Vén màn Bắc Hàn dưới thời Kim Jong Un
Một nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Hàn đào thoát đến Nam Hàn cho biết nhiều bí ẩn của một nước khép kín dưới chế độ Kim Jong Un
Ông Ri Il Kyu, 52 tuổi, là cố vấn tại Tòa Đại Sứ Bắc Hàn tại Cuba với nhiệm vụ: ngăn chặn Nam Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba. Ri đào tẩu khỏi Cuba tháng 11/2023 mà tin tức chi tiết về vụ đào tẩu của của ông đến nay mới đưa ra ánh sáng, vì Ri phải được chính quyền Nam Hàn xóa tội và trải qua một khóa giáo dục về xã hội và đời sống của Nam Hàn.
Ri Il Kyu gia nhập Bộ ngoại giao Bắc Hàn năm 1999, được giấy khen của Kim Jong Un vì đã đàm phán thành công với Panama bỏ lệnh bắt giữ một tàu Bắc Hàn bị phát hiện chở vũ khí vào Cuba năm 2013.
Đây là lời tường thuật của Ri Il Kyu với hãng tin Reuters ngày 1/08/2024:
Ri Il Kyu, nhà ngoại giao cao cấp của Bắc Hàn đào tẩu sang Nam Hàn cho Reuters biết “Bắc Hàn muốn mở lại các cuộc đàm phán nguyên tử với Hoa Kỳ nếu Donald Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 này”.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với giới truyền thông quốc tế, Ri Il Kyu cho biết Bắc Hàn đã đặt Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại trong năm nay (2024) và những năm tiếp theo.
Trong khi củng cố mối quan hệ với Nga, Bình Nhưỡng rất muốn mở lại các cuộc đàm phán nguyên tử với Mỹ nếu Trump tái đắc cử.
Các nhà ngoại giao của Bình Nhưỡng đang vạch ra một chiến lược cho tình hình đó, với mục tiêu dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các chương trình vũ khí của Bắc Hàn, xóa tên Bắc Hàn là nước tài trợ cho khủng bố và kêu gọi được viện trợ kinh tế.
Bình luận của ông như một báo hiệu nhiều thay đổi từ lập trường hiện tại của Bắc Hàn sau những tuyên bố cứng nhắc gần đây từ bỏ khả năng đối thoại với Hoa Kỳ và cảnh báo về xung đột vũ khí.
Nói về hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong Un và Donald Trump tại Việt Nam năm 2019 bị sụp đổ, Ri Il Kyu đổ lỗi cho quyết định của Kim Jong Un đã giao phó ngoại giao nguyên tử cho các cấp chỉ huy quân sự “thiếu kinh nghiệm, thiếu hiểu biết”. Và “Kim Jong Un không biết nhiều về quan hệ quốc tế và ngoại giao, hoặc cách đưa ra phán quyết chiến lược”.
QUAN HỆ VỚI NGA, VIỆN TRỢ CỦA NHẬT BẢN
Ri Il Kyu cho biết Bắc Hàn xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, để nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật công nghệ hỏa tiễn và kinh tế. Họ cũng hy vọng lợi ích lớn hơn là nhờ Nga ngăn chặn các lệnh trừng phạt bổ sung của Liên Hiệp Quốc và làm suy yếu các lệnh trừng phạt hiện có, đồng thời nâng cao giá trị của Bắc Hàn đối với Washington DC.
Ri Il Kyu cho biết thêm “Nga đã tự làm bẩn tay mình bằng cách tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp. Nhờ đó, Bắc Hàn không cần phải dựa vào Hoa Kỳ để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nữa, về cơ bản có nghĩa là họ đã tước đi của Hoa Kỳ một con bài mặc cả quan trọng”.
Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã nói rằng ông muốn gặp Kim, nhưng vấn đề công dân Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc vào những năm 1970 và 80 nay còn là một trở ngại. Theo Ri Il Kyu, Kim Jong Un sẽ tìm cách tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nhật Bản, nhằm mục đích nhận được hỗ trợ kinh tế để đổi lấy những người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc trước đây.
Tokyo tin rằng 17 công dân của mình đã bị bắt cóc, năm người đã trở về Nhật Bản vào năm 2002. Bình Nhưỡng coi vấn đề này đã được giải quyết, sau khi Bắc Hàn thừa nhận đã bắt cóc 12 công dân Nhật Bản và nói rằng những người đó đã mất tích hoặc đã chết nay không rõ tung tích và 5 người khác đã được tự do về Nhật. Nhưng vẫn chưa xong với Nhật.
RI Il KYU TỪ OÁN GIẬN ĐẾN TRỐN THOÁT
Sau khi Ri học tại một trường Pháp ở tại Algeria và sống ở Cuba cùng người cha đã quá cố, Ri Il Kyu cho biết anh đã tưởng tượng về một cuộc sống ở Nam Hàn từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ có ý định trốn thoát cho đến khi anh bị một đồng nghiệp ngoại giao bắt nạt vì Ri từ chối nhận hối lộ. Sau đó, khoảnh khắc quyết định đã đến ngay lập tức khi Ri bị Bình Nhưỡng từ chối yêu cầu được điều trị y tế thoái vị đĩa đệm ở cổ tại Mexico với chi phí do anh tự chi trả.
“Điều đó đã làm bùng nổ mọi sự oán giận mà tôi đã ấp ủ đối với chế độ này”.
Ri Il Kyu cho biết lệnh phong tỏa do COVID-19 đã làm gia tăng thêm khó khăn ở Bắc Hàn và những nhân viên của Bắc Hàn ở nước ngoài. Hầu hết các đường dây điện thoại đến Bắc Hàn đều bị cắt để ngăn chặn tin dịch ở Bắc Hàn ra thế giới bên ngoài. Thiếu tài chánh trầm trọng cũng buộc Bắc Hàn phải đóng cửa hàng chục trong số 54 phái bộ ngoại giao của mình.
“Khi họ bắt đầu mở cửa trở lại và triệu tập những người làm việc ở nước ngoài vào đầu năm 2023, họ yêu cầu mang mọi thứ đồ dùng cũ từ bàn chải đánh răng đến thìa và nồi nấu cơm về nhà, cho biết rằng ở Bắc Hàn mọi thứ đang thiếu thốn”
Phiên dịch tin Reuters