Việt Nam: Giá xăng và gas giảm, sự bất ổn lại gia tăng

Sài Gòn với hàng triệu xe máy túa ra đường mỗi sớm mai và ùn ùn kéo về nhà mỗi chiều tối, nghẽn đường, kẹt xe, ngập nước, khói bụi… tất cả những hiện tượng này làm nên bộ mặt Sài Gòn mỗi ngày và giá xăng trước đây tăng vọt đã khiến cho lưu lượng xe trên đường phố giảm đáng kể. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, khi giá xăng giảm, vấn đề giao thông Sài Gòn lại một lần nữa đối mặt với hàng loạt khó khăn, rối rắm. Đặc biệt, khi giá xăng và giá gas giảm đã khiến cho Sài Gòn rơi vào cơn phấn khích tai hại trong giới lao công.

Một trạm xăng của Petrolimex ở Saigon

Niềm vui ảo…

Một người tên Hội, sống tại quận 1, Sài Gòn, cho biết: “Mình thì không đi đâu ra ngoài. Nói chung là người Việt Nam mình thì phù du, bèo bọt, không thiết tha lắm!”

Theo ông Hội, Tết dương lịch 2015 ở Sài Gòn có thể nói là một cái Tết “hoành tráng” nếu nhìn từ bên ngoài. Lượng người kéo ra đường đón Tết cũng như các chương trình pháo hoa, sân khấu biểu diễn đón Tết diễn ra ở khắp mọi nơi trong thành phố với mật độ khá đông. Đương nhiên là người dân có nhiều lý do để vui, vì chí ít thì cũng từ tháng Giêng năm 2015, họ bớt đi gánh nặng về chi phí xăng, gas và hy vọng một ngày nào đó, giá điện cũng xuống thấp, xem như đời sống tạm ổn.

Người dân kéo nhiều ra đường đón Tết vì ít nhất, trong quỹ tiết kiệm của họ cũng dư ra một khoản nhỏ tiền bù giá xăng, gas trước đây, bây giờ họ dành để đón Tết. Đó là về mặt hình thức, vẻ bề ngoài. Nhưng thật sự, những cuộc vui tại Sài Gòn hiện nay có vẻ hình tướng và bất ổn, mối nguy rình rập nhiều hơn là sự ổn định lâu dài.

Dẫn chứng cho luận điểm vừa nêu, ông Hội nói rằng ông theo dõi, trước đây một năm, người dân nước Nga cũng đón Tết rất vui vẻ, hoành tráng và rầm rộ. Nhưng sau đó một năm, mọi sự thay đổi hoàn toàn, ngay cả cái ăn cũng thiếu hụt. Nước Nga rơi vào tình trạng như hiện nay bởi chính phủ Nga, nhà nước Nga đã tự tin thái quá hay nói cách khác là tự mãn trên những giá trị ảo. Bởi họ không đoán được những động thái chính trị của họ về Crime, Ukraina vô tình đã chạm đến ngưỡng chịu đựng của phương Tây và những đòn chí tử giáng vào nước Nga đang khởi động.

Trong lúc nước Nga tự tin về sức mạnh quân sự, tiềm năng vũ khí của mình thì họ quên mất rằng sức mạnh kinh tế đảm bảo dân sống và duy trì nền công nghiệp vũ khí lại nằm trong ngành dầu khí. Khi dầu khí rớt giá thì mọi tai biến dồn lên đầu cả dân tộc Nga.

Giới lao động nghèo không mặn mà gì với chuyện giá xăng – giá gas giảm, lương tăng…

Hoàn cảnh Việt Nam cũng có nhiều nét tương đồng, cũng có dạng chính phủ quyền lực tập trung giống như Nga tuy khác nhau về thể chế chính trị, cũng dựa vào tiềm năng kinh tế dầu khí, điện lực, tài nguyên. Hiện tại, sau khi giá dầu bị rớt, công nghiệp khai thác dầu thô của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, cộng thêm hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn ở Quảng Nam có nguy cơ đóng cửa vì nợ thuế, các mỏ quặng khai thác Bauxite cũng hoạt động cầm chừng và chưa sinh ra lợi tức.

Trong khi đó, kinh tế biển Việt Nam bị cạn kiệt trong ba năm trở lại đây bởi sự mất an ninh trên biển Đông, ngư dân bỏ nghề vì không có vùng đánh bắt, tài nguyên rừng cũng cạn kiệt, ngành thủy điện gặp nhiều trục trặc bởi công nghệ lạc hậu và sự tàn phá môi trường kéo theo… Tất cả những tín hiệu trên giống như một chỉ dấu không tốt cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới. Đặc biệt là sự trượt giá không đúng lúc của đồng tiền Việt Nam hiện tại càng tỏ ra nguy hiểm hơn trong tương lai.

Tăng mức lương tối thiểu – tín hiệu vui?

Một người tên Thuận, nhân viên công ty chứng khoán Sài Gòn, chia sẻ:“Khi mà tỷ giá tăng thì mặt hàng sẽ kéo lên tăng. Ăn thua lương của mình được chừng nào. Coi như tăng lương tối thiểu lương lên đi, như khi thu nhập được năm triệu giờ lên sáu triệu, thì mục đích là để dễ sống thôi!”

Theo ông Thuận, động thái tăng mức lương tối thiểu cho cán bộ công chức cũng là một tín hiệu nối tiếp của việc trượt giá đồng tiền. Ông Thuận khẳng định rằng nếu như từ nay cho đến cuối năm 2015, đồng tiền Việt không bị tụt giá so với đô la Mỹ thì mọi chuyện xem như ổn định. Ngược lại, nếu như đồng Việt tiếp tục trượt giá thì việc xăng, gas hạ giá tại Việt Nam chỉ có tính chất tạm thời bởi đồng Việt lúc đó lại rớt giá và giá gas, xăng phải căn cứ theo mức giá quốc tế. Việc tăng lương chỉ có tính chất đắp đổi vào khoảng rớt của đồng tiền Việt. Đời sống người lao động vẫn không có gì thay đổi nếu không nói là xấu đi.

Và cũng theo ông Thuận dự đoán, vấn đề đời sống của người dân từ nay cho đến Tết Nguyên Đán sẽ tương đối vui, tuy tai nạn giao thông xãy ra nhiều hơn bởi lượng xe lưu thông tăng vọt… Nhưng bù vào đó, người ta sẽ vui vì sắp được tăng lương, vui vì hàng hóa chưa tăng giá, vui vì gánh nặng chi phí hàng ngày nhẹ bớt, thoải mái hơn.

Nhưng cũng theo ông Thuận, những cảm giác này e rằng khó mà kéo dài được khi nợ công của Việt Nam đã lên quá cao, trong khi đó mọi tiềm năng, mũi nhọn kinh tế của Việt Nam đều trong tình trạng tê liệt, mất hết hiệu năng. Nền kinh tế rơi vào tình trạng ba rọi, sản xuất cũng không tới đâu mà dịch vụ cũng không ra hồn.

Ông Thuận đưa ra kết luận: Một nền kinh tế ổn định, vững chãi phải là nền kinh tế có đặc trưng rõ nét, hoặc là nền công nghiệp sản xuất, hoặc là công nghiệp dịch vụ. Nếu không có được hai đặc trưng này thì đương nhiên nền kinh tế đó chỉ dựa vào tài nguyên và nông nghiệp. Nhưng với Việt Nam, có vẻ như nông nghiệp quá lạc hậu, bất cập, tài nguyên đã cạn kiệt. Nếu năm tới, đồng Việt Nam rớt giá so với đô la Mỹ thì mọi chuyện sẽ khó mà lường trước được.

Dù sao đi nữa, một cái Tết cũng đang chờ, và nếu vui được thì hãy cứ vui mà sống. Vì niềm vui là thứ cần thiết nhất để tạo ra sức mạnh mới cho tương lai. Ông Thuận đã nói như thế trước khi chia tay với chúng tôi.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam (RFA)

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt