Vung súng gươm chọc trời Yên Bái
Sắp đến ngày Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Thái Học ra lệnh hoãn lại vì đạo quân của Đoàn Trần Nghiệp ở Vân Nam chưa về kịp, hơn nữa chị Nguyễn Thị Giang xin Tổng bộ chiến tranh đưa lên chi bộ Lao Kay bốn chục trái bom cũng không kịp. Trong chiến lược của Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Thái Học cho rằng, phải kết hợp được lực lượng của Nguyễn Thế Nghiệp cùng với việc đánh chiếm đồn bót ở Yên Bái – vốn là một đồn binh quan trọng có từ lâu, nối liền miền châu thổ sông Hồng với vùng biên giới Hoa Việt thì VNQD Đảng dễ dàng chiếm các khu khác ở hạ lưu sông Hồng. Lệnh hoãn lại được Nguyễn Thái Học ấn định vào ngày 15/2/1930 – chậm năm ngày so với lệnh cũ.
Mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Sau khi Đội Dương làm phản thì thực dân Pháp đã tỏ ra tích cực hơn trong việc đàn áp, khủng bố lực lượng VNQD Đảng, những vụ bắt bớ, khám xét liên tục xảy ra. Bọn chúng đã bắt được mấy nghìn tờ Hịch khởi nghĩa ở Lục Nam (Bắc Giang). Vì l ẽ đó, việc liên lạc giữa các lãnh tụ VNQD Đảng lại gặp nhiều khó khăn.
Liên lạc viên của Nguyễn Thái Học bị bắt dọc đường nên nhiều nơi không nhận được mệnh lệnh tối cao này. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng như thế này, Quản Cầm là người trực tiếp chỉ huy việc đánh đồn Yên Bái lại mắc chứng đau tim phải về Hà Nội điều trị. Nguyễn Thái Học lập tức điều Thanh Giang lên thay Quản Cầm, dù anh không phải là quân nhân. Do các nơi không kịp thời nhận mệnh lệnh của Nguyễn Thái Học nên việc Tổng khởi nghĩa ở mạn ngược và miền xuôi không diễn ra cùng một lúc.
Vào tờ mờ sáng ngày 9/2/1930, ngày chủ nhật một ngày đầu xuân có mưa phùn lạnh, trong lúc thanh niên nam nữ rộn rịp du xuân, trẩy hội đến chùa thì các đảng viên VNQD Đảng trá hình làm khách buôn gạo, bán rau bí mật đem vũ khí đổ xô về Yên Bái. Chi bộ phụ nữ do Nguyễn Thị Bắc – chị ruột của Nguyễn Thị Giang phụ trách tổ chức vẫn chuyển vũ khí từ Phú Thọ lên Yên Bái bằng đường hỏa xa trong chuyến thật sớm. Còn các đảng viên nam khắp các làng quê ở Phú Thọ phân tán thành từng nhóm, họ mặc áo dài khăn đóng như những công tử du xuân nhưng trong người giấu súng lục, dao găm, lựu đạn… Họ giả là làm khách lễ chùa, nhân ngày hội đến Nga quán, cách Yên Bái độ ba cây số. Nhóm thì xuống ga xe lửa Yên Bái, nhóm thì xuống ga Văn Phú. Tất cả đều bình yên vô sự, không bị khám xét gì cả. Từng nhóm được hướng dẫn di tản vào rừng.
Tại sân ga Yên Bái, chị Nguyễn Thị Giang đã đứng đợi sẵn để đón những đồng chí từ Phú Thọ lên. Trong buổi sớm mai xuân này, chị mặc áo tứ thân nhiễu điều, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào, đeo khuyên bạc, môi ăn trầu cắn chỉ – trông xinh đẹp như cô gái Kinh Bắc du xuân. Có ai ngờ rằng, cô gái xinh đẹp ấy đang giấu trong người khẩu súng sáu và những mệnh lệnh rất quan trọng của Đảng. Chị rỉ tai nói với Thanh Giang:
– Hình như đại sự của chúng ta đã bị tiết lộ chăng? Thiếu tá Le Tacon đã ra lệnh bố trí canh phòng rất nghiêm ngặt!
