Vấn Nạn Hồ Chí Minh: Là Một hay Hai Nhân Vật Khác Nhau

Trong bài “Chung Quanh Nghi Vấn Hồ Chí Minh Chết năm 1932”, chúng tôi có nói là mặc dù có nhiều dữ kiện lịch sử hỗ trợ lập luận Hồ Chí Minh đã chết vào năm 1932 hay 1933. Tuy nhiên, những bằng chứng này chỉ cho phép người đọc có cơ sở khá vững chắc để loại suy kết luận có tính khả tín cao. Nhưng khẳng định là Hồ Chí Minh đã chết vào năm 1932 hay 1933 đòi hỏi nhiều bằng chứng cụ thể trực tiếp xác định sự kiện này. Dữ kiện lịch sử do tác giả Huỳnh Tâm đưa ra là một tài liệu trực tiếp xác định cái chết của Hồ Chí Minh vào năm 1932 hay 1933: “Nguyễn Ái Quốc thực sự đã chết vì bệnh lao năm 1933, tuy nhiên cũng có những tài liệu khác cho rằng đương sự chết năm 1932, xác ông ấy hỏa táng, tro cốt lưu trữ (mã số 00567) tại nghĩa trang Kuntsevo Moscow Russia.” (danlambao. Paris 21.10.2017, Kỳ 2). Nhưng đây chỉ là một tài liệu. Muốn có giá trị lịch sử thì cần phải có nhiều tài liệu khác khẳng định cùng một sự kiện. Rất tiếc là không có tài liệu lịch sử nào khác trực tiếp xác nhận Nguyễn Ái Quốc chết vào năm 1932 hay 1933, ngoại trừ báo chí quốc tế cộng sản như tờ Pravda của Nga, tờ Labour Monthly của Anh, tờ The Worker của Anh, và tờ l’Humanité của Pháp cũng như chính phủ Pháp, thông báo là Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932. Ngay chính báo điện tử của CSVN cũng xác nhận điều này (Xem Nguyễn Văn Thái. “Chung Quanh Nghi Vấn Hồ Chí Minh Chết năm 1932”), nhưng sau đó đã cải chính là Nguyễn Ái Quốc vẫn còn sống, cắt nghĩa là tình báo Pháp tung tin thất thiệt để làm nhụt chí đấu tranh của nhân dân hay là người cộng sản tung tin thất thiệt để che mắt mật thám Pháp đang theo dõi Nguyễn Ái Quốc.

NGUYEN AI QUOC……EST MORT (Nguyễn Ái Quốc chết -tiếng Pháp)

Một lối khảo cứu khác có thể chiếu rọi ánh sáng vào hai lập trường trái ngược nhau này: (1) Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hay 1933 và (2) Nguyễn Ái Quốc vẫn còn sống và tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1969. Trong bài “Chung Quanh Nghi Vấn Hồ Chí Minh Chết năm 1932”, chúng tôi đã trưng bày những tài liệu lịch sử hỗ trợ kết luận là Hồ Chí Minh đã chết vì bệnh lao phổi nặng mà không có thuốc trụ sinh đặc trị. Nhưng dù người ta có tin chắc kết luận này đến thế nào đi nữa, kết luận vẫn chỉ là một loại suy vì những dữ kiện lịch sử trích dẫn chỉ là những dữ kiện gián tiếp. Tuy nhiên, kết luận này lại hé lộ một lối nhìn mới. Kết luận Nguyễn Ái Quốc chết năm 1932 hay 1933 tất nhiên đòi hỏi phải có hai Hồ Chí Minh: một Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc của giai đoạn từ 1890 đến 1932/1933 và một Hồ Chí Minh, không phải là Nguyễn Ái Quốc, của những năm từ 1932/1933 đến 1969.

Nếu chứng minh được Hồ Chí Minh là hai nhân vật khác nhau đóng hai vai trò cho hai giai đoạn lịch sử thì kết luận Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hay 1933 càng được xác tín hơn.

“Hồ Chí Minh Sinh Bình Khảo” của GS Hồ Tuấn Hùng người Đài Loan

Ông Hồ Tuấn Hùng, một giáo sư môn sử học tại Đài Loan, là người mở đầu cho lập luận Hồ Chí Minh của những năm 1890-1932/1933 và Hồ chí Minh của những năm 1932/1933-1969 là hai nhân vật khác nhau. Ông đã bênh vực, nếu không nói là chứng minh, lập trường này qua tác phẩm Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo một cách cẩn trọng, khúc chiết, mạch lạc bằng cách trưng bày những dữ kiện lịch sử đã được nghiên cứu bởi những nhà sử học danh tiếng chuyên môn về Hồ Chí Minh như William J. Duiker, Jean Lacouture, Sophie Quinn Judge…

Mặc dù vậy có hai người đã thẳng thừng bài bác lập luận này. Đó là nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà báo Bùi Tín (vừa mất ngày 11 tháng 8 năm 2018). Ông Vũ Thư Hiên là con của ông Vũ Đình Huỳnh, một trong ba thư ký riêng của ông Hồ Chí Minh. Ông Bùi Tín là cựu đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, đã từng là Phó Tổng biên tập của tờ báo Nhân dân. Vũ Thư Hiên nói rằng lúc 17 tuổi ông đã có lần gặp Hồ Chí Minh, thực sự là một ông già 60 tuổi chứ không phải một người 49 tuổi mà Hồ Tuấn Hùng đã cố chứng minh là Hồ Tập Chương (sinh 1901), đã được huấn luyện tại Nga thay thế Nguyễn Ái Quốc (sinh năm 1890, trong căn cước Pháp cấp ngày 4 tháng 9 năm 1919, khai là 1894). Lập luận chính của ông Vũ Thư Hiên là hằng ngàn, hằng vạn người đã từng gặp Hồ Chí Minh mà chẳng có ai nhận ra ông là người Tàu là một điều không thể tin được. Ông Bùi Tín thì lấy bằng chứng là khi “chủ tịch” Hồ Chí Minh về thăm quê, có một ông lão chỉ vào tai Hồ Chí Minh có vết thẹo do khi nhỏ đi câu cá bị lưỡi câu móc vào tai và ông ta la lên: “hắn là thằng Côn đây nè!”. Ông Bùi Tín còn nói là ông Hồ Chí Minh nói tiếng Nam Đàn rặt. Bùi Tín cho cuốn sách Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo là “tào lao” và là sách giả tưởng, không đáng đọc.

Thực sự thì về phương diện cách nhau về tuổi tác, người ta sẽ thấy những người cách nhau 3-4 tuổi trong thời còn là thanh niên khác biệt nhau rất nhiều. Nhưng trên 50 tuổi người ta thường sẽ thấy khó phân biệt những người cách nhau độ khoảng 6 đến 10 tuổi. Còn phân biệt giữa một người Tàu và một người Việt không dễ dàng như ông Vũ Thư Hiên nghĩ, nhất là khi người đó đã được tình báo quốc tế huấn luyện.

Sự kiện ông lão gọi “chủ tịch” Hồ Chí Minh là “hắn” thì cũng khó tin. Hơn nữa, Hoàng Tùng trong hồi ký của ông ta cho biết là câu chuyện vết thẹo trên tai của Hồ Chí Minh lại là do bà Bạch Liên (bà Thanh), chị ruột của Hồ Chí Minh, kể lại khi bà thăm viếng ông. Còn việc Hồ Chí Minh có nói rặt tiếng Nam Đàn hay không đã được chứng minh hết sức rõ ràng trong cuộc phỏng vấn Hồ Chí Minh bởi phóng viên Suzuki Toshi Iti của đài truyền hình NTN Nhật bản (https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI). Trong cuộc phỏng vấn này Hồ Chí Minh nói giọng lơ lớ và phải cầm giấy đọc và đọc tiếng Việt cũng không suôn chảy được.

Không biết nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà báo Bùi Tín có đọc Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo hay không vì không thấy hai ông này phản biện quan điểm nào của Hồ Tuấn Hùng cả, ít nhất cũng là một vài điểm chính yếu của cuốn sách. Vã lại, ông Vũ Thư Hiên và ông Bùi Tín nếu có thấy mặt Hồ Chí Minh thì cũng thấy Hồ Chí Minh từ 1945 về sau mà thôi, nên cũng khó có tiêu chuẩn để đối chiếu. Những người biết Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong, Lâm Đức Thụ, Nguyễn Giản Thanh, Đặng Xuân Hồng, Trương Quốc Huy, Lê Cầu, Nguyễn Công Viễn, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú, Bùi Công Trừng, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Lương Bằng, Nghiêm Kế Tổ, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Hải Thần, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính, Nguyễn Tuân, Mai Ngọc Thiệu, Trần Tư Chính và Nguyễn Sơn (Hồng Thủy). Những người này không nói ra hẳn phải có lý do riêng. Tuy nhiên, đa số có lẽ là vì lệnh của cộng sản quốc tế.

Ông Bùi Tín còn nói là sử gia Hồ Tuấn Hùng đã bịa đặt chuyện Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau. Đọc Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo, người ta sẽ thấy ông Hồ Tuấn Hùng đã dùng nhiều sự kiện lịch sử gom góp lại từ những học giả nổi tiếng nghiên cứu về Hồ Chí Minh để bênh vực lập luận của ông. Ngoài ông ra, cũng có nhiều tài liệu khác vạch trần Hồ Chí Minh là một người khác đóng vai Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn từ 1934 đến 1969. Sau đây là những dữ kiện hỗ trợ lập luận Hồ Chí Minh là một nhân vật khác đóng tiếp vai trò của Nguyễn Ái Quốc:

1) Về bệnh lý

Sự kiện lịch sử đầu tiên khó bác bỏ được là bệnh lý của Nguyễn Ái Quốc trong giai đoạn từ 1927 đến 1933. Như đã được trình bày trong bài “Chung Quanh Nghi Vấn Hồ Chí Minh Chết năm 1932”, Nguyễn Ái Quốc bị bệnh lao phổi mãn tính trong giai đoạn từ 1927 đến 1931 và bệnh tình trở nên cấp tính trong giai đoạn từ 1931 đến 1932/1933, trầm trọng đến nỗi ho ra máu nhiều lần mà không có thuốc trụ sinh đặc trị, vì những thuốc này chỉ được sáng chế vào những năm 1943 và 1946. Dữ kiện lịch sử này cho phép người ta tin là Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hoặc 1933.

Nhưng theo sử gia Céline Mérangé thì Nguyễn Ái Quốc xuất hiện tại Moscow và theo học trường Quốc tế Lê Nin năm 1934. Tình báo Pháp cũng xác nhận là Nguyễ Ái Quốc vẫn còn sống. Cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc vẫn tiếp tục cho đến ngày 2 tháng 9 năm 1969.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh lý của Hồ Chí Minh từ 1934 trở đi cho phép người ta tin rằng Hồ Chí Minh không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là một người khác đóng tiếp vai trò của Nguyễn Ái Quốc. Bệnh lao phổi của Nguyễn Ái Quốc càng ngày càng trầm trọng nhất là vào những năm 1931-1933 đến nỗi chính ông phải thú nhận trong một bức thư gửi Lâm Đức Thụ là ông có thể chết trong tù. Thế mà bỗng nhiên từ năm 1934 trở về sau, tuyệt nhiên không có một tài liệu nào đề cập đến bệnh lao phổi của Hồ Chí Minh nữa. Vã lại ông còn hút thuốc nặng nữa. Chỉ có tài liệu nói ông bị bệnh sốt rét. Năm 1945, “Một y sĩ thuộc Trung tâm chiến lược Hoa Kỳ (nhóm nhảy dù) chẩn đoán, Hồ Chí Minh ngoài bệnh sốt rét còn mắc thêm chứng kiết lỵ. (Truyện Hồ Chí Minh– William J. Duiker, trang 301- 302)”.

Bệnh sốt rét thì đã có tài liệu lịch sử rõ ràng:

Từ 1944 đến 1950, trong những giai đoạn Hồ Chí Minh đi công tác ở Tàu, Hoàng Văn Hoan kể: “Cuối tháng ba năm 1945, sau chuyến công tác tại địa khu Đông Khê, chúng tôi chuyển đến Xuân Sơn tổ chức mấy cuộc phát động quần chúng, chính là lúc gặp Hồ Chủ Tịch từ Bắc Pha đi xuống. Tôi đi cùng Chủ Tịch một đoạn. Trên đường Hồ Chí Minh lại lên cơn sốt rét (hoặc nhiễm ngược tật, chợt nóng chợt lạnh. Khi nóng, nhiệt độ tăng cao, toàn thân hầm hập. Khi lạnh, hàm răng run cầm cập, gọi là sốt rét). Đồng chí Phạm Việt Tử phải dùng bơm tiêm ký ninh vào tĩnh mạch, nói rằng, loại thuốc này có hiệu quả cắt cơn ngay tức khắc.” (Giọt nước trên biển cả – Hoàng Văn Hoan, trang 180- 181, NXB Giải phóng quân, Trung Quốc, 1987).

Tháng bảy năm 1945, Võ Nguyên Giáp kể: “Trên đường từ Tĩnh Khê (Trung Quốc) về Việt Nam, bệnh cũ Hồ Chí Minh tái phát, nhiều ngày liền sốt cao, hôn mê bất tỉnh. Chúng tôi tìm được một thầy lang người dân tộc Đại biết cách điều chế môn thuốc hạ nhiệt cho Bác uống mỗi ngày hai ba lần, cuối cùng bệnh cũng thuyên giảm, sau đó mới tiếp tục công việc”.

Từ 1933 đang bị bệnh lao phổi trầm trọng phải ho ra máu nhiều lần, lại không có thuốc trụ sinh chữa trị, bỗng đột nhiên đến năm 1934 trở về sau, Hồ Chí Minh không còn bệnh lao phổi nữa, mà chỉ bị bệnh sốt rét và kiết lỵ, rồi chết vì bệnh tim ngày 2 tháng 9 năm 1969. Bệnh lý ở hai giai đoạn quá khác biệt nhau; thách thức luận lý, nếu khẳng quyết đó là bệnh lý của chỉ một người. 

2) Về Lộ trình đi Mạc Tư Khoa

Lộ trình đến Mạc Tư Khoa vào năm 1933, theo những nhà nghiên cứu về Hồ Chí Minh, cũng cho chúng ta thấy có hai lộ trình khác nhau.

Theo Hồ Tuấn Hùng thì “Nếu đem ghi chép về Nguyễn Ái Quốc trong hồi ký của Paul Draken đối chiếu với William J. Duiker, Sophie Quinn-Judge, cùng cuốn sách Chủ tịch nước Việt Nam Hồ Chí Minh của Lý Gia Trung, cựu Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, có dẫn dụng cả “Sự kiện Hương Cảng năm 1931” của Nguyễn Việt Hồng, thì quá trình rời khỏi Hương Cảng của Nguyễn Ái Quốc hầu như hoàn toàn nhất trí [thống nhất]. Có thể xem đây chính là sự thật lịch sử. Từ đó suy luận tiếp theo: “Cuối tháng giêng năm 1932, Nguyễn Ái Quốc rời khỏi Hương Cảng cùng với bạn của Paul Draken là cô Anne Kennedy, người có chiếc thủy phi cơ Trân Châu Trung Quốc, bay đến bến sông Hoàng Phố, sau đó một đồng chí chèo con thuyền nhỏ đón Nguyễn Ái Quốc về Thượng Hải. (Anne Kennedy là chị họ của tổng thống Hoa Kỳ thứ 35 John Kennedy, thân phụ là trùm dầu mỏ Hoa Kỳ, giáo phụ hắc bang Thượng Hải Hoàng Kim Vinh là cha nuôi)”. Và theo hồi ký của Bảo Long La thì cũng “Đầu năm 1932, Nguyễn Ái Quốc đi chiếc thủy phi cơ nhãn hiệu “Trân Châu Trung Quốc” từ Hương Cảng bay đến bến sông Hoàng Phố rồi về Thượng Hải trên con thuyền nhỏ.”

Trong lúc đó, đa số những nhà nghiên cứu khác lại mô tả là “Đầu năm 1933, Hồ Chí Minh từ Hạ Môn đến Thượng Hải.” Theo Hồ Tuấn Hùng thì sự khác biệt này là sự nhầm lẫn giữa Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh [tức Hồ Tập Chương]. Nguyễn Ái Quốc được tình báo viên Anh Paul Draken đưa lên thuỷ phi cơ đi thẳng đến sông Hoàng Phố, được một đồng chí đón vào Thượng Hải rồi chết trên đường đi Mạc tư Khoa. Còn Hồ Chí Minh thì đi từ Thái Lan [Xiêm La] đến Hạ Môn, rồi đi Thượng Hải để tiếp tục đi Mạc Tư Khoa.

“Mùa thu năm 1929, Hồ Tập Chương có người anh thứ ba là Hồ Tập Phỉ cùng với em rể Lưu Anh Hán và một người bạn ở Trung Lịch, đến bến Cơ Long, xuống tàu Nhật đi Thượng Hải. Trước sau năm1932, những người bạn thay nhau truyền tin về gia đình là, Hồ Tập Chương làm việc tại “Liên minh mậu dịch Thái Bình Dương” Thượng Hải, khoảng thời gian giữa mùa hạ và mùa thu năm 1931, vì việc in ấn tài liệu mà bị bắt tạm giam nhưng đã trốn được đến Quảng Châu, sau đó lại bị bắt ở Quảng Châu, đến khi được giải cứu thì chuyển về vùng biên giới Việt Trung, Xiêm La hoạt động.”

 …Đặc biệt vào năm 1930, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương đã cùng ở trong Ban trù [sic] bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Mùa hè năm 1931, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương đồng thời bị bắt ở Hương Cảng và Quảng Châu…Năm 1931, Hồ Tập Chương đổi tên là Hồ Chí Minh, vì vậy mà hộ chiếu mang tên Hồ Chí Minh, và danh xưng này đến sau năm 1942 thì được dùng thường xuyên” (Hồ Tuấn Hùng).

3) Về diện mạo

Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh [Hồ Tập Chương] khác nhau. Tuy nhiên, Hồ Tập Chương hao hao giống Nguyễn Ái Quốc, và giáo sư Hồ Tuấn Hùng đã dùng di ảnh của hai người đối chiếu để phân biệt ai là Nguyễn Ái Quốc và ai là Hồ Tập Chương. Nhưng đặc biệt là tài liệu mà tác giả Huỳnh Tâm cho biết là từ hồ sơ lưu trữ của quân đội Trung Hoa Dân Quốc thì khi bị bắt năm 1942 bởi quân đội Tưởng Giới Thạch, Hồ Tập Chương đã khai với đại tá La Trác Anh (Luo Zhuoying – 羅卓英), người có trách nhiệm thẩm vấn tù binh, là: “Thưa ngài cũng đã biết Nguyễn Ái Quốc là ai rồi, nay tôi xác minh Nguyễn Ái Quốc và tôi cả hai đều khác nhau rất nhiều mặt, tuy tôi đã hoá trang và chỉnh hình cũng vẫn là Hồ Tập Chương, một đứa con trai của đất nước Trung Quốc (胡集璋儿子中国). Trước đây tôi đã trình bày rồi nhưng chưa đủ chi tiết, xác định lại tôi không phải Nguyễn Ái Quốc, nhưng về hoạt động của y, tôi phải thực tập, kết hợp cá tính và sinh hoạt hằng ngày cho thật nhuần nhuyễn với giai cấp Nguyễn Ái Quốc.” Và “Về tướng mạo Hồ Tập Chương (胡集璋), theo lý lịch đảng có chiều cao 1 mètre 62, tráng [sic] cao, thân gầy, cân nặng 51kg, mắt trái khuyết sâu hơn mắt phải, đôi môi dày.” Thẻ căn cước (carte d’identité) do Pháp cấp ngày 4 tháng 9 năm 1919 cho Nguyễn Ái Quốc, thì Hồ Chí Minh sinh năm 1894, có chiều cao là 1 mét 65, mũi tẹt, phía dưới mũi ngang bằng, tóc đen, mắt đen.

Về vết thẹo ở tai như là dấu ấn của Nguyễn Ái Quốc, như Bùi Tín có đề cập, thì cũng chưa hẳn đúng vì chỉnh hình có thể tạo nên vết thẹo này. Vã lại, Hồ Chí Mình chỉ trở về nước sau 34 năm (1911-1945) nên cũng khó đối chiếu sự khác biệt.

4) Về trang phục

Trang phục của hai người cũng hoàn toàn khác nhau. Nhà báo Hoàng Tùng trong một hồi ký có kể câu chuyện như sau: “gặp Bác ở đình Phú xá. Hôm đó tôi cũng mặc bộ quần áo mùa thu bình thường như các vị ở đây thôi. Bác nhìn tôi, hỏi anh Trần Đăng Ninh: – Quan nào mà diện thế?”

“Nói chung, trang phục thường xuyên của Hồ Chí Minh chỉ là loại quần áo đồng màu như Lenin hoặc Tôn Trung Sơn. Cách ăn mặc này có phần chất phác, không mấy coi trọng hình thức, thậm chí còn có vẻ quê mùa. Đây chính là kiểu sinh hoạt rất đặc biệt của Hồ Chí Minh . Ngược lại, cách ăn mặc của Nguyễn Ái Quốc lại tỏ ra rất hợp thời trang. Ví dụ, năm 1907, lúc Nguyễn Ái Quốc 17 tuổi, rời nhà vào Huế học hệ [sic] sơ học Trường Quốc Học, bị bạn bè trêu chọc, chế giễu đã chủ động cắt tóc ngắn, trang phục như trào lưu thời thượng. Tại nước Pháp, Liên Xô hay Trung Quốc, cho dù gặp lúc kinh tế quẫn bách, nhưng tại các cuộc họp, Nguyễn Ái Quốc vẫn tạo mọi điều kiện để mặc Âu phục, thắt cravate.”

Giáo sư William J. Duiker cũng có nhận xét một sự khác biệt về thói quen giữa Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh: “Nguyễn Ái Quốc ăn mặc rất chải chuốt và luôn luôn thắt cà vạt còn trang phục của Hồ Chí Minh thì rất luộm thuộm, ông ta không bao giờ thắt cà vạt, trông rất quê mùa.” (William J.Duiker, Ho Chi Minh: A Life, New York Hiperion, 2001).

5) Về tình cảm đối với gia đình

Tình cảm đối với gia đình của Nguyễn Ái Quốc cũng hoàn toàn khác tình cảm của Hồ Chí Minh. Từ khi rời Việt Nam trên tàu Latouche -Tréville đi Pháp, Nguyễn Ái Quốc chỉ nghĩ đến sự tiến thân, làm quan cho Pháp khi nạp đơn xin vào học  École Coloniale (Trường Thuộc địa), trường chuyên môn đào tạo cán bộ cho Pháp trở về nước quản trị Việt Nam. Ông còn nhờ ông Cả Khiêm (anh ruột) đang giúp việc tại toà Khâm sứ Trung kỳ vận động cho ông được vào trường này. Nguyễn Ái Quốc cũng rất lo cho cha. Ông đã gửi thư cho Khâm sứ Trung kỳ xin nhờ chuyển 15 đồng (Đông dương) cho cha vì “cha ông không nhận mandat trực tiếp được”. Và theo cuốn sách Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh của Lữ Phương thì “…không phải chỉ gửi tiền giúp, anh còn có ý xin chính quyền thuộc địa phục chức hoặc tìm việc cho cha nữa. …Bản khai của Bùi Quang Chiêu với Mật thám Sài Gòn ngày 21-9-1922 có nói đến việc ông gặp Nguyễn Tất Thành (mang tên Văn Ba) trên tàu Latouche-Tréville (ông nói đã quên tên) như sau: “Anh đang làm việc trên tàu. Anh đến gặp tôi vì tôi từng là giáo sư nông nghiệp dạy cha anh tại Huế khoảng 1901-1902. Anh nói với tôi rằng lần đầu tiên anh sang Pháp, mục đích là để khiếu nại cho cha anh về việc ông vừa mới bị bãi chức. Anh muốn đến ở nhà thuyền trưởng Do-huu-Chan (?) đang công tác tại Marseille, với tư cách là người giúp việc nhà cho ông, để nhờ ông giúp đỡ trong việc khiếu nại đó”.

Ngày 15-12-1912, khi qua Mỹ, thư gửi Khâm xứ [sic] Huế báo rằng trong ba cái mandat gửi cha, anh chỉ nhận được một thư trả lời, ấy là nhờ do lần ấy mandat đã được chính Khâm sứ chuyển trực tiếp. Lần này anh muốn gửi tiền hàng tháng cho cha, cũng nhờ Khâm sứ giúp đỡ và nhân đó xin Khâm sứ tìm việc làm cho cha nữa. Trong thư, có những đoạn lời lẽ như sau:

“Ôi! Hoàn cảnh của tôi gay go biết bao! Sống quá xa cha mẹ, rất hiếm nhận được tin tức của họ, muốn giúp đỡ họ mà không biết làm sao!

Thôi thúc bởi tình yêu của đứa con, tôi dám xin Ngài vui lòng thuận cho cha tôi một công việc như là thừa biện ở các Bộ hay Huấn đạo giáo thư (?) để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của Ngài, ông ấy có được kế sinh nhai.

Rõ ràng là Nguyễn Tất Thành qua Pháp với “mục đích khiếu nại cho cha về việc ông vừa mới bị bãi chức.” Và ở đây chúng ta cũng thấy rõ Nguyễn Tất Thành rất lo lắng cho cha.

Nhưng Hồ Chí Minh thì lại khác. Khi làm “chủ tịch” nước, Hồ Chí Minh lại quên người cha chết “tha phương ở vùng Cao Lãnh hoang lạnh…hững hờ nghe tin đồng bào miền Nam đã cưu mang đùm bọc xây dựng bảo trì an táng cha ruột của mình.” (Thiên Đức.“Vụ án buôn vua Việt Nam Hồ Chí Minh”. Đối Thoại, tháng 2 năm 2009. www.doithoaionline.com).

Tác giả Phạm Quế Dương trong bài “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan” kể lại là: “Nhiều người đến trao đổi với tôi, hầu hết là những người từng trực tiếp tham gia kháng chiến, là bộ đội, là cán bộ tuyên huấn… Một số người phản đối, cho cuốn sách [Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch] là bịa đặt, “đổi trắng, thay đen.” Một số người thì bảo chuyện này cũng đã được nghe từ lâu. Và tin lời Tác giả [Trần Dân Tiên], Họ dẫn chứng: năm 1957, cụ Hồ Chí Minh về thăm quê ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mà không ra thắp hương mộ thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Năm 1945, khi bắt đầu làm Chủ tịch nước, bà chị là Nguyễn Thị Thanh ở quê ra thăm, cụ Hồ tránh mặt, không dám gặp, chỉ cử 2 cán bộ cao cấp tiếp.” 

Theo Hoàng Tùng, Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, trong cuốn Những Kỷ niệm về Bác Hồ thì kể là bà Bạch Liên ra thăm bác và “Bác nói tôi đưa bà [Bạch Liên] về nhà tôi ở. Để ở Bắc bộ Phủ thì không tiện. Bà ăn trưa, ngủ đêm tại nhà tôi, còn ban ngày đưa bà đi chơi thăm các nơi. Sau chuyến này tôi không biết bà có ra thăm Bác lần nào nữa không. Lúc đó tôi ở 23 Hàng Nón. Bà có mang theo biếu Bác hai chục cái trứng gà. Bác bảo đem luôn về nhà tôi” (Vy Thanh. Hồ Chí Minh cứu nước? 1st ed. Tủ sách Sự Thật. Seal Beach, Calif., USA, 2016). Hoàng Tùng cũng còn kể câu chuyện là khi bà Bạch Liên qua đời, Hồ Chí Minh cũng thoái thác không về thăm.

Lê Nguyên trên danlambao, mùa Thu California, 2014 kể lại là: “Lúc ông Cả Khiêm tức Nguyễn Sinh Khiêm (anh cả của Nguyễn Tất Thành) và bà Nguyễn thị Thanh (chị của Nguyễn Tất Thành) còn sống ở Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề về quê nhà để thăm hai anh, chị ruột. Thậm chí khi hai người nầy qua đời, Hồ Chí Minh cũng không về Nghệ An để phúng điếu.”

“Ðối với gia đình xem như là người xa lạ và tuyệt tình. Thậm chí một hành vi “nghĩa tử nghĩa tận” đối với cái chết của anh và chị ruột, Hồ Chí Minh cũng không làm. Trong suốt thời gian làm chủ tịch, Hồ Chí Minh không bao giờ tổ chức được một buổi ăn sum họp gia đình hay kỵ giỗ cha mẹ, ông bà tổ tiên.” (Thiên Đức. Vụ án buôn vua Việt Nam Hồ Chí Minh. Đối Thoại, tháng 2 năm 2009. www.doithoaionline.com)

Thái độ này của Hồ Chí Minh phản ánh một tâm lý hoàn toàn khác biệt với tâm lý  của Nguyễn Tất Thành.

6) Về phương diện tình ái

Tăng Tuyết Minh (Phải) vợ Nguyễn Ái Quốc người Tàu

Về phương diện tình ái cũng thế. Nguyễn Ái Quốc là người giàu tình cảm đối với vợ, nhất là đối với Tăng Tuyết Minh. Còn “Chủ tịch” Hồ Chí Minh thì không màng han hỏi gì đến Tăng Tuyết Minh vì Tăng Tuyết Minh là vợ của Nguyễn Ái Quốc chứ không phải của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chỉ tha thiết yêu Lâm Y Lan. Năm 1938, Hồ Chí Minh sống với Lâm Y Lan như vợ chồng.

Năm 1926, Nguyễn Ái Quốc làm đám cưới với Tăng Tuyết Minh có sự tham dự của Đặng Đỉnh Siêu, vợ của Chu Ân Lai, Thái Sướng, và cố vấn Nga Mikhail Borodin. “Mùa xuân năm 1930, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thị Minh Khai cử hành hôn lễ đơn giản tại nhà khách qua sự chứng kiến của các đồng chí đến từ Sài Gòn và Đông Kinh.” (Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo). Đến năm 1931, Tống Văn Sơ [Nguyễn Ái Quốc] bị bắt khi đang sống chung với Nguyễn Thị Minh Khai, một đồng chí của Nguyễn Ái Quốc.

Đối với Nguyễn Thị Minh Khai thì thời gian sống chung của hai người rất ngắn ngủi. Năm 1930, tại Hương cảng, Nguyễn Ái Quốc mang theo Nguyễn Thị Minh Khai từ Việt Nam và đang sống chung với cô thì vào 2 giờ sáng ngày 6 tháng 6 năm 1931 bị cảnh sát Hương Cảng bắt nên cũng không có tài liệu gì nói về tình cảm của Nguyễn Ái Quốc đối với Minh Khai. Nhưng đối với Tăng Tuyết Minh thì đã là vợ từ năm 1926 nên tình cảm của Nguyễn Ái Quốc rất mặn mà, tha thiết. Tình cảm này được biểu lộ qua bài thơ dưới đây. Nguyễn Ái Quốc cũng đã nhiều lần nhờ người chuyển thư cho Tăng Tuyết Minh, nhưng không có kết quả. Khi ở Thái Lan ông viết bức thư này bằng chữ Hán cho Tăng Tuyết Minh, được N.H. Thành chuyển ngữ như sau:

Cùng em xa cách,
Ðã hơn một năm,
Thương nhớ tình thâm,
Không nói cũng rõ.

Cánh hồng thuận gió,
Vắn tắt vài dòng,
Ðể em an lòng,
Ấy anh ngưỡng vọng.

Và xin kính chúc,
Nhạc mẫu vạn phúc.

Chuyết huynh Thụy.

Nhưng “Chủ tịch” Hồ Chí Minh thì tuyệt đối không bao giờ hỏi han gì đến Tăng Tuyết Minh mặc dù đã có nhiều lần sang Trung quốc công tác trong những năm 1944-1950, cũng như thăm viếng và chữa bệnh vào những năm 1950-1957, và theo Mark Bowden, còn từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 12 năm 1967, rồi từ đầu tháng Giêng cho đến cuối tháng Tư năm 1968 (Mark Bowden. Huế 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam).

“Năm 1949 Mao chiếm lục địa. Ngày 19/5/1950 bà Tăng Tuyết Minh đọc báo thấy Chủ tịch Mao Trạch Đông chúc mừng sinh nhật thứ 60 của Hồ Chí Minh (lúc đó đang ở chiến khu Việt Bắc) tưởng rằng chồng cũ của mình còn sống. Bà tìm cách hỏi đại sứ Hoàng Văn Hoan tại tòa đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh và chính quyền Trung Cộng để xin liên lạc với chồng nhưng cả hai nơi đều im lặng. Lý do đơn giản là Hoàng Văn Hoan và chính quyền Trung Cộng đều biết Hồ Chí Minh ở Việt Bắc không phải là Nguyễn Ái Quốc, chồng cũ của bà.” (Trần Bình Nam. “Một nghi vấn lịch sử về HCM”. Feb. 26, 2013). 

Ngược lại Hồ Chí Minh rất thắm thiết với Lâm Y Lan, người tình đã sống chung với Hồ Chí Minh từ những năm 1930 khi Hồ Chí Minh đang bị đặc vụ tình báo Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch theo dõi ráo riết thì Bí Thư Tỉnh uỷ Quảng Đông là Đào Chú bố trí một cán bộ tên là Lâm Y Lan giả làm vợ Hồ Chí Minh để bảo vệ cho ông. “Lúc chia tay, HCM ôm lấy LYL, dùng khăn tay lau nước mắt cho cô: “Hãy cứng rắn lên, đừng để kẻ thù cười chúng ta mềm yếu”, nói rồi lấy quyển nhật ký đưa cho LYL: “Tâm sự của tôi đều ở trong này, sẽ cùng đi với em” (Nguyễn Văn Phúc. “Hồ Chí Minh và tri kỷ má hồng – Lâm Y Lan tiểu thư” Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012 | 22:36). 

Đến năm 1958, khi Đào Chú qua Việt Nam thăm Hồ Chí Minh, hai người ngồi câu cá trên bờ sông ở Hà Nội, Hồ Chí Minh nhờ Đào Chú làm môi giới với lãnh đạo Bắc kinh cho phép Hồ Chí Minh đón Lâm Y Lan về Việt Nam làm đám cưới để hưởng tuổi già và toại nguyện lời thề năm xưa. Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tỏ vẻ ưng thuận. Ở Việt Nam, trong một buổi họp, Tổng Bí thư Lê Duẫn đã phản đối yêu cầu đám cưới này của Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Phúc, xem trên).

7)  Về khả năng ngôn ngữ

Sự khác biệt giữa nhân vật Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh lại càng nổi bật khi đối chiếu khả năng tiếng Việt và tiếng Hoa của hai người. 

Trong giai đoạn từ 1911 cho đến 1933, Hồ Chí Minh [Nguyễn Ái Quốc] chỉ viết bằng tiếng Pháp. Thời kỳ năm 1925 – 1926, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu đã viết 88 bài xã luận bằng tiếng Pháp đăng trên báo “Thanh niên”. Về tiếng Hoa thì ngoài bức thư gửi cho Tăng Tuyết Minh, Hồ Chí Minh [Nguyễn Ái Quốc], khi tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Quốc dân Đảng lần thứ II tại Quảng Châu năm 1926, đã “gửi Đại hội một bức thư ngắn gọn bằng tiếng Trung (tôi nhận thấy, đây là lần thứ nhất và cũng là duy nhất, Nguyễn Ái Quốc công khai viết bằng tiếng Trung), trình bày Việt Nam bị thực dân Pháp áp bức thống khổ. Trong Đại hội, Nguyễn Ái Quốc phát biểu bằng tiếng Pháp được Lý Phú Xuân chuyển dịch sang tiếng Hoa. …” (Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo).

Rồi đột nhiên từ 1938 đến 1945, Hồ Chí Minh không hề mở miệng nói tiếng Việt mà chỉ  nói tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Phổ thông rất giỏi. Hồ Chí Minh cũng không dùng tiếng Việt hoặc tiếng Pháp để viết văn mà chỉ dùng Trung văn để viết về những chính đề trường thiên, rất phức tạp. Ông tỏ ra rất thông thạo về văn hoá Hán tộc và phân tích tình hình chính trị Nhật bản qua báo chí Nhật, nghĩa là biết tiếng Nhật mà chỉ có Hồ Tập Chương mới biết tiếng Nhật. Hán văn thì rất uyên bác; ông còn dùng ngón tay để viết thư pháp Hoa văn nữa. “Càng kỳ lạ hơn là, Hồ Chí Minh dùng chữ Hán viết thư gửi về Việt Nam, lại được các báo, tạp chí Việt Nam dịch sang tiếng Việt và tiếng Pháp, rồi phổ biến khắp các địa phương, tuyên truyền Trung Quốc kháng Nhật cùng những hoạt động của phái Troskism tại Trung Quốc”. (Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo). Có lẽ ai cũng biết khả năng Hán văn của Nguyễn Tất Thành trước 1911 chỉ vỏn vẹn có 3-4 năm thời học tiểu học. Còn trong thời gian bôn ba từ 1923 đến 1933 thì lo sinh hoạt công tác và bị bệnh lao phổi hành triền miên nên làm sao có thì giờ để học chuyên cần về Hán văn tới mức uyên bác được, và chỉ uyên bác từ 1938 trở đi mà thôi. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là trong những bài chính đề trường thiên này, có những câu như “tôi không hiểu tiếng Việt Nam” và “tôi là người Trung quốc” xuất hiện nhiều lần (Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo.)

“Sau cuộc họp thứ 8 Trung ương Đảng, Hồ Chí Minh từ Dốc Bắc đến huyện Tĩnh Tây gặp Chu Ân Lai báo cáo tình hình chiến khu Việt Minh. Ngày 06 tháng 6 năm 1941, tại Tĩnh Tây, Hồ Chí Minh viết lời hiệu triệu gửi đồng bào cả nước, ký tên Nguyễn Ái Quốc (阮爱国) viết bằng tiếng Trung Quốc. Ủy ban Trung ương Đảng dịch sang tiếng Việt Nam, kêu gọi người dân Việt Nam tiến nhanh, thống nhất dưới sự lãnh đạo của “Mặt trận Việt Minh”. (Huỳnh Tâm. Danlambao. Paris, kỳ 16/27).

Một điều rất đặc biệt nữa là Hồ Chí Minh, dưới bút hiệu Trần Dân Tiên, đã viết cuốn tiểu sử đầu tiên của mình bằng tiếng Hoa, xuất bản năm 1947 [sic]. Sau đó mới được dịch ra tiếng Pháp. Bản tiếng Việt với tiêu đề Những mẫu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch chỉ là bản dịch từ nguyên bản tiếng Hoa (Thiên Đức. “Vụ án buôn vua Việt Nam Hồ Chí Minh”. Đối Thoại, tháng 2 năm 2009. www.doithoaionline.com).

Phạm Quế Dương trong “Đề nghị làm sáng tỏ vụ việc: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam hay Đài Loan” nhận xét, “Truyện Hồ Chí Minh”, bút danh Trần Dân Tiên, bản Trung văn, “Ba Nguyên thư ốc”, Thượng Hải xuất bản năm 1949 [sic]. Năm 1958, cuốn sách đổi tên là “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch”, xuất bản bằng tiếng Việt tại Hà Nội).

Vậy Hồ Chí Minh viết tiểu sử bằng tiếng Trung quốc cho ai đọc? Hay là Hồ Chí Minh không biết tiếng Việt.

Trần Đỉnh trong cuốn Đèn Cù kể chuyện Hồ chí Minh khi đến thăm tỉnh Mông Cáy đã tỏ ra rất quen thuộc đường sá và thông thạo tiếng Hakka (Hẹ). Giáo Sư Hồ Tuấn Hùng trong Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo có đề cập đến việc Hồ Tập Chương, người Miêu Lật (Hakka), đã có lần làm việc tại Mông Cáy.

Về khả năng tiếng Việt, một người Việt uyên bác Hán văn và có thể dùng ngón tay để viết thư pháp Hoa văn như Hồ Chí Minh thì khả năng nói và viết tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình, nếu không hơn tiếng Hoa thì ít nhất cũng tương đương chứ không thể kém xa được. Thế mà Hồ Chí Minh phải dùng đến 3 năm (1460 ngày) để viết một bản di chúc 2 trang, được giữ bí mật “tuyệt đối”; ý tưởng thì nghèo nàn, nét bút thì nguệch ngoạc, đánh vần lệch lạc, sai dấu hỏi ngã, sửa lui, sửa tới đến 3 lần (1965, 1968, và 1969) mới có sự đồng ý với chữ ký chứng nhận của Tổng bí thư Lê Duẫn. Đọc tiếng Việt thì giọng lơ lớ, không giống tiếng Nghệ An chút nào, đọc được hai ba từ thì lại ngừng, phải nhìn vào giấy (xem https://www.youtube.com/watch?v=nCPdpYMrhzI).

8) Những dữ kiện lịch sử khác

Ngoài ra, còn nhiều chi tiết lịch sử khác cho thấy Nguyễn Ái Quốc đã chết và Hồ Tập Chương đã đóng vai trò Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh từ 1934 đến 1969.

Dưới bút danh Trần Thắng Lợi, Hồ Chí Minh viết bài “Đảng Ta” có đoạn: “Cuối nǎm 1929, đồng chí Nguyễn ái Quốc trở lại Tàu, cùng với đại biểu các nhóm khai hội ở Hương Cảng. Trong 7, 8 đại biểu, ngoài đồng chí Nguyễn ái Quốc và tôi, nay chỉ còn…”. Câu này chứng minh rõ ràng Hồ Chí Minh và Nguyễn Ái Quốc là hai người khác nhau.

Trong một cuộc triển lãm tại Hà Nội với chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung Quốc”, hình ảnh Hồ Quang được trưng bày như là Hồ Chí Minh. Trên blog “vhqdnvt” của “trường văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi”, từ [sic] 3-8-2007 đã xác nhận: “Thiếu Tá Hồ Quang PLA Trung Cộng (1938-1940) chính là Hồ Chí Minh”. (Phạm quang Chiểu. “Tàu Cộng công bố Hồ Chí Minh chính là Thiếu Tá Hồ Quang thuộc quân đội Nhân Dân Tàu Cộng!”).

Cả Trung quốc lẫn Đảng Cộng sản Việt Nam đã đều công nhận thiếu tá Hồ Quang trong Bát lộ quân là Hồ Chí Minh. Trong lúc đó “tài liệu lưu trữ của Trung quốc tiết lộ mấy dòng vắn tắt đính kèm theo ảnh chụp rất mờ (chỉ đọc được phần chú thích tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Anh): “Sơ yếu lý lịch của Hồ Quang (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại lớp huấn luyện Nam nhạc, thuộc tỉnh Hồ nam. Năm 1939 Hồ Quang phụ trách điện đài, 38 tuổi, Quảng đông, Thiếu tá, tốt nghiệp Đại học Lĩnh nam, giáo viên trường trung học, biết ngoại ngữ, quốc ngữ.” (Vy Thanh. Hồ Chí Minh cứu nước? 1st ed. Tủ sách Sự Thật. Seal Beach, Calif., USA, 2016).

Hồ Quang ở đây nhất định không phải là Hồ chí Minh/Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Chí Minh/Hồ Tập Chương. Hồ Tập Chương sinh 1901 nên đến năm 1939 là đúng 38 tuổi, và chỉ có Hồ Tập Chương mới tốt nghiệp đại học, mới làm giáo sư trung học.

Ngoài ra, trong cuốn Những Kỷ niệm về Bác Hồ, nhà báo Hoàng Tùng có kể câu chuyện như sau: “Cụ hỏi tôi: – Chiều nay đồng chí vào trong thành có nghe chuyện gì lạ không? Tôi nói: – Thưa đồng chí, có hai việc, việc thứ nhất dư luận đang bàn tán Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không? Cụ hỏi: – Anh em mình trả lời thế nào? Tôi trả lời là anh em ta nói mập mờ. Không nói là phải, mà cũng không nói là không. Cụ nói: – Như thế là anh em mình nói đúng.”

Việc Hồ Chí Minh từ chối mình không phải là Nguyễn Ái Quốc đã xảy ra khá nhiều lần. Trong cuốn Từ Thực dân đến Cộng sản: Một Kinh nghiệm của Lịch sử Việt Nam, Hoàng Văn Chí cũng khẳng định là Hồ chí Minh đã “nói nhiều lần ông không phải là Nguyễn Ái Quốc.”  Hơn nữa, “Các chuyên viên sở Mật thám Pháp quyết đoán Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc mặc dầu sau 20 năm gian khổ, vóc dáng và nét mặt họ Nguyễn có thay đổi rất nhiều. Bằng cớ là vành tai phải của hai bức ảnh đều nhọn, trong khi tai bên trái vẫn đều đặn. Nhưng ông Hồ cứ chối, nói rằng mình không phải là Nguyễn Ái Quốc. Ngay cả khi tướng Salan, đại diện Pháp dự cuộc đàm phán năm 1946, hỏi thẳng vào mặt ông Hồ, ông vẫn một mực chối cãi.” (Trần Việt Bắc. Hồ Chí Minh: “Đồng Chí Nguyễn Ái Quốc và Tôi” 10/2013). 

Một dữ kiện lịch sử khác chứng tỏ là Hồ Chí Minh từ năm 1934 trở đi không phải là Nguyễn Ái Quốc mà là Hồ Tập Chương. Nếu là Nguyễn Ái Quốc còn sống và đang ở tại Moscow thì Nguyễn Thị Minh Khai không thể làm đám cưới với Lê Hồng Phong, người lãnh đạo “mới” của Đảng Cộng sản Đông dương. Nếu là Nguyễn Ái Quốc thì tại sao sau khi được đào tạo tại viện Quốc tế Lê Nin từ 1934 đến 1938, Nguyễn Ái Quốc lại không về thẳng Việt Nam mà lại phải khổ cực băng qua cả hằng ngàn dặm đường để đi đến Diên An, tổng hành dinh của Mao Trạch Đông, rồi theo Diệp Kiếm Anh về cơ quan Bát lộ quân ở Quế Lâm sát biên giới Trung Việt mà vẫn không về Việt Nam, mãi cho đến 1941 mới về. (Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo).

Cũng theo Hồ Tuấn Hùng, “Năm 1931 Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Hương Cảng thì Hồ Chí Minh bị Quốc dân Đảng Tàu bắt ở Quảng Châu… Mùa hè năm 1931, Phó Đại Khánh [Troskist] bị giam ở nhà lao Nam Thạch Đầu, Hà Nam có gặp Hồ Chí Minh, tự nghĩ là, đây không thể nào là Nguyễn Ái Quốc. Thời gian ấy, Nguyễn Ái Quốc đang bị giam tại nhà tù Victoria, Hương Cảng, không thể đồng thời lại bị giam ở nhà ngục Nam Thạch Đầu. Vì thế “Hồ Chí Minh” bị giam ở đây nhất định phải là Hồ Tập Chương….”

Ngay chính Hồ Chí Minh cũng tự xưng mình là người Hán. “Năm 1965, Hồ Chí Minh đến phía bắc Trường Sa (Hồ Nam) yết kiến Mao Trạch Đông, ông cho biết: “Tôi đã đến thăm dân làng Tính Hồ (Xinghu-姓胡), và đã ở Hồ Nam vài ngày. Tôi và Mao Chủ tịch cùng đồng quê hương và cùng một tổ quốc Trung Hoa”. Mao Trạch Đông nói: “Bạn đến thăm Tính Hồ, tất nhiên là người Trung Quốc, ở đây bạn muốn cung cấp bất cứ điều gì cũng có thể chấp nhận theo đề nghị. Tuy nhiên bạn phải thực hiện cuộc Cách mạng Văn hóa, bởi bạn là người khởi tạo đất nước Việt Nam””. (Huỳnh Tâm. Danlambao, Paris: Kỳ 23/27).

Theo tác giả Huỳnh Tâm dựa trên một tài liệu lưu trữ của Quân đội Trung hoa Dân quốc thì “nửa đêm 29 tháng 8 năm 1942, quân đội Trung Hoa Dân Quốc giăng lưới túm gọn được Hồ Tập Chương tại mật khu Túc Vinh, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Cao Bằng, Việt Nam, ngày nay thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.” Trước sự thẩm vấn của đại tá Đàm Đức Văn (Tan Dewen – 谭德文), dưới sự chỉ huy của tướng Trương Phát Khuê, Hồ Tập Chương đã khai như sau: “- Thưa ngài, tiểu sử giản lược của tôi, sinh năm 1901 (Minh Trị thứ 34), tên khai sinh Hồ Tập Chương (胡集璋), tức vào ngày 11 tháng mười năm Tân Sửu tại trang Đồng La, quận Miêu Lật, gốc người Hakka (客家) Đài Loan.. Cha là Hồ Dần Lượng, mẹ là Lý Thị, tôi người thứ 7 trong số 10 anh chị em. Cha tôi vốn là tú tài (sinh đồ), ở nhà dạy học kiêm nghề bốc thuốc chữa bệnh độ nhật. Từ năm 1910 đến 1915, vào học trường phổ thông Đông La, từ năm 1916 đến năm 1921, học Khoa Hóa học ứng dụng trường Đại học Công nghiệp Đài Bắc. Năm 1921 tốt nghiệp, đến 1922 trở về Miêu Lật cùng với huynh trưởng mở xưởng nấu rượu và kết hợp với một người bạn sản xuất xì dầu. Năm 1925 tôi được Chu Ân Lai (Zhou Enlai – 周恩來) giới thiệu gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1926, kết hôn với người con gái cùng thôn, Lâm Quế, vào năm 1928, sinh được một con gái đầu lòng tên Hồ Tố Mai. Mùa thu năm 1927, xuống tàu tại bến cảng Cơ Long đi Thượng Hải, tham gia tổ chức kinh tài Quốc tế Cộng sản “Lao động Thái Bình Dương”, cùng năm tôi được đảng tín nhiệm bố trí gia nhập Bát Lộ Quân Quế Lâm Quảng Tây, sau khi tốt nghiệp trường quân sự Hoàng Phố, đảng bố trí bí danh 胡泉-Hồ Quang hay Hồ Đề và Lý Thụy, bút hiệu Hồ Cẩm, quân hàm tại chức Đại tá, và bí danh cuối cùng 胡志明-Hồ Chí Minh”.

Đại tá Đàm Đức Văn (Tan Dewen – 谭德文) thẩm vấn tiếp Hồ Tập Chương:

“- Ông hoạt động ở Việt Nam đã bao lâu, và nhiệm vụ cụ thể?

– Thưa ngài, tôi cùng với một số sĩ quan được đảng ủy nhiệm, theo lệnh của trung ương đảng (Chủ Tịch Mao) thành lập PKP-1930 (老党, PKP-1930-đảng Cộng sản Việt Nam) vào ngày 7 tháng 11 năm 1930. Nhiệm vụ, khai thác nhân dân Việt Nam đấu tranh cướp chính quyền, với sách lược “đoàn kết công nhân, nông dân” (xảo ngữ), đúng với ngôn ngữ cách mạng. Mục đích cướp nước Việt Nam để hòa tan vào nước Trung Hoa, cuối cùng thành lập nhà nước của người Trung Hoa hải ngoại, điểm cao nhất tập hợp thống nhất phong trào cách mạng thế giới, đặc biệt là các quốc gia thuộc địa thiết lập chính quyền Xô Viết, định hướng thế kỷ 20 chủ nghĩa Marx lan toả. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị thành lập Hiệp hội Myanmar (缅) (Deqin Party) sẽ trở thành trung tâm tuyên truyền chủ nghĩa Mác, đây là “vũ khí Marx đáng tin cậy nhất, bất cứ những ai khác quang [sic] điểm, và chống lại chủ nghĩa nhất định chúng tôi tiêu diệt” ”. (Huỳnh Tâm. Danlambao. Paris: 19.10.2017, Kỳ 1 và 21.10.2017, Kỳ 2).

Sau cùng, theo kinh nghiệm thường nghiệm, ai cũng biết là ước vọng cuối cùng của người sắp chết là điều trung thực nhất của lòng mình. Ước vọng sau cùng của Hồ Chí Minh trước khi chết vì bệnh tim, ngày 2 tháng 9 năm 1969 là được nghe một bài hát Tàu.  Bài báo “Ba lần Bác cười trước lúc Đi xa” được đăng trên trang mạng qdnd.vn của nhà nước [Việt Nam] vào ngày 25/01/2010, do Nguyễn Hòa dịch lại từ bài viết của Vương Tinh Minh, y tá trưởng Bệnh viện Bắc Kinh, thành viên Tổ bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam chữa bệnh cho “Bác” Hồ, vào tháng 8 năm1969, có đoạn: “Chiều hôm đó sức khỏe của Bác đã có chuyển biến tốt lên một chút, Bác nói muốn nghe một câu hát Trung Quốc. Các đồng chí đề nghị tôi hát. Tôi nói thật là hát cũng không tốt lắm, nhưng để vui lòng Bác, vì tình hữu nghị Trung-Việt, tôi đã hát một bài hát mà nhiều người thuộc và hát được, bài hát có nội dung chính là ra khơi xa phải vững tay chèo.” (qdnh.vn. 25.01.2010. “Ba lần Bác cười trước lúc Đi xa”).

Tóm lại, dựa trên bệnh lý, lộ trình đến Mạc Tư Khoa, diện mạo, cách trang phục, tình cảm đối với gia đình, tình yêu, khả năng ngôn ngữ Việt và Hán của hai người và những dữ kiện lịch sử khác nữa, người ta thấy có quá nhiều bằng chứng khẳng định Nguyễn Ái Quốc đã chết vào năm 1932 hay 1933, và Hồ Chí Minh từ 1934 trở đi là một người Tàu tên là Hồ Tập chương, đã được Nga huấn luyện để thay thế Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản qua trung gian Trung cộng điều khiển Đảng Cộng sản Đông dương để xâm chiếm Việt Nam và sát nhập nước Việt Nam vào với Trung cộng. “Năm 1933, Hồ Tập Chương (với bí danh P.C. Lin) bị gọi về Mạc Tư Khoa vì bị nghi ngờ là theo Lý Lập Tam.  P.C. Lin “chịu sự điều tra của tổ 3 người gồm Dmitry Manuilsky, Vera Vasilieva và trùm đặc vụ Trung Quốc Khang Sinh” và bị Khang Sinh đề nghị tử hình. Tuy nhiên P. C. Lin đã được Vera Vasilieva bảo trợ, vì thấy Hồ Tập Chương (P.C. Lin) có diện mạo khá giống Nguyễn Ái Quốc, cũng như có quá khứ tương tự, lại đã từng hoạt động chung nên đề nghị muốn [sic] “biến” ông này thành Nguyễn Ái Quốc, người đã bị chết vì bệnh lao năm 1932. Quốc Tế Cộng Sản đảng đồng ý, Hồ Tập Chương sau 5 năm huấn luyện đã biến thành Nguyễn Ái Quốc với bí danh Hồ Quang và Hồ Chí Minh sau này.” (Trần Việt Bắc. Hồ Chí Minh: “Đồng Chí Nguyễn Ái Quốc và Tôi”, 10/2013 ). Hồ Quang chính là bí danh của Hồ Chí Minh từ năm 1939 đến 1942, sau khi từ Mạc Tư Khoa về Trung Quốc. “Bí danh của Hồ Chí Minh ở Liên Xô là P.C. Lin (Lin là phiên âm của chữ “Lâm”, cũng là họ bên vợ của Hồ Tập Chương tại Đài Loan, Lâm Quế muội [sic]. “P.C” thì không rõ có dụng ý gì, nhưng chữ “Quang” trong “Hồ Quang” thì chính là tên người con trai duy nhất của ông [Hồ Tập Chương] ở Đài Loan, Hồ Thự Quang.” (Phạm quang Chiểu. “Tàu Cộng công bố Hồ Chí Minh chính là Thiếu Tá Hồ Quang thuộc quân đội Nhân Dân Tàu Cộng!”).

Dĩ nhiên kết luận Nguyễn Ái Quốc có thực sự đã chết vào năm 1932 hay 1933 hay không và Hồ Chí Minh có phải là một người Tàu tên là Hồ Tập Chương đóng vai trò của Nguyễn Ái Quốc hay không phải là kết quả của sự thẩm định giá trị những tài liệu lịch sử và của sự đắn đo suy nghĩ cẩn trọng của mỗi độc giả. Và cũng dĩ nhiên là kết luận này có một tầm ảnh hưởng sâu rộng – trên phương diện hoạt động chính trị — đến vận mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tiền đồ của dân tộc và của đất nước Việt Nam thân yêu.

Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D.


TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bản phóng ảnh Báo l’ Humanité ngày thứ Ba, Mồng 9, Tháng 8, năm 1932.

Báo L’Humanité (Nhân đạo) năm thứ 29, số 12292, thứ ba 09/08/1932. Trần Thị Hải Ý (Danlambao) dịch.

Bút Sử. “Tại sao có tin Hồ Chí Minh Chết nằm 1932?”

http://hon-viet.co.uk/ButSu_TaiSaoCoTinNguyenAiQuocChetNam1932.htm

8/2015

Danlambao. “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và “tôi””: Tài liệu đảng CS xác nhận HCM và NAQ là hai người khác nhau và NAQ đã chết vào năm 1932.

Duiker, William J. Ho Chi Minh. New York: Hyperion, 2000.

Hồ Tuấn Hùng. Hồ Chí Minh Bình Sinh Khảo. Thái Văn dịch. 11 tháng 01, 2013.

http://viteuu.blogspot.com/2013/06/ho-chi-minh-sinh-binh-khao-cua-ho-tuan.html

Huỳnh Tâm. “Hu Zhiming, tên ma đầu đại bịp”. (15 kỳ)

http://danlambaovn.blogspot.com/2017/11/hu-zhiming-ten-ma-au-ai-bip-ky-1.html

Lacouture, Jean. Ho Chi Minh: A Political Biography. Trans. Peter Wiles. New York: Random House, 1968.

Lê Bá Vận. “Tản Mạn về Ngày 2/9 và Hồ Chí Minh”. http://www.ykhoahuehaingoai.com

Lê Nguyên. “Sự nghiệp tình ái của Hồ Chí Minh”. Danlambao, ngày 26 tháng 12, 2016.

https://www.facebook.com/danlambaovn/posts/971878522867466:0

Mark Bowde. Huế 1968: A Turning Point of the American War in Vietnam. New York: Atlantic Monthly Press, June 2017.

Nguyên Thạch. “Về Hồ Chí Minh”

Paul Draken. “Nhật ký Paul Draken- Ghi chép về Nguyễn Ái Quốc”. YAO Publisher, 2000?

Phạm Quang Chiểu. “KẺ CƯỚP DANH XƯNG NGUYỄN ÁI QUỐC VÀ HỒ CHÍ MINH”. Ngày 9 tháng 11, 2018.

Phạm Quang Chiểu.  “Tàu Cọng công bố Hồ Chí Minh chính là Thiếu Tá Hồ Quang thuộc quân đội Nhân Dân Tàu Cọng!”

Phạm Quế Dương. “Đề Nghị Làm Sáng Tỏ  Vụ Việc: Chủ Tịch Hồ Chí Minh Là Người Việt Nam hay Đài Loan”.

Tinh Vệ (Diệu Tần). “Lật Tẩy “Nhật Ký Trong Tù”” (Nguyên Tác: Huyễn Thoại hay Huyền Thoại): Hội Văn Hoá Việt phỏng vấn GS. Lê Hữu Mục. http://giaocam.saigonline.com

Thiên Ðức. “Vụ Án Buôn Vua việt Nam Hồ Chí Minh”. Đối Thoại (tháng 2 năm 2009): www.doithoaionline.com

Trần Đỉnh. Đèn Cù. Hoa Kỳ: Người Việt Books, 2014.

Trần Việt Bắc. Hồ Chí Minh: “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi”

danlambaovn.blogspot.com 10/2013 

Vũ Đông Hà. “Hồ Chí Minh/Hồ Tập Chương – “cha già” Việt hay Tàu?”

danlambaovn.blogspot.com 08.09.2018

Vy Thanh. Hồ Chí Minh Cứu Nước. https://app.luminpdf.com/viewer/Mx9sXAw6dzn6bfekb

Facebooktwitterpinterestlinkedinmail

Sáng Lập Đảng

Nguyễn Thái Học người Sáng Lập Việt Nam Quốc Dân Đảng

Tìm Bài Theo Tháng

Tự Điển Hỏi Ngã Tiếng Việt