Việt Nam Trước Ảnh Hưởng của Siêu Cường và Đại Cường

Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Việt Nam: màu vàng

Việt Nam trong thế tương tranh của Hoa kỳ và Trung Quốc, sự tranh giành đó ra sao? Vì đâu càng ngày càng rõ nét. Yếu tố quốc tế đối với một nhược tiểu như Việt Nam rất quan trọng cho những ai nặng lòng với quê hương dân tộc. Việt Nam là cả một lịch sử triền miên mang hai mối hoạ ngoại bang xâm lấn cấu kết với Việt gian bán nước. Giới thiệu bài phân tích Việt Nam Trước Ảnh Hưởng Siêu Cường và Đại Cường của anh Lê Thành Nhân, Tổng Bí Thư Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Việt Nam trước ảnh hưởng của Siêu Cường và Đại Cường

Lê Thành Nhân  @ www.vietquoc.org

Từ khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, thế lưỡng cực Tư Bản-Cộng Sản không còn, nhờ ưu thế quân sự, kinh tế và chính trị Hoa Kỳ trở nên dẫn đầu thế giới. Trung Quốc cố vươn lên thay thế vị thế của Liên Sô đối lực với Hoa Kỳ với chủ trương thế giới đa cực (Multi-Polar International Order). Sau nhiều năm chuẩn bị, Trung Quốc trở thành một đại cường và đang thách thức với siêu cường Hoa Kỳ hiện nay trên bình diện khu vực Châu Á Thái Bình Dương và có thể cả thế giới sau này. Đại cường tuy thua kém siêu cường nhiều mặt nhưng có thế “địa chính trị” liền núi, liền sông với Việt Nam, còn siêu cường tuy mạnh nhưng ở xa, rất xa Việt Nam.

Chúng ta có thói quen nhìn sự tranh chấp thế giới trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thiết nghĩ đó là một cái nhìn quá xưa, thiếu cập nhật, không hợp thời đại. Sau chiến tranh lạnh, cả đại cường lẫn siêu cường đều có những chiến lược mới để bành trướng thế lực, duy trì ảnh hưởng và đem lợi nhuận về cho quốc gia của họ. Sự thay đổi lớn lao đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam. Thử đánh giá sự chuyển hướng của đại cường Trung Quốc và siêu cường Hoa Kỳ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam ngày nay.

Vài nét lịch sử thế giới sau đệ II thế chiến năm 1945:

Sau đệ nhị thế chiến thế giới chia làm hai, khối Warsaw của các nước Cộng Sản Châu Âu do Liên Sô cầm đầu, khối NATO lãnh đạo bởi Hoa Kỳ, một khối thứ ba gọi là khối không liên kết (không liên kết với Cộng Sản lẫn Tư Bản), khối này không có trọng lượng bởi vì kinh tế, quân sự yếu và các thể chế chính trị không đồng nhất giữa các quốc gia trong cùng khối.

Sau khi Cộng Sản Liên Sô sụp đổ năm 1991, thế giới lưỡng cực Tự Bản-Cộng Sản không còn, với ưu thế quân sự, kinh tế và chính trị, Hoa Kỳ có một sức mạnh vô địch hiện nay, nhưng nếu cho rằng Hoa Kỳ đang lãnh đạo thế giới đơn cực thì không chỉnh vì Hoa Kỳ phải đối diện với nhiều thử thách cam go trước mắt với một khối Âu Châu thống nhất, với Trung Quốc đang trên đà lớn mạnh và đang có những liên minh to lớn như SCO (Shangai Cooperation Organization) giữa Trung Quốc-Nga Sô và các quốc gia Trung Á.

Sự hình thành những thế lực kinh tế mới:

Mặc dù chiến tranh lạnh chấm dứt, khối quân sự Warsaw tan rã, một số quốc gia trong khối Warsaw (Poland, Hungary, Romania) xin gia nhập khối NATO. Nhiều người tự hỏi, tại sao khối Warsaw không còn mà duy trì khối NATO nhằm mục đích gì? Từ năm 1991 đến nay, trong 15 năm NATO chỉ làm có một việc là giải phóng Kosovo, từ đó danh từ NATO càng ngày càng lu mờ nhường chỗ cho các khối liên hợp kinh tế xuất hiện càng ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế. Những khối kinh tế mậu dịch được dựng lên trong kế sách “toàn cầu hóa” (globalization) như khối ASEAN(Associate South East Asian, gồm 10 nước ở Đông Nam Châu Á là Indonesia,Thailand, Philippine, Singapore, Malaysia, Miến Điện, Việt Nam, Cambodia, Lào, Brunei), Khối Thị Trường Chung Châu Âu (EU), Khối Kinh Tế Bắc Mỹ (NAFTA) v.v.. Vĩ tuyến 17 của Việt Nam thời nào là lằn ranh quân sự trong chiến lược Domino của Hoa Kỳ để “be bờ” Trung Quốc vào trong đại lục châu Á, nay trước toàn cầu hóa, lằn ranh đó đã mất thay vào Việt Nam là một thành viên của khối ASEAN!

Bạn và thù giữa Việt Nam và khối khối ASEAN:

Sau khi chiếm trọn miền Nam ngày 30-04-1975, CSVN bắt tay với Nga Sô để làm đầu cầu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, có thể nói Việt Nam là một thành viên của khối Warsaw nối dài tại Đông Nam Á, CSVN lệ thuộc vào Nga Sô hoàn toàn trên mọi lãnh vực từ kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự…. Năm 1978, Việt Nam đem quân xâm lăng Cambodia thì khối ASEAN chia làm hai, một bên là Việt-Miên-Lào nhận sự viện trợ của Liên Sô, các nước trong khối ASEAN còn lại được hậu thuẩn bởi Trung Cộng, Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia Tây Phương. Điểm đáng lưu ý là sự liên kết Việt-Sô xâm lăng Cambodia và Afghanistan đã thúc đẩy Hoa Kỳ liên kết với Trung Quốc để chống lại sự xâm lăng của Liên Sô. Khi CSVN xâm lăng Cambodia, khối ASEAN, Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ hoàn toàn cô lập và cấm vận Việt Nam, trong khi đó Thái Lan là một quốc gia đồng minh với Hoa Kỳ lại tiếp tay với Trung Quốc để cung cấp vũ khí cho Khmer Đỏ chống lại Việt Nam (1), đây là thời gian thuận tiện để Trung Quốc gần gũi với khối ASEAN. Sự tấn công của Trung Quốc vào các tỉnh biên giới Bắc Việt Nam năm 1979 được khối ASEAN yểm trợ và đồng ý của Hoa Kỳ.

Năm 1989 Liên Sô bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan, Việt Nam cũng bắt đầu rút quân khỏi Cambodia. Năm 1991, CSVN hoàn tất việc rút quân khỏi Cambodia, Lào, và giảm quân số xuống thấp còn một nữa. Trong khoản thời gian này, Hoa Kỳ cũng rút quân khỏi căn cứ quân sự Subic Bay ở Philippine. Sự tái phối trí quan trọng này đã xoá đi những họng súng chĩa thẳng vào nhau và đã ảnh hưởng lớn đến quan hệ mới giữa CSVN và các nước trong khối ASEAN. Quả thật, ngày 29/08/90, đại sứ Trung Cộng tại Việt Nam, Trương Đức Huy vào gặp Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười để chuyển thông điệp mời gặp bí mật Giang Trạch Dân và Lý Bằng tại Thành Đô tỉnh Tứ Xuyên trong hai ngày 03&04-09-1990 (2). Cuộc gặp gỡ này đã mở đầu cho sự bình thường hóa bang giao giữa Trung Quốc-Việt Nam vào năm 1991, sau gần 16 năm thù địch, đồng thời khối ASEAN bắt đầu hết cô lập Việt Nam, Nhật Bản bắt đầu đầu tư và viện trợ cho Việt Nam. Một thời điểm quan trong nhất đối với Việt Nam là năm 1995, trở thành hội viên thứ 7th của khối ASEAN; và bình thường hoá bang giao với Hoa Kỳ.

