Vũ khí châu Á: Nam Hàn nổi bật là bên bán, Việt Nam là bên mua
Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn bán vũ khí trên toàn thế giới được công bố hôm nay, 11/12/2017 tại Stockholm, Thụy Điển, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận là sau 5 năm sụt giảm, hoạt động buôn bán vũ khí đã gia tăng trở lại trong năm 2016.
Danh sách các “đại gia” vũ khí vẫn không thay đổi, với Mỹ đi đầu, bán ra 57,9% tổng lượng vũ khí trên toàn cầu, đứng thứ nhì là Anh Quốc, nhưng rất xa đằng sau so với Mỹ chỉ có 9,6%, bám sát là Nga với 7,1%, và Pháp đứng thứ tư với 5%.
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy các thương vụ vũ khí, theo Viện SIPRI, là tình hình căng thẳng gia tăng tại một số khu vực trên thế giới, đứng đầu là tại châu Á, mà cụ thể là ở khu vực Bắc Hàn, với mối đe dọa hỏa tiễn và nguyên tử Bình Nhưỡng ngày càng rõ nét, và ở Biển Đông, nơi các hành động bành trướng của Trung Cộng buộc các láng giềng tăng cường năng lực quân sự để đối phó.
Báo cáo năm nay của SIPRI đặc biệt ghi nhận sự vươn lên của Nam Hàn trong vai trò nước sản xuất vũ khí quan trọng trên thế giới, chủ yếu là để tự trang bị cho quân đội của mình, nhưng đồng thời cũng đã bắt đầu xuất qua nhiều nước khác trong vùng và ngoài vùng.
Vào năm 2016, ngành công nghiệp vũ khí Nam Hàn chiếm giữ đến 2,2% doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rõ ràng đã khiến chính phủ Nam Hàn gia tăng đáng kể chi phí quân sự của minh và đặt hàng cho ngành doanh nghiệp vũ khí trong nước. Theo số liệu của SIPRI, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ Nam Hàn dành cho quốc phòng trong năm 2016 thuộc hàng cao nhất thế giới.
Theo số liệu chính thức, xuất khẩu vũ khí của Nam Hàn trong năm 2006 chỉ đạt 253 triệu đô la, nhưng qua năm 2016 đã đạt 2,5 tỷ đô la. Các loại hỏa tiễn, pháo phản lực, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Nam Hàn được đặc biệt ưa chuộng tại vùng Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.
Theo SIPRI, 7 công ty chế vũ khí Nam Hàn hiện thuộc loại 100 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Nổi bật là công ty Công Nghiệp Hàng Không Nam Hàn (KAI) xếp hạng thứ 48. Đây là công ty đã phát triển loại phi cơ huấn luyên siêu âm T-50 Golden Eagle với hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ.
Nếu Nam Hàn được nhắc tới trong tư cách nhà cung cấp, thì Việt Nam đã được SIPRI chú ý trong tư cách khách hàng.
Chuyên gia Aude Fleurant, giám đốc Chương trình Chi tiêu quân sự tại SIPRI, cho rằng động lực thúc đẩy các vụ mua bán vũ khí cũng là các tranh chấp khu vực, chẳng hạn như tranh chấp Biển Đông giữa Trung Cộng, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Theo chuyên gia này, căng thẳng đã tăng hẳn lên từ năm 2014 khi Trung Cộng cho xây đảo nhân tạo, biến các nơi do Bắc Kinh chiếm giữ thành căn cứ có sân bay, bến cảng và các hệ thống vũ khí, đồng thời đòi tàu chiến và máy bay Mỹ rời đi xa.
Trong tình hình đó, đối với bà Fleurant : “Các quốc gia như Việt Nam đã đặt mua tàu ngầm và máy bay tuần tra biển, nhằm ứng phó với hành vi được cho là quyết đoán của Trung Cộng trong tranh chấp lãnh thổ “.
Theo tin RFI