Việt Cộng nằm vùng: ai? ở đâu?

Câu chuyện dưới đây, các người đấu tranh chống cộng nên đọc để làm hành trang kinh nghiệm kẻ nằm vùng tại hải ngoại, trong các đảng chính trị, cộng đồng và các hội đoàn….

Nằm vùng ai? ở đâu?

Phan Nhật Nam

LGT: Ngay khi chiếm được miền Nam, VC đã hoạch định đường lối chiến lược, tấn công cộng đồng người Việt hải ngoại, để một mặt hóa giải sức mạnh chống cộng, một mặt đạt được những lợi ích về kinh tế, chính trị, ngoại giao, đồng thời tạo lập địa bàn hậu thuẫn VC trong chính sách xuất cảng lao động, du sinh và nô lệ tình dục. Hiểu rõ một tên gián điệp có sức phá hoại ngang một sư đoàn, nên điểm then chốt trong đường lối chiến lược của VC là sử dụng gián điệp với 3 thành phần chính.

Thành phần thứ nhất là những gián điệp do VC cài đặt trong thời chiến tranh VN, được VC cho xuất cảng qua ngả tỵ nạn, HO, ODP, đoàn tụ gia đình…

Thành phần thứ hai là những gián điệp do VC đào tạo sau 1975, được VC cho xuất cảng qua ngả tỵ nạn, hôn phối, du sinh, tôn giáo …

Thành phần thứ ba là một số người Việt hải ngoại vì ngây thơ nhẹ dạ, vì ảo tưởng hay vì lợi lộc, bị VC chiêu dụ, hăm dọa, hay bị cài đặt khi về thăm VN, trở thành những tên tay sai cho VC.

Ngoài ra một số sinh viên du học trước năm 1975 đi theo VC cũng được VC ra lệnh thâm nhập vô các cộng đồng người Việt tại các quốc gia sở tại.

Tùy theo vai trò và nhiệm vụ, mỗi gián điệp VC có một đường lối hoạt động riêng. Nhưng nhìn chung, chung có 2 giai đoạn chính:

Giai đoạn đầu là chinh phục lòng tin của mọi người qua chống cộng, qua phục vụ cộng đồng, qua tiền bạc mua chuộc tình nghĩa đồng song, đồng hương hay đồng nghiệp. Một khi được mọi người tin tưởng, chúng sẽ dần dần nắm giữ các chức vụ quan trọng trong cộng đồng rồi dùng cộng đồng mua chuộc chính giới bản xứ và dùng chính giới bản xứ lèo lái cộng đồng.

Sau đó, sang giai đoạn hai, núp dưới bình phong chống cộng và lá bài đấu tranh giành tự do dân chủ cho quê hương, những tên VC nằm vùng sẽ lèo lái cộng đồng và chính giới bản xứ thực hiện những việc có lợi cho VC như hậu thuẫn du sinh, lao công và nô lệ tình dục do VC xuất cảng, vận động giao lưu văn hóa với VC, kêu gào mọi người chấp nhận để VC lãnh đạo đất nước miễn qua chiêu bài đa đảng với những đảng cụi đảng ma do VC thành lập, dùng tham vọng bành trướng của Trung Cộng tại Hoàng Sa, Trường Sa để đánh lạc hướng đấu tranh, khiến người Việt quên mất kẻ thù cực kỳ nguy hiểm trước mắt là VC, kẻ đã cưỡng chiếm cả Miền Nam, đầy đọa cả dân tộc VN suốt ba phần tư thế kỷ, đồng thời cắt đất, cắt biển của tổ quốc dâng cho Trung Cộng …

Để nhận biết được bản chất của VC, TT Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói: “Đừng nghe những gì VC nói mà hãy nhìn kỹ những gì VC làm”.