Từ đó CSVN lần mò vào thế giới tư bản làm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” để sống còn. Trong cơn mê sảng, CSVN vẫn mắt nhắm, mắt mở duy trì Chủ Nghĩa Xã Hội để cố bám độc quyền thống trị, nhưng lại ngã tay xin tiền các nước tư bản Tây Phương để xóa đói giảm nghèo, qua những viện trợ béo bở này cán bộ CSVN bòn rút trở thành những tên tư bản đỏ. Lợi dụng địa bàn chiến lược cha ông để lại, khi nghiêng qua siêu cường Mỹ cậy thế, khi luồng cúi đại cường Tàu dâng đất, nhường biển để duy trì quyền lực, lừa phỉnh đồng bào và lừa gạt thế giới là CSVN có đường lối ngoại giao “làm bạn với tất cả thế giới” để ru ngũ quần chúng và mờ mắt quốc tế hầu xin tiền viện trợ kéo dài sự thống trị của đảng CSVN. Trong suốt gần 5000 năm của lịch sử dân tộc, sự ra đời của đảng CSVN thì chính đó là niềm bất hạnh của dân tộc, vì rằng đảng CSVN thống trị Việt Nam bằng máu và nước mắt. Họ dùng máu xương của con dân làm công cụ bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, và nước mắt của đồng bào rơi thành suối lệ vì sự cai trị độc tài tàn bạo của họ. CSVN không ngừng đưa dân tộc Việt Nam từ cuộc chiến này sang chiến tranh khác, cứ mỗi một cuộc chiến đảng CSVN lại được sơn son thếp vàng bằng những biểu ngữ quang vinh với những chiếc huy chương đỏ chói trong sự khổ đau cùng cực của toàn dân Việt, và rồi đây lịch sử lại phải lên án những vết nhơ của những cuộc chiến không cần thiết ấy! Ngày nay, trước thế kỷ thứ 21th, đảng CSVN chuẩn bị đại hội 10, họ vẫn còn hôn mê, vẫn “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” lạc loài. Trong khi thế giới đang chuyển hướng bởi những bước đi ngoạn mục không ngừng nâng cao đời sống và giá trị con người, thì đảng CSVN vẫn duy trì mô thức chính trị lỗi thời và lạc hậu: Xã Hội Chủ Nghĩa!!

Hướng đi của thế giới ngày nay:

Từ giữa thập niên 1995, thế giới đang thiết kế một mô hình mới cho hợp với tình hình chung sau chiến tranh lạnh. Theo học giả Carl Thayer, chuyên viên Đông Nam Á của viện quốc Phòng Hoàng Gia Úc, thì Châu Á-Thái Bình Dương sẽ bị thay đổi lớn bởi vì sự chuyển hóa của thế giới qua những vấn đề sau:

Một là: “toàn cầu hóa” (globalization) ở đó thế giới phụ thuộc vào nhau về vốn đầu tư, trao đổi vật chất và phục vụ con người, đời sống nhân công nâng cao, trao đổi tin tức và kỹ thuật để cùng thăng tiến. Trong vài thập niên tới “toàn cầu hóa” sẽ nâng cấp cuộc sống con người, số người trung lưu nhiều thêm, nhiều vùng trên thế giới sẽ trở nên phồn thịnh, đặc biệt các quốc gia đang lên trong lãnh vực kỹ thuật cao.

Hai là: Sau khi chấm dứt sự xâm lăng của Liên Sô tại Afghanistan và cuộc chiến của Hoa Kỳ đánh Iraq lần đầu tại Kuwait năm 1991, và lần thứ hai lật đổ chế độ Sadam Hussein vào năm 2002, châm ngòi cho các tổ chức Hồi Giáo cực đoan phát động cuộc chiến khủng bố toàn cầu. Cuộc chiến chống khủng bố này khó có thể chấm dứt trong một thời gian ngắn và có thể kéo dài cả hàng vài chục năm sau.

Ba là: Trong khoảng thời gian 20 năm tới đây, Hoa Kỳ có thể giữ được vị thế siêu cường, tuy nhiên vị thế đó sẽ bị thách thức trước sự lớn mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời những nhóm chống siêu cường Mỹ càng ngày càng tăng cường khả năng chế vũ khí giết người hàng loạt. Liệu rằng Hoa kỳ có thể thực hiện toàn cầu hoá trước một thế giới đầy biến động?

Thế giới đang đứng trước những thách đố lớn lao như thế thì sự phân định lại lằn ranh an ninh của thế giới chắc chắn sẽ thay đổi, những ưu tiên về an ninh của thế giới sẽ bị đảo ngược, chiến lược của siêu cường phải soát xét lại toàn bộ. Những liên minh kinh tế và quân sự cần kiểm điểm lại cho hợp với chiến lược mới. Sự lớn mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ (hai quốc gia có nền kinh tế đang lên và dân số khổng lồ), sự va chạm giữa Nhật-Trung, giữa Trung-Mỹ sẽ thay đổi dáng dấp và hình thù của khối ASEAN, trong vòng 10 đến 20 năm tới tình hình chính trị, kinh tế Việt Nam nhất định sẽ thay đổi lớn.

Trước tình hình thế giới như vậy, đại cường Trung Quốc vạch ra năm chiến lược, và siêu cường Hoa Kỳ vạch ra tám chiến lược trong vùng Châu Á Thái Bình Dương như sau:

Năm chiến lược của đại cường Trung Quốc (3)

– Cũng cố an ninh nội bộ Trung Quốc, ngăn chận sự ly khai của Tây Tạng và Tân Cương, sáp nhập Đài Loan vào Hoa lục.

– Tăng cường an ninh khu vực đặc biệt các quốc gia chung quanh Trung Quốc (các nước khối ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Trung Á)

– Tăng cường nền kinh tế đang lên hiện nay để cung cấp công ăn việc làm cho dân, nâng cao đời sống của dân hầu ngăn ngừa sự nổi loạn từ trong lòng quần chúng;

– Tái dựng (restore) và phát triển nền chính trị mang tính truyền thống (Hán Tộc) nâng cao uy thế trên chính trường ngoại giao; Và

– Phát triển thế giới đa cực để ngăn ngừa sự bao vây và cô lập của siêu cường Hoa Kỳ.

Năm 2002, gần một năm sau biến cố 9/11, Tổng Thống George W. Bush đưa ra tám điểm chiến lược an ninh châu Á-Thái Bình Dương như sau (4)

– Đấu tranh cho những ước vọng và phẩm giá con người;

– Thắt chặt các liên minh để đánh bại chủ nghĩa khủng bố toàn cầu;

– Tháo gỡ ngòi nổ các cuộc xung đột trong khu vực;

– Ngăn chận không cho kẻ thù dùng vũ khí hủy diệt hàng loạt để đe dọa chúng ta, các đồng minh và bạn bè chúng ta;

· Mở ra một kỷ nguyên phát triển kinh tế tòan cầu thông qua các thị trường tự do và thương mại tự do;

– Mở rộng phát triển thông qua các xã hội mở và hạ tầng của nền dân chủ;

– Phát triển những chương trình hợp tác các trung tâm quyền lực toàn cầu;

– Cải tổ các thể chế an ninh quốc gia nhằm đối phó với những thách thức của thế kỷ thứ 21.

Năm chiến lược Trung Quốc và tám chiến lược của Hoa Kỳ ở Châu Á Thái Bình Dương có rất nhiều điểm xung khắc tồn tại to lớn, nếu mỗi bên không tự kiềm chế thì chiến tranh có thể bùng nổ. Nhìn chung thì năm chiến lược của Trung Quốc đang trong thế thủ và chỉ mở rộng bành trướng giới hạn trong khu vực đối với các nước xung quanh Trung Quốc trong đó có Việt Nam – và có thể VN là một vùng đất quan trọng trong tầm nhìn của thế lực bành trướng Trung Quốc. Còn tám chiến lược của Hoa Kỳ ở thế chủ động tấn công vào thành trì của Trung Quốc. Mặc dù không nói rõ sự chống đối lẫn nhau, nhưng mỗi chiến lược đều chứa đựng những mâu thuẫn có thể tạo nên sự tranh chấp giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Hiện nay, những tranh chấp đó đôi khi ngầm ngầm, nhưng đôi khi cũng ra mặt bởi những bài bình luận trên báo chí Trung Quốc hoặc ngay trên các diễn đàn hội nghị quốc tế. Rõ ràng Việt Nam đang đứng giữa các chiến lược của đại cường và siêu cường.

Để thực hiện tám chiến lược của Hoa Kỳ đã đưa ra ở trên, các nhà hoạch định sách lược để thực hiện kế sách an ninh của Tổng Thống Hoa Kỳ đưa ra năm 2002 luôn luôn đặt vấn đề: Làm thế nào để ổn định những an ninh lâu dài ở khu vực châu Á Thái Bình Dương để có lợi cho Hoa Kỳ? Đối phó với một Trung Quốc đang lớn mạnh như thế nào để hai bên đều có lợi? Làm thế nào để thuyết phục Nhật Bản đóng vai trò an ninh quan trọng hơn trong khu vực? và Hoa kỳ phải làm như thế nào để hình thành một cơ cấu an ninh mới, lâu bền và hiệu quả hơn trong việc hành xử các vấn đề an ninh khu vực Đông Á?

Khi các nhà chiến lược Hoa Kỳ đặt ra những vấn đề khó khăn như trên, thì chắc chắn rằng họ cũng tìm cách tháo gỡ những khó khăn và phải vượt qua những cản trở để thực hiện chính sách của họ. Những khó khăn đó được tập trung trong những vấn nạn như sau:

– Sự tồn tại các chế độ CS tại Châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn) là mối trở ngại lớn, vì những biến tướng của nó càng ngày trở nên chủ động và nguy hiểm.

– Sự ưu tiên của thế giới ngày nay không phải là ưu tư của cuộc chiến ý thức hệ mà là sự ưu tư an ninh hàng đầu là việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố, nhập cư trái phép, buôn bán ma túy, khi chức năng thay đổi thì đồng minh cũng thay đổi và nó đã chuyển dịch từ các mối quan tâm địa chính trị (trong chiến tranh ý thức hệ) sang mối quan tâm theo chức năng và nhiệm vụ mới.

– Việc xử dụng kinh tế để giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia như Nam Hàn đã xử dụng kinh tế để chuyển mối quan hệ với Bắc Hàn, họ chuyển dần từ đối đầu trong chiến tranh lạnh một mất một còn sang tồn tại một cách hòa bình nhờ vào viện trợ kinh tế, mặc dù ở trong tình trạng vẫn còn đề phòng lẫn nhau (5).

– Việc ảnh hưởng của Hoa Kỳ suy giảm khá nhiều đối với an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi vì sau Chiến Tranh Lạnh các quốc gia đồng minh của Hoa kỳ ở Đông Nam Á không còn phụ thuộc nhiều vào Hoa Kỳ, đương nhiên càng ngày họ càng chủ động tìm kiếm những lợi ích an ninh riêng cho mình mà không đúng theo đường lối của Washington (như Thailand, Philippine, Nam Hàn là một ví dụ).

– Và cuối cùng là vai trò lớn mạnh của Trung Quốc đối với an ninh khu vực.

Để giải quyết những nan đề trên, từ thập niên 1990, Tổng thống George Bush (cha) và đến tổng thống Clinton đều dùng chiến lược “đối tác” (engagement) làm ăn với Trung Quốc (China first), họ lý luận rằng Liên Sô và các nuớc CS Đông Âu sụp đổ, là do sức ép liên tục về kinh tế và chính trị từ các nước tự do Tây Phương đứng đầu là Hoa Kỳ, trận chiến này gọi là “diễn biến hoà bình” (Peacefull evolution). Do đó họ muốn đem áp dụng vào các nước CS còn sót lại tại châu Á. Lập luận của họ cho rằng nâng cao mức sống của người dân Trung Quốc từ đó có nhiều người trở thành giai cấp trung lưu và đó là điểm đột phá cho một thể chế chính trị dân chủ. Có lẻ nhận định của những người làm chính sách dưới thời này đồng ý với David C. Kang rằng “theo lịch sử, thì chính sự suy yếu của Trung Quốc đã dẫn đến bất ổn ở Á Châu. Khi Trung Quốc lớn mạnh và ổn định thì trật tự lại được vãn hồi” (6)

Năm 2000, khi George Bush (con) trở thành tổng thống Hoa Kỳ, những chiến lược gia của Washington ở vòng trong (Inner Circle) là thành phần “tân bảo thủ” (Ngoại trưởng Condoleezza Rice, Donal Rumsfeld, Dick Cheney, John Bolton, Paul Wolfowitz), đã hoạch định chính sách an ninh của Hoa Kỳ chủ yếu lại thiên về mối lo ngại một Trung Quốc lớn mạnh và những thách thức có nguy haị đến lợi ích của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Á (7). Trước khi có biến cố 9/11 xẩy ra, Hoa Kỳ xem Trung Quốc là mối lo ngại an ninh hàng đầu, nên chính sách của Hoa Kỳ là kiềm chế không cho phép Trung Quốc thay đổi tình trạng hiện thời tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt tình trạng eo biển Đài Loan; chính sách này được giới quan sát tây phương cho là “đối đầu” (containment), Báo cáo quốc phòng 4 năm một lần, ám chỉ rằng Ngũ Giác Đài có ý định tăng cường lực lượng quân sự tại Tây Thái Bình Dương thông qua việc tăng cường hàng không mẫu hạm, cũng cố vị trí đóng quân của không quân Hoa Kỳ trong vùng, và tăng cường Thủy quân lục chiến trong vùng trách nhiệm (8). Trong khi đó quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hoàn toàn cắt đứt sau vụ chiếc máy bay thám thính Hoa Kỳ EP-3 đụng chiến đấu cơ của Trung Quốc ngày 1-04-2001. Nếu kế hoạch này được áp dụng, thì Việt Nam có nằm trong tầm nhìn quan trọng chiến lược của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, thảm họa 9/11/2001 xảy ra, buộc các nhà hoạch định Hoa Kỳ dù có “tân bảo thủ” bao nhiêu cũng phải xét lại các chính sách của mình để triển khai cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đang được đặt lên ưu tiên hàng đầu của Mỹ, cho nên Washington cần phải tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố và vấn đề phi hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Quả vậy, sau biến cố 9/11 một tháng, vào tháng 10/2001, Tổng Thống Bush viếng thăm Trung Quốc đã tuyên bố tại Thượng Hải rằng Hoa Kỳ cố gắng phát triển mối quan hệ với Trung Quốc trong tinh thần “thẳng thắn, xây dựng và hợp tác”. Trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Đài Loan và xây dựng chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Các chiến lược gia Hoa Kỳ nghĩ rằng trong tình huống quốc gia đang tuyên chiến với khủng bố, áp dụng thuần nhất “đối đầu” hoặc “đối tác” với Trung Quốc vô cùng tai hại và đầy bất trắc. Nếu Hoa Kỳ dùng thuần chiến lược “đối tác” (engagement) thì chẳng khác gì đang nuôi con hổ trước cửa, nhưng nếu cứng nhắc trong chiến lược “đối đầu” (containment) thì sự va chạm bùng nỗ có thể xẩy ra lúc này rất bất lợi, do đó một danh từ mới được Tiến Sĩ Zalmay Khalizad (nay là đại sứ Hoa kỳ tại Iraq và là thành viên cố vấn An Ninh Quốc Gia của Tổng Thống Bush) cho ra đời với cái tên là “congagement” nói lên chính sách cần thiết vừa “đối đầu” vừa “đối tác”. Trong cuộc chiến chống khủng bố, Hoa Kỳ dùng chính sách ngoại giao “đối tác” do đó được Trung Quốc hợp tác đáng kể trong lãnh vực chia xẻ tin tức tình báo và giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân ở Bắc Hàn, nhưng Trung Quốc cũng đang lợi dụng sự bận tâm của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq đã chủ động trong những liên minh quân sự với Nga Sô, gây ảnh hưởng với các nước ASEAN và lấn dần vùng ảnh hưởng đối với các nước Trung Á. Trước những biến chuyển đó, gần đây Hoa Kỳ đã đẩy mạnh những liên minh quân sự hợp tác Mỹ-Nhật (10/2005) và Mỹ-Nam Hàn (1/2006) có lẻ Hoa Kỳ đang xoay qua mối lo ngại về sự lớn mạnh của Trung Quốc?

Với một Trung Quốc ngày nay như một mũi nhọn thọc thẳng vào khối ASEAN, họ đã thành công trong vấn đề “đồng tiền đi trước, chính trị bước theo” đó là “dùng sức mạnh một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển” (soft power) thay vì dùng chính sách hù dọa như thập niên 1990 khi Trung Quốc xâm chiếm các đảo trên vùng biển phía Nam.

Việt Nam đang đứng ở đâu trước toàn cầu hoá?

Tranh chấp Biển Đông là vấn đề lớn của dân tộc Việt Nam

Ngày nay Việt Nam đang dưới sự “lãnh đạo” độc quyền, ôm nước trọn gói (không cho ai xen vào, theo điều 4 Hiến Pháp của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam), sở dĩ chúng ta phải nhắc điều này để sau lịch sử sẽ quy trách nhiệm hoàn toàn cho đảng CSVN. Việt Nam với khẩu hiệu thật kêu “ngoại giao chuyển hướng với nhiều nước” (multilateralization and diversification of relation), mặc dù có đặt tòa đại sứ với nhiều nước thật nhưng chỉ để làm công việc “đáp lễ” hơn là có một chính sách ngoại giao sâu rộng và hợp tác đúng mức, bởi vì ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam trùm trên mọi lãnh vực, đã ngăn chận không cho phép CSVN rộng quyền liên hệ mật thiết với các cường quốc tây phương (9) (điều này như chúng ta đã biết, đáng ra Hoa Kỳ đã chấp nhận cho Việt Nam vào WTO trước đây, nhưng Việt Nam phải đi xin phép Trung Quốc nên để mất cơ hội). Trong sự tồn vong của dân tộc, ước vọng dân tộc Việt Nam có một chỗ đứng dưới ánh sáng mặt trời, Việt Nam ngày này đang đứng ở đâu trước “toàn cầu hoá” đang “lãnh đạo” (lãnh đạo trong ngoặc kép) bởi chế độc độc tài CSVN:

1.   Lịch sử thế giới đã hai lần chứng minh Đệ Nhất và Đệ Nhị thế chiến, cứ sau một cuộc đại chiến chấm dứt, bản đồ an ninh thế giới được vạch lại, các cường quốc chuyển hướng mới. những nước nhỏ không tự chủ động lấy vận mạng của mình sẽ liên tục rơi vào quỹ đạo của cường quốc trong trận thế mới. Đảng CSVN ngày nay, sau khi chấm dứt Chiến Tranh Lạnh hết chạy theo chân Liên Sô và rồi nay “lẽo đẽo” theo Trung Quốc cho rằng “Trung Quốc trụ được, ta trụ được” (Lê Khả Phiêu, thời còn làm TBT đảng CSVN). CSVN xem Trung Quốc là “mô hình” phát triển của Việt Nam, nhưng rất tiếc, CSVN chỉ “bắt chước” nhưng không có một người có tầm cỡ như Đặng Tiểu Bình, cho nên Trung Quốc đi mười bước mà Việt Nam chưa đi được một. Hơn thế nữa, khi người “thầy” Trung Quốc đang dùng đủ mọi mưu đồ “đánh gục” anh “học trò” Việt Nam (báo cáo của TS Lê Đăng Doanh trước Bộ Chính Trị CSVN) thì liệu rằng CSVN lãnh đạo đất nước này sẽ đi về đâu?

2.  Thế giới ngày nay đang thành lập các khối liên hợp kinh tế, những khối này có quyền lợi gắn chặt vào nhau, và bảo vệ nhau. Nếu một khối ASEAN lớn mạnh về kinh tế, vững vàng về quân sự sẽ là đối tác quan trọng và bình đẳng với Trung Quốc và siêu cường trên thế giới. Nếu khối ASEAN yếu kém nó sẽ trở thành “kẻ nô lệ mới” cung cấp vật liệu và tiêu thụ hàng hoá Trung Quốc. Việt Nam là thành viên của khối ASEAN, một ASEAN hùng mạnh sẽ là cơ sở cho Việt Nam phát triển kinh tế và chính trị trong vùng. Việt Nam hiện nay như là cái “cửa ngõ” lưu thông xuống ASEAN của 1.3 tỉ dân Tàu với đường rầy cao tốc xây từ cảng Hải Phòng đi Trung Quốc, với biên giới không cần kiểm soát, xe qua lại ngày đêm như xa lộ, càng ngày kinh tế càng lệ thuộc vào Trung Quốc. CSVN vẫn đầu óc tôn thờ “anh Hai”, sợ gần gũi với những quốc gia ASEAN dưới thể chế tự do dân chủ sẽ bị “diễn biến hoà bình” xâm nhập. Như vậy về lâu về dài Việt Nam chẳng khác gì con nhái bị con trăn Trung Quốc nuốt dần. Không thể chần chờ được nữa, Việt Nam cần thể chế chính trị dân chủ và kinh tế thị trường giao thương “mạnh” với các nước ASEAN và các cường quốc Âu Mỹ để tránh hiểm họa Bắc Triều.

3.   Trong những năm lại đây, CSVN gặp khó khăn trong việc bang giao với Hoa Kỳ và các nước tây phương, cũng như xin gia nhập WTO. Những trở ngại chính là đang nuối tiếc gia tài Cộng Sản chưa chịu dứt bỏ. Nếu không chịu từ bỏ Chủ Nghĩa Xã Hội không tưởng đó, thì nó là thứ độc dược giết chết sự phát triển tương lai của dân tộc và đó là những vật cản trở cho hương phát triển đất nước. Muốn hội nhập vào thế giới tây phương đang đi trên xa lộ “tòan cầu hóa” thì luật lệ minh bạch, làm ăn thẳng thắn, dẹp nạn tham nhũng và nhất là bỏ đầu óc thủ cựu “lẽo đẽo” chạy theo làm chư hầu. Ngày nay CSVN đang đưa dân tộc vào tử lộ vì đang chạy ngược trào lưu của thời đại. 

4.  Sự lớn mạnh của quân đội Trung Quốc hiện nay, bắc buộc Việt Nam và các nước trong Đông Nam Á đang tranh chấp các đảo trong vùng biển Đông phải tăng cường quốc phòng. Hiện nay, vẫn đường mòn lối cũ quân đội Việt Nam cứ tiếp tục mua những vũ khí lỗi thời của khối Cộng làm sao giữ được tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của CSVN đất nước nhất định sẽ không đủ khả năng tự vệ khi cò một cuộc xâm lăng xẩy ra. CSVN không đủ tư cách và khả năng lãnh đạo đất nước trước “toàn cầu hóa”, vì tương lai của dân tộc toàn dân vùng lên giải trừ chế độ độc tài xây dựng một thể chế chính trị dân chủ pháp trị tại Việt Nam.

5.  Mô hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc đang tiến tới cuối đường hầm không lối thoát, họ phải lượng giá trở lại để tìm lối ra. Sau hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, mô hình Trung Quốc không giải quyết được những bế tắc của ngân hàng và hệ thống tài chánh, các công ty quốc doanh nợ nầng chồng chất đang trên đà phá sản. Nội bộ đang đối đầu với nền chính trị bất ổn (một ngày có 240 vụ biểu tình); tham nhũng lan tràn. Chắc chắn Việt Nam đang đối diện với những nan đề y hệt như vậy, những vụ khiếu kiện đất đai, những vụ biểu tình vì bất công áp bức của chủ công ty nước ngoài đun tiền hối lộ cho quan chức Việt Nam để tự do bóc lột công nhân. Tham nhũng lan tràn thành quốc nạn v.v.. Những chế độ “độc quyền chính trị” mà lại “mở cửa kinh tế thị trường” chẳng khác gì đang lái chiếc xe chạy khập khễnh một bánh, khi xe chạy đến một tốc độ nào đó nhất định sẽ bị “sụp đổ”. CSVN nhất định sẽ sụp đổ.

6.  Lịch sử các nước trên thế giới cho thấy rằng: khi mở cửa kinh tế thị trường, và nhất là khi gia nhập vào WTO, giai cấp trung lưu sẽ xuất hiện nhanh chóng, bao nhiêu người đã sống và làm việc trong chế độ tự do dân chủ nước ngoài sẽ xuất hiện, những hội đòan độc lập phải được hoạt động trong nước, các dân tộc thiểu số đòi quyền sống, lớp trẻ ở nông thôn hấp thụ đời sống mới càng đông…tất cả sẽ đóng góp vào tiến trình đòi thay đổi thể chế chính trị tự do dân chủ không đảo ngược được. Việt Nam chắc chắn sẽ không thoát ra ngoài những ngoại lệ ấy. Trước một toàn cầu hóa hiện nay, đây là những vận hội mới cho dân tộc, những người đấu tranh nên chụp lấy thời cơ động viên toàn lực để giải trừ chế độ độc tài CSVN hiện nay.

7.  Một trong những phương tiện của toàn cầu hóa là dùng “xa lộ điện tử” (hệ thống Internet) cánh cửa mở rộng cho tất cả mọi người trên thế giới dù bất cứ ở đâu, quốc gia nào cũng có thể tìm hiểu để mở mang kiến thức, nâng cao trình độ khoa học, kỹ thuật. Làm thế nào đất nước có thể phát triển được khi CSVN vì muốn bảo vệ chế độ độc tài đã kiểm soát hệ thống Internet chặt chẽ, điều này chẳng khác gì CSVN bế quan trí tuệ, phong tỏa kiến thức. Trí tuệ và kiến thức là những điều cần và đủ cho sự phát triển kinh tế và hoàn thiện xã hội. Vậy thử hỏi rằng CSVN có đủ khả năng và sáng suốt để xây dựng Việt Nam trong thời đại “toàn cầu hóa” này không?

Đại Cường hoặc siêu cường đưa ra chiến lược hoặc chiến thuật nào cũng vì quyền lợi của chính quốc gia họ, ta không thể theo để ngữa tay xin ban ơn quyền lợi cho quốc gia mình, Việt Nam phải tự có những đột phá mới, một hướng đi sáng tạo, phải có nền chính trị phù hợp với toàn cầu hóa bảo đảm sự tin cậy của thế giới mới nhập vào dòng lưu của thời đại được. Vá víu, nhào nặng một chế độ đã hỏng chỉ tạo nên những dị dạng khó nhìn, và đầy nghi ngờ trước một thế giới đầy văn minh chắc chắn sẽ đưa dân tộc đến đường hầm tăm tối của thế kỷ 21.

Lê Thành Nhân


(1) Carlyle A Thayer- The changing Regional Geopolitical Landscape: Implication for VietNam (pg 2)

(2) Hồi ký Trần Quang Cơ, thứ trưởng ngoại giao của CSVN

(3) Carlyle A Thayer- The changing Regional Geopolitical Landscape: Implication for VietNam (July 1, 2005)

(4) Christopher A Lafleur, Đac phái viên về an ninh Đông Bắc Á, Diễn biến các vần đề an ninh ở Đông Bắc Á (20/06/2003)

(5) Morton Abramowitz và Stephen Bosworth, “Điều chỉnh trước châu Á mới”, Cuốn 2, số 4, trang 121

(6) David C. Kang, “Nhận định về Á Châu Á- Nhu cầu về cơ chế phân tích mới”, An ninh Quốc tế, tập 27, số 4, 2003, pg 66.

(7) Wu Xinbo, Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ, Đại Học Fudan, Thượng Hải Trung Quốc, “Chính Sách An ninh của Hoa Kỳ ở Đông Á”

(8) Nicheal McDevitt, “Tổng kết quốc phòng 4 năm một lần và Đông Á” năm 2001

(9) Carlyle A Thayer- The changing Regional Geopolitical Landscape: Implication for VietNam (pg 9)

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt