“Việt Nam mộng” trong bài diễn văn của Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tokyo
Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc sáng hôm nay có bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23, tổ chức tại Tokyo. Chủ đề Hội nghị kỳ này là “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường – Bước đi tiếp theo của châu Á”. Không biết nguyên văn bài nói chuyện của ông Phúc là thế nào. Bài tóm lược đăng trên các báo trong nước rõ ràng là có nhiều vấn đề cần bàn luận.
Mở đầu bài phát biểu ông Phúc đã không sai khi dẫn Adam Smith để tán dương rằng “chìa khóa cho sự thịnh vượng của một quốc gia đó là “tự do tự nhiên”. Mặc dầu cắt tỉa bớt hoa lá cành của “tự do tự nhiên” để “túm gọn” tự do này vào “tự do sản xuất” và “tự do trao đổi hàng hóa” theo nhu cầu tự nhiên. Ông Phúc chắc phải biết rằng Adam Smith là “cha đẻ” của nền kinh tế chính trị của các nước tư bản hiện đại. Đó là nền kinh tế tự do (libérale) được qui định bằng một hệ thống luật lệ mà nền tảng là “sự tự điều hòa – autorégulation”. Nói gọn thì Adam Smith là “ông tổ” của chủ nghĩa tư bản.
Vấn đề là ý kiến của ông Phúc khi dẫn Adam Smith và nhìn nhận sự “thịnh vượng” của các nước tư bản, thì ông Phúc đã thẳng thắn phỉ nhổ vào “thành quả cách mạng” mà đảng cộng sản của ông đã “gặt hái” từ trên 5 thập niên qua.
Chủ nghĩa cộng sản (với lý thuyết mác xít lê nin nít) đối lập hoàn toàn (thực ra là đối nghịch) với các lý thuyết về tự do của Adam Smith (và các lý thuyết gia khác thuộc trường phái “tự do-libérale”). Trong quá trình xây dựng “xã hội chủ nghĩa”, mà thực chất là “thanh lọc” các giai cấp tư sản, trí thức… chủ nghĩa này đã phạm vào “tội ác nhân loại”, gây ra trên 100 triệu nạn nhân trực tiếp.
Riêng ở VN, việc áp dụng chủ nghĩa cộng sản đã gây ra một cuộc nội chiến với khoảng 4 triệu người chết. Đó là chưa nói tới sự tàn phá các giá trị về văn hóa truyền thống, mối giềng đạo đức nòi giống.. qua các cuộc “cách mạng văn hóa”, “Nhân văn giao phẩm”, “cải tạo công thương nghiệp” v.v…
Tán dương ông tổ chủ nghĩa tư bản đồng thời nhìn nhận sự thành công, thịnh vượng ở các xứ tư bản, ông Phúc đã chân thành thú nhận sự thất bại, nếu không nói là sự phá sản toàn diện của cái gọi là “xã hội chủ nghĩa”, không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên bình diện thế giới.
Nhưng ý kiến của ông Phúc lại dấy lên mối mâu thuẩn trầm trọng giữa ông Phúc với ông Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN.
Nghị quyết 5 của TƯ mà ông Trọng vừa ký được báo chí đăng tải rộng rãi. Ta thấy theo đó ông Trọng vẫn nhứt quyết khẳng định “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Điều này có nghĩa là ông Trọng lựa chọn cùng lúc “sự thịnh vượng của các nước tư bản” và sự “phá sản của chủ nghĩa xã hội”.
Ông Phúc “nói láo” cho mọi người nghe sướng tai hay ông Trọng “viết láo” để khẳng định sự lãnh đạo của đảng CS?
Câu trả lời xin dành cho mọi người. Nhưng khi sự mâu thuẩn đã thành hình, giữa cơ quan hành pháp thuộc quốc gia và sự định hướng chính trị chủ đạo của đảng cầm quyền, kết quả sẽ là “vũ như cẩn”, VN sẽ dậm chưn tại chỗ, như đã thấy từ nhiều thập niên qua. Cho đến Campuchia cũng đã qua mặt. Nhiều lãnh vực, như về chính trị và kinh tế, đảng CSVN nên tôn ông Hunsen lên làm “sư phụ”.
Thứ hai, ông Phúc nhìn nhận “Biến đổi khí hậu cùng với những thảm họa về bệnh dịch, thiên tai, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người. Mối lo ngại về sự đồng nhất và một nền văn hóa phổ quát sẽ làm phai nhạt tính độc đáo và các giá trị bản sắc châu Á” là những “thách thức” việc “hội nhập toàn cầu” của Châu Á.
Ông Phúc nhắc đến “biến đổi khí hậu” mà không nhắc đến ô nhiễm đem lại do tài phiệt bất lương sử dụng công nghệ lỗi thời ở các nước đang phát triển, như Việt Nam mà Formosa là một thí dụ. Đây là một thiếu sót lớn lao. Ông Phúc không nhắc vì đây là “cục ung thư” trên hoạn lộ của mình. Ông Phúc là người đại diện nhà nước, quyết định thỏa thuận với Formosa để nhận 500 triệu tiền bồi thường. Thay vì nhà nước giữ vai trò “giám sát” của mình, để cho nạn nhân (dân 4 tỉnh miền Trung) trực tiếp làm việc với Formosa, bằng thương thuyết hay qua một trọng tài VN hay quốc tế, để tìm một phương án thỏa mãn cho tất cả các bên. Đến nay, rõ ràng ô nhiễm do Formosa gây ra là một yếu tố bất ổn, vì nó làm đảo lộn đời sống của hàng trăm ngàn người dân VN, mầm bệnh được gieo rắc, tương lai bất định vì biển chết mà rừng cũng chết.
Còn về “văn hóa”. Nếu ông Phúc “tự nhìn lại mình” thì thấy VN (và Bắc Hàn) rõ ràng là những nước có nền văn hóa lai căng, tạp chủng. Đảng CSVN đã “cào bằng”, đào xới đến tận gối rễ để xóa bỏ văn hóa nước nhà. Sau đó “đồng hóa”, nhứt thể hóa văn hóa VN vào văn hóa “mác xít lê nin nít”, gọi là “văn hóa mới xã hội chủ nghĩa”. Nhìn lại các nước chung quanh, “văn hóa VN” bây giờ không giống ai. Các dịp lễ lộc vào dịp tết, ta có cảm tưởng VN, “một minh châu trời đông” (hạt ngọc sáng phương đông) trở thành một bộ lạc man rợ chưa thấy ánh sáng văn minh.
“Văn hóa mới XHCN” của VN mới là một cản trở, khiến VN như con cá mắc cạn, cố gắng vẫn vùng mà không thoát khỏi vũng bùn khô XHCN để nhảy vào ao nước trong lành kế bên.
TT Phúc cũng đề cập đến “văn hóa” trong phấn kết “Châu Á cần làm gì?”:
“Gia tăng sức mạnh mềm châu Á thông qua việc truyền thông, gìn giữ và phát huy tính đa dạng, nét độc đáo về bản sắc văn hóa và những “giá trị châu Á”… Đồng thời chúng ta mở cửa hợp tác, tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của các châu lục khác.”
Không cần nói đến “sức mạnh mềm của Châu Á” mà chỉ nên nói về VN thôi. Ta thấy có sự khác biệt một trời một vực, như trắng và đen giữa lời nói và việc làm của lãnh đạo VN.
Nhiều năm trước đảng CSVN đã có nghị quyết khuyến khích đối thoại, chấp nhận ý kiến khác biệt (miễn không làm thiệt hại đến chủ quyền đất nước). Rốt cục thấy gì ?
Những người chấp nhận “đối thoại” rốt cục đều bị xếp vào thành phần “phản động”.
Thì ra mục đích của đảng CSVN là lợi dụng “trăm hoa đua nở” của việc “đối thoại” để “nhận diện những người có ý kiến khác biệt”.
Số phận của những người này là gì? Dĩ nhiên là “cô lập”, ngay từ các trang internet cá nhân. Dán nhãn “thành phần xấu” cho những người này. Sau cùng là biện pháp cấm nhập cảnh.
Dĩ nhiên, khi anh xem người ta là “xấu”, người ta không thể đối xử “tốt” với anh. Xếp người ta vào thành phần “phản động”, “thù nghịch” dĩ nhiên người ta sẽ có các hành vi “phản động”, những lời nói “thù nghịch” ngược lại với anh.
Ta thấy sau hơn 40 năm chiếm được miền Nam, thành phần chống đối chế độ không hề giảm xuống. Đổ thừa cho “ngụy”, “thế lực phản động” là sai. Thành phần VNCH cũ, hầu hết đã chết già.
Nguyên nhân người ta chống đối, ngày càng nhiều, trong nước cũng như hải ngoại, là do đường lối chính trị, cách đối xử của nhà nước CSVN đối với chính người dân của mình.
Lãnh đạo đi ra nước ngoài phải lén lút, như vào Nhà Trắng phải vào bằng cửa hậu. Người dân tiếp đón lãnh đạo nước mình như tiếp đón kẻ thù.
Cái nào cũng có nguyên nhân của nó. Như đã nói, anh coi người ta là “kẻ thù” thì người ta sẽ coi lại anh như “kẻ thù”.
Với đường lối chính trị được đặt trên nền tảng “địch – ta”; với chủ trương phân biệt nhân dân mình thành hai khối “tốt – xấu”, “phản động – cách mạng”… thì đất nước này sẽ không bao giờ “hội nhập” được.
Chuyện trong nhà anh còn “hòa giải” không xong, thì làm sao anh “hội nhập” với người khác?
Chuyện trong nhà anh không xong, anh như một người bị chấn thương nội tạng. Thì làm sao xây dựng “sức mạnh mềm”?
Ông Phúc cũng nói về “giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm.”
Không biết ông nói về mình hay nói chung cho tương lai Châu Á?
Bài toán “mô hình phát triển” của ông Trọng vừa mới đưa ra hôm qua (Nghị quyết 5 của TƯ) : khẳng định kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài toán làm sao giải ? Vô phương phải không ? Làm thế nào để vừa theo XHCN phá sản với định hướng KTTT thịnh vượng?
Còn “tăng trưởng kinh tế xanh”, nói dễ làm không dễ. Hải sản VN hàng loạt bị trả về từ nhiều tháng nay. (Ở Pháp, đi mua một chai mắm nêm VN còn khó hơn hái sao trên trời). “Xanh” ở đây không chỉ có nghĩa là “cây xanh”, mà màu “xanh” của “Ecologie”. Kinh tế xanh là kinh tế không làm tổn hại cho môi trường.
Công nghiệp của VN là công nghiệp giết chết môi trường. Từ nam tới bắc, không chỉ ở vùng ven Formosa. Biển Hà Tiên nghiêu sò ốc hến chết nổi trắng bãi. Tôm hùm Phú Yến cũng chết hàng loạt. Đó chỉ là bề nổi băng sơn. Hà Nội đang có kế hoạch chặt bỏ 10 ngàn cây cỏ thụ. Còn ĐBSCL đang bị đe dọa “xóa sổ” vì hâm nóng địa cầu. Tất cả đều là ẩn số “bài toán phát triển xanh”.
Cuối cùng ông Phúc nói về “giấc mơ của các nước Châu Á”. Rõ ràng là ông Phúc hơi bị thiếu kiến thức.
Người ta nhắc “giấc mơ Mỹ” là giấc mơ của những công dân các nước muốn đến Mỹ lập nghiệp.
Người ta nói “Trung Hoa mộng” là người ta nói giấc mơ của Tập Cận Bình về tương lai một nước Trung Hoa.
Mỗi giấc mơ có ý nghĩa khác. Gộp chung lại rồi suy ra “giấc mơ Việt Nam”. Không biết khán giả có che miệng cười khi nghe ông Phúc nói hay không?
Nào là giấc mơ Paris cho Hà Nội, Singapour cho Sài Gòn…
Khi chưa chặt bỏ khúc đuôi “định hướng XHCN” thì mọi giấc mơ cũng đều là “giấc mơ” không thể thực hiện.
Không biết ông Phúc và tập đoàn CSVN có biết như vậy hay không?
Trương Nhân Thuấn