Ý đồ bành trướng của Trung Cộng làm chi phí quân sự châu Á tăng vọt
Trong năm 2015, châu Á nổi lên thành khu vực duy nhất trên thế giới có chi phí quân sự gia tăng. Bản báo cáo thường niên “Cán Cân Quân Sự 2016 -Military Balance 2016” của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc tế IISS tại Luân Đôn công bố hôm 09/02/2016 đã nhận định như trên. Theo định chế này, nguyên do chủ yếu đến từ ngân sách quân sự ngày càng lớn của Trung Cộng.
Theo IISS, trong năm 2015, chi tiêu quốc phòng chung trên toàn cầu đã giảm 4,2%, thế nhưng châu Á lại đi ngược xu hướng đó, với chi phí quân sự tăng lên, trong đó Trung Cộng dẫn đầu với đà tăng 11% trong ngân sách quân sự. Philippines, một trong những nước bị Trung Cộng chèn ép tại Biển Đông, cũng đôn ngân sách quốc phòng lên cao với mức 10%, cho dù về giá trị tuyệt đối chi phí của Manila chẳng thấm vào đâu so với Bắc Kinh.
Theo phân tích của Viện IISS, Trung Cộng là nước “thống trị” khu vực về chi tiêu quân sự, với ngân sách lên đến khoảng 356 tỷ đô la, chiếm 40% tổng số tiền châu Á chi cho quốc phòng. Bắc Kinh đã tiếp tục tânm trang các thiết bị quân sự của mình một cách có hệ thống, và các đơn vị hải – lục – không quân Trung Quốc hoạt động mạnh mẽ hơn.
Mục tiêu của Trung Cộng đã được Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế xác định trong bài giới thiệu bản báo cáo Cán Cân Quân Sự 2016 : “Trong năm 2015, Trung Cộng áp dụng một thái độ ngày càng cương quyết liên quan đến chủ quyền lãnh thổ tại Biển Hoa Đông và Biển Đông”.
Một cách cụ thể, bản báo cáo nhắc lại việc Trung Cộng bồi đắp 7 bãi đá hay rạn sạn hô mà họ hiện chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa, đồng thời tiếp tục việc mở rộng đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa.
IISS khẳng định : “Có một khía cạnh quân sự hiển nhiên trong các hoạt động này”. Bắc Kinh đã thiết lập một phi đạo dài 3km trên Đá Chữ Thập (Trường Sa), có khả năng hỗ trợ các phi vụ quân sự trong vùng. Vào tháng Bảy năm 2015, một bãi đỗ và một phi đạo đã được xây thêm, cùng với bãi đáp trực thăng, ăng-ten thông tin liên lạc vệ tinh và những công trình trông giống như tháp ra-đa được ghi nhận trong các bức ảnh vệ tinh. Một phi đạo khác được xây trên Đá Gạc Ma, cùng với một hải cảng và đài quan sát. Có thể là một phi đạo thứ ba đã được xây dựng trên đảo Đá Xu Bi.
Đối với IISS, đã có nhiều suy đoán theo đó các phi trường mới trên các đảo nhân tạo, cộng thêm với các trạm ra -đa, sẽ được Trung Cộng dùng vào việc buộc nước khác chấp nhận một vùng phòng không, ít ra là trên một phần của Biển Đông.
Một số nhà phân tích đã lồng các nỗ lực xây dựng của Trung Cộng vào trong một kế hoạch rộng lớn hơn nhắm tới các mục đích chiến lược lâu dài, đặc biệt là bảo vệ các tuyến đường biển của Trung Cộng, các tuyến đường quá cảnh và rất có thể là để tạo ra một khu vực hoạt động cho tàu ngầm và hỏa tiễn của Trung Cộng.
Tất cả những hoạt động kể trên đã kéo chi phí quốc phòng Trung Cộng tăng vọt, với hệ quả là các nước châu Á bị Trung Cộng lấn lướt phải chạy theo.
Theo ghi nhận của IISS, như vậy là trong năm 2015, tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng của châu Á đã vượt qua mức của toàn thể các nước châu Âu trong NATO vào năm 2012. Và hiện nay, chi phí quốc phòng của châu Á cao hơn khoảng gần 100 tỷ đô la so với toàn bộ các thành viên châu Âu của NATO gộp lại.
Theo Military Balance 2016/IISS