Washington đưa Bình Nhưỡng vào danh sách “khủng bố”
Hoa Kỳ một lần nữa ghi tên Bắc Hàn vào danh sách đen “Nhà nước bảo trợ khủng bố” cùng với Syria và Iran. Biện pháp mang tính biểu tượng này nhằm mục đích ngăn chận tham vọng hạt nhân của chế độ Bình Nhưỡng bằng gọng kềm trừng phạt.
Đúng như đã cam kết trong chuyến công du châu Á vừa qua, ngày 20/11/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định đưa Bắc Hàn vào danh sách những quốc gia yểm trợ khủng bố.
Mục tiêu của chủ nhân Tòa Bạch Ốc là siết chặt vòng vây làm kiệt quệ kinh tế chế độ Kim Jong Un. Một loạt biện pháp trừng phạt mới cũng được bộ Tài Chính Hoa Kỳ công bố trong ngày 21/11.
Theo AFP, tổng thống Mỹ đưa ra hai luận điểm: Ngoài đe dọa hủy diệt thế giới bằng vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn còn liên tục hậu thuẫn các hành vi khủng bố trên khắp thế giới, kể cả ám sát trên lãnh thổ nước ngoài.
Hai trường hợp gần đây nhất, theo tổng thống Donald Trump, là vụ ám sát Kim Jong-Nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Kim Jong Un, ở phi trường quốc tế Kuala – Lumpur (Malaysia) hồi tháng 04/2017 và vụ Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ từ trần hồi tháng 06/2017 sau khi “được thả” và hồi hương trong trạng thái hôn mê.
Bắc Hàn từ nay đứng chung danh sách đen với hai chế độ thù địch của Mỹ là Iran và Syria. Trong 20 năm, từ 1988 đến 2008, Bình Nhưỡng đã bị xem là “Nhà nước bảo trợ khủng bố” sau vụ đặt bom trên một chiếc phi cơ dân sự của Hàn Quốc giết chết 115 người, vào năm 1987.
Tuy nhiên, để khuyến khích Kim Jong Un chấp thuận đối thoại hạt nhân, tổng thống Mỹ George W. Bush đã xóa tên Bắc Hàn trong danh sách đen. Cuối cùng đàm phán cũng bị gián đoạn.
Theo tin giờ chót của Reuters, ba nước châu Á Thái Bình Dương là Nhật, Nam Hàn và Úc ủng hộ quyết định của tổng thống Mỹ. Thủ tướng Úc gọi Kim Jong Un là “thủ lĩnh một tổ chức tội ác”. Trong khi đó, Bắc kinh, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao Lục Khảng, kêu gọi các bên đối thoại “thay vì làm tình hình phức tạp thêm”.
Còn theo đài Russia Today của Nga, dựa theo tài liệu của bộ ngoại giao Mỹ, Washington sẽ chi ra 12 triệu đôla để thực hiện 24 dự án “cản trở” chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Mỗi sáng kiến từ “cố vấn pháp luật cho đến chính trị và kỹ thuật” sẽ được bộ Ngoại Giao tuyển chọn và tài trợ tối đa 500000 đôla.
Tú Anh (RFI)