Ý nghĩa ngày Quốc Hận 30/04/1975
Ý nghĩa ngày Quốc Hận 30 tháng 4, 1975 của chị Trúc Hà, chi bộ Cô Giang Việt Nam Quốc Dân Đảng, soạn thảo và trình bày nhân lễ tưởng niệm ngày Quốc Hận thứ 35 tại Diễn Đàn Sinh Hoạt Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức vào ngày Chủ Nhật 02-05-2010.
Ý NGHĨA NGÀY QUỐC HẬN 30 THÁNG TƯ 75
Trúc Hà
Mỗi năm, đến ngày tưởng niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư, người Việt tị nạn tại hải ngoại khắp nơi trên thế giới lại đồng loạt tổ chức những buổi lễ để đánh dấu về ngày đáng nhớ của Dân Tộc và Đồng Bào Việt Nam. Ðây không phải chỉ là dịp để người Việt hải ngoại ôn lại về biến cố lịch sử mất nước vào tay CS Bắc Việt, mà còn là bổn phận phải nói lên tiếng nói của hơn 80 triệu đồng bào còn kẹt lại tại quốc nội.
Các Tướng tử vì thành ngày 30-04-1975 |
Thật ra, với đồng bào Việt Nam ở khoảng tuổi 45-50 trở lên, thảm nạn “30 Tháng Tư 75” là biến cố không xa lạ gì, luôn luôn sống mãi trong ký ức và tâm trí của mỗi người. Nhưng với các bạn trẻ, tuổi dưới 45, lắm lúc Biến Cố 30 Tháng Tư 75 chỉ có một số ít để ý đến. Mấy năm gần đây, qua một số bài tham luận của Giới Trẻ về Ngày 30 Tháng Tư 75, đã bày tỏ sự hiểu biết và suy nghĩ của Thế Hệ Hậu Duệ về Ngày Lịch Sử của Ðất Nước, của Dân Tộc và của Đồng Bào Việt Nam, nhiều người lớn tuổi phải hết sức ngạc nhiên, cảm phục và khen ngợi sự trưởng thành của các bạn trẻ hiểu biết và quyết tâm tiếp nối sự nghiệp “chính nghĩa quốc gia dân tộc” mà các thế hệ trước chưa hoàn thành được.
Tuy vậy, nói thẳng ra với các bạn trẻ, khi Biến Cố 30 tháng Tư 75 xảy đến, họ cũng chỉ vào lớp thiếu niên, thiếu nữ 9, 10 tuổi đến 14, 15 tuổi; ăn chưa no lo chưa tới. Cho nên, dù trong bất cứ gia đình Việt Nam nào, nhất là nhà có thân nhân “học tập cải tạo” thì nhiều ít gì các người lớn cũng đã kể cho con cái cháu chắt nghe về “30 Tháng Tư 75”, nếu có người trẻ nào nói rằng “Họ không biết gì về Ngày 30 tháng Tư 75, hoặc chỉ biết qua loa” thì đó cũng là điều dễ hiểu, không có gì phải ngạc nhiên. Hơn nữa, với cuộc sống trong thế giới văn minh tiến bộ như tại Hải Ngoại, người trẻ trong tuổi đi học hoặc đi làm, thì “ở ngoài” nhiều hơn “ở nhà”, ảnh hưởng “ngoại vi” nhiều hơn “tại gia”, nên dễ bị cuốn hút theo chuyện trò, tiếp xúc hằng ngày, trong đó không thiếu gì tuyên truyền xuyên tạc có ác ý.
Vì thế, việc kể lại cho các người trẻ những chi tiết chính yếu về Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư, là điều không những cần thiết mà còn là bổn phận của người lớn tuổi nói lên tất cả sự thật để con em, cháu chắt chúng ta được hiểu rõ về khúc quanh lịch sử của đất nước VN.
