Việt-Mỹ: Vũ khí nặng hơn nhân quyền?
Tổng thống Barack Obama sẽ viếng thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22 đến 25/05/2016. Theo thông báo của Nhà trắng ngày 10/05/2016, trong chuyến viếng thăm đầu tiên này, ông Obama sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về việc tăng cường hợp tác song phương Mỹ-Việt trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, an ninh, nhân quyền, cho đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Nhưng điều mà Hà Nội đang trông chờ nhiều nhất, đó là Washington bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Cho tới nay, trở ngại chính trong vấn đề này vẫn là tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Nhưng cho dù Hà Nội chưa có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này, rất có thể Hoa Kỳ cũng sẽ đi đến việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.
Lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội là một trong những « tàn dư » lớn của thời chiến tranh Việt Nam. Lệnh cấm vận này chỉ mới được dỡ bỏ một phần vào năm 2014.
Theo Reuters, một số cố vấn ở Nhà trắng và bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hãy còn quá sớm để chấm dứt hoàn toàn những hạn chế đối với việc bán vũ khí sát thương, khi mà Việt Nam chưa có thêm những tiến bộ về mặt nhân quyền. Nhưng các quan chức khác, trong đó có nhiều người bên Lầu năm góc, thì chủ trương nên giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ để đối đầu với một nước Trung Quốc ngày càng hùng mạnh.
Theo lời các quan chức Hoa Kỳ được hãng tin Reuters trích dẫn ngày 09/05/2016, tổng thống Barack Obama hiện vẫn đang cân nhắc việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Theo Reuters, quyết định cuối cùng của tổng thống Obama có thể là còn tùy thuộc vào những khuyến cáo sau chuyến viếng thăm Việt Nam của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski và của trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel.
Khi được hỏi là liệu Hoa Kỳ có sẽ thay đổi chính sách với Việt Nam trên vấn đề này hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Katina Adams đã tuyên bố rằng « nhân quyền vẫn là yếu tố chủ chốt trong chính sách của chúng tôi đối với Việt Nam ».
Nhưng theo nhận định của trang mạng Foreign Policy ( FP ) trong bài viết đăng ngày 09/05 vừa qua, có vẻ như Nhà trắng sẽ ra quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí trước khi diễn ra chuyến viếng thăm của tổng thống Obama tại Việt Nam.
Hiện giờ, vấn đề này vẫn gây chia rẽ nội bộ chính giới Hoa Kỳ, nhất là trong Quốc hội. Ngay chính chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Mỹ Bob Corker ( Cộng hòa ), người đã từng ủng hộ việc bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí vào năm 2014, nay cũng do dự về việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm này. Một cố vấn của thượng nghị sĩ Corker nói với FP : « Mọi thay đổi chính sách theo hướng mở rộng hơn cần phải có được xem xét thêm và phải phù hợp với các lợi ích của Mỹ, trong đó có mong muốn về những tiến bộ nhân quyền ».
Nhưng về phần thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Carbin, cũng là thành viên Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, thì ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí, « nếu vấn đề nhân quyền được tính đến ». Bản thân ông Carbin đã từng đến thăm Việt Nam vào năm 2014 và đã nêu những quan ngại của ông về nhân quyền với các quan chức cao cấp của Hà Nội, kể cả với thủ tướng.
Theo FP, những người ủng hộ bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm cho rằng Việt Nam trong thời gian đã đạt được những tiến bộ về nhân quyền và tình trạng nhân quyền của Việt Nam còn khá hơn là một số đối tác thân cận của Hoa Kỳ như Ả Rập Xê Út hay Ai Cập.
Về phần chuyên gia Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, Việt Nam muốn Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí là vì lý do chính trị hơn là quân sự. Theo lời ông Thayer, nhiều giới chức chính phủ Hà Nội vẫn sợ rằng Washington đang thúc đẩy « diễn biến hòa bình » thông qua việc đòi tiến bộ về nhân quyền. Theo cái nhìn như vậy thì việc duy trì chính sách cấm bán vũ khí một cách « phân biệt đối xử » đối với Việt Nam là một chính sách mang tính trừng phạt.
Vấn đề là theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa cho Hoa Kỳ biết là trong tương lai họ sẽ cần mua những vũ khí gì, và việc bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận chưa hẳn là sẽ mở đường ngay cho những hợp đồng vũ khí lớn.
Phần lớn các thiết bị quân sự của Việt Nam hiện nay là của Nga, trong đó có những tàu ngầm và chiến đấu cơ phản lực hiện đại. Bây giờ chuyển qua mua vũ khí do Mỹ sản xuất chắc là sẽ rất tốn kém cho Việt Nam.
Theo FP, giống như giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ, hai nước Việt Mỹ có thể hợp tác trong việc tiếp cận công nghệ quốc phòng tân tiến. Nhân chuyền viếng thăm Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hai nước đã ra tuyên bố chung kêu gọi hợp tác về công nghệ quốc phòng.
Giống như các nước khác trong khu vực, Việt Nam đang cần hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, và mua các radar, máy bay giám sát không người lái hoặc máy bay trinh sát như P-3 Orion hay P-8 Poseidon, để giúp truy tìm các chiến hạm và tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thanh Phương (RFI)