với tuổi thanh xuân. Một năm các cụ trong dân gian có tám cái Tết, tôi xin ghi lại đây để truyền bá lại cho các thế hệ mai sau biết về truyền thống văn hoá của dân tộc mình. Dù ngày nay người Việt Nam sống ở bất cứ thời gian hay không gian nào cũng cần phải biết đến truyền thống nòi giống của dân gian từ bao đời để lại.
Tết Nguyên Đán là tết khởi đầu của một năm. Ý nghĩa tôi đã dẫn giải nêu trên, bây giờ xin quý độc giả hãy cùng tôi điểm sơ lược về ý nghĩa và mục đích của các ngày Tết tiếp theo trong năm:
II) TẾT HÀN THỰC:
Tết Hàn Thực (Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh) được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 âm lịch mỗi năm. Trong dịp này người ta nấu bánh trôi, bánh chay để cúng gia tiên. Ta du nhập tục lệ này của người Tàu. Người Tàu tổ chức Tết Hàn Thực (ngày không đốt lửa, không có lửa thì tức là không nấu nướng, nên dùng đồ ăn nấu sẵn từ ngày hôm trước) để kỷ niệm vị công thần tên là Giới Tử Thôi (thường gọi tắt là Giới Tử) thuộc nhà Tần đời Xuân Thu bị chết thiêu.
III) TẾT THANH MINH:
Tết Thanh Minh được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm. Thanh Minh nghĩa là tiết trời mát mẻ trong sáng, không mưa, không nắng. Trong dịp này người ta đi tảo mộ, tức là thăm mộ thân nhân, nhổ sạch cỏ hoang, đáp lại mộ Ông Bà gia tiên nội ngoại, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Thắp nhang bày hoa quả cúng mộ. Sau khi tảo mộ, người ta về nhà làm cỗ cúng gia tiên. Trong những tài liệu nói về phong tục Việt, người ta không đề rõ ngày nào là ngày thanh minh. Nguyễn Du cũng chỉ nói:
Thanh Minh trong tiết tháng ba
Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh (Kiều câu 43-44).
Thanh Minh vừa là ngày Tết và vừa là ngày lễ hội vui như ngày Tết. Chính vì thế người ta mới coi ngày Thanh Minh như ngày Tết. Tuy nhiên theo lịch ta, nhà làm lịch đã tuỳ theo thời tiết để ấn định ngày nào là ngày Thanh Minh. Mỗi năm có ngày Thanh Minh khác nhau. Năm nay Canh Tý 2020, Tết Thanh minh là ngày 12/03 âm lịch tức ngày 4/4 dương lịch.
4) TẾT ĐOAN NGỌ (VÀO NGÀY 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH):
Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương mà người ta còn gọi Tết giết sâu bọ, được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 ta. Trước ngày Tết này độ 3 ngày người ta làm rượu nếp để cúng và ăn vào sáng ngày 5 Tết. Đây là món ăn tiêu biểu cho ngày Tết Đoan Ngọ của Việt Nam ta để “giết sâu bọ”. Ngoài ra dân ta còn nấu bánh đa kê và mua các trái cây như mận, xoài, dưa hấu, chanh,… để cúng gia tiên và cho các trẻ con và người lớn ăn để “giết sâu bọ”. Sáng ngày 5 mọi người đi hái lá cây như lá cối xay, và lá vối đem phơi khô nấu nước uống để trừ bệnh hoạn. Trong dịp này nhiều người còn mua bùa đeo vào cổ cho trẻ con để trừ tà ma nữa.
IV) TẾT TRUNG NGUYÊN:
Tết Trung Nguyên hay Vu Lan được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 ta. Tết này còn được gọi là Tết rằm tháng bảy, “Lễ Vu Lan. Mùa báo hiếu”, ngày nhớ ơn sinh thành của Ông, Bà, tổ tiến đã quá vãng và cha mẹ hiện tiền, cũng là ngày cúng các cô hồn và xá tội vong nhân. Để biết rõ về “Tết Trung Nguyên” xin mời xem bài “Ý Nghĩa ngày Lễ Vu-Lan Bồn” và nhiều bài khác, tôi đã viết có đăng trên các trang website www.vngarden.com/forums (mục Buddhist Club); www.quangduc.com/tacgia/nguyenduccan/html và www.daophatngaynay.com
V) TẾT TRUNG THU:
Tết Trung Thu được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 ta. Tết này còn được gọi là Tết Rằm Tháng Tám, Tết Nhi Đồng, hay Tết trẻ em. Vào đêm rằm tháng tám trăng Trung Thu rất tròn và trong sáng tỏ rõ, thời tiết mát mẻ, khí hậu ôn hoà. Trong dịp này có nhiều thú vui để cho trẻ em và người lớn hòa nhịp chung vui. Trẻ em thì rước đèn, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo (đặc biệt loại bánh Trung Thu, như bánh nướng, bánh dẻo, chỉ ngày Tết Trung Thu mới có) cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây này được gọi là “phá cỗ”. Người lớn thì tổ chức các đội múa lân, múa rồng (như tôi đã nói ở mục Tết Nguyên Đán) nêu trên. ăn bánh Trung Thu, uống nước trà tàu thưởng trăng, ngắm trăng, sao để tiên đoán được thời tiết và vận mệnh của đất nước trong năm.
“Tết Trung Thu trăng tròn vằng vặc,
Nhớ mẹ cha canh cách bên lòng”
“Cha còn như ngọn đèn trong,
Mẹ còn như ánh trăng rằm Trung Thu”
VI) TẾT TRÙNG CỬU: (Tết được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 ta).
Tết Trùng cửu còn gọi là Tết Trùng Dương được tổ chức vào ngày 9 tháng 9 ta (số 9 là số Dương). Tết này lấy sự tích từ câu chuyện lánh nạn của Hoàng Cảnh, đời Hậu Hán bên Tàu, Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phi Trường Phòng, một hôm Phi Trường Phòng bảo Hoàng Cảnh là đến ngày 9 tháng 9, gia đình của anh ta sẽ gặp tai nạn. Muốn tránh nạn thì cả nhà phải đi lên núi chơi vào ngày hôm ấy, nhớ mang theo rượu hoa cúc để uống, phải đeo ở tay mỗi người một túi đỏ để đựng hạt tiêu và ở chơi trên núi cao tối mới trở về. Quả thực tối mọi người trở về đến nhà thì thấy các gia súc đều chết hết. Chính vì sự tích này mà Tết Trùng Cửu, người ta có tục bỏ nhà lên núi uống rượu cúc. Sau này không ai tổ chức Tết Trùng Cửu, vì nó hoàn toàn theo tục lệ của người Tàu. Tuy nhiên, các tao nhân mạc khách thường mượn dịp này lên núi uống rượu làm thơ.
VII) TẾT SONG THẬP: (song thập vào ngày 10 tháng 10 ta)
Tết Trùng thập là tết được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 ta. Tết này cũng là tết của người Tàu, (hiện nay ở Đài Loan vẫn tổ chức Tết song thập) ít được người Việt mình theo. Chỉ có các nhà đồng cốt (người lên đồng bóng) và các thầy thuốc ta còn theo phong tục này. Ở nhà quê cũng có một số nơi người Việt ta ăn Tết Trùng Thập, Người ta thường làm bánh dày và chè kho để cúng gia tiên và cúng thần trong dịp Tết Trùng Thập. Có nơi ăn Tết Trùng Thập vào ngày 31 tháng 10 để nhớ đến công Tiên Nông và để ăn mừng công việc thu hoạch vụ mùa đã xong.
VIII) TẾT TÁO QUÂN: (ngày 23 tháng chạp hàng năm)
Tết Táo Quân (Táo Quân là vua bếp) được tổ chức vào ngày 23 tháng chạp (tháng 12) ta. theo tục truyền ngày ấy vua bếp lên chầu “Ngọc Hoàng Thượng Đế” để tâu việc thiện ác của trần gian. Vì thế người ta làm lễ tiễn Táo Quân vào ngày đó. Ở quê tôi thời xưa nhà nào cũng thay mấy ông đầu rau bếp cũ đem liệng xuống ao, hồ và thay thế các ông đầu rau mới thường làm bằng đất sét. Mỗi bếp có 3 ông đầu rau (là một khối gạch nung, được nặn với hình thể riêng biệt dùng cho nhà bếp, khối gạch này phía dưới đáy phẳng và lớn, phía trên thì cong, nhỏ lại và xéo để vừa vặn ăn khớp với đáy nồi, người ta xếp ba ông đầu rau ở ba phía, giữa là khoảng trống để đốt rơm hay củi mà nấu nướng) Trong lễ cúng ngoài các phẩm vật, cỗ bàn thường lệ ra còn phải có con cá chép để làm ngựa cho Táo Quân cưỡi về trời. để tâu Ngọc Hoàng như:
Khởi tấu Ngọc Hoàng, Thần Táo sức sống, Đến năm đúng ngày. Hai ba tháng chạp, Khẩn đầu trước bệ, Trình tấu mọi bề, Chuyện ở trần gian…
Trên đây là các ngày Tết của một năm, khởi đầu là Tết Nguyên Đán. Tôi sưu tầm và dẫn giải nêu trên với mục đích truyền lại cho các thế hệ trẻ sau này tìm hiểu về nguồn gốc của dân tộc mình do tiền nhân để lại.
Cư Sĩ Tuệ Minh Đạo NGUYỄN ĐỨC CAN