Việt Nam hướng về Bắc Kinh ngày 18/3?
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, trong khi giới quan sát cho rằng Việt Nam sẽ “phải theo dõi kỹ” chuyến công du này.
Đây được coi là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa một thành viên nội các của chính quyền của Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trả lời báo giới hôm 7/3, theo Kyodo, ông Daniel Russel, Phụ tá Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng cuộc tiếp xúc giữa ông Tillerson và ông Tập mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tập Cận Bình.
“Ông ấy sẽ bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung – Mỹ trong vòng bốn năm tới”, ông Russel được hãng tin Nhật trích dẫn nói thêm như vậy về chuyến công du 3 nước châu Á của ông Tillerson, trong đó ông sẽ tới cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, nhận định với đài VOA Việt Ngữ rằng “hai cường quốc, mặc dù có những phát biểu hoặc xung đột về mặt lợi ích, nhưng về tổng thể, hai quốc gia này vẫn muốn đối thoại và trao đổi với nhau”.
Nhà nghiên cứu còn là thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo thuộc Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng “chắc chắn Việt Nam sẽ phải theo dõi kỹ các hành động sắp tới trong chuyến thăm này”.
“Mối quan hệ giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ ảnh hưởng tới toàn thế giới. Cho nên, không cứ riêng gì Việt Nam, mà hầu hết các quốc gia ở châu Á hoặc Đông Á hay Châu Á – Thái Bình Dương đều phải xem xét sự việc gặp giữa hai bên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải theo dõi là chắc chắn vì một bên là Trung Cộng, quốc gia láng giềng, có nhiều ân oán với Việt Nam, mà hiện bây giờ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Thứ hai là Hoa Kỳ, quốc gia đang trở thành đối tác quan trọng với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang nằm trong vòng xoáy giữa hai nước này”.
Trong bản tin hôm 8/3, tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong nhận định rằng ngoài các vấn đề như Bắc Hàn hay Đài Loan, Biển Đông cũng có thể là một vấn đề ưu tiên trong nghị trình nghị sự của ông Tillerson ở Bắc Kinh.
Trong cuộc điều trần tại quốc hội Mỹ trước khi trở thành ngoại trưởng hồi đầu năm nay, ông Tillerson đề xuất “chặn” Trung Cộng tiếp xúc các đảo nhân tạo mà nước này cấp tập xây dựng ở Biển Đông trong thời gian gần đây.
Đáp lại, Global Times, tờ báo có tư tưởng dân tộc của Trung Cộng, cảnh báo rằng chiến tranh sẽ bùng ra, nếu Washington làm vậy.
Trong khi đó, phát ngôn nhan Bộ Ngoại giao Cộng Sản Việt Nam Lê Hải Bình phản ứng với tuyên bố đó của ông Tillerson rằng “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là mục tiêu và lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực”.
Trước những thông tin khác nhau về sự cam kết của chính quyền Tổng thống Trump đối với Biển Đông, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng “Mỹ không thể bỏ qua lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được”.
Ông nói thêm:
“Trong cuộc chơi này, Trung Cộng là một tay chơi rất là giỏi, đang cân não phản ứng của Hoa Kỳ. Chỉ cần Hoa Kỳ có một cái gì đó có vẻ là xuống nước, hoặc là thay đổi chính sách, thì lập tức Trung Cộng sẽ trám ngay vào chỗ trống đó. Chính vì vậy, sau khi chính quyền của ông Donald Trump đã hiểu được vai trò quan trọng của châu Á – Thái Bình Dương, và đặc biệt là Biển Đông, thì Hoa Kỳ đã phải tái xuất hiện lại, và đầu tiên bằng cách đưa cái hàng không mẫu hạm tuần tra hàng hải, cho Trung Cộng thấy phần nào sức mạnh và quyết tâm can dự vào khu vực này của Hoa Kỳ”.
Kể từ khi ông Trump bất ngờ giành thắng lợi trước ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và trở thành tổng thống Mỹ mà nhiều nhà bình luận người Việt cho là “khó lường”, các nhà quan sát nói với Radio VOA Việt Ngữ rằng Hà Nội vẫn phải theo dõi mọi động thái của Hoa Kỳ để xem chính sách của Nhà Trắng với Việt Nam sẽ ra sao.
Theo VOA