Xe hơi ở Đà Nẵng thi nhau ra đường xếp hàng để bán
Đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng, có thể nói là con đường hot nhất thành phố bởi mỗi ngày có đến vài trăm chiếc xe hơi xếp hàng bày bán trong mùa bóng đá này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc bán xe không chỉ do nguyên nhân thua cá độ bóng đá mà do tình hình kinh tế ngày càng trì trệ, các doanh nghiệp bất động sản không còn gì để duy trì ngoài chuyện mang dần những chiếc xe hơi ra bán tháo. Và giá bán xe ở đây cũng khá đặc biệt, vừa rẻ lại vừa thuận mua, vừa bán.
Thuận mua vừa bán
Một người tên Luật, ngụ đường Nguyễn Tri Phương, thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: “Xe bán thì thường mình muốn đổi chiếc khác đi, xe cộ thì ok không có chi hết, nếu người mua muốn thì cứ đưa thợ đến tới coi, kiểm tra. Mình bán thì người thật việc thật mà, nói chung là xe ngon, chỉ cần bọc da ghế mới lại thôi!”
Theo ông Luật, đường Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng đã thành con đường mua bán xe hơi ba năm nay. Thường thì con đường này trở nên nhộn nhịp, mua bán tấp nập vào dịp lễ Tết hoặc mùa cá độ bóng đá lên cao. Nhưng nổi trội nhất vẫn là mùa Tết dương lịch năm 2014, vào những ngày đáo niên hạn tài chính, cuối năm 2013, hàng loạt các loại xe hơi đổ ra đường và treo bản bán xe. Chủ xe ngồi trong các quán cà phê gần nơi đậu xe và chờ khách đến ngã giá.]
Cũng theo ông Luật, hầu như chiếc xe nào được đưa ra đường Nguyễn Tri Phương đều bán được rất nhanh giá thấp, ít rắc rối và mua bán bằng tiền tươi, khỏi phải đặt cọc gì cho mệt. Khách chỉ cần chuẩn bị tiền trước, để ở nhà, đi tay không đến xem xe, chọn được chiếc ưng ý thì ngã giá, thỏa thuận, khi đôi bên đồng ý mua bán thì dắt nhau vào quán cà phê và người mua chỉ việc gọi điện thoại về nhà, người nhà mang tiền đến, đôi bên làm thủ tục mua bán, dắt nhau đến cơ quan nhà nước làm thủ tục pháp luật nữa là xong.
Đơn giản và gọn nhẹ. Đặc biệt, giữa chủ xe và khách mua có thể thỏa thuận được một số điều khoản riêng biệt ví dụ như hạ mức giá bán xuống còn 30% giá thật khi làm giấy tờ sang tên đổi chủ nhằm giảm mức thuế xuống thấp nhất.
Hoặc đôi bên có thể tự chung tiền với nhau và làm giấy tờ chuyển nhượng theo kiểu cho tặng, khi người bán đồng ý làm giấy tờ cho tặng cho người mua, mức thuế đóng cho ngành giao thông chỉ còn là mức thuế tượng trưng, cả hai bên mua và bán đều đỡ phải gánh một khoản tiền mà theo họ là không đến đâu cả và hết sức vô lý bởi trước sau gì khoản này cũng rơi vào túi của một quan tham nào đó trong ngành giao thông, một trong những ngành tham nhũng và ăn chặn thuộc hàng cộm cán tại Việt Nam hiện tại.
Và nếu như ở mùa Tết, các doanh nghiệp bất động sản và một số doanh nghiệp khác làm ăn thua lỗ mang xe ra đường Nguyễn Tri Phương bán để xoay xở tình thế thì mùa bóng đá, có hai nhóm đối tượng bán xe, gồm thắng độ và thua độ. Nhóm thắng độ mà phần đông là nhóm bắt độ kèo dưới trong các trận đấu vừa qua dư ra được khoản tiền khá lớn, có nhu cầu sắm xe mới hiện đại và đắt hơn đã mang xe ra Nguyễn Tri Phương rao bán với giá tương đối mềm, thỏa thuận cũng nhanh chóng.
Nhóm thua độ gồm những người bắt độ kèo trên trong các trận đấu vừa qua đã mang xe ra đường để rao bán với giá không cao, thường thì bằng 70% thực giá của chiếc xe, nhưng vẫn đắt hơn so với các loại xe cần bán tháo để lên đời của dân thắng độ. Dân thắng độ chỉ bán từ 60% đến 65% so với thực giá của chiếc xe. Việc thỏa thuận giá với dân thua độ cũng khó khăn hơn so với thỏa thuận với dân thắng độ. Nhưng thường thì xe của dân thua độ mới hơn, đẹp và hiện đại hơn, họ bị nợ nần nên bán tháo chứ không phải bán do nhu cầu cần chiếc xe mới hơn, đẹp hơn.
Kinh tế khó khăn?
Một người tên Hiệp, là chủ một doanh nghiệp bất động sản đang ở giai đoạn cuối phá sản, điềm tĩnh chia sẻ với chúng tôi: “Xe nó sơn nó sửa lại, có một số xe nó lô quá nên nó sơn sửa lại, lên vành rồi bán, không có tiền nó mở cửa hàng nên nó để giữa đường nó bán. Nó bán sang tay… Một phần là xe nhà hoặc là xe nó mua lại của công ty thanh lý rồi nó bán. Thua độ thì nó bán nhanh những những chiếc xe này thì nó cứ ngày này qua ngày khác, cùng mẫu mã vậy đó!”
Theo ông Hiệp, chỉ cần nhìn con đường cũng có thể hình dung đường mức sống của một khu phố và xa hơn, có thể hình dung được khả năng kinh tế của thành phố đó. Đà Nẵng, nếu chỉ nhìn bề ngoài từ những cao ốc, những chiếc cầu và những chung cư cao cấp thì đây thuộc vào thành phố thịnh vượng đứng đầu Việt Nam và khu vực. Nhưng nếu nhìn sâu vào một số tập đoàn kinh tế có dây mơ rễ má với quyền lực nhà nước thì e rằng khó mà xếp Đà Nẵng vào diện thành phố văn minh trong khu vực.
Kể từ thời Chủ tịch, rồi sau đó là Bí thư Nguyễn Bá Thanh rời thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội nhậm chức Trưởng Ban Nội chính trung ương, thành phố Đà Nẵng tuột dốc thê thảm, mọi chỉ số phát triển đều dựa trên những đề án, dự án khi ông Thanh còn đương chức tại đây. Và chưa có bất kì một công trình trọng điểm nào tại Đà nẵng mà không có bàn tay ông Thanh sờ vào.
Điều đó cũng có nghĩa là ông Nguyễn Bá Thanh đóng vai trò chủ đạo trong mọi hướng phát triển của Đà Nẵng, trong đó có cả công và tội. Một khi ông Thanh ra Hà Nội, Đà Nẵng giống như rắn mất đầu, bộ sậu lãnh đạo kế nhiệm ông Thanh chưa có ai tạo được dấu ấn đặc biệt với nhân dân Đà Nẵng nói chung và với những dự án tạo niềm tin trong giới lãnh đạo nói riêng.
Cũng chính vì thế, thời ông Nguyễn Bá Thanh còn đương chức, thành phố Đà Nẵng không có nạn trộm cắp, cá độ và số đề cũng không phát triển tàn bạo như hiện tại. Vấn đề nổi lên của Đà Nẵng hiện nay là những đường dây cá độ bóng đá, ma túy, trộm cắp và số đề hoạt động ngầm, các đường dây xã hội đen đòi nợ thuê đã phát triển đến mức hoàn hảo, đầy đủ tứ chi và cơ chế. Khó mà chặn đứng vấn nạn này được như trước đây.
Và, đường Nguyễn Tri Phương, con đường mua bán xe hơi vô hình dung lại thành cái đồng hồ hoặc cái nhiệt kế đo độ nóng lạnh của nền kinh tế Đà Nẵng cũng như đo mức độ phát triển của các đường dây cá độ, những hoạt động trong bóng đêm ở thành phố này!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam