Vụ Formosa thách thức chính quyền Việt Nam và các tập đoàn ngoại quốc
Vụ công ty Formosa gây ô nhiễm nặng vùng bờ biển miền Trung Việt Nam và cách xử lý bị cho là không thỏa đáng của chính quyền phải chăng sẽ có nhiều ảnh hưởng về kinh tế. Trong bài phân tích ra ngày 06/10/2016, nhật báo kinh tế Anh Financial Times đã xem vụ tai tiếng liên quan đến một đại công ty ngoại quốc là một thách thức đối với cao vọng của chính quyền Việt Nam, muốn biến đất nước thành một trung tâm gia công cho toàn vùng Đông Nam Á.
Vụ ô nhiễm này được cho là liên quan đến rất nhiều vấn đề lớn đang tồn tại ở Việt Nam trong đó có tâm lý chống Trung Quốc rất nặng nề trong dư luận, thiếu sót trong các quy định về quản lý, và sự thiếu minh bạch trong đời sống công cộng.
Nhật báo Anh trước hết ghi nhận một mẫu số chung giữa vụ công ty Formosa gây ô nhiễm nghiêm trọng với các vụ cưỡng bức và bóc lột lao động đã gay chấn động trong ngành khai thác hải sản tại Đông Nam Á gần đây: Đó là xu hướng các đại công ty ngày càng tập trung vào việc thiết lập cơ sở trong vùng Đông Nam Á, vừa để thủ lợi từ các chính sách thu hút đầu tư của các quốc gia sở tại, vừa chen chân được vào các thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Riêng về vụ Formosa, sau khi đã chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la thiệt hại, công ty này sẽ phải đối phó với hàng loạt đơn kiện của ngư dân miền Trung Việt Nam, và nhất là một phong trào phản đối rầm rộ của người dân, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình huy động được hàng ngàn người tham gia hôm đã biểu tình hôm 02/10/2016 trước nhà máy của công ty này ở Hà Tĩnh.
Trước đó, từ khi vụ ô nhiễm bị phát giác vào tháng Tư, làm cá chết hàng loạt dọc theo 200 km bờ biển miền Trung, biểu tình đã diễn ra tại các thành phố lớn của Việt Nam phản đối Formosa, một trong những công ty lớn nhất trong số 2000 công ty Đài loan ở Việt Nam. Hàng trăm ngư dân đã đệ đơn kiện công ty này trước tòa án Hà Tĩnh.
Vấn đề đáng nói, theo Financial Times, là chính quyền Việt Nam thoạt đầu đã bênh vực công ty Forsoma, giảm nhẹ khả năng Formosa có trách nhiệm trong sự cố và cho rằng các cuộc biểu tình đã bị các thành phần “phản động” tổ chức.
Tuy nhiên, áp lực của quần chúng không giảm, và đến tháng Sáu vừa qua, Formosa đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi và thông báo 500 triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại, ngay sau khi chính phủ Việt Nam công nhận là theo kết quả điều tra Formosa có trách nhiệm trong sự cố ô nhiễm khí thải chất độc hại ra biển làm cá chết.
Cho dù vậy, chính quyền Việt Nam đã tỏ ý muốn trấn an công ty Formosa, khi hàm ý cho rằng sẽ không đi xa hơn những gì đã quyết vì Việt Nam “đang xây dựng môi trường đầu tư (và) hình ảnh hội nhập cũng như đang tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế”.
Đây cũng là thông điệp mà Hà Nội muốn gởi đến giới đầu tư quốc tế, đang có xu hướng chọn Việt Nam làm cơ sở gia công để tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ.
Giáo sư Pavida Pananond về kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh Doanh Thammasat (Bangkok) tuy nhiên đã lưu ý rằng vụ Formosa “là một bài học quan trọng cho các công ty đa quốc gia : Họ không còn có thể thoái thác trách nhiệm một cách dễ dàng tại những quốc gia mà tiêu chí về môi trường còn lỏng lẻo”.
Đối với vị giáo sư này, vụ Formosa còn cho thấy là chính quyền các nước tiếp nhận đầu tư không còn có thể chạy theo đầu tư mà không màng đến đời sống, sự an toàn người dân tại chỗ.
Trọng Nghĩa