Washington : Đông Nam Á không rời xa Mỹ ngả theo Trung Quốc
Sau các hoạt động ngoại giao liên tiếp của Philippines và Malaysia được giới quan sát đánh giá là nhằm xích lại gần với Trung Cộng, hôm qua, 01/11/2016, Washington đã lên tiếng phủ nhận đó là những động thái rời xa Mỹ để ngả theo Trung Cộng của các nước Đông Nam Á.
Chính quyền Obama vẫn coi Hiệp Hội các nước Đông Nam Á ASEAN là trọng tâm trong chính sách “xoay trục” của Mỹ sang châu Á –Thái Bình Dương. Thế nhưng gần đây, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực là Philippines, dưới sự lãnh đạo của tổng thống Rodrigo Duterte liên tiếp tỏ thái độ bất cần Mỹ. Đặc biệt trong chuyến công du Trung Cộng tháng trước, tổng thống Philippines còn tuyên bố « chia tay với Mỹ » và tỏ ý muốn quân Mỹ rút khỏi Philippines.
Sau ông Duterte, đến lượt lãnh đạo Malaysia tới Bắc Kinh ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế, quốc phòng với Trung Cộng, vào lúc quan hệ giữa Kuala Lumpur và Washington đang có dấu hiệu căng thẳng. Trước đó, quan hệ giữa Mỹ và đồng minh Thái Lan cũng đã có những rạn nứt.
Được hỏi về các diễn biến nói trên tại khu vực Đông Nam Á, hôm qua, phát ngôn viên Ngoại Giao Mỹ John Kirby đã giải thích rằng chính sách xoay trục của Mỹ về châu Á –Thái Bình Dương không liên quan gì đến Trung Cộng. Ông John Kirby nói tiếp : « Về ý kiến cho rằng nhiều người ( ở châu Á) đang quay lưng lại với Mỹ để ngả theo Trung Cộng, thì không thể khẳng định qua những hiện tượng được».
Bình luận về mối quan hệ gần gũi với Trung Cộng của một số nước trong vùng Đông Nam Á gần đây, quan chức ngoại giao Mỹ đánh giá đó là những động thái tích cực nhằm « giảm căng thẳng trong vùng như trong khu vực Biển Đông ».
Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa Trung Cộng và nhiều nước, chủ yếu là các nước ASEAN, từ nhiều năm qua, dù không tỏ rõ nhưng Mỹ vẫn thiên về bênh vực các nước Đông Nam Á. Mục tiêu của Washington là tạo đối trọng về quân sự và kinh tế với Trung Cộng.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ -ASEAN hồi tháng 9 vừa qua tại Lào, tổng thống Obama đã nhắc lại rằng lợi ích của Mỹ đối với Châu Á-Thái Bình Dương không phải là « sự thất thường thoảng qua », mà đó là « sự phản ảnh các lợi ích quốc gia căn bản » về lâu dài.
Tin RFI