Vì Quốc Vận Tẩy Chay Thế Vận Bắc Kinh

Một chế độ đàn áp Nhân Quyền, một đảng CS còn sót lại với nền độc tài cai trị. Tiền của chỉ tập trung vào việc đánh bóng chế độ. Những ai đã du lịch Trung Quốc, xin hãy đa ra ngoài phạm vi “đóng kịch” đất nước của phát triển phồn vinh giả tạo trong một khu thành phố. Khoảng 10 miles ngoài thành phố thì một thế giới “ăn mày”, những bóng ma trần thế thiếu áo, thiếu cơm rất thiểu nảo.
Trong những ngày qua, Trung Cộng chém giết man rợ nhân dân Tây Tạng dù họ chỉ đòi hỏi quyền làm người, quyền tự trị trong hoà bình….một chế độ như vậy có xứng đáng để rước đuốc cho cái “thế vận hội” năm 2008 tại Bắc Kinh hay không! Tẩy chay thế vận hội 2008 tại Bắc Kin
h

VÌ QUỐC VẬN PHẢI TẨY CHAY THẾ VẬN HỘI BẮC KINH

Chưa đầy 5 tháng nữa, hoạt động thể thao lớn nhất hành tinh sẽ khai diễn ở Bắc Kinh. Từ nhiều năm trước, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực trên nhiều mặt nhằm quảng bá cho một đất nước đang dẫn đầu thế giới CS, với dân số đông nhất hành tinh.

Những vận động trường tầm cỡ, kèm theo là các công trình phụ trợ được hối hả dựng lên. Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo học thêm Anh ngữ, học cách giao tiếp và ứng xử cho phù hợp.

Ngay cả ngày khai mạc cũng được chọn để gây ấn tượng cho tâm lý và tín ngưỡng của người Á Đông: 08.08.08

Vạn sự tưởng chừng trơn tru tốt đẹp, bỗng nhiên Bắc Kinh nhận ra rằng: con tàu Thế Vận do mình làm đầu kéo năm nay phải chạy trên những quãng đường dằn xóc ghê gớm trước khi về đến ga cuối.

Phản ứng của quốc tế

Cú sốc đầu tiên đến từ đảo quốc lân cận. Khi phát giác hành trình của ngọn đuốc sẽ đi ngang qua Đài Loan, chính quyền ở đây đã phản ứng rất kiên quyết. Bản tin trên tờ The Wall Street Journal (13/03/2008) nói rằng, chính quyền Đài Loan đã dứt khoát từ chối không cho ngọn đuốc Thế Vận 2008 được phép đi vào bán đảo Đài Loan. Đơn giản chỉ vì họ không muốn thế giới hiểu rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Cộng.

Cú dằn dữ dội hơn đến từ vùng đất được mệnh danh là “Nóc nhà của thế giới”. Dân tộc Tây Tạng chưa hề bị đồng hóa, và hơn bao giờ hết họ đang bày tỏ khao khát giành độc lập. Ngoài việc rước ngọn đuốc Tự do cho Tây Tạng xuất phát từ đỉnh Olympia để chạy song song với đuốc Thế Vận 2008, người Tạng khắp nơi trên thế giới đồng loạt đứng lên đòi độc lập.

Từng đoàn người đi bộ từ Ấn Độ băng qua biên giới để đến Tây Tạng, lên tiếng phản đối chính sách cai trị mà Trung Quốc đang áp đặt lên quê hương mình.

Bạo động bùng phát tại thủ đô Lhasa, Bắc Kinh phải sử dụng đến quân đội và ban hành lệnh thiết quân luật. Súng đã nổ và máu của những người đòi độc lập lại đổ trên đường phố Lhasa.

Thế giới tự do đổ dồn ánh mắt quan ngại về Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội 2008. Trong đó, nhiều nước tố cáo vai trò hậu thuẫn của Bắc Kinh cho chế độ diệt chủng ở Darfur.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ đàn áp của Trung Quốc nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ ở Tây Tạng, và nói rằng vụ xung đột này là một thách thức đối với lương tâm của nhân loại.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi các giới chức chính trị tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh để phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp những người biểu tình tại Tây Tạng.

Ngoài ra, các nhân vật nổi tiếng cũng bày tỏ sự bất mãn trước các ứng xử của Bắc Kinh.

Đầu tiên là sự rút lui của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg vào tháng 2/2008. Mặc dầu trước đó ông đã nhận làm cố vấn nghệ thuật cho buổi lễ khai mạc và bế mạc, nhưng ông ta cho rằng Trung Quốc chưa tỏ rõ thiện chí để chấm dứt đổ máu tại Darfur. Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua dầu hỏa của Sudan và cung cấp phần lớn vũ khí cho cuộc xung đột tại Darfur.

Rồi Hoàng Tử Charles cũng tuyên bố không tham dự. Ông ủng hộ vị lãnh đạo tinh thần Dalai Lama, người đang sống lưu vong kể từ cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bất thành vào năm 1959.

Tại một buổi trình diễn ở Thượng Hải hồi đầu tháng 3/2008, nữ ca sĩ Bjork của Iceland đã hô to ‘Tây Tạng, Tây Tạng’ nhiều lần vào lúc trình diễn ca khúc có tựa là ‘Tuyên bố Độc lập.’ Bộ Văn hóa Trung Quốc đã nổi giận và thông báo sẽ siết chặt kiểm soát đối với những buổi trình diễn và các ca sĩ nước ngoài.

Tại Đông Âu, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ không đến dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh vào mùa hè năm nay để phản đối Trung Quốc đàn áp nhân dân Tây Tạng.*Thái độ của thanh niên và trí thức Việt Nam

Không lường trước được những rắc rối kể trên, và nhất là quá tin tưởng vào khả năng cai trị của người đồng chí CSVN, Bắc Kinh đã đi một nước cờ sai lầm vào cuối năm 2007. Ra tuyên bố Tam Sa để sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, dự định nhân dịp Thế Vận Hội sẽ giới thiệu bản đồ vùng lãnh hải mới cho thế giới. Những tưởng rằng Lê Dũng chỉ đọc lời “cực lực phản đối” qua loa lấy lệ như những lần trước, rồi sóng biển Đông sẽ nhấn chìm tất cả.

Điều Bắc Kinh không ngờ đến là thanh niên và trí thức Việt Nam đâu còn cam chịu khoanh tay, nhắm mắt ngoan ngoãn tin vào hơn 700 cơ quan ngôn luận trong nước nhất tề bưng bít sự thật. Hai cuộc biểu tình trước Đại sứ quán TQ ở Hà nội và Lãnh sự quán TQ ở Sài gòn vào sáng Chủ nhật 9/12/2007 như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt chính quyền Bắc Kinh. Hà nội lâm vào thế “trên đe dưới búa”.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TQ nói gần nói xa: “Chúng tôi nhận thấy các tuyên bố khác nhau của Việt Nam trong các thời điểm lịch sử khác nhau…”

Điều Hà nội muốn giấu kín suốt 50 năm có nguy cơ đổ bể. Vì thế, trong các đợt biểu tình kế tiếp, quân đội, công an và mật vụ được huy động tối đa. Những người biểu tình ôn hòa để phản đối quân xâm lược ngơ ngác nhìn phản ứng của chính quyền, có người hoài nghi: “Công an và quân đội của Việt Nam hay là của Trung Quốc?”

Niềm tin của tầng lớp trí thức đối với chính quyền tuột dốc thê thảm. Những người trước đây không thèm quan tâm gì đến chính trị, bây giờ cũng không thể nhịn được cơn phẫn uất. Qua các diễn đàn trên mạng lưới Internet, họ không ngần ngại gọi đám lãnh đạo CSVN là những kẻ “dâng đất nhượng biển, bán nước cầu vinh”…

Không khí phản đối TQ lại được hâm nóng trở lại khi chính quyền Việt Nam trơ trẽn ủng hộ và tiến hành tổ chức đón ngọn đuốc Beijing 2008, theo lịch trình sẽ đến Sài gòn vào ngày 29/4/2008. Biểu tình phản đối ngọn đuốc của quân xâm lược rước qua lãnh thổ Việt Nam là điều cần thiết, vì các lý do sau:

– Chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy rằng người Việt Nam không dễ dàng chịu khuất phục trước âm mưu xâm lấn lãnh thổ, dù nó được thực hiện tinh vi dưới bất kỳ hình thức nào.

– Cơ hội bày tỏ chánh nghĩa cho toàn thế giới, qua đó đặt áp lực lên nhà cầm quyền Trung Quốc về chính sách đối ngoại dựa trên vị thế nước lớn của họ.

– Cuộc biểu tình cần phải quy mô nhằm tạo được tiếng vang lớn. Chưa thể lấy lại Hoàng Sa, nhưng cần phải có dấu mốc để duy trì quyết tâm, tránh để bị nhấn chìm vào quên lãng như tình trạng 34 năm qua.

–Làm thế nào để mỗi khi binh lính TQ muốn xả súng vào thường dân Việt Nam trên biển Đông, họ phải e dè hơn!

Không ái ngại cho những kẻ cam tâm cầm đuốc chạy theo vết xe đổ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.

Chỉ day dứt: Làm sao cảnh cáo được kẻ gây ra tội ác, khi ngọn lửa bạo tàn của nó vẫn cháy ngang ngược trên đầu người bị hại?

(Phạm V.H., tháng 3-2008)


Tư liệu tham khảo: Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, Wall Street Journal, Phóng viên không biên giới

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt