Việt Nam : Luật An ninh mạng của Việt Cộng bắt đầu có hiệu lực
Đạo luật An ninh mạng khắt khe, buộc các công ty internet phải gỡ bỏ tất cả những nội dung bị chính quyền cho là “độc hại”, bắt đầu có hiệu lực kể từ hôm nay 01/01/2019 tại Việt Nam. Những người chỉ trích tố cáo luật này là “một mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin”.
Luật An ninh mạng được Quốc Hội [CS] Việt Nam thông qua hồi tháng Sáu đã bị Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các nhà đấu tranh cho tự do internet chỉ trích là bắt chước Trung Cộng trong việc kiểm duyệt thế giới mạng.
Luật này buộc các trang mạng trong vòng 24 giờ phải gỡ bỏ mọi lời bình đe dọa đến “an ninh quốc gia”. Các công ty như Facebook, Google phải cung cấp dữ liệu của người sử dụng, khi chính quyền yêu cầu, và mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Bộ Công An CSVN, hồi tháng 10 đã khẳng định với Quốc Hội là đạo luật nhằm tự vệ trước tin tặc và diệt trừ “các thế lực thù địch, phản cách mạng” sử dụng internet, vào tháng 11 đã công bố dự thảo nghị định, cho các đơn vị liên quan 12 tháng để chuẩn bị thích ứng với luật mới.
Facebook trong một thông cáo gởi qua mail cho AFP cho biết cam kết bảo vệ quyền của người sử dụng và khả năng tự do biểu đạt, khẳng định “Chúng tôi sẽ gỡ bỏ mọi nội dung vi phạm các tiêu chí (của Facebook) khi được báo cáo”. Còn Google, mà Hà Nội cho biết đang tiến hành mở văn phòng tại Việt Nam, hiện chưa muốn đưa ra lời bình luận với hãng tin Pháp.
Theo các nhà đấu tranh, tự do thông tin tại Việt Nam đã bị thu hẹp kể từ năm 2016. Human Rights Watch (HRW) đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam xem xét lại Luật An ninh mạng và dời lại thời gian áp dụng. Ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách châu Á nhận định: “Luật này được soạn thảo để tăng cường khả năng giám sát của bộ Công An nhằm nhận diện những người chỉ trích và củng cố sự độc quyền của đảng Cộng Sản”.
Một tuần trước khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, Hội Nhà Báo Việt Nam đã công bố bản Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo, cấm các nhà báo đăng những tin tức, hình ảnh và bình luận “chống lại Nhà nước”.
Ông Daniel Bastard của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) tố cáo bản quy tắc nói trên và Luật An ninh mạng là “mô hình độc đoán nhằm kiểm soát thông tin”. Theo ông, luật này có nguy cơ làm các start-up phải suy nghĩ lại trước khi đến làm ăn tại Việt Nam, đất nước đang muốn trở thành trung tâm công nghệ ở Đông Nam Á.
Hơn phân nửa trong số 93 triệu dân Việt Nam sử dụng internet, và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia đứng đầu thế giới về tỉ lệ người sử dụng Facebook.
Thụy My RFI