Vụ Formosa: Hơn 61.000 chữ ký ra thỉnh nguyện thư kêu cứu quốc tế

Thảm hoạ Formosa, Hà Tỉnh

Một thỉnh nguyện thư đang được lưu hành với hơn 61.000 chữ ký gởi đến chính phủ Đài Loan và các tổ chức quốc tế gây áp lực buộc Công ty Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng, cải tạo môi trường và trục xuất Formosa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Thỉnh nguyện thư do Ban Hỗ trợ Nạn nhân môi trường biển thuộc giáo phận Vinh đề xuất lấy chữ ký trực tiếp của ngư dân bị thiệt hại được thực hiện từ đầu năm 2017 và mở rộng lấy chữ ký online vào cuối tuần vừa rồi.
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh cho VOA biết rằng hiện nay đã có hơn 61,531 người ký thỉnh nguyện thư trên trang thamhoaformosa.com, dù trang này thường xuyên bị tấn công.

Với hơn 200 chữ ký đầu tiên hầu hết là của các tu sĩ Công giáo thuộc Giáo phận Vinh, đứng đầu là Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh. Thông điệp của Đức cha Nguyễn Thái Hợp viết trên thỉnh nguyện thư là: “Con cháu chúng ta sau này sẽ hỏi: vào thời điểm đất nước lâm nguy, Biển Đông bị ô nhiểm, ông bà, cha mẹ đã làm gì để cứu biển và cứu chúng tôi?”

Linh mục Đặng Hữu Nam cho biết thêm:

“Điều này thì chính Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Giám mục giáo phận Vinh, cũng như tất cả các linh mục trong giáo phận Vinh đã ký vào thỉnh nguyện thư này.”

Linh mục Đặng Hữu Nam trong một cuộc biểu tình yêu cầu Formosa bồi thường

Linh mục Đặng Hữu Nam trong một cuộc biểu tình yêu cầu Formosa bồi thường

Linh mục Nam cho biết lý do thực hiện thỉnh nguyện thư như sau:

“Formosa gây họa tại Việt Nam, người dân là nạn nhân trực tiếp của thảm họa này. Suốt ba tháng trời mặc dù người dân phản ứng bằng cách biểu tình khắp nơi, từ Hà Nội đến Sài gòn, nhưng nhà cầm quyền đàn áp một cách dã man, rồi chối tội cho Formosa, còn thảm họa thì nhân dân phải gánh chịu. Trong một hoàn cảnh như vậy, Ban hỗ trợ ngư dân, các linh mục trong giáo phận Vinh trợ giúp cho người dân, không chỉ là xuống đường biểu tình, lễ cầu nguyện, mà còn ký thỉnh nguyện thư xin can thiệp từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân quyền, bảo vệ môi trường lên tiếng để góp phần làm minh bạch cũng như giải quyết thảm họa Formosa.”

Theo linh mục Nam, trong gần một năm qua, chính quyền Việt Nam quay lưng lại lợi ích của người dân trong sự cố Formosa, người dân đệ đơn lên tòa án thì bị ngăn cản, bức hại, sách nhiễu.

Anh Lê Văn Sơn, một nhà vận động vì môi trường biển đã ký vào thỉnh nguyện thư và chia sẻ như sau:

“Cùng nhau lên tiếng, vận động thế giới quan tâm đến thảm họa Formosa tại Việt Nam. Tôi thấy việc làm này là hết sức có ý nghĩa đối với môi trường sống của người Việt Nam và tôi ký tên. Tôi ký tên yêu cầu công ty Formosa phải ra khỏi Việt Nam. Đó là một quan điểm dứt khoát, rõ ràng. Công ty Formosa phải chấm dứt việc xả thải, chất độc ra biển miền Trung. Chấm dứt sự hoạt động, hiện diện của Formosa tại đất nước Việt Nam.”

Theo trang ThamhoaFormosa.com, thỉnh nguyện thư được dịch ra nhiều thứ tiếng và gởi đến tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng chính phủ Đài Loan, Chương Trình Môi Trường của Liên Hiệp Quốc (UNEP), Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Các tổ chức, hiệp hội bảo vệ môi trường quốc tế và những người yêu chuộng công lý và bảo vệ môi trường.

Thỉnh nguyện tư viết: “Tháng Tư, 2016, công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.”

Thỉnh nguyện thư viết tiếp: “thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá…Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập…Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.”

Thỉnh nguyện thư cho biết số tiền bồi thường 500 triệu đôla là “rất nhỏ so với thiệt hại nhưng nhà cầm quyền chỉ phát lại một phần nào trong số đó cho các người dân trong danh sách mà họ lập ra, không phải toàn thể những nạn nhân. Đã vậy, nhà cầm quyền địa phương còn ma mãnh, phân phát theo ý riêng, không đúng thực tế khiến dân chúng biểu tình chống đối.”

Một cuộc biểu tình vì môi trường

Một cuộc biểu tình vì môi trường

Trước tình hình như thế, Ban Hỗ Trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển giáo phận Vinh và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam kêu gọi “Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh” trên đất nước Việt Nam.

Linh mục Nam cho biết việc truy cập vào trang của thỉnh nguyện thư có thể khó khăn vì bị chính quyền tấn công.

Anh Lê Văn Sơn cho biết rằng thỉnh nguyện thư sẽ được quốc tế chú ý vì đó là một tiếng nói hiệp nhất mạnh mẽ của người dân và các linh mục thuộc giáo phận Vinh:

“Có rất nhiều người dân, thậm chí có người không rành về máy vi tính, mạng xã hội, nhưng đã ký bằng cách danh sách với chữ ký sống, đặc biệt là các giáo sứ và giáo phận Vinh. Đó là một tiếng nói hiệp nhất vô cùng to lớn.”

Trong khi đó, chính quyền Nghệ An luôn tìm cách công kích và sách nhiễu các hoạt động hỗ trợ ngư dân của các linh mục thuộc giáo phận Vinh. Đài truyền hình Nghệ An và VTV hôm 24/3, nói rằng Linh mục Đặng Hữu Nam và linh mục Nguyễn Đình Thục của giáo phận Vinh “nhận tiền nước ngoài để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện Formosa.”

Phát động ‘Vì môi trường biển miền Trung Việt Nam’ tại Đài Loan. (Ảnh: EJA)

Phát động ‘Vì môi trường biển miền Trung Việt Nam’ tại Đài Loan. (Ảnh: EJA)

Linh mục Đặng Hữu Nam cho VOA biết rằng, “mấy ngày qua, chính quyền dùng mọi nguồn lực để ‘đánh’ hội đồng chúng tôi, dùng đủ mưu hèn kế độc. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ cho người dân. Chúng tôi không làm gì sai.”

Theo nhận định của tác giả David Hutt trên báo The Diplomat hôm 22/3, các nhà hoạt động Việt Nam thời gian gần đây tập trung nỗ lực vào vấn đề môi trường, bởi vì vấn đề này đã trở thành quốc nạn.

Báo The Diplomat còn nhận định rằng những mối lo ngại về môi trường đang thách thức nghiêm trọng tính chính danh của nền chính trị Việt Nam, vốn không có bầu cử tự do và không có sự tham dự có ý nghĩa nào của công chúng. Tác giả dự đoán rằng, “nếu không giải quyết thành công các vấn nạn môi trường, nhà cầm quyền cộng sản chỉ còn một con đường là bóp nghẹt mọi ý kiến bất đồng và xem như không có chuyện gì xảy ra.”

Tin VOA

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt