Việt Nam: Dân bắt giữ nhiều công an để đòi thả người chống cưỡng chế đất
Hôm qua 15/04/2017, tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã xảy ra một cuộc đối đầu giữa lực lượng công an địa phương với người dân sở tại, liên quan đến một cuộc cưỡng chế đất. Mâu thuẫn bùng phát sau khi nhà cầm quyền bất ngờ bắt giữ một số người đại diện cho dân trong tranh chấp nói trên. Dân làng đã bắt giữ nhiều cảnh sát để đòi chuộc người. Người dân Đồng Tâm phản đối việc nhà cầm quyền trưng thu đất trái phép.
Qua điện thoại, RFI Tiếng Việt hôm nay tiếp xúc được với một người dân xã Đồng Tâm. Người này xác nhận vụ việc và cho biết khoảng 20 cảnh sát cơ động vẫn bị tạm giữ.
Yêu sách của người dân là nhà cầm quyền trả tự do ngay cho 15 cựu chiến binh, đại diện cho dân xã Đồng Tâm. Về vụ “trưng thu đất”, người dân yêu cầu nhà cầm quyền trung ương làm sáng tỏ, nhà cầm quyền huyện, xã bị nghi ngờ đã “bán khống” hơn 50 hecta đất nông nghiệp cho công ty quân đội Viettel.
RFI cũng liên lạc được trực tiếp với ông Nguyễn Văn Hoạt, chủ tịch huyện Mỹ Đức. Nhưng ông Hoạt nói ông chỉ thuộc thành phần “nắm một số thông tin phối hợp”, và cơ quan phụ trách chính vụ việc này là Sở Công An Hà Nội.
Báo chí trong nước hôm nay cho biết công an Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội”, sau vụ việc một số “cán bộ, chiến sĩ công an TP Hà Hội” bị bắt giữ. Tuy nhiên, không có thông tin nào giải thích lý do dẫn đến xung đột này.
Về các bất bình liên quan đến đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cách đây ít năm báo Hà Nội Mới, một tờ báo của nhà cầm quyền thủ đô, từng đưa tin nhà cầm quyền địa phương “phù phép” biến đất công thành đất tư.
Theo giới quan sát, xung đột đất đai xảy ra phổ biến tại Việt Nam. Năm 2012, ông Đoàn Văn Vươn, một chủ trang trại tại Hải Phòng đã dùng vũ khí tự tạo để chống lại lực lượng trưng thu đất, khiến sáu nhân viên nhà cầm quyền bị thương. Ông Vươn, bị kết án năm năm tù, nhưng trường hợp của ông đã trở thành một biểu tượng cho sự bất bình trong dân chúng, chống lại việc cưỡng đoạt đất đai, do một số thế lực trong nhà cầm quyền hay doanh nghiệp tiến hành nhân danh Nhà nước. Một số lãnh đạo nhà cầm quyền chỉ huy vụ trưng thu này sau đó đã bị kỷ luật, cách chức.
Trọng Thành