Diễn biến sơ lược về Ngày 30 Tháng Tư 75
Ðã là Ngày Lịch Sử của Ðất Nước và của Đồng Bào Việt Nam thì chuyện kể rất dài. Tuy vậy, với phạm vi giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ lược ghi một số nét chính yếu. Trước 30-4-75, Việt Nam, do Hiệp Ðịnh Genève 20-7-1954, chia đôi đất nước: Từ vĩ tuyến 17 trở ra là Miền Bắc, dưới chế độ cộng sản; từ vĩ tuyến 17 xuống mũi Cà mau là Miền Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vì muốn thống trị toàn cõi Việt Nam, CS Bắc Việt nhận lệnh của Đệ Tam Quốc Tế Cộng sản, đã đem quân xâm nhập, đánh xuống Miền Nam; VNCH vì chính nghĩa tự do dân chủ, phải chống lại để gìn giữ an ninh và cuộc sống của Đồng Bào.
Tiếp đến, cái mốc lịch sử là Hiệp Ðịnh Paris ngày 27-1-1973 mà CS Hà nội đã ký kết, theo công ước quốc tế, chấp thuận việc hai Miền Bắc và Nam Việt Nam đình chiến; giải pháp chia đôi Ðất Nước bằng thương thảo, thư tín qua lại, hiệp thương buôn bán giữa hai Miền; tiến hành bình thường hóa quan hệ giao thương; thống nhất Ðất Nước qua tổng tuyển cử tự do có quốc tế kiểm soát trong công lý, tự do, hòa bình, hầu Ðất Nước Việt Nam được an lạc, Đồng Bào sống trong yên vui và hạnh phúc.
Thế nhưng, Ngày 30 Tháng Tư 1975, CS Miền Bắc bất chấp những gì đã ký kết trên trường quốc tế, ngang nhiên xâm lăng Miền Nam Việt Nam, cưỡng chiếm Sài Gòn, thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, xóa bỏ chế độ Ðệ Nhị Cộng Hòa, áp đặt quyền cai trị độc tài cộng sản trên toàn cõi Việt Nam!
Trước đó, từ đầu năm 1975, CS Bắc Việt đã gia tăng xâm nhập quân chính qui vào Nam Việt Nam. Tháng 3-75, Quảng Trị, rồi Huế phải thất thủ. Người dân và quân đội, từ hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và TP Huế, chạy loạn vào Ðà nẵng. Nhưng đến lượt Ðà nẵng cũng bị cộng sản xâm chiếm, khiến cho quân công cán chính và dân chúng không thích cộng sản phải chạy tiếp về phía Nam. Cuộc tản cư của dân chúng từ Ðà Nẵng lại tiếp nối qua các tỉnh phía Nam là Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết…
Những cuốn phim về người Việt di tản vào trung và hạ tuần tháng Tư 75 là tài liệu quý báu, không thể quên được về sự đau khổ vô cùng lớn lao của các gia đình và người dân Việt Nam vô tội. Biết bao người mất hết nhà cửa, sản nghiệp, cùng gia đình chạy loạn; đáng thương thay là cảnh những người vợ, người mẹ phải bồng bế con di tản, trong khi chồng, cha đang chiến đấu chống cộng sản xâm lăng vào thời điểm quyết liệt nhất. Cuối cùng Sài Gòn cũng bị cưỡng chiếm, không thể tả nổi bao nỗi bi ai của cuộc đời!
Người người đua nhau chạy ra bến Bạch Ðằng, cố xuống thuyền, xuống ghe, ra các tàu lớn ở bến cảng, chen nhau lên tàu, bất kể số lượng hoặc nguy cơ rớt xuống sông sâu. Ðường lên phi trường Tân Sơn Nhất xe cộ chật như nêm, rồi lọt được vào phi cảng lại phải chịu trận đạn pháo kích của VC bắn vào nổ tứ phía, không thiếu gì nạn nhân vô tội chết tức tưởi. Thiên hạ cứ chen nhau, bất kể có máy bay hay không để thoát lên …
Chung quanh tòa đại sứ Hoa Kỳ, thiên hạ giúp nhau, cố trèo qua hàng rào dây kẽm gai, bất chấp thương tích máu me kinh khủng, với hy vọng vào được Tòa Ðại sứ để xin di tản bằng trực thăng. Nhưng rồi biết bao người phải tuyệt vọng vì số người ra đi có giới hạn và vì an ninh, những người được di tản phải có tên trong danh sách hoặc có nhân viên cao cấp Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ hay người có quyền thế tại Nam Việt Nam xác nhận người xin đi, để được lên danh sách.
Khắp nơi trong thành phố Sàigòn, Chợ lớn, xe cộ ngổn ngang, nhiều chiếc Peugoet (bờ dô) 404, 405, 504 mới toanh vất bừa bãi, biểu hiện mọi của cải đều phù vân, chỉ mạng sống là quí, thoát được bằng cách nào cũng là “số may”, rồi cảnh “hôi của”, đập phá nhà cửa để vơ vét ..
Ngày 30-4-75 và Hậu Quả
Sáng 30-4-1975, tướng Dương Văn Minh, tổng thống VNCH được chỉ định và trao quyền, đọc lời “kêu gọi buông súng” và “yêu cầu phía bên kia vào tiếp thu chính quyền”. Từ ngã Cầu Thị Nghè, qua đường Hồng Thập Tự, Pasteur, Thống Nhất, đoàn xe tăng của CS tiến về trung tâm Sài Gòn, đường Công Lý. Xe tăng đâm thẳng vào cửa Dinh Ðộc Lập. Cuộc cưỡng chiếm chính quyền VNCH kết thúc; nhưng chính hậu quả 30-4-75 mới là những gì mang ý nghĩa của “Quốc Hận 30 Tháng Tư”, biểu lộ trong cuộc sống của đại chúng, của các cấp quân, công, cán, chính, của những người trốn thoát ra hải ngoại tị nạn và của đại đa số đồng bào Việt Nam còn tại quốc nội.
Trước tiên, đối với đại chúng và Đồng Bào Việt Nam:
Ðổi đời, đổi chế độ cai trị, đổi lãnh đạo cầm quyền, mọi sự đều thay đổi đến lột xác: Phải họp “Tổ Dân Phố”; đi biểu tình; làm vệ sinh đường phố; đăng ký Hộ Khẩu; mua gạo và thức ăn theo Phiếu Thực Phẩm; mua thịt, cá, đường, sữa, theo “tiêu chuẩn”; khi bị bệnh, đi khám bác sĩ cũng phải theo khu vực và đúng tiêu chuẩn; phải lao động và nếu không có việc làm ăn thì gia đình phải đi vùng Kinh Tế Mới. Người ta chỉ sống bằng cách tìm xem trong nhà có gì bán được thì đem ra Chợ Trời, kiếm một ít tiền sống qua ngày. Người có phương tiện nhờ quen biết hoặc có tài chính, thì tìm đường vượt biên hoặc ít nhất là cho con cái vượt biên trốn ra hải ngoại bất chấp biết bao nguy hiểm, trên biển cũng như đường bộ.
Trước các nghịch cảnh đó, người dân phiền toái, bực tức, giận dữ mà không làm gì được, đâm ra chán ghét, thù hận.
* Ðó là ý nghĩa thứ nhất của “Quốc Hận 30 Tháng Tư”.
Tiếp đến, đối với các cấp “quân, công, cán, chính”:
Những người còn được cộng sản lưu dụng làm việc thì phải qua các lớp học tập; bị thanh lọc và đặt dưới sự kiểm soát của cán bộ đảng viên, hoặc tệ hại hơn nữa, dưới quyền của những tên “30”, mượn tiếng nằm vùng, bắt nạt anh chị em đồng nghiệp. Với đồng lương rẻ mạt, công nhân viên phải nhờ tiêu chuẩn thực phẩm để chia nhau bánh mì, cá, thịt. Nhiều thầy cô dạy học phải mắc cở, xấu hổ, khi lãnh cá, thịt tiêu chuẩn, xách đi trước mặt học trò! Ðau lòng nhất là phải nghe và chấp nhận những “giáo điều Mác-Lê” mà bản thân không chấp nhận được, nhưng phải nín thinh, để khỏi bị chụp mũ là “phản động, tay sai Mỹ ngụy nằm vùng”. Như thế sinh ra bất mãn, tủi nhục, tức mình, giận ghét, thù hận.
* Ðó là ý nghĩa thứ hai của “Quốc Hận 30 Tháng Tư”.
Ðối với “quân, công, cán, chính” xếp vào hạng “ngụy quân ngụy quyền”: Gần cả triệu người phải vào các “trại tập trung cải tạo”; lao động cực nhọc; ăn uống thiếu thốn không thể tưởng tượng; đau ốm không được chăm sóc, không thuốc men; phải học tập nhồi sọ “Mác-Lê”, lên án “Mỹ Ngụy”. Khốn nạn nhất là những ai bất đồng ý kiến, phản ứng, lập tức bị khép tội phản động, đa số bị trọng cấm, cùm, hoặc bị giết chết một cách dã man. Như thế, sao không căm tức, hận thù?
* Ðó là ý nghĩa thứ ba “Quốc Hận 30 Tháng 4”.
Không phải chỉ những người Việt thoát được ra ngoại quốc tị nạn cộng sản mới mang trong lòng “Quốc Hận 30 Tháng Tư”, mà đồng bào ta trong nước còn chịu biết bao bất công, đàn áp, uất ức do hậu quả của ngày “30 Tháng Tư” do cộng sản cưỡng đoạt chính quyền VNCH, thống trị toàn cõi Việt Nam. Về vật chất: Nạn kỳ thị lộ liễu qua việc dành mọi ưu thế công ăn, việc làm, tiêu chuẩn thực phẩm, quyền lợi cho đảng viên và gia đình. Tệ hại là nạn tham nhũng; tước đoạt mọi nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Như thế, làm sao không uất ức, hận thù.
* Ðó là ý nghĩa thứ tư của “Quốc Hận 30-4”.
Ngay cả sau “30 Tháng Tư 1975”, được vào Nam, chứng kiến biết bao sự thật về đời sống phồn thịnh, giàu sang, văn minh nhờ có Tự Do Dân Chủ, đồng bào người Việt ở Miền Bắc cũng trở nên uất ức, căm ghét, hận thù cộng sản tuyên truyền đầu độc láo khoét.
* Như thế, cũng là ý nghĩa thứ năm và sâu xa của “Quốc Hận 30-4”.
Nói tóm lại: “Quốc Hận” là bực tức, là uất ức, là giận ghét, là hận thù không phải của riêng gì người Việt tị nạn tại hải ngoại, mà của đại đa số Đồng Bào cả trong lẫn ngoài nước, ngoại trừ đảng viên đảng CSVN có quyền thế, có lợi lộc. Ngay cả trong lòng đảng cũng không thiếu gì đảng viên giác ngộ, cả đảng viên thâm niên tuổi đảng, khi nhận biết điều hay lẽ phải, cũng bất mãn, chán ghét, căm tức và hận thù chế độ cộng sản.
Người Việt vốn có truyền thống hiền hòa, dễ dàng tha thứ, và quên đi mọi bực tức, giận ghét. Nhưng hận thù không phải do người Việt tự do hay người Việt quốc gia, người Việt chân chính trong và ngoài nước tự nhiên bộc phát, mà nguyên nhân sâu xa chính yếu là do những bất công, thất nhân tâm do chính CSVN gây nên.
Cộng sản, một chế độ lỗi thời, không tưởng mà cả Nga Sô và các nước Trung Âu, Ðông Âu trong khối Liên Xô đã từ bỏ từ thập niên 1990, cách đây 19, 20 năm, hầu hội nhập vào văn minh tiến bộ của Thế Giới Tự Do.
Bao giờ CSVN từ bỏ chế độ độc tài, độc đảng thì lúc đó không còn nguyên nhân hận thù và đương nhiên không còn lý do để “Quốc Hận 30 Tháng Tư” tồn tại!