Việt Nam-Hoa Kỳ: Blinken tìm cách nâng cấp quan hệ với Việt Nam khi Hà Nội đang chọn một lối đi hẹp
Tin Reuter Hà Nội, ngày 14/04 – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến thăm Việt Nam trong tuần này với hy vọng đạt được tiến bộ trong việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với một đối tác thương mại quan trọng có chung mối lo với Mỹ về sức mạnh ngày càng tăng của Trung Cộng trên Biển Đông.
Đối với Hà Nội, đó sẽ là một phép thử tế nhị: làm thế nào để thể hiện sự cởi mở với Mỹ mà không chọc giận Bắc Kinh, một nước láng giềng khổng lồ cung cấp các nguyên liệu sản xuất cho các mặt hàng thương mại xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Đó là một nỗ lực ngoại giao cân bằng [đu giây] mà Việt Nam đã thường sử dụng rất điêu luyện để thực hiện. Nhưng nay, trở nên phức tạp hơn trong một thế giới dường như đang chia thành hai khối đối lập, với một bên là Mỹ và các đồng minh của họ, còn bên kia là Trung Cộng và Nga.
Blinken đến Hà Nội vào thứ Sáu 14/4 và sẽ gặp các nhà lãnh đạo Việt Nam vào ngày 15/4 trước khi đến Tokyo để tham dự cuộc họp Bộ Trưởng ngoại giao của Khối G7.
Đây sẽ là chuyến thăm Hà Nội đầu tiên của ngoại trưởng trong chính quyền Biden, người nhậm chức vào năm 2021, mặc dù Phó Tổng Thống Kamala Harris đã đến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021.
Washington sẽ hy vọng đạt được tiến bộ trong việc thúc đẩy quan hệ ngoại giao thành “đối tác chiến lược” từ mối quan hệ mà trong thập niên qua được gọi là “đối tác toàn diện”.
Các quan chức Mỹ đã không nói mối quan hệ cao hơn này có thể đòi hỏi thêm những gì. Chuyên gia Đông Nam Á Murray Hiebert, người đã đến thăm Việt Nam vào tháng 2/2023 đã nói chuyện với các quan chức cao cấp của nhà cầm quyền Hà Nội, cho biết điều đó có thể bao gồm việc tăng cường hợp tác quân sự và cung cấp vũ khí của Mỹ.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có những giới hạn do chính sách của Việt Nam không cho phép nước ngoài đặt căn cứ, quân đội nước ngoài hoặc liên minh chống lại các nước khác. Hà Nội cũng ngần ngại khi thấy giá vũ khí tương đối cao của Mỹ và lo ngại rằng nguồn cung vũ khí này có thể bị các nhà lập pháp Mỹ chặn lại vì lý do nhân quyền.
Blinken cũng sẽ chính thức động thổ xây dựng một tòa đại sứ mới của Mỹ tại Hà Nội, nơi mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Đông Á, Daniel Kritenbrink, đã gọi là “một biểu tượng mới tuyệt vời” về cam kết của Mỹ đối với một “quan hệ đối tác và tình hữu nghị lâu dài”.
Khi ký ức về Chiến tranh Việt Nam ngày càng trở nên xa vời, Washington giờ đây coi Hà Nội, theo cách nói của Kritenbrink, là “một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực”.
CÂN BẰNG GIỮA BẮC KINH VÀ WASHINGTON
Các chuyên gia nói rằng Mỹ đã chính thức đề cập đến việc nâng cao quan hệ với Việt Nam dưới thời chính quyền ông Donald Trump, nhưng Hà Nội đã phản đối và dao động trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh, vốn có thể phản ứng tiêu cực với hành động này.
Việt Nam, trong khi lo ngại trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Cộng và phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng trên Biển Đông, vẫn có mối quan hệ kinh tế quan trọng với Bắc Kinh.
Hiebert và các nhà phân tích khác cho biết, mặc dù như vậy, Hà Nội hiện tại có vẻ đã sẵn sàng nâng cấp mối quan hệ với Mỹ, dù không có thông báo nào được mong đợi trong chuyến đi của ngoại trưởng Antony Blinken và có thể sẽ được để dành cho một cuộc trao đổi cấp cao hơn.
Tháng trước, chứng kiến cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cùng với chuyến thăm của Blinken có thể dẫn đến cuộc gặp giữa hai lãnh đạo vào tháng 7, kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác song phương chính thức giữa hai nước, theo các nhà phân tích.
“Cơ hội để Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên tầm chiến lược sẽ cao hơn với chuyến thăm của Blinken vì nó sẽ mở đường cho một cuộc gặp cấp cao hơn”, Bích Trần, nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến Lược và Quốc Tế của Washington, cho biết.
Denial Kritenbrink cho biết, Washington đang nỗ lực thuyết phục Việt Nam đa dạng hóa mua sắm quốc phòng thay vì chỉ mua từ Nga, một điều “rõ ràng là vì lợi ích của Việt Nam và cũng sẽ phù hợp với luật pháp Mỹ”.
Nhân quyền là một lĩnh vực nhạy cảm khác, vài giờ trước khi Blinken đến, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án việc Việt Nam bỏ tù một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng và nói rằng quan hệ đối tác song phương chỉ có thể phát huy hết tiềm năng nếu Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của mình.
Hôm 13/4, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Blinken “công khai và riêng tư thúc giục giới lãnh đạo Việt Nam chấm dứt việc lạm dụng có hệ thống quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa“.
Kritenbrink cho biết, ông “tin tưởng” Blinken sẽ nêu lên những lo ngại về nhân quyền khi tới Hà Nội.
Tin Reuter