Tương tự như vậy, muốn biết rõ một người có phải là gián điệp VC hay không, hãy nhìn kỹ những việc người đó làm trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Một người trong quá khứ hô hào chống cộng nhưng hiện tại quay ra bắt tay với VC, thì phải hiểu cái hiện tại của người đó chắc chắn là cái nguy hiểm ta cần phải chống; còn cái quá khứ chống cộng của người đó có thể chỉ là cái giả dối nhằm đánh lừa chúng ta. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ không thất vọng, sụp đổ tinh thần đấu tranh, khi cái gọi là “thần tượng chống cộng” của mình bị sụp đổ; chúng ta cũng sẽ không mù quáng tôn sùng ai quá đáng để rồi đánh mất đi sự cảnh giác và trí phán đoán, chỉ biết nhắm mắt chạy theo thần tượng mà không biết thần tượng đang chạy theo VC. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên vội vàng tin tưởng những người được mệnh danh là “phản tỉnh”, “ly khai đảng cộng sản” hay “kiên định lập trường”, “chính hướng cách mạng” … cho dù những người này có chống cộng sản một cách điên cuồng. Nên nhớ, quan trọng nhất trong cuộc tấn công của VC đối với cộng đồng người Việt hải ngoại là trận chiến tình báo, gián điệp. Mà đã là tình báo gián điệp, thì nhiều lúc, một tên VC giả vờ phản tỉnh chiêu hồi, giả vờ ly khai, sẽ làm được nhiều trò có lợi cho VC hơn cả những tên VC có thẻ đảng.  Là những tên VC nằm vùng thì tùy theo giai đoạn, hoàn cảnh, chúng sẽ được VC cho phép “chống cộng tối đa”, thậm chí VC còn sẵn sàng hy sinh những tên “VC nằm vùng tép riu” để tạo uy tín cho những tên VC nằm vùng quan trọng. Dĩ nhiên, đối với những tổ chức, những chính đảng do VC nặn lên tại hải ngoại, VC cũng áp dụng những thủ đoạn tương tự. Nghĩa là dưới bàn tay phù thủy của VC, có những người hôm qua là đảng viên của đảng A, B, C, nay quay ra ly khai, chống đối quyết liệt, rồi nhảy vô cộng đồng hay một chính đảng khác, để thực hiện những nhiệm vụ do VC giao phó.

Sau đây Sàigòn Times trân trọng giới thiệu bài viết “Nằm vùng ? Ai ? Ở đâu ?” của ông Phan Nhật Nam, một người chống cộng với tất cả tâm huyết và trí tuệ của một người lính, một nhà báo trong suốt mấy chục năm dài và là nạn nhân của cả một chiến dịch bôi nhọ, lăng mạ, chụp mũ … do VC giật dây và những tên VC nằm vùng thực hiện. Hy vọng, qua bài viết, quý độc giả sẽ có cơ hội đánh giá bạn thù một cách vững vàng, chính xác và can đảm trong bối cảnh xôi đậu của cộng đồng  và những màn chống cộng phường tuồng của một số đảng phái hiện nay.

=======


Suốt hai năm nay ẩn thân nơi chốn tuyết phủ, “nóc nhà nước Mỹ” nầy, quả tình tôi không muốn dính dấp đến những chuyện “cặn bã tồi tệ” với người và việc trong tranh chấp chính trị. Nhưng nay, nhân người bạn trở lại vụ việc cũ với câu hỏi: “Làm sao năm 1995, ông bị gán cho tiếng “Việt Cộng nằm vùng? !” mà kẻ chụp cái nón cối kia không ai khác là những người cùng ông chung nơi xuất phát, đồng trình độ khả năng kỹ thuật quân sự và vị thế chính trị – những người thuộc Hội Võ Bị Đà Lạt !!” Tại sao đến nông nổi như thế? Tại sao?

Ngày 30 tháng Tư 1995, lên đường từ San Jose, chốn tôi đã đến Mỹ đầu tiên do bảo trợ của Gia Đình Mũ Đỏ, để trả phần nợ ân nghĩa đối với những người lính đã cùng tôi sống, chết hết một đời người, tôi đi tiếp đến 38 nơi trên toàn thế giới để nói với những cộng đồng Người Việt một điều tận cùng dẫu bị bó tay, bẻ súng, cùng đành thất trận nhưng chính chúng ta – Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa – là người nhận sứ mệnh Bảo Quốc An Dân trước Lịch Sử Dân Tộc và đã phải trả giá mối thống hận không hoàn thành nhiệm vụ kia bằng Máu và Mạng Sống của mình.

Những tưởng với cố gắng như trên sau 30 năm “ở lính và ở tù”, chí ít cũng làm cho những người khắc nghiệt nhẫn tâm nhất phải nhận ra: Lòng tôi trước sau hằng sắc son thủy chung với một màu cờ đã chọn lựa từ buổi thanh xuân (mà nay đã gần hết một đời người với tuổi quá 50). Nhưng tại sao, từ đâu đã xẩy ra sự kiện ác độc bất công như trên? Chắc chắn phải có một trung tâm quyền lực với những con người cực nham hiểm điều hành một cách có hiệu quả âm mưu lăng nhục, vấy bẩn, đánh phá tất cả không từ một ai. Thế nên, hôm nay, tôi phải trở lại câu chuyện cũ để xác nhận một điều cay đắng chúng ta đã bị bức hại bởi chính kẻ nội thù ngụy trang trong đội ngũ chúng ta – những tên VC nằm vùng.

I. VỤ THỨ NHẤT

Trong nỗi nhục rã rời sau ngày 30 tháng Tư, 1975, khi lâm cảnh tại những trung tâm “đăng ký trình diện học tập cải tạo”, chúng tôi còn phải gánh chịu thêm tình trạng bàng hoàng của kẻ bị lừa gạt, khi nhận ra những người hôm qua còn là “huynh đệ, bằng hữu”, nay thoắt trở thành “cán bộ” với những y phục xa lạ thô kệch, chiếc nón cối chùm hụp và đôi dép râu quê mùa. Lẽ tất nhiên những kẻ nầy không quên đeo trên người khẩu K 54 và chiếc băng đỏ. Tôi và Triệt, người bạn cùng khóa, gặp Lưu Thừa Chí (cũng chung khóa 18 Đà Lạt) trong tình thế bẽ bàng đáng hổ thẹn nầy. Chí ngồi ghi danh người đến “đăng ký” với lon thượng úy – ba ngôi sao và một vạch ngang, địa điểm trường Trần Hoàng Quân, Chợ Lớn.

Thật sự, anh ta cũng có vẻ ngượng khi Triệt hỏi gằn với cách mĩa mai: Mầy làm cái gì mà kỳ cục như thế nầy ? Ờ … ờ tại vì kỳ làm ở Phong Dinh, tao có vài liên hệ với họ nên bây giờ họ nói tao giúp trong buổi chuyển tiếp. Tôi đứng xa chỉ nghe Triệt đến kể lại. Thôi kệ nó, mầy và tao lần nầy lại ở chung với nhau như mười bốn năm trước trên trường Đà Lạt, chỉ khác bây giờ là trại tù việt cộng, đất trời tính ghê quá, con người không biết đâu mà lường.

Ngày 23 tháng 6, 1975, chúng tôi vào trại Long Giao, Long Khánh, câu chuyện về một người gọi là “thiếu tá an ninh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mang lon thượng úy cộng sản ngồi ghi danh”, anh em không ai muốn nhắc lại – Vì hiện tượng phản trắc đã lộ mặt và cùng khắp. Tồi tệ hơn, những kẻ thay màu áo nầy hãnh diện với “sự nghiệp tráo trở của mình – thành tích “có công với cách mạng”. Chữ nghĩa được dùng với toàn bộ tính đê tiện khinh miệt nhất. Tôi và Triệt mất liên lạc với nhau khi chuyển ra Bắc, sau chuyến đi địa ngục trên tàu Sông Hương, khởi hành từ Tân Cảng, Sàigòn, đúng Ngày Quân Lực 19 tháng Sáu, 1976.

“Mười tám” năm sau, 1994, tôi và Triệt lại gặp nhau ở Houston, đường Beechnut. Hai chúng tôi đã thật sự ở tuổi già sau ba mươi năm “tuổi tù và tuổi lính”, nhưng Triệt vẫn giữ nguyên cách thẳng thắng mạnh mẽ của người miền Nam như đang kỳ trai trẻ. Lần gặp gỡ bắt đầu với câu hỏi gay gắt như đã chực sẵn từ lâu:

– Mầy nhớ vụ thằng Chí khóa mình trình diện năm 1975 không?

– Thằng Chí thiếu tá an ninh quân đội, cũng là thượng úy việt cộng chứ gì? Tôi cũng sẳng giọng không kém.

– Hắn qua Mỹ rồi đó, HO, đi trước khi mầy ở tù về, bây giờ đang ở DC, kỳ đại hội Võ Bị tháng 7 vừa rồi, nó có mặt trong ban tổ chức!!

– Mầy có giỡn không, nó là Việt cộng chính gốc, sao lại đi HO?!

Câu chuyện được kể lại với những chi tiết bất ngờ, cho dẫu kẻ có trí tưởng tượng phong phú cũng khó lường phần bố cục.

Bắt đầu từ những năm đầu của thập niên 80, một số ít sĩ quan miền Nam thuộc những đơn vị chuyên môn như hành chánh tài chánh, quân cụ, quân nhu lần lượt được trở về chịu sự quản chế của địa phương sở tại. Khóa chúng tôi do một may mắn hiếm có (chỉ xẩy ra một lần với khóa 18), vào giai đoạn ra trường (cuối năm 1963), khi chiến tranh tăng cường độ, tổ chức quân đội mở rộng nên cần một số sĩ quan về các đơn vị chuyên môn. Những người may mắn nầy sau 1975 nhận thêm một lần “hên”, họ được thả sớm hơn so với những người bạn ở các đơn vị tác chiến, mà theo đánh giá của cán bộ cộng sản thì món “nợ máu của nhân dân” chia ra bốn cấp: “Nhất Pháo”, nhì Phi, tam Rằn Ri, tứ Chính Trị” (ý nói, lính pháo binh, phi công, biệt kích, nhảy dù, biệt động, thủy quân lục chiến và chiến tranh chính trị là những đơn vị đứng hàng đầu tội phạm). Nhóm sĩ quan may mắn của khóa 18 kia vào ngay 23 tháng 11, 1981 (kỷ niệm ngày mãn khóa học mười tám năm trước, 23 tháng 11, 1963), tập trung tại nhà Nguyễn Ngọc Anh, biệt thự gia đình vợ, đường Pasteur cũ. Mười mấy anh, chị lôi thôi, tơi tả vì trận đòn thù từ 1975 đến nay vẫn chưa hồi tỉnh, tính sổ lại 198 mạng của ngày mãn khóa nay chỉ còn không tới 20, với 50 người tử trận vĩnh viễn không về, mươi kẻ tỵ nạn, vượt biên, số lớn còn lại hiện sống, chết không nên dạng người nơi các trại tù trong Nam, ngoài Bắc.

Trong giây phút mừng tủi của lần hội ngộ, bỗng nhiên, Lưu Thừa Chí xuất hiện. Mọi người đồng im bặt. Sau cùng, có người gắng gượng hỏi:

–  Anh còn đến với chúng tôi làm gì?

–  Tôi cũng đi cải tạo như các bạn, ở trại Cây Trâm!

Chí giả lả làm hòa, hắn đưa Giấy Ra Trại để làm bằng và đề nghị được góp phần tiền lớn để cùng mua thức ăn, đồ uống về chung vui buổi họp mặt. Không khí hóa nặng nề, từng người lặng lẽ rút lui.

–  Mầy có mặt hôm đó không? Tôi nôn nóng hỏi Triệt, cố tìm nên đầu mối.

–  Có, năm đó tao mới về, về được một tháng thì Tết Tây.

–  Thế thì nó cũng đi tù như bọn mình sao?

–  Tù chỗ nào, sao mầy ngu vậy, thiếu tá an ninh quân đội thì phải đi ra Bắc chứ; với lý lịch an ninh quân đội thì chẳng phải cần đến cấp tá, chỉ thiếu, trung úy hoặc hạ sĩ quan nó còn tìm cớ để bắn chết không cần xét xử như ở trại Xuân Phước, Tiên Lãnh ngoài Trung. Thiếu tá an ninh quân đội nào để lại ở trại Cây Trâm, Bình Dương như thằng nầy?! Triệt gắt cao giọng lộ vẻ bực tức vì tôi vẫn chưa rõ đầu mối câu chuyện.

–  Trại Cây Trâm ở đâu, ngày ở Long Giao không nghe ai nói đến.

– Đó là trại tụi hình sự, cũng có sĩ quan, nhưng chỉ có cấp thiếu, trung úy mà là thành phần gây vụ việc sau 1975 chứ không là đám tập trung tháng 5, tháng 6, năm 75 như bọn mình.

– Rồi sao nữa? Tao ngao ngán.

– Sao nữa, đ.m. nó đi HO trước hơn ai hết, kỳ đại hội 7 vừa rồi ở DC, nó góp 1000 đồng cho ban tổ chức.

– Tiền đâu mà một thằng HO có ngay một ngàn để đóng?!

– Mầy tìm nó mà hỏi!! Triệt gầm gừ chấm dứt câu chuyện với cách chưởi thề chậm rãi từng tiếng một.

Những nhân sự như Lưu Thừa Chí kể trên sẽ mãi mãi ở trong bóng tối với khả năng tầm thường, đối tượng công tác hạn chế riêng của nó và giá như bị phát hiện (như đã từng bị nhận ra lý lịch) thì người quốc gia cũng chỉ giải quyết bằng biện pháp “đóng cửa dạy nhau”, coi như trường hợp “xử lý nội bộ” (nói theo cách cộng sản) bởi người phe quốc gia vốn dễ tính, không chấp nhứt đối với những kẻ tráo trở, bội phản, cũng do những kẻ nầy lỡ đã một lần là bạn bè cùng khóa, cùng hội, cùng trường. Nói ra sợ “xấu hổ cả đám”. Nhưng, vì năm 1994 kia, tôi mới qua Mỹ được mấy tháng, lòng còn đang sôi sục ‘những chuyện cần được kể lại”, với ý hướng “ngây thơ” – người bên ngoài cũng đang muốn nghe về những câu chuyện kia – dẫu những vụ việc nói ra gây nặng lòng, cau mặt.

Ba mươi khóa Đà Lạt, trước và sau khóa 18 (khóa chúng tôi bao gồm Lưu Thừa Chí), không hề có trường hợp: Thiếu úy tốt nghiệp trường Đà Lạt được chọn đi ngành An Ninh Quân Đội ngay lúc mãn khóa. Bởi, sĩ quan ngành tình báo nầy phần đông, nếu không nói hầu hết do ngành an ninh tuyển chọn từ các đơn vị, được huấn luyện ở những trung tâm quân báo, tình báo trong nước và ngoại quốc, sau một quá trình sưu tra an ninh đặc biệt (thời Đệ Nhất Cộng Hòa, trách nhiệm sưu tra thuộc một bộ phận của Văn Phòng Nghiên Cứu Chính Trị của cố vấn Ngô Đình Nhu). Thế nên, sự kiện viên thiếu úy tên gọi Lưu Thừa Chí được tuyển chọn đi ngành an ninh quân đội từ ngày 23 tháng 11, 1963, không thuộc thẩm quyền chỉ định của ban tham mưu Trường Võ Bị, cũng không thuộc Phòng Tổng Quản Trị Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH – Nó xuất phát từ cấp độ cao hơn. Cao đến chỗ nào, chúng ta không thể biết, cũng không hề có khả năng được biết những “bí mật quốc gia” từ dinh tổng thống, dinh thủ tướng, bộ quốc phòng – Những bí mật hằng được đám tình báo chiến lược Việt cộng nắm rõ đầu mối, ngọn nguồn.

Chúng tôi không hề quan trọng hóa một sự kiện nhỏ nhặt, vì sau nầy, khoảng năm 1972, Chí để lộ cơ sở công tác: Y thả một nữ cán bộ cộng sản bị bắt giam tại Ty An Ninh Quân Đội Phong Dinh, âm mưu vỡ lở, Trung Tá Nguyễn Hữu Khiếu, Tiểu Khu Phó thụ lý nội vụ. Chí cầu cứu Trung Tá Khiếu với lý lẽ: “Bị mê hoặc bởi sắc đẹp cô gái chứ không phải do công tác nội tuyến”.

Trung Tá Khiếu nay ở Montréal, kể lại câu chuyện nầy với Hội Võ Bị địa phương ngày 20 tháng 10, 1996, có cá nhân tôi tham dự. Năm 1960-1963, ông Khiếu là đại úy dạy vũ khí ở trường Đà Lạt. Do bản chất trung hậu và cũng có phần tin “Chí lỡ dại do dáng dấp quê kệch, xấu trai” nên ông Khiếu che chở Chí vì tình thầy trò ở giai đoạn 1972 kia. Nhưng, sau nội vụ, do từ một “gốc” lớn nào đó ở Sài Gòn lo an ninh, phản tình báo trong cộng đồng người Hoa. Lưu Thừa Chí cũng có thể đọc là Liêu thay vì Lưu, vốn giòng Minh Hương, người Việt gốc Hoa.

II. VỤ THỨ HAI

Năm 1957 – xin nhắc lại, trước năm 1975 mười tám năm trước, trước vụ việc Lưu Thừa Chí như vừa kể trên gần một thập niên – một thanh niên tuổi chưa tới hai mươi, lội sông Bến Hải vượt tuyến vào Nam. Anh ta đến khai cùng đồn cảnh sát Giô Linh là em ruột của viên tướng tư lệnh quân khu 2, đóng tại Huế. Viên tướng cho người ra đón em, đem về hỏi lý do vượt tuyến. Anh thanh niên tỏ bày, vì có anh là tướng lãnh miền Nam nên gia đình ngoài Bắc bị vây khổn, chính trị ngặt nghèo, bản thân anh ta không được đi học và chịu cảnh sống cơ cực kinh tế hoặc người anh cả (anh ông tướng) vốn là trung tá binh chủng phòng không không quân bộ đội Miền Bắc, dẫu có công trận lớn vẫn không được thăng cấp.

Được anh nuôi ăn học, người thanh niên sau bậc trung học, tình nguyện đi lính với hoài bão nói ra lời: “cũng muốn được sự nghiệp vinh quang trong quân đội như anh”. Anh ta tốt nghiệp khóa sĩ quan trừ bị Thủ Đức, đổi về binh chủng hải quân, Bộ Tư Lệnh vùng 4 Sông Ngòi ở Mỹ Tho. Những năm 70, anh lên thiếu tá, được mệnh danh là “VC killer”, do thành tích, cuối mỗi cuộc hành quân, anh kéo xác Việt cộng sau tàu chạy dọc bến sông để biểu dương ý chí “chống cộng”!! Những ngày cuối tháng 4- 1975, viên tướng cho người em út, phó quận hành chánh quận Tân Bình, Gia Định về Mỹ Tho, kêu vị thiếu tá “VC killer” về Sài Gòn để cùng gia đình lớn đi Mỹ. Thiếu tá “VC killer” mạnh mẽ khẳng định với người em: “Tui chỉ là thiếu tá, chú là quốc gia hành chánh, có gì mà phải sợ “cách mạng”, ông ấy là tướng mới cần đi Mỹ, còn chú với tôi thì ở lại “xây dựng đất nước”, hòa bình thống nhất rồi ta còn mong ước gì hơn”.

Sau 30 tháng Tư, 1975, thiếu tá “VC killer”, người em quốc gia hành chánh đồng “hồ hỡi, phấn khởi trình diện học tập cải tạo”. Người em vào trại Long Thành, Biên Hòa; thiếu tá “VC killer” ra trại 1, Đoàn 776, xã Việt Hồng, Hoàng Liên Sơn. Gặp tôi đi vác nứa giữa đường vào Cốc, thiếu tá “VC killer” đưa tay ngoắc thân ái và hỏi thăm về người em quốc gia hành chánh – cũng là em rể, lấy em gái tôi, Phan Ph. Kh.

Một năm sau, khoảng mùa Hè 1977, một cán bộ mặc thường phục từ Hà Nội đến bộ chỉ huy đoàn 776, gặp viên chính ủy đoàn. Thiếu tá “VC killer” ra khỏi trại, về Ban-Mê Thuộc hành nghề giữ xe đạp với căn cước mới: “thiếu tá ngụy quân học tập tiến bộ, trở về do chính sách khoan hồng nhân đạo của cách mạng”. Chỉ có một điều không ghi vào lý lịch, ấy là, đối tượng công tác của thiếu tá “hải quân ngụy – VC killer” trong giai đoạn mới là những ai. Hoặc là thành phần “Fulro phản động đang âm mưu nổi loạn ở Tây Nguyên”, cũng có thể là đám cán bộ cộng sản mới được bố trí vào Tây Nguyên mà thành phần chưa đồng nhất nên cần phải theo dõi, báo cáo công tác theo hệ thống riêng của Cục Bảo Vệ Chính Trị thuộc quyền chỉ huy trực tiếp duy nhất của Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng – Cơ quan bao trùm cả Bộ Nội Vụ lẫn Cục Tình Báo Hải Ngoại.

Thiếu tá “VC killer” hay người thanh niên vượt tuyến là Thái Quang Chức; người anh cả là Trung Tá Thái Quang Hồng, binh chủng Phòng Không Không Quân bộ đội miền Bắc; người anh thứ là Thiếu Tướng Thái Quang Hoàng, Tư Lệnh Quân Khu 2. Từ năm ấy đến nay, trên đất nước Việt Nam, nơi hải ngoại, hằng vạn, triệu người đã chết. Chỉ một số còn sống, nhưng vẫn “ – giữ nguyên bí số” – Những người như Thái Quang Chức, Lưu Thừa Chí và rất nhiều – rất rất nhiều nữa – những kẻ vô danh, tầm thường, chuyển công tác theo “hệ thống ngang – từ nhân viên Cục Bảo Vệ Chính Trị lên thành nhân viên Cục Tình Báo Hải Ngoại – dưới quyền chỉ đạo nhất quán thuộc “hệ thống dọc bất khả thay thế”: Ban Tổ Chức Trung Ương ĐCSVN.

II. VỤ THỨ BA

Bắt đầu mùa Hè năm 1990, chương trình ODP được thực hiện với đối tượng cựu tù nhân cải tạo qua kế hoạch H (Chỉ danh nầy bị hiểu nhầm một cách có ý nghĩa thành HO), cá nhân tôi cũng nộp hồ sơ theo thủ tục chung tại Trung Tâm Xuất Nhập Cảnh 333, Nguyễn Trải, Sài Gòn (trước Tổng Nha Cảnh Sát đường Võ Tánh cũ). Sau thời gian chờ đợi, trung tâm trả lại hồ sơ với lý do: “trên chưa có quyết định về những trường hợp thuộc diện như cá nhân tôi”. Sau vài lần vượt biên không thành, hơn nữa các trại tỵ nạn cũng đang có kế hoạch đóng cửa, nhạc mẫu tôi thử cố gắng thêm một lần nhân chuyến ra Bắc thăm họ hàng, với đầu mối – Trung Tâm Trung Ương, Cục Xuất Cảnh, Bộ Nội Vụ, 40 A Hàng Bài Hà Nội.

Trung tâm ra giá, 500.000 đồng tiền Việt, cụ tặng thêm 100.000 đồng cho nhân viên làm biên lai thâu nhận hồ sơ. Ngày hôm sau, trung tâm Hàng Bài trả lại hồ sơ với lý do tương tự của đường Nguyễn Trải. Cuối cùng, HĐ Ngoạn và PĐ Vượng, (hai người bạn thân, biết hầu hết nhân sự và vụ việc của Sài Gòn trước lẫn sau năm 1975, do đường giây giang hồ riêng) chỉ cho tôi đến địa chỉ 206 Nguyễn Trải, cạnh rạp chớp bóng Khải Hoàn, sát cổng xe lửa số 1.

Cơ sở không bảng hiệu, nhân viên mặc thường phục đón khách với thái độ “chúng tôi đã biết rõ tất cả”. Mà quả thật như thế, người tiếp tôi bắt đầu với câu chào “anh Nam có mạnh khỏe không?” Anh ta đứng dậy, mở tủ, nói với vẻ tự tin: “Tôi biết anh nhiều lắm!!” Rồi anh cho coi Chứng Chỉ Nhảy Dù do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn Nhảy Dù cấp, Trung Tá Trần Văn Vinh ấn ký, với lời giới thiệu: “Trung úy Trần Trung Phương, gốc đại đội 33 Tiểu Đoàn 3 Dù, và đơn vị cuối, Biệt Đội Quân Báo Điện Tử sư đoàn”.

Nhưng, Trần Trung Phương không chỉ là “sĩ quan nằm vùng nơi Biệt Đội Điện Tử Sư Đoàn Dù”, mà còn là “nhân viên đặc vụ của sở phản gián Bộ Nội Vụ cộng sản”, nên anh ta đã có kết luận mau chóng: “Tôi có thể làm hồ sơ để anh ra khỏi nước trong vòng tám tháng là tối đa, gia đình anh tại Mỹ trả 2000 đô la cho người chúng tôi bên đó, và thêm một vài điều kiện khác v.v…”.

Lẽ tất nhiên, tôi không thể thực hiện những đề nghị của Phương, từ 2000 đô la đến “những điều kiện khác”. Sau nầy, năm 1993, để giúp một người quen giải quyết một khó khăn tương tự, tôi đi tìm Trần Trung Phương ở địa chỉ mới, một văn phòng trong khách sạn góc đường Nguyễn Văn Trỗi (Cách Mạng cũ) và Trần Quang Diệu. Nhân viên văn phòng nầy cho biết Phương đã có mặt ở Nam Cali, vùng Westminter với nhiệm sở mới là một văn phòng dịch vụ du lịch.

Những bãi đáp đổ quân, vị trí hỏa tập tiên liệu, toa độ dội bom B52 của Sư Đoàn Nhảy Dù trong chiến dịch Hạ Lào Lam Sơn 719 đã bị quân báo cộng sản giải mã từ nhiều đầu mối. Một trong những đầu mối hiểm nghèo kia có sự tham dự rất tích cực và hiệu quả từ Biệt Đội Điện Tử và Phòng Hành Quân của sư đoàn. Và tại cơ quan hành quân tối mật nầy đã không cần đến một “sĩ quan nằm vùng” với cấp bậc trung úy như Trần Trung Phương nhưng chỉ cần một hạ sĩ quan vẽ phóng đồ hành quân – viên Hạ Sĩ Nhất mà tôi đã từng thấy mặt, luôn làm việc im lặng, chăm chỉ của phòng 3 khi đơn vị còn mang phiên hiệu Lữ Đoàn Nhảy Dù, năm 1963. Ngày 30 tháng 4-1975, viên hạ sĩ quan nầy hướng dẫn trung tá Nguyễn Văn Tư, Chỉ Huy Trưởng Tổng Hành Dinh Sư Đoàn qua Camp Davis, Tân Sơn Nhất gặp cán bộ cộng sản để bàn giao hồ sơ trận liệt của đơn vị mà y đã lưu giữ, cập nhật từ mười, hai mươi năm qua.

LỜI KHẨN CẦU VIẾT VỚI GIÁ MÁU

Tôi đã quá tuổi để bắt đầu một dự định mới, cho dẫu kế hoạch dự trù ấy cần thiết, cấp bách đến bao nhiêu, bởi thời gian còn lại không cho phép và việc  chưa hoàn tất lại quá nhiều – Nhưng tôi phải có bổn phận chỉ đích danh những cá nhân tác hại điển hình như Lưu Thừa Chí, Trần Trung Phương, TQ Chức, những viên hạ sĩ quan, những công an cộng sản (đi theo diện “ghép” với những gia đình HO, ODP) như vừa kể trên (hiện tràn lan khắp cộng đồng Người Việt hải ngoại) – Một nhiệm vụ không thể trì hoãn và khoan thứ vì đây không là sự việc “liên hệ giữa những cá nhân”, nhưng là sự tồn vong “sinh mệnh chính trị” của một tổng thể rộng lớn – Không phải chỉ khối Người Việt Miền Nam mà là toàn Việt Nam khổ nạn. Bởi chúng ta, người Việt Không Cộng Sản – không bao giờ là đảng viên cộng sản – đã lần lượt thua những trận quyết định liên quan đến vận mệnh toàn dân tộc, lần tháng 8-1945 và lần 20 tháng 7-1954 và lần cuối cùng 30 tháng tư năm 1975. Và nếu hôm nay, chúng ta không điều chỉnh sách lược để nhìn rõ địch tình thì e rằng khí thế của lần Cali Vùng Dậy Cờ Vàng 1999, những Đêm Tuổi Trẻ Thắp Nến sẽ trở nên vô ích, gây tàn lụi nguồn hy vọng bức thiết từ Xuân Lộc, Long Khánh, Thái Bình.

Chúng ta sẽ mãi mãi là “ Người Việt xấu xí” trước mắt thế giới do âm mưu từ một kẻ nội thù hiễm độc. Nhưng, cũng phải nói rõ thêm một lần hay bao nhiêu lần mới đủ: Đây là lỗi từ chúng ta. Cứ sẵn khắc nghiệt cáo buộc, chụp mũ, tranh chấp cùng nhau để rảnh tay cho kẻ thù, cũng đồng nghĩa vô tình tiếp tay kẻ nghịch, bức hại anh em – với “biện pháp cuối cùng và độc nhất” – cáo buộc người bạn của minh là “cộng sản”, do sau khi đã không tìm ra được nơi bạn mình một lỗi lầm nhỏ nhặt nào.

Cuối cùng, chính bản thân ta đơn độc nguy khốn vì lẽ đã tự tay phá hủy vũ khí đoàn kết của chính mình.

Đau đớn bao nhiêu. Uất hận bao nhiêu.

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt