Việt Nam và Ấn Độ kêu gọi tuân thủ tuyệt đối luật quốc tế ở Biển Đông

TT Ấn Độ Ram Nath Kovind (Trái) đón tiếp Trần Đại Quang tại phủ tổng thống ở New Delhi ngày 03/03/2018.

Ngày 04/03/2018, chủ tịch nước Cộng Sản Việt Nam Trần Đại Quang rời Ấn Độ, kết thúc ba ngày công du nhằm tăng cường quan hệ hợp tác trên mọi mặt. Trong bản Tuyên Bố Chung đúc kết chuyến thăm, hai bên đặc biệt nhấn mạnh đến quyết tâm đẩy mạnh hợp tác song phương trong lãnh vực quốc phòng và an ninh, đồng thời nhất trí kêu gọi “tuân thủ tuyệt đối” luật pháp quốc tế, trong đó có việc duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.
Lãnh vực quốc phòng và an ninh đã được hai bên nêu bật trước tiên trong bản Tuyên Bố Chung, xem đấy là “trụ cột quan trọng, hiệu quả” của quan hệ Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt – Ấn.

Ấn Độ khẳng định trở lại quyết tâm hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quốc phòng, và cung cấp thiết bị, cụ thể là “đẩy nhanh thực hiện” gói tín dụng 100 triệu đô la đóng tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam và “sớm ký Hiệp định khung” về việc sử dụng gói tín dụng 500 triệu đô la cho công nghiệp quốc phòng, tức là trang bị thêm vũ khí cho Việt Nam.

Như thông lệ, hồ sơ Biển Đông vẫn được hai bên quan tâm, và chủ tịch nước Việt Nam đã “hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí… tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ), và đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ tích cực nghiên cứu, sớm có đề xuất với những lô dầu khí phía Việt Nam đã giới thiệu.”

Tuyên bố chung đã dành riêng một đoạn để đề cập đến vấn đề tranh chấp Biển Đông, trong đó “nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc tế, đặc biệt Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đó là việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế một cách thiện chí, duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.”

Tuyên Bố Chung Việt-Ấn vừa công bố được cho là sẽ không làm cho Trung Cộng hài lòng vì đề cập nhiều đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là sự kiện Việt Nam kêu gọi các công ty Ấn Độ đến thăm dò dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh từng phản đối việc tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ được Việt Nam cấp phép thăm dò tại một lô mà Trung Cộng cho là thuộc chủ quyền của họ.

Bên cạnh đó, Ấn Độ và Việt Nam vẫn tiếp tục nhấn mạnh trở lại đến sự cần thiết phải “tuân thủ tuyệt đối luật pháp quốc tế, đặc biệt Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982″, trong lúc Trung Cộng đã công khai lên tiếng phủ nhận một phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, đã căn cứ vào luật quốc tế để bác bỏ cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Đông.

Theo RFI

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt