Việt Nam sẽ hợp tác quân sự với Mỹ như thế nào?

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-07-17

Hoa Kỳ cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác quân sự với 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong thời gian tới. Liệu Hà Nội sẽ hợp tác như thế nào với Washington, và điều này có làm phật lòng Bác Kinh? RFA phỏng vấn giáo sư Carl Thayer.

Trợ lý phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Scot Marciel, đã xác nhận rằng từ nay đến cuối năm, Lào và Mỹ sẽ mở văn phòng tùy viên quân sự, đặt ở các thủ đô Vientiane và Washington.

( Mối bang giao Việt – Mỹ đã có nhiều tiến triển trong những năm gần đây cả về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Sau hàng chục năm gián đoạn, tàu hải quân Mỹ đã nhiều lần cập cảng Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng trong các chuyến viếng thăm hữu nghị)

Đại sứ Marciel cũng cho biết là chương trình hợp tác quân sự với Việt, Campuchia, và Lào sẽ bắt đầu trong thời gian sắp tới.

Đây là một động thái có tính cách lịch sử sau nhiều chục năm gián đoạn nhưng liệu những hợp tác này có gây phật ý Trung Quốc và sẽ đưa đến những diễn biến khó lường của nước này hay không?

Mặc Lâm phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, cố vấn quốc phòng cho Australia nhằm tìm hiểu thêm về câu hỏi này.

 

Mục tiêu của Hoa Kỳ

Mặc Lâm: Thưa Giáo sư, xin ông cho biết liệu những tuyên bố vừa rồi của Đại sứ Scot Marciel về vấn đề trao đổi quân sự giữa Mỹ và ba nước Việt, Cambodia và Lào có ý nghĩa như thế nào?

GS Carl Thayer: Cuối cùng thì những nỗ lực của Hoa Kỳ sau nhiều thập niên nhằm cố gắng thắt chặt mối quan hệ quân sự đối với các nước Đông dương đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên đối với Lào, một quốc gia thân cận với Trung Quốc và Việt Nam thì nỗ lực này của Hoa Kỳ có một ý nghĩa lớn hơn nhiều, vì từ trước tới nay, quốc gia này luôn nằm dưới sự ảnh hưởng của hai nước là Trung Quốc và Việt Nam.

Việc hai nước Lào và Mỹ hợp tác trong lĩnh vực quân sự vì thế có ý nghĩa rất lớn, nó cho thấy chính quyền Lào đã bằng cách nào đó đang cố gắng thoát ra những điều mà từ trước đến nay họ bị ràng buộc bởi hai nước láng giềng.


(GS Carl Thayer)

Mặc Lâm: Giáo sư có nghĩ rằng trong chuyến công du Hoa Kỳ vừa rồi của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có dẫn đến một văn bản hay hiệp ước quân sự mà tránh không công bố đã được ký kết giữa Washington và Việt Nam hay không thưa giáo sư?

GS Carl Thayer: Tôi không nghĩ rằng có một hiệp ước quân sự nào đó được ký kết giữa hai nước trong chuyến đi của Thủ Tướng Dũng như ông vừa đặt dấu hỏi. Từ nhiều tháng trước đây Mỹ đã có những chương trình trợ huấn cho các viên chức quân sự Việt Nam trong những mục đích phi quân sự như cứu hộ trên biển chẳng hạn.

Tuy nhiên chuyến viếng thăm của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có tầm quan trọng đặc biệt khi phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ yểm trợ Việt Nam để bảo toàn lãnh thổ cũng như gìn giữ chủ quyền của mình. Rõ ràng là có một thông điệp ngầm muốn gửi đến nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc và vùng biển Nam Hải là khu vực địa lý mà Hoa Kỳ muốn nhắm tới.

Điều này có một ý nghĩa rất quan trọng vì không nói ra nhưng Hoa Kỳ đã xem Việt Nam ngang hàng với những nước đồng minh trong khu vực. Những hứa hẹn này có giá trị hơn những hợp đồng quân sự gấp nhiều lần.

Phản ứng từ Bắc Kinh

Mặc Lâm: Trước diễn biến có tính chất lịch sử này thì giáo sư có cho rằng Bắc Kinh sẽ ra mặt công kích hay ít nhất là bày tỏ thái độ phản bác trước ba nước mà Bắc Kinh luôn cho rằng là đồng minh thân thiết nhất của họ hay không?

GS Carl Thayer: Trung Quốc luôn ca ngợi mối liên hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Và Trung Quốc cũng luôn luôn muốn Việt Nam gần gũi với mình hơn bất cứ nước nào khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việc hai nước Việt Nam và Mỹ có những quan hệ quân sự như trao đổi tin tức tình báo hay những hợp đồng mua bán vũ khí sẽ khiến Trung Quốc quan tâm sâu sắc hơn nữa.

Tuy nhiên phía Việt Nam đã tiên đoán được điều này và việc Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có mặt tại Bắc Kinh vừa qua đã phần nào trấn an những nghi ngại của Trung Quốc.

Cân bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau khi nước này cải tổ kinh tế.

Mặc Lâm: Riêng đối với Việt Nam thì như nhiều nhà quan sát từng đồng ý với nhau là bất cứ một diễn tiến nào nhằm tiến sát lại với Hoa Kỳ đều gặp phải sự chống đối của phe bảo thủ. Riêng lần này thì sao thưa giáo sư?

GS Carl Thayer: Thị trường tiêu thụ của Hoa Kỳ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các ủy viên nằm trong Trung Ương Đảng Việt Nam, vì vậy tôi tin rằng phe bảo thủ dù muốn hay không muốn vẫn phải chấp nhận những động thái mà Hoa Kỳ muốn thực hiện. Việc họ quan tâm nhất là Trung Quốc chứ không phải Hoa Kỳ.

Ông Nông Đức Mạnh sang Trung Quốc sau chuyến đi của Thủ Tướng Dũng nhằm tường trình những gì mà Việt Nam và Mỹ thỏa thuận là một cách dọn đường và xoa dịu những nghi ngại của Trung Quốc.

Tôi tin rằng Hà Nội muốn Bắc Kinh nghĩ rằng bất cứ một thỏa thuận nào mà Việt Nam chấp nhận đối với Hoa Kỳ cũng đều nằm trong mục đích kinh tế.

Mặc Lâm: Xin cám ơn giáo sư Carl Thayer.

 

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt