Ý nghĩa ngày lễ tình yêu Valentine: Chuyện xưa kể lại

Valentine, ngày mà cả thế giới tôn vinh tình yêu đôi lứa, người ta bày tỏ tình cảm của mình bằng những cánh thiệp, hoa hồng, kẹo socola, và những quà tặng đặc biệt khác. Nhưng tại sao ngày lễ tình yêu lại được đặt theo tên Thánh Valentine, một vị Thánh “tử vì đạo” của Kitô giáo?

Thánh Valentine rửa tội cho Lucilla. (Tranh: Họa sĩ Jacopo Bassano, Public Domain)

Để hiểu rõ về câu chuyện của Thánh Valentine, người ta phải quay về với cuộc đàn áp Kitô giáo của đế quốc La Mã ở nước Ý. Thời đó, La Mã là một quốc gia hùng mạnh nhất và cũng là quốc gia đàn áp tín đồ Kitô giáo tàn khốc nhất. Để khích động lòng thù hận của dân chúng đối với tín đồ Kitô giáo, một số học giả La Mã thời bấy giờ đã chế tác ra rất nhiều lời vu khống, bịa đặt, dối trá, nhắm vào các tín đồ Kitô hữu như: giết trẻ sơ sinh để uống máu và ăn thịt, cuồng loạn, gian dâm, v…v… Nói chung, tất cả tội ác của xã hội La Mã thời bấy giờ đều đổ tội cho tín đồ Kitô.

Các đời hoàng đế La Mã cũng liên tiếp đưa ra những cách trừng phạt tàn khốc nhất đối với các tín đồ Kitô giáo. Nero, một trong những hoàng đế tàn bạo nhất đế quốc La Mã, từng hạ lệnh bắt không ít tín đồ Kitô ném vào đấu trường với thú dữ, để những người quyền quý lớn tiếng cười xem cảnh tín đồ Kitô bị mãnh thú xé xác ăn thịt. Nero thậm chí còn căn dặn thuộc hạ bắt rất nhiều tín đồ Kitô cột chung vào bó cỏ khô, làm thành những ngọn đèn trong công viên. Đến khi trời tối, đèn người được đốt lên, chiếu sáng khắp hoàng cung, để mọi người thưởng ngoạn vui chơi.

Bức “Ngọn đuốc của Nero”, mô tả lại cảnh Hoàng đế Nero dùng hỏa hình bức hại các tín đồ Kitô giáo. (Tranh: Họa sĩ Henryk Siemiradzki, 1876, National Museum Kraków, Wikipedia, Public Domain) 

Hoàng đế Aurelius bức hại các tín đồ Kitô cũng vô cùng tàn bạo. Theo mô tả của nhà sử học Schaff, “xác chết của những người tử vì đạo trải dài khắp đường phố; những xác chết đó sau khi bị chặt ra từng khúc đem đi thiêu hủy, tro cốt còn lại sẽ bị ném vào trong hồ nước, để tránh điều mà họ gọi là kẻ thù của Thần linh làm ô uế mặt đất”.

Tín đồ Kitô giáo bị cột trên thân trâu kéo lê cho đến chết. (Tranh: Họa sĩ Henryk Siemiradzki, 1876, National Museum Kraków, Wikipedia, Public Domain)

Năm 250, Hoàng đế Decius ra sắc lệnh, buộc tín đồ Kitô chọn ra ngày làm lễ hối hận nhận sai, từ bỏ tín ngưỡng của mình, nếu không sẽ bị tổng đốc địa phương xét xử. Những người làm quan dám tin theo Kitô giáo thì sẽ bị phạt làm nô lệ, hoặc bị tịch thu nhà cửa đất đai; người cương quyết nhất thì bị xử tử. Còn về những người thuộc bình dân, tình cảnh càng bi thảm cùng cực.

 

Bức “Lời nguyện cuối của tín đồ Kitô tử vì đạo”, mô tả cảnh tín đồ Kitô sắp bị mãnh thú ăn thịt. (Tranh: Họa sĩ Jean-Léon Gérôme, 1863-1883, Walters Art Museum, Wikipedia, Public Domain)

Năm 303, Hoàng đế Diocletian lại tuyên bố sắc lệnh “đàn áp tôn giáo lớn nhất từ trước đến nay”, rất nhiều hành vi tàn bạo như triệt tiêu giáo hội, tịch thu Kinh Thánh và sát hại giáo sĩ đã xảy ra.

Điều Chúa Jesus muốn gửi tới nhân loại là gì? Đó chính là tình yêu, một tình yêu vô cùng bao dung và cao thượng như câu nói: “hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho đi mà chẳng hề hy vọng được đền trả”. Tuân theo lời dạy của Chúa, các tín đồ Kitô hết lòng tuân thủ sự thánh thiện, nhân ái, hòa bình và công lý. Họ cự tuyệt vào đấu trường để xem các tù tội chiến tranh và nô lệ cấu xé nhau cho đến chết, họ phóng thích nô lệ của mình vô điều kiện. Đời sống cá nhân giản dị và thuần khiết của các tín đồ Kitô giáo đã tạo nên sự khác biệt hết sức to lớn với bầu không khí xa hoa, trụy lạc của xã hội thời bấy giờ.

Trẻ nhỏ cũng bị bắt ra đấu trường La Mã… (Tranh: Họa sĩ Konstantin Flavitsky, 1862, Russian Museum, Wikipedia, Public Domain)

Sau hàng trăm năm chứng thực chân lý của Chúa với rất nhiều tín đồ Kitô giáo hy sinh, cuối cùng người dân La Mã đã tỉnh ngộ, họ dần tin vào Chúa, tin vào những điều cao đẹp mà Chúa đã ban cho họ. Đức tin của người dân La Mã cứ thế lớn dần lên và lan rộng, bất chấp sự đàn áp tàn bạo của chính quyền La Mã. Những việc quan trọng như kết duyên, người dân La Mã đều mong muốn được Chúa chứng giám và tác thành thông qua các tu sĩ.

Vào thời đó, Hoàng đế Claudius muốn xây dựng một đội quân hùng mạnh. Ông muốn tất cả đàn ông phải tham gia vào quân đội. Nhưng đa số người dân không muốn chiến tranh, họ không muốn phải chém giết lẫn nhau và phải rời xa gia đình mình. Đã có rất nhiều người không nhập ngũ. Điều này làm Hoàng đế Claudius rất giận dữ, ông ta cho rằng nếu những người đàn ông không lấy vợ thì họ sẽ không phản đối việc tham gia vào quân đội. Thế là Claudius quyết định không cho phép bất cứ một người đàn ông nào được kết hôn.

Lẽ dĩ nhiên, điều luật này không thể thực hiện được, các đôi nam nữ La Mã vẫn kết hôn trong bí mật và dưới sự chứng giám của Chúa thông qua các tu sĩ Kitô giáo. Thánh Valentine là một trong những người đã đứng ra tác hợp cho rất nhiều đôi nam nữ. Trong một không gian nhỏ, với một cây nến, chỉ có cô dâu và chú rể, ông thì thầm đọc những lời nguyện ước cho hạnh phúc của họ trong tiếng bước chân rình rập từ những tên lính của hoàng đế La Mã.

Thánh Valentine đang quỳ. (Tranh: Họa sĩ David Teniers III, Public Domain)

Vào một đêm, khi đang làm đám cưới cho một đôi trẻ, Thánh Valentine bị bắt. Ông bị đưa ra tòa và bị kết án tử hình. Những ngày còn lại trong tù chờ án tử hình ông luôn sống một cách vui vẻ, khiến cả những người lính La Mã cũng phải cảm phục và kính trọng. Có một chuyện kể rằng vào đêm trước khi Thánh Valentine bị tử hình, một người lính La Mã đã xin ông tác thành cho anh và người con gái mù anh yêu. Thánh Valentine đã cầu nguyện cho đôi trẻ, và điều bất ngờ đã xảy ra: mắt cô gái sáng trở lại. Hôm sau, trước khi lên đoạn đầu đài, Thánh Valentine đã để lại một lá thư tác thành cho cô gái cùng người lính La Mã, và ký dưới bức thư dòng chữ: “Tình yêu của Valentine dành cho con”.

Như vậy, ngày lễ tình yêu Valentine bao hàm trong đó nội dung thật lớn lao, đó không chỉ là sự tác thành đôi lứa, mà còn là cuộc bảo vệ và chứng thực tình yêu của Chúa – với vô số khắc nghiệt và hy sinh vì người khác và vì chân lý. Ngày lễ tình yêu Valentine ra đời chính là sự thức tỉnh của nhân thế, để tri ân và tỏ lòng thành kính trước những hy sinh của các thánh đồ Kitô giáo.

Hy Vọng

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt