30 tháng 4 năm 1975: Xứ “Thiên đường” và “cuộc giải phóng”
Ngày 27/4/2018, hai nhà lãnh đạo Bắc Hàn (Triều Tiên) và Nam Hàn (Hàn Quốc) đã bắt tay nhau, hứa hẹn một hiệp ước chấm dứt chiến tranh trong năm nay.
Hai kẻ thù địch đã từng không ngại ngần dành cho nhau những ngôn từ thù hận nhất, gọi nhau bằng những hỗn từ không mấy đẹp đẽ và thể hiện cho thiên hạ biết họ có thể nhai tươi xé xác nhau nếu có thể.
Họ cũng đã từng nã súng vào nhau và đe dọa biến một nửa đất nước thành tro bụi, chi biết bao nhiêu sức dân, tiền của để diễu võ dương oai đe dọa lẫn nhau dù người dân Bắc Hàn đang chết đói. Nay đã tươi cười bắt tay nhau hứa hẹn một sự hòa bình. [Dù rồi đây chưa biết ra sao]
Sự kiện này trùng vào những ngày Việt Nam đang hô hào kỷ niệm “Chiến thắng 30/4, giải phóng Miền Nam” gợi lại cho người ta nhiều suy nghĩ!
Thiên đường và địa ngục
Khi thế giới chia phe, hệ thống cộng sản đang trên đà phát triển làm mưa, làm gió gây bao tại họa trên thế giới, nhiều đất nước đã là nạn nhân của nó.
Trừ những đất nước hứng trọn những cuộc chiến tranh, những đất nước đã hoàn toàn nằm trong cơn bão cộng sản, rồi thoát ra và từ bỏ nó sau khi đã thấm đòn đại họa ấy, thì vẫn có những đất nước bị chia cắt bằng những cuộc chiến tranh hoặc phân chia ranh giới, giới tuyến. Thế rồi những người đồng chủng, đồng huyết trở lại trở thành kẻ thù của nhau, và xương máu lại cứ vậy mà đổ theo năm tháng.
Những đất nước bị họa cộng sản chia cắt có thể kể đến như Đức, Triều Tiên, Việt Nam và Trung Cộng.
Sở dĩ chúng ta nói rằng việc chia cắt là do đại họa cộng sản, dù ở đó có đủ cả hai bên. Chỉ vì những sự chia cắt đó, có nguyên nhân là sự tồn tại của cộng sản. Bởi sau đó, khi người dân đã hiểu ra thế nào là cộng sản, thế nào là dân chủ, thì họ sẵn sàng vứt bỏ và bằng mọi cách để trốn khỏi “Thiên đường Cộng sản”.
Cộng sản bằng hệ thống tuyên giáo hùng hậu thường xuyên tuyên truyền về chế độ và đất nước Cộng sản như một “thiên đường nơi trần thế” với những chiếc bánh vẽ mang tên “Ngày mai”. Thế rồi họ lại đánh tráo khái niệm tạo nhầm lẫn giữa cái “Ngày mai” và cái hiện tại, để ca ngợi cuộc sống khốn khó ở các vùng cộng sản như là khuôn mẫu và là mơ ước của loài người.
Ngược lại, cũng qua hệ thống tuyên truyền cộng sản, thì tại các lãnh thổ khác không cộng sản, chỉ có nghèo đói, lạc hậu, man rợ và… không đáng sống.
Thế nhưng, thực tế được sáng tỏ hơn sau khi bức màn sắt vây kín những vùng cộng sản cách biệt thế giới bên ngoài được gỡ bỏ.
Khi đó, cả đất nước, cả dân tộc giật mình.
Điều có thể nhìn thấy trước mắt không thể chối cãi, là cùng một dân tộc, cùng một màu da, cùng điều kiện thiên nhiên, địa lý và con người. Nhưng hễ vùng nào theo cộng sản, thì ở đó hiện diện sự nghèo đói, khốn khổ, lạc hậu và con người không còn nhân phẩm bởi quyền con người không được hiện diện.
Cùng là người Hán, nhưng thử nhìn xem vùng đại lục của Trung Cộng và Đài Loan, Hong Kong, Ma Cao là những nơi mà “bọn tư bản giãy chết” đã “cai trị nhân dân lao động” thì cuộc sống kinh tế, xã hội cũng như đời sống người dân hai bên ra sao.
Thử nhìn xem, cuộc sống của người dân Đông Đức và Tây Đức như thế nào khi một bên theo Chủ nghĩa Cộng sản.
Và hãy nhìn xem, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc, hai miền của một đất nước, cùng một dân tộc, cùng màu da và điều kiện địa lý thì ở đâu mới là địa ngục và ở đâu thật sự là thiên đường.
Và ước mơ của những vùng đó, khu vực đó của người dân là mong rằng sớm có ngày để được có cuộc sống như những người dân đồng chủng, đồng tộc của mình bên kia giới tuyến.
Tôi đã đến Thâm Quyến, một thành phố đặc khu mới xây dựng và phát triển bên cạnh HongKong, Con sông Thâm Quyến ngăn chia giữa hai khu vực chưa đủ, giữa sông có cả một bức tường bê tông rất cao và trên đó là hệ thống dây điện trần.
Người dân ở đây cho chúng tôi biết rằng: Khi đất nước Trung Quốc dưới thời Cộng sản sắt máu nhất, lính Trung Quốc lập đồn dọc theo bờ sông, sẵn sàng xả đạn bất cứ ai vượt qua ranh giới.
Thế nhưng, hàng năm vẫn có hàng đoàn người từ các làng trong nội địa đại lục, di chuyển ra bờ sông và đổ bộ vượt sông bất chấp mọi nguy hiểm bởi sông sâu, bởi lính xả đạn, bởi điện cao thế. Họ công kênh nhau qua hàng rào để vượt sang “địa ngục” dù cho trăm người chỉ có một ít người thoát.
Cũng bức tường Berlin là nơi đã chứng kiến những người liều mình vượt qua cõi chết để chạy trốn khỏi “thiên đường cộng sản”.
Điều đó, hầu như ai cũng biết, kể cả hệ thống tuyên giáo.
Thế nhưng, cái thói dối trá thành bản năng, sự lỳ lợm cố hữu và tính kiêu ngạo cộng sản đã không để cho họ nhìn nhận lại, lấy lợi ích của người dân, của dân tộc và đất nước làm trọng. Họ chỉ giữ chắc cái “chính quyền” mà họ đã cướp được từ tay người dân bằng mọi giá.
Và họ càng không thể từ bỏ cái ngai vàng cướp được để lo cho đời sống xã hội và đất nước.
Và vì thế, họ đày đọa cả dân tộc, cả đất nước chìm vào sự khốn khó, cái chết, sự nhục nhã và tối tăm.
Mặt khác, những người cộng sản luôn mồm kêu gào sẽ tiến hành “giải phóng” người dân ở bên kia giới tuyến. Mới đây thôi, Bắc Triều Tiên còn hô hào toàn dân chuẩn bị “Giái phóng” miền Nam.
Những cuộc “Giải Phóng”
Thế rồi các vùng lãnh thổ, đất nước cũng dần dần được thống nhất, hòa nhập với nhau. Điển hình là giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức.
Hai nước Đức đã sáp nhập ngoạn mục mà không cần tiêu hao một viên súng đạn. Có điều, bên “địa ngục” CHLB Đức đã phải oằn mình để chấp nhận cưu mang và gánh đỡ cho bên “thiên đường” CHDC Đức vốn nghèo đói, lạc hậu và chậm phát triển hơn nhiều lần. Mấy chục năm đã qua, gánh nặng đó vẫn chưa được thanh toán hết.
Các vùng lãnh thổ như Hong Kong và Macao cũng dần dần được trả về cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc buộc phải chấp nhận để các vùng lãnh thổ đó một chế độ hành chính khác biệt bởi người dân ở đó không chấp nhận sự thống trị của hệ thống Cộng sản.
Và dù nhiều lần tuyên bố, dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa… nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc cũng không thể thuyết phục được Đài Loan “trở về” để thống nhất với đại lục. Chỉ bởi mọi người dân nơi đây sợ hãi chế độ “thiên đường cộng sản”.
Và giờ đây, Bắc và Nam Triều Tiên cũng bước đầu có những cái bắt tay hữu nghị để nói đến vấn đề hòa bình.
Tuy nhiên, để sáp nhập hay thống nhất làm một, thì chắc chắn bên “địa ngục” Nam Triều Tiên còn phải xem lại nhiều điều. Bởi những hệ lụy khi phải gánh cả một cái “thiên đường” mà ở đó, hàng triệu người dân chết đói thê thảm chỉ để cho cha con họ Kim đua nhau xây lâu đài tráng lệ và ăn chơi xa hoa rồi đổ tiền chế bom dọa cả thế giới cho xứng với danh hiệu “Côn đồ quốc tế” là vô cùng to lớn.
Thế mới hiểu là dù Bắc Triều Tiên có mời sang “xâm lược”, thì Nam Triều Tiên đâu dễ đồng ý.
Cho nên, những ngôn từ quen thuộc để tuyên truyền của hệ thống cộng sản như “Đế quốc Mỹ xâm lược” hay chế độ ngụy quyền, giải phóng… đã dần dần bị thực tế bác bỏ thẳng thừng.
Còn ở Việt Nam, sau khi “Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” mới ký ráo mực được 2 năm, thì bên “thiên đường miền Bắc” đã mở cuộc tấn công bằng đại bác, bom đạn, súng và xương máu người dân để… “giải phóng” một vùng lãnh thổ giàu có, văn minh và hiện đại hơn mình rất nhiều lần.
Và ngày 30/4/1975, đánh dấu một “chiến thắng” của bên “thiên đường” trong cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc mà mục đích là bảo vệ cho hai hệ thống tư tưởng khác nhau và đối tượng cũng chính là nạn nhân, là người dân Việt Nam cả hai miền đã phải bỏ mạng hàng chục triệu người.
Qua hệ thống tuyên truyền cộng sản, người dân cứ tưởng rằng, khi họ được “giải phóng” thì người dân sẽ được hưởng cuộc sống “độc lập – tự do – hạnh phúc” như người cộng sản rêu rao.
Nhưng, đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày được “giải phóng” người dân không chỉ miền Nam, mà cả đất nước đang đứng trước một tương lai mù mịt về số phận người dân.
Tài nguyên đất nước cạn kiệt bởi dưới sự lãnh đạo “thống nhất, tuyệt đối của đảng” cả hệ thống đua nhau đào lên bán, đua nhau tranh cướp tham nhũng và phá hoại.
Nợ nước ngoài chồng chất, hầu như công việc nhà nước có thể làm, là nghĩ ra đủ các loại thuế, phí, và cướp của dân bằng mọi cách để đổ cho đầy túi đám quan tham chỉ biết ăn tàn, phá hại.
Mỗi người dân được đảng và nhà nước chia đều và để lại cho món nợ nước ngoài hàng chục triệu đồng, tha hồ để làm hồi môn cho các thế hệ sau.
Con người bị tha hóa về mọi mặt, xã hội được “lãnh đạo” bởi hệ thống các “cháu ngoan của Bác” và là “con người mới XHCN” đưa đất nước sang lệ thuộc Bắc Kinh, lãnh thổ dần dần mất vào tay giặc, dân tộc lầm than và bị khinh miệt.
Môi trường sống về vật chất, chính trị, không khí cho đến văn hóa, tư tưởng và tâm hồn luôn bị đầu độc bằng mọi cách. Sự suy đồi được coi là chuyện bình thường, đạo đức xã hội chỉ là một khái niệm.
Đã gần nửa thế kỷ qua đi, nhưng, những thế lực “thắng cuộc” vẫn chưa hả hết cơn thù địch và tàn ác của mình với chính đồng bào ruột thịt chứ chưa nói đến cái bắt tay hoặc câu chào đối với bên “thua cuộc”.
Đó là tai họa của dân tộc này, khi sự thù địch vẫn được nuôi dưỡng hằng ngày một cách cực đoan thì đất nước, xã hội không thể tiến bộ.
Và tương lai đất nước, dân tộc mù mịt người dân lại tìm cách thực hiện “Cuộc bỏ phiếu bằng chân” lần thứ 3 với Chủ nghĩa Cộng sản – Chạy ra nước ngoài dù phải làm nô lệ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh