Việt Nam-Mỹ nỗ lực giải quyết tránh thuế quan
Việt Nam và Mỹ đang nỗ lực giải quyết các vấn đề thương mại để ngăn chặn việc tăng thuế theo Mục 301 của Luật Thương mại 1974, theo một nguồn tin biết về hai cuộc điều tra đang cùng lúc được tiến hành của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR = United State Trade Representative ) đối với các hành vi thương mại của Việt Nam nói với Inside US Trade.
USTR đầu tháng 10 bắt đầu hai cuộc điều tra theo Mục 301 về việc định giá tiền tệ và nhập khẩu, sử dụng gỗ của Việt Nam. Sau khi tổ chức các phiên điều trần công khai vào cuối tháng trước, USTR đã cho hai bên quan tâm cơ hội để gửi nhận xét sau phiên điều trần đến hết ngày 7/1 và dự kiến đưa ra kết quả về hai cuộc điều tra này trước khi Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở vào ngày 20/1.
Theo Inside US Trade, USTR có chưa đầy 2 tuần trước khi lễ nhậm chức của tân Tổng Thống Mỹ vào ngày 20/1 để hoàn tất cuộc điều tra, theo sau là một đề xuất các hành động được đệ trình lên TT Trump và một thời gian lấy ý kiến công chúng về đề xuất này.
“Cả hai bên đang làm việc chặt chẽ để giải quyết các vấn đề thương mại thông qua tham vấn và hợp tác,” nguồn tin này nói với mạng tin tức chuyên về thương mại có trụ sở ở khu vực Washington DC. “Các cuộc hội đàm cấp cao đã được tiến hành gần đây với những cam kết khả quan.”
Bộ Công thương Việt Nam hôm 8/1 cho biết Trần Tuấn Anh, Bộ Trưởng Bộ Công thương nhà nước VN có cuộc điện đàm với Trưởng Đại Điện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, trong đó người đứng đầu bộ này nói Việt Nam “sẵn sàng phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tích cực với Hoa Kỳ trong quá trình điều tra”. Trong cuộc điện đàm này, ông Lighthizer cho biết hiện USTR vẫn đang trong quá trình điều tra và “hoàn toàn chưa bàn đến bất cứ kết luận nào với Việt Nam” cũng như cho biết thông tin “thất thiệt” về việc USTR đã có kế hoạch tăng thuế đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là “hoàn toàn không chính xác.”
Reuters tháng trước trích dẫn các nguồn tin riêng cho rằng TT Trump có khả năng sẽ công bố các mức thuế đề xuất đối với hàng hoá Việt Nam trước khi ông rời nhiệm sở. Tại buổi điều trần của USTR hôm 29/12, nhiều lãnh đạo công nghiệp Mỹ lên tiếng lo ngại rằng Đại diện Thương mại Lightizer và TT Trump có quyết định tăng thuế quan lên hàng hoá Việt Nam trước ngày 20/1.
Bộ Tài chính Mỹ giữa tháng trước định danh Việt Nam là quốc gia “thao túng tiền tệ” và điều này càng làm tăng cao lo ngại về khả năng đánh thuế lên hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ của chính quyền Trump.
Trong nỗ lực gỡ bỏ cáo buộc của Washington đối với Hà Nội về “thao túng tiền tệ” nhằm tránh bị chính quyền TT Trump ra quyết định tăng thuế, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao nhà cầm quyền Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 6/1 đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đánh giá cao việc hai bên duy trì trao đổi về vấn đề này.
Bộ Công Thương Việt Nam nói rằng cuộc điều tra này có thể “gây ra nhiều tác động không mong muốn, không chỉ tổn hại đến quan hệ song phương, lòng tin chiến lược và các nỗ lực hợp tác giữa hai nước mà còn ảnh hưởng đến hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động, người tiêu dùng ở Việt Nam và Hoa Kỳ”.
Các nhà phân tích thương mại hôm 7/1 dự báo về khả năng các cuộc điều tra của USTR có thể diễn tra trong những ngày tới. Theo nhận định được Inside US Trade trích dẫn, chính quyền Trump đã cho thấy xu thế sử dụng thuế quan như một công cụ thương mại và các hành động chống lại Việt Nam từ lâu được coi là một hành động vào phút cuối của nhóm thương mại của tổng thống.
Tuy nhiên người sáng lập và chủ tịch của Schagrin Associates, Roger Schagrin, cho biết trong một hội thảo trực tuyến do Hiệp Hội Thương Mại Quốc tế Washington tổ chức hôm 7/1 rằng USTR có khả năng sẽ đưa ra kết quả các cuộc điều tra trong tuần này nhưng không thực hiện bất kỳ hành động nào, theo Inside US Trade.
“Tôi khá chắc chắn rằng họ sẽ không thực hiện bất kỳ hành động nào dựa trên báo cáo của họ nhưng sẽ để điều đó cho danh sách những việc cần làm của Đại Diện Thương mại Hoa Kỳ kế tiếp Katherine Tai để bà ấy đề xuất với Tổng thống Biden những hành động cần được thực hiện sau khi có kết quả,” ông Schagrin nói. Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết ông sẽ đề cử bà Tai, một luật sư thương mại của Ủy Ban Thuế Hạ viện, làm người đứng đầu USTR.
Trong một thông tin liên quan, hơn 150 công ty và 50 hiệp hội đã gửi một lá thư chung tới Tổng thống Donald Trump, yêu cầu không áp đặt thuế quan theo Mục 301 đối với hàng hóa Việt Nam và nói rằng nó có thể cản trở khả năng cạnh tranh toàn cầu của Hoa Kỳ cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ trong bối cảnh của đại dịch virus Vũ Hán.
Theo họ, Việt Nam vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Hoa Kỳ và là nhà cung cấp nguyên liệu quan trọng cho các nhà sản xuất Mỹ.
Theo tin VOA