Thanh Giang nóng lòng hỏi gặng:
– Thế anh Hà Văn Cấp làm bồi cho tên Le Tacon, được lệnh hạ sát tên này khi nghe tiếng súng báo hiệu của Đảng thì sao?s
Chị đáp:
– Anh Cấp bị tình nghi nên tên Le Tacon đã ra lệnh giam lỏng. Chúng ta mất liên lạc với anh đã hai ngày nay rồi.
Thanh Giang nén tiếng thở dài. Sau đó, chị đưa anh vào trong rừng Sơn gặp Bộ tham mưu khởi nghĩa của Yên Bái. Quản Cầm bị đau tim đã về bệnh viện Lanessasn (Hà Nội) để chữa trị thì nay còn Cai Thịnh, Cai Nguyên, Cai Thuyết và Cao Hoàng – là những quân nhân được VNQD Đảng giác ngộ. Cai Nguyên vào đề:
– Tôi muốn nói anh em có muốn hoãn lại lệnh tấn công Yên Bái không? Vì anh Quản Cầm đã vắng mặt.
Cai Hoàng đứng phắt dậy, rút thanh kiếm dài ra và chém phắt vào cây sơn trước mặt, cây sơn đứt làm đôi và anh quát lớn:
– Mệnh lệnh của Đảng đã ban ra, ai muốn cản trở thì hãy xem cây sơn đó!
Không khí trở nên ngột ngạt. Mọi người đều im lặn. Cai Hoàng nói tiếp:
– Hiện tình lúc này, chúng ta chỉ có tiến, chứ không có thoái. Các anh em đồng chí nghĩ như thế phải không?
Mọi người đều đồng thanh đáp:
– Phải!
Bây giờ, Thanh Giang mới lên tiếng. Anh nói:
– Súng đạn của chúng ta hiện trong cơ binh không có dự trữ. Vậy việc đầu tiên để anh em dân sự có súng đầy đủ và để địch không kháng cự lâu dài, tôi đề nghị các đồng chí là ta phải đánh chiếm kho vũ khí để phân phối cho quân dân cách mạng.
Cai Hoàng hăng hái lên tiếng:
– Tôi tình nguyện sẽ giết cho bằng được tên quan ba Jourdai. Nếu không lấy được đầu nó thì tôi sẽ cắt đầu tôi mà giao cho Đảng. Còn anh Cai Thuyết phải lấy được đầu tên quan hai. Theo mệnh lệnh của Đảng thì anh em quân nhân chúng ta, cứ mỗi người có bổn phận dẫn hai anh em dân sự vào phá kho súng. Sau đó, kéo quân đến ngay khu hạ sĩ quan Pháp và bọn da đen để trợ lực cho các đồng chí ở đấy mà giết cho bằng hết bọn chúng. Đánh chiếm xong Trại Dưới thì đồng loạt kéo quân đánh chiếm đồn cao. Rõ chưa?
Tất cả đồng loạt đáp:
– Rõ!
Thanh Giang được chị Nguyễn Thị Giang lật cho xem tấm bản đồ quân sự. Trại Dưới nằm về phía dưới ngọn đồi trong thành phố và nằm trên ngọn đồi xa thành phố là Đồn Cao do thiếu tá Le Tacon chỉ huy. Xem xong địa hình của hai đồn này, Thanh Giang trịnh trọng rút trong túi áo mình tờ giấy lớn:
– Đây là 7 điều Quân luật của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học soạn thảo và tôi là người chịu sự phân công của Đảng để tuyên bố Quân Luật này.
Thanh Giang đứng dậy, trang nghiêm như một quân nhân đứng trước ba quân, anh trịnh trọng đọc:
– Quân Lệnh gồm có 7 điều như sau. Nếu một quân nhân, dân sự và đảng viên nào vi phạm như: – Gặp giặc mà lùi – Cướp của dân – Hãm hiếp phụ nữ – Ngầm ý giúp giặc – Liên lạc với giặc – Tiết lộ bí mật của Đảng – Bất tuân lệnh chỉ huy thì đều bị xử tội chém đầu! Các anh em đồng chí nào có ý kiến gì nữa không?
Mọi người im lặng. Anh nói tiếp:
– Vậy giải tán. Tất cả chuẩn bị chờ giờ khởi sự sắp đến.
Những bước chân rào rào trên lá cây rồi biến dần vào bóng chiều nhập nhoạng. Chiều tối xuống dần. Gió thổi u u như ma quái gọi hồn. Sương chiều rừng xuống lạnh trên vai những người yêu nước.
Trong khi đó, quang cảnh của Yên Bái vẫn yên tĩnh lạ thường. Đường phố vẫn đông người qua lại trong không khí ngày xuân. Xa xa vọng lại những tiếng pháo đì đùng. Đêm đó, tại trại dưới, vào lúc hai mươi giờ đêm, đại úy Gainza vừa đi phố về thì gặp ngay Đội Vinh. Vinh ton hót với cấp chỉ huy:
– Xin đại úy đừng ăn cơm!
Hắn quắt mắt hỏi lại:
– Tại sao?
– Thưa ngài, có thuốc độc.
Gainza rùng mình:
– Mày vui xuân của mày nên mày say mèm rồi nói bậy phải không?
– Tôi không say.
Quả thật, trong cơm của binh lính Pháp đã bị đầu độc. Tuy thế, bọn thực dân vẫn không nghĩ là VNQD Đảng đã thực hiện âm mưu này. Đại úy Gainza liền dẫn Đội Vinh lên Đồn Cao gặp thiếu tá Le Tacon. Đội Vinh khai:
– Thưa ngài, chính tôi trông thấy nhiều người đã tụ họp ở rừng Sơn, mỗi người lính chúng ta đều nhận được chỉ thị của bọn phản loạn.
Le Tacon mặc dù đã giam lỏng anh Hà Văn Cấp – nhưng vì anh làm trái ý tên này, chứ không phải vì hắn nghi ngờ anh có chân trong VNQD Đảng như chị Giang đã báo cáo với Thanh Giang, hắn không tin sẽ có một cuộc nổi loạn nào ở Yên Bái.
– Mày nói láo. Có chính mắt mày trông thấy bọn chúng tụ tập ở rừng Sơn không?
– Thưa đúng.
Nhìn thái độ khúm núm của thuộc hạ, Le Tacon cười lớn:
– Tao biết ý của mày rồi. Mày muốn tâng công phải không? Sự việc Đội Tài đã báo cáo với tao rồi. Chẳng qua chúng mày muốn quan trọng hóa vấn đề đấy thôi.
Dù nói vậy, nhưng thiếu tá Le Tacon cùng đại úy Gainza và Đội Vinh cũng xuống chân đồi tới rừng Sơn để xem xét tình hình. Chẳng thấy gì hết. Le Tacon tức giận vung tay tát mạnh vào mặt đội Vinh:
– Mày chỉ giỏi nói liều. Cút ngay!
Lấy tay ôm mặt, đội Vinh cảm thấy hoảng sợ cho một cuộc nổi loạn sắp đến. Đêm đó, hắn đã bỏ đồn để đi theo quân cách mạng. Hắn đã hình dung thấy đêm nay, những thằng thực dân độc ác trong đồn sẽ bị quân cách mạng giết hết, cờ cách mạng sẽ được kéo lên nóc thành thay cho lá cờ Tam Tài.
Một giờ sáng, rạng ngày 10-2-1930, cả Yên Bái đang chìm trong giấc ngủ. Từ trong đêm tối có một đội quân âm thầm tiến về đồn lính. Một tiếng bom nổ vang dậy cả khu vực quân sự phá tan bầu không khí yên tĩnh đầy sương mù dầy đặc.
Tiếng súng lệnh của cuộc khởi nghĩa đã nổ.
Tiếng hô như sấm sét của các chiến sĩ cách mạng đồng loạt vang lên.
– Giết! Giết hết bọn giặc Pháp!
Cai Hoằng – đeo số quân 3.351 của quân đội Pháp cấp cho ông – đã dẫn binh đội thứ 5, thứ 6 tràn vào chiếm trại. Họ ùa vào phá tung kho vũ khí để phân phát cho quân dân cách mạng. Một số sĩ quan, hạ sĩ quan da trắng, lính Pháp, lính Lê Dương bị giết mà không trở tay kịp. Một ánh đèn pin lóe sáng, tên quan Tây đang tung chăn ngồi dậy, hoảng hốt. Lập tức, chiến sĩ cách mạng lao tới đâm dao vào ngực hắn. Hắn rú lên như con thú bị thương.
Tiếng reo hò vẫn vang dội lẫn trong tiếng súng. Tên quan hai Robert nằm chết bên xác vợ mà mắt chưa kịp nhắm. Người vợ hắn còn lõa lồ sau một đêm ái ân. Những chiến sĩ cách mạng đã lấy chăn đắp cho vợ hắn. Tên quan ba Jourdan vùng dậy vội vàng chạy ra cột cờ tìm cách tập họp binh lính dưới quyền để phản công, hắn đã bị bắn bể sọ. Tên đại úy Gainza, quan hai Reul, trung úy Robert, thượng sĩ Cunéo, trung sĩ Chevalier, Damour, Bouhier… đều bị giết chết bằng súng hoặc bị cắt cổ. Riêng tên Bouhier bị chết bởi mười bốn nhát mã tấu.
Trong lúc lộn xộn, viên thiếu tá Le Tacon lại may mắn thoát khỏi. Hắn tìm cách tập hợp số binh sĩ ở đồ Cao để lo cầm cự chống trả lại bão táp của quân cách mạng. Tại đây, sĩ quan và binh lính đội binh thứ 8 chưa được giác ngộ nên vẫn còn trung thành với chính phủ thuộc địa. Binh lính này đang ở những vị trí quan trọng để bảo vệ cơ dinh, nhà ở của thiếu tá Le Tacon đã bắn trả lại quyết liệt.
Sau khi chiếm xong trại dưới, lực lượng quân cách mạng bắt đầu tấn công lên đồi Cao. Trong thời gian này, Thanh Giang và Nguyễn Thị Giang đã cho báo cáo về Tổng bộ chiến tranh: Quân cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Trại Dưới vào lúc bốn giờ sáng. Nhận được tin, Nguyễn Thái Học và các lãnh tụ VNQD Đảng đã mừng chảy nước mắt. Để chặn lại những đợt chi viện quân từ Hà Nội của thực dân sẽ kéo lên, các chiến sĩ cách mạng đã cho cắt đường dây thép, dây điện thoại. Chỉ giữ lại đường Yên Bái – Lao Cao. Lá cờ hai màu vàng, đỏ của VNQD Đảng được kéo lên phất phới bay trong trại lính và ngoài thành phố Yên Bái.
Một cuộc họp khẩn cấp đã được Cai Hoằng, Thanh Giang, Nguyễn Thị Giang triệu tập ngay tại văn phòng của viên chỉ huy Jourdain để bàn kế hoạch tấn công đồi Cao. Chị Nguyễn Thị Giang phát biểu:
– Theo ý kiến của tôi, đề nghị anh Cai Hoằng ra lệnh tấn công ngay đồi Cao. Cho dù, hiện nay đồi Cao đã được tên Le Tacon chuẩn bị đề phòng rồi. Nhưng không còn cách nào khác, phải tấn công trước lúc trời sáng, nếu không thì sẽ bất lợi cho chúng ta.
Cai Hoằng cau mặt suy nghĩ một hồi, ông đáp:
– Chí phải. Phải tấn công trước lúc chúng phản công lại. Tôi thay mặt Đảng hạ lệnh phải tấn công vào lúc trước trời sáng!
Quân đội cách mạng theo lệnh đó, bắt đầu tiến lên đánh đồi Cao. Những chiếc phi cơ của thực dân đã kịp thời đến tiếp viện, nó lượn bay từng vòng trên bầu trời Yên Bái rồi xả súng bắn xuống đầu quân cách mạng như lửa bão.
Thiếu tá Le Tacon hoảng sợ lắm, lúc này hắn ra lệnh cho binh đội thứ 8 xuống chiếm lại trại Dưới, nhưng đều bị quân khởi nghĩa chống trả mãnh liệt nên phải rút về đồi Cao. Còn đội binh thứ 7 trong lúc biến động còn lúng túng, nhưng sau đó, các quan chỉ huy đã tập họp lại được những binh sĩ dưới quyền và trang bị lại vũ khí như đội binh thứ 9. Như vậy, vào lúc trời sáng hẳn thì toàn binh đội thứ 7 và thứ 8 đều được thực dân tập họp được. Thiếu tá Tacon tổ chức lại đội ngũ, chia làm ba nhóm: Một nhóm do quan Ba Roccas chỉ huy, nhóm thứ hai do quan Một Varenne điều khiển, còn nhóm thứ ba do viên đội Olivier phụ trách và tất cả đều đồng loạt mở các cuộc phản công tái chiếm tại Dưới.
Trên đầu thì phi cơ của thực dân xả đạn như vãi thóc đã làm đội ngũ quân cách mạng hỗn loạn. Bên cạnh đó, những đợt phản công từ đồi Cao tràn xuống…
Quân cách mạng không giữ được vị trí của mình. Họ bỏ chạy tán loạn. Những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này đã xảy ra sự tranh luận gay gắt, có người đề nghị vẫn cố thủ để chờ viện binh của Nguyễn Thế Nghiệp từ Vân Nam kéo về, có người lại đề nghị tạm thời rút vào rừng để giữ an toàn cho lực lượng. Trước cảnh rối loạn đó, Cai Hoằng đành thúc thủ, không còn cách nào khôi phục lại trật tự nên hạ lệnh tạm thời rút vào rừng.
Đến 9 giờ sáng ngày hôm đó thì Công sứ tỉnh Yên Bái đã điện về Hà Nội cho biết là đã dẹp xong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Những toán tính tuần tiễu kiểm soát các đường phố và ngoại thành phố. Trưa hôm đó, lo sợ quân cách mạng sẽ tổ chức phản công, một chuyến xe lửa đặc biệt đã chở nhiều lính Pháp lên tăng cường cho Yên Bái. Đồng thời thực dân cũng cho thiết lập một đồn ở Gia Lâm để kiểm soát việc đi lại qua cầu Doumer (còn gọi là cầu Long Biên). Phi cơ được lệnh khẩn cấp liên tục bay quần trên vòm trời Hà Nội – Yên Bái.
Tính ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã kéo qua một đêm, sau này các sử gia Pháp đã nhận định trong quyển Le nuit rouge de Yen Bay như sau: “Cuộc khởi loạn ở Yên Bái là sụ kiện độc nhất trong nhà binh sứ An Nam”. Một số chiến sĩ cách mạng bị địch bắt thì ngay chiều hôm đó, chúng đã trả thù bằng cách xử bắn ngay tại chỗ mà không đưa ra tòa xét xử. Ngoài việc tháo cờ VNQD Đảng xuống, thực dân Pháp đã kinh ngạc khi tìm thấy tờ Hịch khởi nghĩa ký tên Nguyễn Thái Học và những câu khẩu hiệu viết bằng máu:
Đuổi giặc Pháp về nước Pháp
Đem nước Nam trả người Nam
Cho trăm họ khỏi lầm than
Được thêm phần hạnh phúc
Lê Minh Quốc